30 mars 2020

Làm cách mạng và làm chính trị


Nguyễn Đình Cống


Có nhiều loại cách mạng, về khoa học kỹ thuật, về văn hóa tư tưởng, về  chế độ chính trị.v.v… Bài này chỉ đề cập đến cách mạng về chế độ chính trị. Làm cách mạng loại này gồm hai phần, xóa bỏ chế độ cũ và thay bằng chế độ mới. Có ý cho rằng chế độ mới tiến bộ hơn, nhưng vài cuộc thay đổi chế độ bằng bạo lực được gọi là cách mạng không chứng tỏ điều đó. Làm chính trị là hoạt động nhằm tổ chức, sử dụng quyền lực nhà nước, là hoạt động giao tiếp cao nhất giữa các con người trong xã hội. Làm chính trị có thể là phần sau của cách mạng bạo lực lật đổ chế độ, nhưng chủ yếu là diễn ra trong hòa bình, thông qua việc đề ra đường lối quản trị xã hôi, vận động sự ủng hộ, ứng cử, tranh cử để nắm chính quyền. 


Cách mạng và chính trị liên quan đến đảng phái.  Đảng cách mạng, giai đoạn đầu, phá bỏ chế độ cũ, cần những người phá. Phá được rồi, cần người xây. Tùy thuộc vào phẩm chất và sự chỉ đạo của các chóp bu mà  đảng sẽ theo một trong hai con đường : 1- Củng cố thành một đảng thống trị, dựng lên chế độ độc tài. 2- Đổi mới thành một  đảng chính trị cầm quyền, xây dựng chế độ dân chủ.


Trong thời quân chủ, nếu xem các thế lực dùng vũ lực đánh nhau để  giành vương quyền là gần giống với làm cách mạng  phá bỏ chế độ cũ, còn việc trị nước an dân gần giống với xây dựng chế độ mới thì những vị vua anh minh thường tách  người đánh giặc  và người trị nước  làm hai loại khác nhau. 
Giành chính quyền dùng võ, giữ chính quyền dùng văn.  Sau khi giành được chính quyền, yên vị, vua  cấp bổng lộc cho các tướng tá có công và không cho họ tham gia vào chính sự, đồng thời mở khoa thi kén chọn hiền  tài quản trị đất nước. 
Làm được như vậy sẽ có dân yên, nước thịnh. Nếu vua, thay vì việc làm như trên đối với tướng tá có công, mà lại dùng họ làm việc của quan văn thì phần nhiều tạo ra rối ren. Các tướng tá làm quan thường cậy có thành tích chiến trận mà kiêu ngạo, mà ức hiếp dân, mà lo vơ vét tài sản để làm giàu, để hưởng thụ. Họ liên kết với nhau, bao che cho nhau  để đội trên đạp dưới, để tham nhũng. Họ đem những mưu mô, những chiến thuật và kỹ năng trong chiến tranh vào việc cai trị dân mà không biết rằng hai loại công việc này tuân theo những quy luật  rất khác nhau. 
Trong chiến tranh có thể và cần dùng mưu mô, dối trá, lừa đảo, uy quyền, ra lệnh. Còn trong quản lý xã hội rất cần trung thực, minh bạch, công khai, dân chủ.  Vua và dân đều biết bọn công thần phá hoại đất nước, nhưng phần lớn không làm gì được vì chúng có quan hệ chằng chịt và có thế lực. Chỉ có vài tên thất thế sa cơ, không cùng nhóm lợi ích mới bị trừng trị. Dân kém hiểu biết, thấy vài tên  bị phạt đã vội mừng, vội ca ngợi công đức cấp trên.


Cũng có người đánh giặc giỏi và quản lý xã hội cũng tài,  nhưng rất hiếm. Cũng thường có quan văn rất giỏi binh thư, vẫn được vua cử cầm quân đánh giặc. Nguyễn Công Trứ là một điển hình như vậy.


Trong một số nước dân chủ chức Bộ trưởng Quốc phòng chủ yếu được giao cho quan chức dân sự (quan văn) mà không phải là tướng quân đội. Mc Namara, Bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ giai đoạn 1961-1969, một thời nổi tiếng,  là  người như vậy. 
Bộ trưởng Quốc phòng của nhiều nước có lúc là  nữ chính khách, không phải tướng tá.  Xin kể một số nước đã có Nữ Bộ trưởng Quốc phòng : Anh ( Penny Mordaun); Anbania ( Mimi Kodheli), Pháp (các bà Sylvie Goulard;  Jean Ives Le Drian; Aliot Marie, Florence Parly), Đức (Ursula Von de Leyen), Hà Lan (Jeanine Hennis), Séc (Vlasta Parkanova), Tây Ban Nha (các bà Margarita Robles; Maria Dolores), Nhật (Unto Koike), Ấn Độ (Nirmala Sitharaman), Australia.(Mrise Payne), Italia (Roberta Pinotti), Macedona (Radmila Sekerinska).


Đảng chính tri (chính đảng) là tổ chức của những người có cùng chính kiến, họ tập hợp lại để hoạt động vì một vài mục đích chính trị, xã hội nào đó. Chỉ những chính đảng mạnh mới có nhu cầu nắm chính quyền. Mà để có chính quyền họ  không được dùng bạo lực mà chủ yếu bằng tuyên truyền, vận động  cử tri ủng hộ. Thắng trong bầu cử họ trở thành chính đảng cầm quyền, thất bại họ trở thành chính đảng đối lập. 
Trong chế độ dân chủ chính đảng cầm quyền có thể tồn tại lâu dài khi họ đáp ứng được nguyện vọng cử tri. Khi  phạm sai lầm họ bị đối lập đánh đổ thông qua bầu cử.

Từ một đảng cách mạng có thể trở thành chính đảng hoặc đảng thống trị, độc quyền, chủ trương độc tài đảng trị. Đảng thống trị rất sợ bị lật đổ vì vậy họ rất cần sự trung thành của  cán bộ, của đảng viên và của mọi người dân. Họ cần sự trung thành hơn  cả năng lực. Vì thế họ dùng rất nhiều  những người có thành tích trong quá khứ, có nhiều quyền lợi gắn với họ, hy vọng ở sự trung thành. Bọn người này rất kém trong quản trị xã hội, tạo ra nhiều sai lầm và tội ác, không được tín nhiệm của dân nên luôn lo lắng bị dân chống đối và vạch măt, họ nhìn đâu cũng thấy thế lực thù địch, họ xem đại đa số nhân dân là kẻ thù, họ rất thích dùng các thủ đoạn gian dối  trong chiến tranh, những kinh nghiệm chiến đấu  để cai trị dân. Ở cương vị thấp họ  trở thành kẻ áp bức bóc lột dân, ở cương vị cao họ trở thành những tên tội phạm tham nhũng, đàn áp.


Với ĐCSVN đó là những tên như Lê Thanh Hải,  Hồ Xuân Mãn, Võ Kim Cự, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng và rất nhiều tướng tá của quân đội, của công an . Trường hợp Lê Thanh Hải, Trần Xuân Mãn là những điển hình tiêu biểu. Chúng chỉ là những tên lưu manh, có một ít thành tích trong chiến trận, nhờ mưu mô, thủ đoạn mà trở thành ủy viên Bộ Chính trị, UV BCH TƯ đảng, bí thư Thành ủy, tỉnh ủy. Những tên lưu manh leo lên được những chức vụ cao trong ĐCS là nhờ vào lời thề trung thành của chúng (mà bọn lưu manh thực ra chẳng trung thành với ai cả), nhờ vào sự độc quyền đảng trị cần đến loại người như chúng. Có điều lạ là những tên lưu manh bị vạch mặt trong Bộ Chính trị, trong Ban CHTW thường được  thi hành kỷ luật bằng cách tước bỏ chức vụ cũ và không thấy nêu ra những ai chịu trách nhiệm trong việc đề cử và chấp nhận cho chúng giữ chức vụ quan trọng. 
 

Đảng thống trị cũng tổ chức đào tạo cán bộ  mới để phục vụ họ, gọi là tầng lớp trí thức mới của đảng. Tiêu chuẩn số một để chọn lựa và nội dung chính trong đào tạo là sự trung thành. Tiêu chuẩn này đã gạt bỏ nhiều người tài năng và trung thực, thu hút bọn cơ hội, kém trí tuệ nhưng nhiều mưu mô.


Người Việt Nam, từ dân thường đến lãnh đạo cao cấp, đa số  cho rằng người làm cách mạng phá bỏ đương nhiên sẽ làm chính trị tiếp theo. Trong việc đào tạo con người thì chủ trương đào tạo chiến sĩ cách mạng  cho đời sau là nhiệm vụ quan trọng. Đây là một nhầm lẫn  lớn, dẫn đến những tác hại nghiêm trọng trong quản trị xã hội.


ĐCSVN tự xưng là đảng lãnh đạo, đồng thời là đảng cầm quyền. Đây là một sự lừa bịp hoặc  nhầm lẫn lớn. Vai trò thật của họ hiện nay là đảng thống trị. Giữa đảng chính trị cầm quyền và đảng thống trị có những điểm khác cơ bản sau :


Đảng chính trị cầm quyền : Cần có đảng đối lập, cần có sự ủng hộ của quần chúng, không đồng nhất đảng với quốc gia, tài chính của đảng cơ bản do đảng viên đóng góp hoặc ủng hộ, chủ yếu không lấy từ ngân sách nhà nước.


Đảng thống trị : Thủ tiêu toàn bộ lực lượng đối lập, cần sự khuất phục của quần chúng, không những đồng nhất đảng với nhà nước mà còn đặt đảng cao hơn, Tài chính của đảng chủ yếu lấy từ ngân sách nhà nước.


Quần chúng có hai tầng lớp : bình dân và trung lưu trở lên, trong đó có tầng lớp tinh hoa. Họ có những quyền lợi chung và một số quyền lợi riêng khác nhau. Bình dân mong muốn được yên ổn làm ăn, họ thường im lặng chịu đựng, bình thường không quan tâm đến nhân quyền và dân chủ,  cho đến khi bị áp bức không thể chịu, bị oan ức phải lên tiếng. Tinh hoa có nhu cầu cao về tự do dân chủ, về nhân quyền, về sự phản biện. 


Đảng chính trị cần tranh thủ cả hai, nhưng nhiều khi họ thắng lợi nhờ sự ủng hộ của một phía vượt trội hơn. 
Đảng thống trị muốn khuất phục cả hai. Với bình dân, ngoài thủ đoạn làm cho sợ, kẻ thống trị dùng  biện pháp lừa dối, mua chuộc, làm ngu dân. Với tinh hoa, khi không mua chuộc được để biến thành tay sai, họ khủng bố, hủy  diệt.


Hiện nay ĐCSVN gấp rút chuẩn bị ĐH 13. Một vấn đề quan trọng là nhân sự. Cách làm của họ là dựa vào Quy hoạch cán bộ, dựa vào  các Ban Tổ chức, các Ban chuẩn bị  nhân sự cùng những quy định về chống chạy chức chạy quyền. Họ nói là tập trung dân chủ, nhưng thực chất là tập trung quyền lực. Văn bản và cách làm được họ tự đánh giá, tự ca ngợi là  “chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, thận trọng”. Họ ra sức tuyên truyền rằng điều này thể hiện sự sáng suốt và kiên trì đường lối của lãnh đạo. Mới xem qua, nghe qua nhiều người bị nhầm, tưởng là như vậy thật. Nhưng xem kỹ, phân tích kỹ thì không phải, mà ngược lại.


Có một điều cũng rất đáng đề cập là trong nhiều năm ĐCSVN đã gửi nhiều cán bộ để Trung cộng đào tạo. Trong những người này có bao nhiêu phần trăm đã bị mua chuộc, đã bị khống chế để làm tay sai cho Trung cộng, làm mật vụ cho tình báo Hoa Nam. Họ làm cách mạng, làm chính trị hay làm nội gián.


Tôi đã nhiều lần nhận xét rằng quy hoạch, tiêu chuẩn, cách làm của ĐCSVN về cán bộ có những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Cứ theo phương pháp như thế không cách gì tìm được, không thể nào dùng được những người làm chính trị lỗi lạc, những trí thức tinh hoa, mà phần lớn chỉ chọn được những kẻ như Lê Thanh Hải, Hồ Xuân Mãn, những kẻ cơ hội kém trí tuệ mà có lắm mưu mô, lại được gán cho cái nhãn là thành phần trung kiên của cách mạng. Những  Lê Thanh Hải, Hồ Xuân Mãn, Võ Kim Cự và hàng trăm tên khác vì quá ngu, quá tham, quá đểu, vì thất thế sa cơ mà bị vạch mặt chỉ tên. Còn biết bao nhiêu tên khác còn lẫn tránh được.


Liệu bây giờ ĐCSVN có cần làm cách mạng nữa không hay là phải làm chính trị. Làm cách mạng gì mà kéo dài nhiều chục năm rồi mà vẫn còn tiếp tục. Ngoài miệng lãnh đạo ĐCS nói cần tìm cán bộ làm cách mạng giỏi, làm chính trị giỏi, nhưng thực chất họ chỉ tìm loại người biết thống trị, chỉ cần trung thành làm theo lệnh của họ mà thôi. Để chờ xem, ĐH 13 chắc chắn sẽ tìm ra được những người như thế.