08 mars 2020

Chống “dịch nước bọt” không thể bằng nước bọt

Danh Đức
Chống “dịch nước bọt” không thể bằng nước bọt
Danh Đức
(TBKTSG) - Những biện pháp chống dịch Covid-19 quyết liệt như đã thấy ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) hay gần đây là việc quyết định mở những khu cách ly ở một số cửa ngõ khu vực và thành phố, hoặc việc điều hướng các chuyến bay đến từ các nước có dịch đến ba sân bay được chỉ định nhằm cách ly những mầm mống dịch bệnh... là rất cần thiết và có ý nghĩa. Song, chừng đó mới chỉ là cần chớ chưa đủ, như ý nghĩa của định đề “cần và đủ”.
Rửa tay trước khi lên máy bay. Ảnh: Bamboo Airways


Thiết tưởng, cần mở rộng trong chiều sâu và chi tiết những chương trình giáo dục về dịch bệnh này cho cả xã hội, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, đặc biệt về cách lây lan và nhất là cách phòng ngừa lây lan, sao cho mọi người đều có thể nắm được sự hiểu biết về những gì được làm và không được làm trong đời sống hàng ngày. Gọi là giáo dục chớ không phải là tuyên truyền do lẽ từ rất lâu rồi khoa học truyền thông đã thôi sử dụng chữ tuyên truyền mà thay bằng chữ giáo dục, cho giảm tính nhồi nhét buộc phải tin và tin chỉ có chừng đó.
Trên trang web của Bộ Y tế, trang “Thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19” từ mấy tuần qua đã đăng tải nhiều thông tin-giáo dục đúng bài bản truyền thông là “show don’t tell” (chỉ cách làm không nói suông)(1), giống với cách thức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành trang chủ của mình cho chuyên đề “Bộc phát dịch Coronavirus” (Coronavirus disease outbreak) để loan tin cùng đăng tải các khuyến cáo, chỉ dẫn cần thiết. Báo chí cũng đã thêm những chỉ dẫn phòng chống bên cạnh những tin bài về mức độ nghiêm trọng. Cách làm “show don’t tell” này cũng có thể được ghi nhận qua thực tế mới: trong cuộc chiến chống dịch này, phương tiện chủ yếu là các trang thông tin về dịch bệnh chính quy như đã nêu mà không là những rừng băng rôn - cờ phướn khẩu hiệu.
Thế nhưng, liệu sự hiểu biết về cách lây lan dịch này cũng như các việc được làm/không được làm đã đến với mọi người chưa, đó lại là một câu hỏi mà câu trả lời trong thời gian thực lại mang tính sinh tử. Có thể lấy ví dụ chuyện một cô gái từ một xứ có dịch về nước, “động não” để lọt lưới cách ly và hãnh diện khoe lên mạng. Ngay sau vụ cô gái đó, đã có một thanh niên cũng lên mạng khoe một “thành tích” tương tự. Sẽ còn bao nhiêu vụ như vậy? Đó chỉ là phần nổi của tảng băng “muốn trốn lọt cách ly”, có thể không ít người, vì lý do này hay lý do khác, không nói mà lẳng lặng làm.
Hoặc chuyện cầu thủ một đội bóng xuống phố phát khẩu trang, phát bằng tay trần. Sẽ còn có bao nhiêu chuyện như thế? Rõ ràng sự hiểu biết đang cần được củng cố từ những điều cơ bản cho đến những hiểu biết sâu rộng, như có thể thấy qua cuốn phim “Contagion” của đạo diễn Steven Soderbergh. Ít nhất phim cũng đã cho thấy rằng hiểu biết về sự lây lan của các con virus này nơi từng người, từ một bác sĩ chuyên gia hàng đầu của CDC - Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ, tới những người ngoài ngành (một phụ nữ, một trẻ em...), đều có thể “hớ hênh”.
Từ câu chuyện phim trên, trong đó có chi tiết về một học sinh vô tình bị lây lan, có thể đặt câu hỏi: xã hội, trong đó có hàng chục triệu học sinh, sinh viên và cả các thầy cô, nhân viên nhà trường đã hiểu biết tối thiểu về sự lây lan, cách để cho bị lây nhiễm hay cách phòng chống hay chưa? Lấy thí dụ, cả tháng qua, khi các trường đóng cửa hết, chẳng ai ra vô, nay tiêu độc trường lớp để đón các học sinh trở lại trường là cần thiết hay là chỉ nghĩ tới một quy trình? Vì khi virus nếu có trên một số học sinh hay thầy cô thì mới có dịp lây lan, chớ cả tháng qua đóng cửa thì làm sao có! Phòng chống lây lan là từ sau khi mở cửa trường lại, trên diện rộng, chớ không chỉ mỗi ngày tái tựu trường.
Cũng thế, cả tháng qua, đã có ai kiểm tra xem các chung cư, nay tập trung hàng triệu người trong những cụm nhà như thế, đã và đang phòng chống như thế nào? Có nơi chỉ để chai nước rửa tay trong các thang máy, kêu gọi đeo khẩu trang, có nơi nhân viên bảo vệ đo thân nhiệt... Nhưng có ai kiểm tra hay ra lệnh “kiểm tra dân số” các chung cư chưa, khi mà có những chung cư đang đông đảo kiều dân một số nước có dịch? Quy trình bắt buộc đối với các nhà chung cư như thế nào trong giai đoạn tới khi đây là những nơi có thể biến thành các ổ dịch lớn do tính khép kín?
Còn nhiều chuyện phải làm để phòng chống, bắt đầu là làm sao bình thường hóa việc cung cấp khẩu trang và nước rửa tay, đưa giá cả về mức bình thường. Để kéo dài tình trạng này thì sẽ còn các màn thu gom khẩu trang để “sang tay” như một giám đốc bệnh viện quận vừa bị phát hiện. Điều đó tước đi cơ hội của người dân có được những trang bị tối thiểu để phòng chống cơn dịch mà một trong những đường lây lan rất dễ dàng là bị dính tia nước bọt từ người nhiễm bệnh. Chống dịch sẽ còn trường kỳ và lắm chông gai, thành ra, không thể chống bằng nước bọt được.
Thứ Sáu,  6/3/2020, 20:18
https://www.thesaigontimes.vn/300783/chong-dich-nuoc-bot-khong-the-bang-nuoc-bot.html