Bí thư Tỉnh ủy Lê
Viết Chữ (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng (phải)
|
Bí thư và Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi xin từ chức sau khi bị Bộ Chính trị
quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Truyền thông trong nước cho hay đơn thôi "giữ các chức vụ đương
nhiệm" của Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã gửi tới Bộ Chính trị và Ban Bí
thư và "đang được xem xét".
Ông Chữ là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu
Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi.
Cùng lúc Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng gửi đơn xin
"nghỉ hưu trước tuổi".
Động thái này diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị để xem xét, thi hành kỷ luật ông
Lê Viết Chữ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị đã kết luận ông Chữ vi phạm quy
chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Các vi phạm này được mô tả là về chủ trương đầu tư một số dự án lớn từ
nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, cho thuê đất và giao đất cho doanh nghiệp
không qua đấu giá quyền sử dụng đất, và có khuyết điểm trong việc cho chủ
trương cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác,
học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn.
Bộ Chính trị ngày 16/6 đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng
hình thức "cảnh cáo" cho những vi phạm, khuyết điểm được mô tả là
nghiêm trọng.
Được biết một số các sai phạm khác của ông liên quan tới chủ trương tăng
vốn điều lệ, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, và trực tiếp chỉ đạo giải
quyết các kiến nghị của doanh nghiệp không đúng thẩm quyền của hệ thống tổ chức
đảng.
Vào ngày 5/6 Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã bị Ủy ban Kiểm
tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì có "nhiều vi
phạm và khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác
quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán
bộ".
Bản quyền hình ảnh quangngai.gov.vn Image caption Chủ tịch UBND tỉnh
Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng
Báo Thanh Niên dẫn lời một cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói rằng chưa bao
giờ trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh này lại có trường hợp cả Bí thư lẫn Chủ tịch
UBND tỉnh bị kỷ luật cùng thời điểm, cùng nội dung như nhau, sai phạm giống
nhau.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi không nêu tên cho hay
việc ông Chữ và ông Căng xin thôi giữ chức vụ xuất phát từ "nguyện vọng cá
nhân", nhằm tạo điều kiện để "kiện toàn công tác nhân sự" cho
đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 - 2025 dự kiến tổ chức vào tháng
10.
Phóng viên báo này cho biết đã nhiều lần điện thoại cho cả hai ông Chữ và
Căng để tìm hiểu rõ hơn về việc xin thôi chức nhưng cả hai ông không nghe máy.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tháng Tư có bài viết nhấn mạnh về điều
ông gọi là "những biểu hiện đáng lo ngại" về "tình hình tư tưởng
trong Đảng và tâm trạng trong nhân dân" theo đó "tham nhũng, tiêu cực
trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn,
đẩy lùi".
"Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu
gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực... vướng vào tham nhũng, lãng phí,
tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố
ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả
nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật,' ông Trọng viết
trong bài 'Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác
chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng'.
Ông Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam,
cho rằng "để những người đó [không đủ tiêu chuẩn] lọt được vào cương vị
lãnh đạo là tai hoạ cho Đảng, là tạo điều kiện cho họ càng hại nước, hại dân
nhiều hơn".