Minh Anh
Ảnh minh họa: Tổng thống Mỹ Donald Trump (p) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik |
Sẽ là một
sai lầm nếu nghĩ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc, bị Hoa Kỳ đả kích mạnh mẽ từ hơn
ba năm qua, chỉ mong muốn Donald Trump ra đi thật sớm. Việc Donald Trump, mà
Trung Quốc cho là một đối thủ « bất tài », tái đắc cử sẽ mang
lại cho nước này nhiều cơ may chiến lược.
Joe Biden,
77 tuổi, cựu phó tổng thống Mỹ, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, sẽ
chính thức được công nhận tư cách ứng viên trong kỳ đại hội đại biểu toàn quốc
vào trung tuần tháng 8/2020. Trái với suy đoán của nhiều người, ông không
phải là người Bắc Kinh muốn thấy đắc cử.
Thoảng nghe
có vẻ nghịch lý, nhưng đây chính là những gì một số lãnh đạo Trung Quốc đang
tại chức hay đã về hưu thừa nhận khi trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg
của Mỹ ngày 15/06/2020. Đối với Trung Quốc, cũng như đối với một số chế độ độc
tài, việc một lãnh đạo theo kiểu giao dịch đứng đầu nước Mỹ là một « món
lộc trời ban ».
Đơn giản chỉ
vì Bắc Kinh nghĩ rằng bất kể chủ nhân Nhà Trắng là ai, Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục
đối đầu với Trung Quốc. Trong trường hợp này, tốt hơn hết nên có một đối thủ
« dị thường », có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ may chiến
lược.
Nhìn lại ba
năm cầm quyền đã qua của Donald Trump, chính sách co cụm « Nước Mỹ
trước đã » của ông đã tạo thuận lợi cho Bắc Kinh từng bước thiết lập
một trật tự thế giới mới theo cách của mình: Từ việc áp đặt cách giải quyết các
xung đột, tranh chấp, cho đến các mô hình hợp tác kinh tế, thương mại, y tế,
đầu tư, kể cả trong chính trị, và sắp tới đây có thể cả về việc ban hành các
tiêu chí quốc tế về chuẩn mực sản phẩm, mà châu Âu đang dồn sức đối phó trong
trận chiến sắp tới với Trung Quốc.
Nhờ Donald
Trump mà Tập Cận Bình có thể xuất hiện như là một nhà lãnh đạo có trách nhiệm,
không chỉ ở trong nước mà với cả thế giới. Donald Trump rút đóng góp tài chính
cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Trung Quốc thông báo tăng gấp đô. mức đóng góp.
Trump áp thuế các đồng minh, Bắc Kinh ký các thỏa thuận thương mại với họ.
Chuyên gia
Allison Sherlock, thuộc Eurasia Group, giải thích với Le Figaro rằng « từ
lâu, nhiều quan chức chính trị Trung Quốc xem nhiệm kỳ tổng thống Trump như là
cơ hội để khẳng định vị thế một tác nhân có trách nhiệm cho trật tự thế giới ».
Do vậy, với
Bắc Kinh, nếu Joe Biden đắc cử thì đấy có thể sẽ là một ác mộng. Ông Zhou
Xiaoming, nguyên là một nhà đàm phán thương mại, nhận định với Bloomberg rằng
việc ông Biden đắc cử có thể sẽ là một mối nguy hiểm cho Bắc Kinh, bởi vì, ông
ấy « sẽ liên kết với các đồng minh để chống Trung Quốc, trong khi Trump
đang phá hủy các liên minh của Mỹ ».
Theo Le
Figaro, chính quyền Bắc Kinh không tin rằng tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân Chủ sẽ
có những nhượng bộ về vấn đề thặng dư mậu dịch và giảm lệ thuộc thương mại của
Mỹ vào Trung Quốc. Vì là một vấn đề đòi hỏi sự đồng thuận của các chính đảng,
Bắc Kinh đánh giá là chính quyền Joe Biden (nếu ông đắc cử) có lẽ sẽ làm tốt
hơn chính quyền Donald Trump và sẽ hiệu quả hơn, gây thiệt hại cho Trung Quốc.
Dù vậy, việc
đặt cược vào ông Trump cũng không phải là không có rủi ro. Giới chính trị Trung
Quốc cũng bị chia rẽ thành hai phe. Giới lãnh đạo phụ trách an ninh quốc gia
thì có lẽ sẽ vỗ tay hài lòng khi nhìn thấy thêm bốn năm hỗn loạn, sự suy yếu
của nền dân chủ và sự nản lòng của các đồng minh ở châu Á dưới sự lãnh đạo của
Trump nếu ông tái đắc cử.
Ngược lại,
giới lãnh đạo kinh tế cũng phập phồng lo rằng, vì là người dị thường, khó đoán
khó lường, chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế và chính trị của ông, Donald Trump cũng
có khả năng phá hủy trật tự thương mại vốn dĩ đã làm cho Trung Quốc trở nên
phồn thịnh và đưa nước này lên vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Donald Trump có thể thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình giảm bớt lệ thuộc
kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Thế nên, Joe Biden đắc cử có lẽ sẽ giúp hãm bớt
tiến trình tháo lỏng mối dây liên hệ kinh tế với Trung Quốc, thời gian đủ để
Bắc Kinh thích ứng, đa dạng hóa và củng cố dần thế tự chủ kinh tế
Minh Anh
26/06/2020
Theo RFI