Xuân Dương: "Vụ ông Trần Vĩnh Tuyến gióng lên hồi chuông cảnh báo, rằng chiến dịch “đốt lò” đã chuyển sang giai đoạn mới?"
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến |
Bản đồ đại dịch Covid-19 toàn thế giới rực một màu đỏ, hơn 13
triệu người nhiễm virus, 571.060 ca tử vong, mức độ nóng không phải bàn cãi.
Việt Nam đang trải qua một mùa hè nóng bỏng, truyền thông luôn
đưa lời khuyên mọi người hạn chế ra ngoài trời nếu không thực sự cần thiết, tránh
bị “sốc nhiệt”.
Còn câu chuyện “lò nóng” thì chỉ trừ những người không đọc báo
hoặc không xem tivi, những ai còn chút lo lắng cho vận mệnh quốc gia, dân tộc đều
cảm nhận được có điều gì đó khác biệt trong vụ khởi tố Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân
dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến so với lúc đa phần “củi” bị cho vào lò đều là “củi khô, củi
ai ái”.
Có hai chuyện cũ xin nhắc lại:
Thứ nhất, chuyên trang Infonet của báo điện tử Vietnamnet.vn viết:
“Ông Nguyễn Thanh Hóa giữ chức vụ Cục trưởng C50 (Cục Cảnh sát
phòng chống tội phạm công nghệ cao - người viết chú thích) nhưng không có hiểu
biết gì về mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số. Thậm chí
ông Hóa không biết sử dụng máy vi tính...”. [1]
Thứ hai, Tạp chí Tổ chức Nhà nước thuộc Bộ Nội vụ viết về cựu
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến:
“Ông Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội "Thiếu
trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa, ông Hiến
khai rằng, ông được đào tạo rất cơ bản về chỉ huy quân sự tới 9 năm ở nước
ngoài, song chưa từng một ngày được đào tạo về quản lý kinh tế, đất đai”. [2]
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến - (Ảnh: VTV) |
Đưa ra những quyết định gây thiệt hại cho dân, cho nước rồi biện
hộ mình kém hiểu biết để giảm nhẹ hình phạt không phải là chuyện lạ với không
ít quan chức phạm tội.
Trường hợp ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
thành phố Hồ Chí Minh vừa bị khởi tố và tạm đình chỉ chức vụ, có gì đặc biệt?
Một vị độc giả (xin không nêu tên) cho biết ông đọc rất kỹ bài
báo trên Tienphong.vn về quan lộ của ông Tuyến và đưa ra nhận xét khá tinh tế,
rằng ông Tuyến sinh năm 1965, tháng 6/1984, khi mới 19 tuổi đã làm việc tại Ban
Chỉ huy Quân sự phường 7, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ năm 1984 đến khi bị khởi tố (tháng 7 năm 2020), ông liên tục
làm việc tại các cơ quan đảng và chính quyền thành phố, không có thời gian ngắt
quãng.
Vị độc giả đưa ra nghi vấn: “Thông tin cho thấy không có thời
gian nào ông Tuyến nghỉ làm việc để theo học đại học, vậy bằng Cử nhân Luật, Thạc
sĩ chính trị học và các bằng cấp khác (lý luận chính trị, quản lý nhà nước,…)
chỉ là bằng tại chức?
Để kiểm chứng, người viết đã tìm đọc lại bài tại địa chỉ [3] và
thấy đúng là ông Tuyến không có thời gian nghỉ việc, không biết ông Tuyến đi học
tập trung/chính quy vào lúc nào?, không những thế, vị quan chức này lại còn phụ
trách lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin kiêm Trưởng ban điều
hành đề án "Thành phố thông minh" của Thành phố Hồ Chí Minh. [3]
Liệu rồi đây nếu phải đứng trước tòa, ông Tuyến có nên học ông
Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Hiến, rằng mình phải làm việc rất nhiều, chưa được
đào tạo cẩn thận nên “sơ xuất phạm tội”?
Chuyện học vấn thực sự của vị lãnh đạo này chỉ là bán tín bán
nghi nên xin không bàn luận, có điều trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
thành phố quan trọng nhất nhì cả nước thì không thể nói ông Tuyến không … có
tài!
Con đường “quan lộ” của ông Tuyến, nói chính xác phải là con đường
“quan” trước khi “lộ” của ông ấy có lẽ không thể nằm ngoài quy luật mà các cụ
nhà ta nói về sự trưởng thành của con trẻ: “Miệng ăn, chân chạy”.
Không ăn, không chạy thì làm sao mà … trưởng thành?
Thế chuyện “Miệng ăn, chân chạy” của ông Tuyến khác gì cựu Thứ
trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa?
Vẫn báo Tienphong.vn cho biết:
“Sau khi nghỉ hưu, bà Thoa sang Pháp. Quá trình điều tra, cơ
quan chức năng xác định bà này có hành vi vi phạm pháp luật nên ra quyết định
khởi tố.
Cơ quan điều tra đang làm các thủ tục tương trợ tư pháp với
Interpol ra lệnh quốc tế, sau đó phối hợp mới bắt về nước…". [4]
Ngôn từ mà Tienphong.vn sử dụng khá nhẹ nhàng, không giống
Vietnamnet.vn viết về bà Thoa: “Gây tội rồi bỏ trốn”. [5]
Trước khi “bỏ trốn” sang Pháp, ngày 20/11/2018, bà Thoa đã bán
1,4 triệu cổ phiếu Điện Quang (Mã chứng khoán DGC), ước tính thu về 39,13 tỉ đồng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận: “Những vi phạm, khuyết
điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ
luật”.
Biết bà Thoa phạm tội, đã thi hành kỷ luật đảng và chính quyền
(cách chức thứ trưởng, cho nghỉ hưu từ 01/09/2017) mà vẫn để người ta công khai
“bỏ trốn”, bây giờ phải làm việc với Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) để
truy nã, rõ ràng là có gì đó chưa ổn trong quá trình xử lý tội phạm.
Dư luận vẫn chưa quên Vũ Đình Duy, cựu giám đốc PVTex bỏ trốn bị công an phát lệnh truy nã
đến nay vẫn chưa bắt được.
Thông tin trên một số tờ báo nổi tiếng nước ngoài cho hay tội phạm
này sinh sống ở Ba Lan, có liên quan đến vụ Trịnh
Xuân Thanh
và thường xuyên chơi golf tại Cộng hòa Séc.
Theo yêu cầu của Việt Nam, Interpol đã ban bố lệnh truy nã đỏ với
ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy về tội “buôn lậu và trốn thuế”, hiện vẫn chưa bắt được
người này.
Phải chăng các vụ việc nêu trên đã được cơ quan chức năng “rút
kinh nghiệm sâu sắc” nên ông Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố, bị cấm đi khỏi nơi cư
trú khi ông này vẫn đương chức Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh và chưa bị kỷ luật đảng.
Có thể thấy vụ ông Trần Vĩnh Tuyến gióng lên hồi chuông cảnh
báo, rằng chiến dịch “đốt lò” đã chuyển sang giai đoạn mới, rằng đừng hy vọng
trốn ra nước ngoài như Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) hay Hồ Thị Kim Thoa là có thể thoát khỏi sự trừng
phạt của pháp luật.
Các vụ khởi tố liên quan đến các đương sự Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị
Kim Thoa, Trần Vĩnh Tuyến, một số cán bộ thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh và 2 nhân sự thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy dù trời nóng,
dù dịch Covid-19 nóng cũng chưa nóng bằng ngọn lửa đốt các loại củi, đặc biệt
là củi tươi roi rói như Trần Vĩnh Tuyến.
Và phải chăng đây cũng là cảnh báo cho những kẻ đang nắm giữ chiếc
ghế quyền lực liên quan đến chính trị, kinh tế, rằng nếu không biết giữ mình, nếu
lóa mắt vì tiền bạc thì “khát nước” sẽ đến ngay tức thì, không phải chờ đến đời
sau, cũng đừng hy vọng được an nhàn vài năm sau khi hạ cánh mới bị pháp luật sờ
gáy.
Tuy nhiên người dân vẫn “băn khoăn”, vẫn chưa hết lo lắng bởi lẽ:
Năm 2017, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung
ương, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của ông Phạm Văn Vọng, Bí
thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là “nghiêm trọng” và quyết định thi hành kỷ luật ông Vọng
bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Tháng 3/2020, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung
ương, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh - bằng
hình thức cách chức Bí thư Thành uỷ nhiệm kỳ 2010-2015.
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân –
nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức cảnh cáo.
Cùng bị cơ quan chức năng bên đảng đánh giá “khuyết điểm là
nghiêm trọng”, hình thức kỉ luật giống nhau “cách chức” hoặc “cảnh cáo”, liệu
có sự khác biệt trong xử lý về mặt pháp luật khi đối chiếu trường hợp bà Hồ Thị
Kim Thoa với các đối tượng khác?
Nói cách khác hình thức kỷ luật “cảnh cáo hoặc cách chức” bên đảng
có tương đương với hình thức “cảnh cáo hoặc cách chức” bên chính quyền, hình thức
“khai trừ khỏi đảng” có tương đương hình thức “buộc thôi việc” hoặc cho “nghỉ
hưu trước tuổi” với công chức, viên chức nhà nước?
Nếu tương đương thì những trường hợp bị cách chức Bí thư Tỉnh ủy,
Thành ủy, Đảng ủy nhiệm kỳ nào đó liệu có nên bị xử lý như cựu thứ trưởng Hồ Thị
Kim Thoa?
Vẫn biết vội vã dễ dẫn tới sai sót, xử lý cán bộ cao cấp mắc
khuyết điểm phải thận trọng, tránh “ném chuột vỡ bình quý” nhưng có nên thận trọng
đến mức để đương sự có thời gian tẩu tán tài sản, trốn ra nước ngoài mới phát lệnh
truy nã?
Tín hiệu từ vụ khởi tố ông Trần Vĩnh Tuyến và hai cán bộ thuộc Ủy
ban Nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm chống “giặc nội xâm” của các
cơ quan trung ương, nhưng vì sao chính quyền hai thành phố Hà Nội và Thành phố
Hồ Chí Minh lại không phải là nơi khởi xướng?
Phải chăng đâu đó vẫn có những cái … “đầu lạnh”?
Tài liệu
tham khảo:
[1]https://infonet.vietnamnet.vn/phap-luat/khong-biet-su-dung-may-tinh-vi-sao-nguyen-thanh-hoa-lam-lanh-dao-c50-248926.html
[2]https://tcnn.vn/news/detail/47473/Xet-xu-ong-Nguyen-Van-Hien-Bai-hoc-ve-trach-nhiem-nguoi-dung-dau.html
[3]https://www.tienphong.vn/phap-luat/pho-chu-tich-tran-vinh-tuyen-vua-bi-khoi-to-dam-nhiem-cong-viec-gi-o-ubnd-tphcm-1686610.tpo
[4]https://www.tienphong.vn/phap-luat/ba-ho-thi-kim-thoa-o-phap-khi-bi-khoi-to-1686578.tpo
[5]https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ba-ho-thi-kim-thoa-dong-loa-voi-ong-vu-huy-hoang-truoc-khi-bo-tron-657464.html
Xuân Dương