19 juillet 2020

Chính quyền có cần chống hay không?


Trần Trường Sa


Chng hay Phá?
Chính quyền ở rất nhiều quốc gia rất sợ hiện tượng chống chính quyền. Để duy trì vị thế lảnh đạo, họ đã ban hành nhiều luật lệ để dẹp bỏ hoặc chí ít là hạn chế đến mức tối đa hiện tượng này dưới mọi hình thức, từ tư tưởng đến phát ngôn, từ biểu tình đến kiện tụng, …... Về mặt ý nghĩa của từ ngữ, điều này có vẻ không rỏ ràng và không ổn.

“Chống” hoàn toàn khác với “tấn công”. Chỉ có tấn công mới đe dọa, gây tổn hại cho đối tượng bị tấn công. Còn chống là tạo nên một phản lực giữ cho thực thể được chống đứng vững hơn. 


“Chống cho cây cối khỏi đổ ngã khi bảo đến”.

Vậy tại sao nhiều nhà cầm quyền lại sợ “chống” đến thế? Họ sợ hải cái cảm giác đau đớn tại vị trí được chống đở mà họ lầm tưởng cái đó sẽ làm cho họ sụp đổ.

Khi ta dùng thanh gỗ chống vào ngạnh ba của một cái cây. Cái cây đang có xu hướng nghiêng về phía thanh gỗ chống. Chắc chắn phần vỏ cây tiếp giáp với đầu thanh gỗ chống sẽ bị trầy xước. Nhiều nhà cầm quyền không chịu nổi cái đau đớn của sự trầy xước ấy, giống như cái cây nghĩ rằng thanh gỗ tấn công mình và có thể xô ngã mình!

Khi cái cây càng nghiêng thì tác động của đầu cây gỗ chống vào thân cây càng lớn, sự đau đớn càng tăng. Phản ứng căm tức, oán ghét thanh gỗ càng cao. Thanh gỗ đã bị kết tội rất oan uổng !

Càng có nhiều thanh gỗ chống vào thân cây, thì tác động của đầu thanh gỗ chống lên vỏ cây càng giảm do lực chống được phân tán. Nhưng rất hiếm có nhà cầm quyền nào cảm thấy yên tâm khi càng có nhiều tiếng nói phản biện, do họ không thể phân biệt nổi tiếng nói nào là tiếng nói “chống” và tiếng nói nào là tiếng nói “phá”!

Phá thì thường rất đa dạng. Có khi phá là tác động lực cùng chiều với chiều nghiêng của cây. Có khi là làm suy yếu sức chịu đựng của phần gốc, phần chịu lực lớn nhất của cây khi nghiêng. Hoặc chống vào phần thân yếu nhất, sắp gảy của cây.

Phá không tác dụng lực quá lớn vào vật bị phá, thường không tác động vào một vị trí lâu dài, ít gây đau đớn. Vì thể, hành vi phá thường khó nhận ra!

Thật đáng tiếc khi ghép đôi hai từ “chống phá”!

Khi cái cây nghiêng đến 45 độ hoặc hơn thì cây chống phải gồng hết sức mình tì vào thân cây. Thân cây có thể không chịu nổi tổn thương tại vị trí tiếp giáp. Lúc này, chống chuyển thành phá.

Điều này lý giải việc: tại sao khi chính quyền càng yếu kém, nghiêng ngã thì càng sợ các thế lực chống lại mình. Nhưng khi chính quyền nghiêng đến 45 độ thì đang tiến gần đến tà quyền mất rồi!

Khi một chính quyền mạnh, thẳng thắn họ mong có nhiều thế lực chống lại từ nhiều phía. Vì như thế, chỉ cần hơi nghiêng phía nào một tí cũng có sự chống đở trong tầm vài độ mà thôi.

Trong một chế độ đa nguyên, nếu nhà cầm quyền dị ứng, không chịu nổi cái sự “chống chính quyền” thì sớm muộn gì xã hội cũng phát triển về hướng đơn nguyên, rồi chính quyền nghiêng ngã, từ chống chuyển thành phá, chính quyền trở thành tà quyền, xã hội tan vỡ.

Một đất nước không sợ chống chính quyền mới là một đất nước hùng mạnh, bền vững.

17/07/2020