Thiện Tùng
Trời đứng gió, cơn mưa đầu mùa rưới lên mọi vật ủ nóng do nắng nung bao ngày, hơi nóng bốc ra có mùi khen khét khó thở, tôi dẫn xe mô-tô ra, thả rong cho đỡ ngột ngạt.
Đảo một vòng, tôi
dừng xe trước nhà ông Tư Đảnh, cựu thủy thủ bắc Rạch Miễu. Biết tôi thả rong xả
nực, nhợn nóng không vô nhà, ông Đảnh từ trong vói ra:
- Chờ tôi mặc áo,
cùng đến chỗ chơi lý tưởng.
Ngồi sau, ôm eo
tôi, ông Đảnh nói như lịnh:
Thẳng xuống và
dựng xe ở cầu phao, trời chạng vạng tối, trước mặt chúng tôi về hướng Nam, bên
kia sông, là cù lao Thới Sơn, một địa danh lý tưởng cho khách thập phương nhàn
du, đèn điện đang thi nhau ứng lên xuyên qua kẽ lá. Nhìn về hướng Đông xa thẳm,
gió biển rắc riu từ Cửa Tiểu, Cửa Đại len vào, làm dịu đi phần nào nóng bức.
Nhộn nhịp hơn hẳn, cách chừng 500 thước về hướng Tây, cầu Rạch Miễu vòi vọi, xe
nối đuôi qua lại, ngất lên chúi xuống không ngớt. Đèn cầu, đèn xe thi nhau nhả
sáng, chẳng những thấy rõ dáng vóc cây cầu mà thấy cả hệ thống dây chằng như
đang tóm lưng cây cầu khổng lồ - dài nhất ở Nam bộ, treo lên giữa không trung.
Sự nhộn nhịp ở cầu tương phản sự ảm đạm ở bến bắc.
Những chiếc bắc
BT.100 và Việt Đan 40 “trẻ khỏe” đã đi đâu hết rồi. Nơi đây chỉ còn chiếc bắc
“già ghẻ chóc” đậu ép sát mé bờ, mõm gác lên cầu phao. Bên trong chiếc bắc có
bóng người đang làm gì đó bên đèn dầu leo lét. Ông Đảnh men lại gần, nhìn vào,
hỏi to:
- Hai Thế đó phải
không ?
- Chớ còn ai. Tư
Đảnh hả, đi với ai vậy ? - ông Thế hỏi lại.
- Là trẫm. Đi với
anh Sáu Tùng, người bạn quen. Ru rú trong đó làm gì, ra ngoài hoặc lên mui chơi
cho mát?
- Được rồi, hai
ông lên mui trước, tôi đem trà nước lên sau.
Khi an vị, Đảnh
hỏi Thế:
- Đi đâu hết rồi,
chỉ còn “nhứt nhơn một mã”?
- Người và phương
tiện còn sức cung phụng chia ra đến những nơi người ta còn cần như: bắc Cổ
Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Tân Châu… Là thợ, từ lâu tôi chuyên chữa trị những
chiếc bắc “trái gió trở trời”. Tôi đã được xếp nghỉ hưu, đang tạm thời núm níu
mụ già cũng hết “đát” nầy. Khi xử lý mụ xong cũng là lúc tôi được “giải phóng”.
Mụ nằm chình ình một đống không cựa quậy, giữ mụ dễ hơn giữ người, coi như thời
gian nầy tôi ngồi chơi xơi nước.
Tôi dõi mắt nhìn
theo người đang thẳng xuống cầu phao, dừng lại, đảo mắt nhìn bâng quơ rồi tự
tiện bước sang mũi bắc. Ông Thế chỉ nhìn lướt qua rồi khẳng định:
- Thằng Hiền tội
nghiệp ấy đà, nó đồng nghiệp với tôi và ông Đảnh đây. Nó đến hủ hỉ với tôi chơi
chớ chắc chẳng có chuyện gì đâu. Không có tôi ở dưới, nó sẽ lên đây. Ông Tư còn
nhớ nó không?
- Phải Từ văn
Hiền ở hẻm Chuồng Chó đó không?
- Chớ còn ai nữa.
Đúng vậy, Hiền
xuất hiện ở cầu thang rồi thẳng lên chỗ chúng tôi, cùng ngồi, Trông Hiền có vẻ
mệt mỏi. Nhìn Hiền, ông Đảnh khượi chuyện:
- Nói hết nghe
coi, khó khổ thế nào mà như tàn quân, thấy mặt hết muốn nhậu?
Dường như gặp
dịp, Hiền tuôn ra bao nỗi niềm cho vơi:
- Như anh biết,
30/4/1975, tôi đã là một chiến sĩ tử tế, người ta động viên tôi: “Bắc là cầu
nối huyết mạch, chọn mặt gởi vàng, phải gương mẫu…”. Tôi đâu đã chịu, các
cha đè đầu quyết, buộc tôi phải chấp hành. Thế rồi, 31 năm, qua bao đời thủ
trưởng, tôi làm việc ở bắc nầy đến giải thể khi có cầu. Người ta cho tôi nghỉ
hưu hơi non, lương tháng 2.670.000 đồng – Thật mắc cỡ khi gặp những người bạn
cùng thời đang ở Quân đội hoặc Công an, nay họ đều là tá, lương 7 đến 8 triệu
tháng. Rời bắc, nỗi buồn còn ê ẩm, đụng ngay lịnh giải tỏa nhà. Chưa nói giá và
chưa đền bù mà các cha cứ hối thúc “tự kiếm chỗ dời nhà” – đúng là đá còn đạp!
Nhìn nhà ông cha để lại với lũ con cháu nheo nhóc, tôi ăn không ngon, ngủ không
yên. Dù nhà đá nhà đạp, nhưng đã “quen nước quen cái”, phải rời nó sao cảm thấy
xót xa! Cảnh tình nhà tôi cố lắm chỉ đủ ăn để sống, lấy đâu ra tiền mua đất cất
nhà?! Lịnh đã ban nhưng còn treo. Đã là lịnh trên ban, dầu muốn dầu không cũng
phải di đi. Theo luật đất đai sau 1975, mình chỉ có quyền sở hữu nhà chớ đất
đai thuộc sở hữu Nhà nước – coi như mình ở đậu. Cầm giấy giới thiệu của chính
quyền sở tại, tôi đến ngân hàng òn ỉ vay được 200 triệu đồng, đâu dám vay
nhiều, biết người ta đền bù được bao nhiêu khi nhà mình như ổ chuột. Tôi đã vào
sâu trong vườn xã Trung An mua được 60 m2 đất, sẽ cất cái nhà trệt để khi người
ta hô mình có chỗ
chạy . Khổ là cho đến nay vẫn còn “treo” chưa đền bù, tôi phải đóng lãi
tiền mình đã vay chưa biết đến khi nào, nếu không ngân hàng “lôi đầu” chớ bộ chơi ! Đành vậy, “Trời kêu
ai nấy dạ”. Tiếc thật, chỗ tôi đang ở, trước 30/4/1975, chế độ cũ làm cái
chuồng lớn, bắt chó thả rong về nhốt ở đó, thành danh “ Hẻm Chuồng Chó”. Nó nằm
trong nội ô TP Mỹ Tho, ở đầu hồ nước lớn, đầu hẻm giáp đường Lê thị Hồng Gấm,
cuối hẻm trổ ra sông cái, cách nhà Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu khoảng 300 thước
đường chim bay (1). Được biết, người ta giải tỏa
để làm bờ kè dọc theo sông, nối từ Vườn Hoa Lạc Hồng đến tận cầu Rạch Miễu,
trên đất liền xây cao ốc để tôn vinh đô thị. Khu mấy chục mẫu (ha) đất dọc theo
bờ kè trở thành khu đắt địa nhất TP Mỹ Tho, khu vực nhà Tổng Thống Thiệu ở sâu
trong làm sao sánh. Hẻm Chuồng Chó, với khu nhà ổ chuột rồi đây sẽ thành khu ăn
chơi, nghỉ mát, giá đội trời xanh. Cầm chắc Nhà nước đền nhưng không phải bù,
sẽ còn lời chán?!.
Ông Thế tiếp lời
Hiền:
- Anh Tùng biệt
không, đối với bắc Rạch Miễu nầy, tôi với ông Đảnh đây “nải” chớ Hiền là “nòi”
– cha truyền con nối. Cha Hiền là chú Từ văn Phúc, 32 năm (1950-1982) làm thủy
thủ ở bắc Rạch Miễu nầy. Thời gian ấy trải qua 1 đời Vua, 6 đời Tổng Thống và 2
Thể chế Chính trị chớ chơi đâu.
Thấy chúng tôi
nhìn nhau cười, ông Thế giải thích:
- Móc thời gian
1950- 1982, hiện hữu vua Bảo Đại, 6 Tổng thống: Ngô Đình Diệm, Dương văn Minh,
Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn văn Thiệu, Trần văn Hương, Dương văn Minh (lần 2); còn
2 thể chế Chính tri là 2 thể chế trước và sau 30/4/1975 – không phải vậy sao?!
Trút hết ly nước
vào miệng, với vẻ nghiêm túc, hết chuyện gần đến chuyện xa, Hai Thế lý sự đời:
- Trên sân cỏ
cũng như trong chiến trận, rốt cuộc có kẻ thắng người thua, thắng vui, thua
buồn là chuyện thường tình. Trong cuộc sống bình thường của mọi người, thời
gian dành cho buồn nhiều hơn vui. Bởi thế, người ta phải bỏ tiền để mua vui.
Các anh nhớ lại xem, hồi xưa, những gánh hát rao bảng: “Kính mời bà con cô bác tối nay đến xem Đoàn chúng tôi biểu diễn, trước
mua vui, sau ủng hộ cho Đoàn…”. Người tâm trạng bình thường còn bỏ tiền ra
mua vui, hà huống chúng tôi, những người đang trong nghịch cảnh – xem như người
thua trận, chỉ vui lây và nếu muốn cười phải nhờ người thọt lét. Cái gì cũng có
lý do của nó, tôi buồn chủ yếu về mặt tinh thần chớ không phải về vật chất . Có
lẽ tôi đã lậm nghề, gần 40 năm sướng khổ vui buồn với bắc Rạch Miễu nầy, tôi
yêu mến con người, cảnh vật, bến nước, dòng sông…, một thứ tình yêu thiêng
liêng, xa nó như xa nơi chôn nhao cắt rún.
Chẳng biết có ai
nghĩ: thời khắc đón rước (khánh thành) cầu Rạch Miễu cũng là thời khắc tiễn đưa
bắc Rạch Miễu về quá khứ? Nói cách khác, lúc khai sinh cầu Rạch Miễu cũng là
lúc khai tử bắc Rạch Miễu – Ra đời thì tưng bừng, ra đi thì lặng lẽ! Cả thế kỷ qua,
hết thế hệ nầy sang thế hệ khác, bắc Rạch Miễu nói riêng, các bắc bạn đã “qua
đời” nói chung, chúng có làm chi nên tội?! Biết rằng từ bắc sang cầu là sự kế
thừa, chuyển giao công nghệ trong quá trình phát triển đất nước, chỉ có những
người vô trách nhiệm mới không vui mừng trước những cái được. Các cấp lãnh đạo
đương thời, chắc không ai dưới một lần sang sông bằng bắc, có khi các vị đi với
thứ hạng ưu tiên. Ngày sinh của cầu cũng là ngày tử của bắc. Ước gì, sau khi
hân hoan, liên quan vui mừng ngày sinh của cầu, các vị dành ít thời gian ghé
thăm và tống tiễn bắc, nhưng các vị không làm việc ấy!. – “Tiếng chào cao hơn cổ” cần chi rình rang cho hao tốn.
Thật lòng mà nói,
hôm khánh thành cầu Rạch Miễu, quan khách đông đầy ở cầu. Đứng trên mui bắc,
trông về nơi nhộn nhịp ấy, tôi vui lây. Sau giây phút ngắn ngủi đó, tôi lại trở
về trạng thái buồn – buồn nghề nghiệp ấy mà, một nỗi buồn man mác.
Các anh thử nhìn
xem, dòng sông thân quen, còn đâu những “chiếc hạm” dập dìu qua lại suốt sáng
thâu đêm, còn đâu những tiếng gầm rú khi chúng xoay chiều làm dậy sóng dòng
sông, còn đâu những con “kềnh ngư” với hệ thống đèn chiếu sáng, cõng trên lưng
bao xe và người nhẹ nhàng sang sông tắp bến. Đó Thấy không, những giề lục bình
kia, không còn bị những “chiếc hạm” khuấy nhiễu, chúng đang lững lờ trôi trông
có vẻ tự đắc. Và hãy nhìn lên bến, toàn cảnh như một trại lính đã tháo chạy, bỏ
lại bao cái lùm xùm: phòng khách ngồi chờ, phòng bán vé, trạm điều phối xe lên
xuống… chúng chẳng khác những lô-cốt không có lính canh. Cây chắn lối chổng lên
như cánh tay vẫy gọi, mời chào mà chẳng có meo nào đếm xỉa hoặc đi qua. Cầu
phao chỉ còn là nơi lý tưởng cho những đôi trai gái hẹn hò, nhỏ to, thưởng thức
trời mây trăng nước. Bến xe xích–lô, xe ba gát, xe ôm vắng lặng, giờ đây chẳng
biết họ đã trôi dạt đến tận nơi nào!. Quán xá 2 bên bến ngày nào đông vui, giờ
êm ắng như “Chùa Bà Đanh”, tối họ tắt đèn ngủ sớm, sáng ra bắt ghế ngồi trước
cửa mặt như bánh bao chiều, mắt lơ đễnh nhìn về tận cõi xa xăm.
Dầu cho sự gắn bó
đã lâu dài, khi có Cầu, người ta thật sự quay lưng với Bắc, họ ngang qua chẳng
hề nhìn vào nơi từ lâu mình gắn bó. Đi cầu nhanh và tiện lợi hơn, nhưng mất đi
thú vị của miền sông nước. Đi bắc tuy mất thời gian đôi chút so với đi cầu,
nhưng đổi lại, đi bắc được chiêm ngưỡng cảnh vật, sông nước êm đềm, còn đi cầu
không được hưởng diễm phúc ấy, phải châm bẩm đối phó, nếu không ắt có nạn tai.
Nghĩ rộng thêm
một chút, thông thường người ta gọi cho gọn: bắc Mỹ Thuận, bắc Vàm Cống chẳng
hạn, mỗi bắc có 2 bến gắn liền 2 bờ của 1 con sông. Nãy giờ ta chỉ nói bên phía
Bắc của bến bắc Rạch Miễu thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Ở đồng bằng Sông Cửu
Long, đến giờ nầy, ta đã bắt và khánh thành xong 5 cầu: Mỹ Thuận, Rạch Miễu,
Cần Thơ, Hàm Luông, Cổ Chiên. Như thế cũng có nghĩa là ta đã xóa đi 5 bắc cùng
tên với cầu. Hễ 5 bắc bị xóa thì có đến 10 bến gắn ở 10 bờ sông cũng lâm cảnh
quạnh hiu và bao người cùng cảnh ngộ như ở bến nầy. Và rồi đây đến lượt bắc nào
nữa, nơi đó cũng sẽ diễn ra thuận lợi khó khăn, vui buồn lẫn lộn?
Bắc thay cầu, giờ
đây đến lượt cầu thay bắc. Khoa học kỹ thuật về cầu phát triển nhanh quá, làm
cho tôi sanh nghề mà chưa kịp tử nghiệp.
Ông Tư Đảnh nẫy
người vòng tay đấm lưng, đưa thuốc hút cho ông Thế, ém giọng đùa :
Thuốc ni…è...,
hút đi, biết rô…ồi, nói ma…ãi, khổ quá!
Nhận và kẹp điếu
thuốc đúng điệu, ông Thế nhìn tôi nói:
- Là người ngoại
cuộc, anh Tùng nhận xét thế nào về những gì chúng tôi vừa nói?
Bị cạy miệng, tôi
đáp lễ:
- Người tử tế,
trung thực không bao giờ “lên giả” và chẳng bao giờ cười trước nỗi đau của
người khác. Đám tang đừng ép người ta cười, đám cưới đừng buộc người ta khóc.
Vui buồn thuộc bẩm sinh của con người, người ta được quyền biểu hiện mà không
cần sự cho phép. Người đức độ sớm hiểu và nhận ra sự buồn vui tự nhiên ấy để
phân bổ tình cảm của mình, có khi phải dành ưu tiên cho người bất hạnh. Người
xưa có câu: “Chết trước được mồ được mả,
chết sau rã thây thi”. Mong rằng nhà cầm quyền sớm lật ngược nội dung câu
nầy: “Chết sau được mồ được mả, chết
trước rã thây thi” nhằm giảm thiểu khổ sau kéo nhau theo khổ trước?
Đảo mắt nhìn
trời, bằng những câu ngắn gọn, không chủ từ, ông Thế nói: “Uống đi. Rảnh tới
chơi. Ở một mình buồn chết mẹ. Về nhanh. Sắp mưa.
Viết
từ tp Mỹ Tho
Thiện Tùng
Chú
thích
(1)Tổng thống Nguyễn văn Thiệu có khu biệt thự gồm
3 nhà ở TP Mỹ Tho – một cho mình, một cho bà già vợ, một cho chị vợ. Sau
30/04/1975, 3 nhà trong khu biệt thự nầy tạm cấp cho 3 ông: Lê văn Phẩm, Bí thư
TU; Huỳnh văn Niềm, phó Bí thư TU; Nguyễn Kha, trưởng văn phòng TU.