Khi nhiệm kỳ của Thủ tướng Merkel, "người mai
mối" cho EU và Trung Quốc, đến hồi kết thúc, mối quan hệ song phương có
thể đứt gánh giữa đường.
Hơn một thập kỷ qua, trong quá trình nâng cao vị thế toàn cầu
cả về kinh tế và địa chính trị, Trung Quốc được cho là chủ yếu dựa vào mối quan
hệ với Thủ tướng Đức Angela Merkel để đảm bảo không khí ôn hòa với châu Âu,
tránh rơi vào tình trạng thù địch như với Mỹ hiện nay.
Theo bình luận viên Stuart Lau của SCMP, bà Merkel,
người giữ ghế Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến nay và là lãnh đạo có tiếng nói
nhất trong Liên minh châu Âu (EU), vẫn là đồng minh vững vàng nhất của Trung
Quốc ở phương Tây, ngay cả khi Bắc Kinh ngày càng bị cô lập do một loạt vấn đề
gây tranh cãi liên quan tới Huawei, Hong Kong, Tân Cương hay Covid-19.
Trong bối cảnh bà Merkel chuẩn bị rời nhiệm sở vào mùa hè năm
sau, quan hệ ổn định giữa EU và Trung Quốc cũng được cho là đang dần tới hồi
kết, đặc biệt trong việc đảm bảo một thỏa thuận đầu tư song phương mà hai bên
đã nỗ lực đạt được từ lâu nhờ sự thúc đẩy của Thủ tướng Đức.
"Bà Merkel có ảnh hưởng mạnh mẽ đằng sau thỏa thuận này.
Chỉ cần nhìn số lần bà ấy tới thăm Trung Quốc để vun đắp quan hệ, bạn sẽ nhận
thấy đây là một vấn đề nổi bật đối với di sản của bà ấy", Max Zenglein,
nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, Đức, cho
hay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hồi tháng 5/2018. Ảnh: Reuters. |
Bình luận viên Lau chỉ ra rằng quan điểm về Trung Quốc
của các lãnh đạo EU hiện nay khác biệt sâu sắc so với 15 năm trước,
khi bà Merkel bắt đầu nắm quyền. Tuyên bố chung từ Hội nghị thượng đỉnh EU -
Trung Quốc lần thứ 8 hồi năm 2005, do thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo
và cựu thủ tướng Anh Tony Blair chủ trì, viết rằng "phía EU hoan nghênh
những thành tựu Trung Quốc đã đạt được trong việc xây dựng nền kinh tế thị
trường".
Nhưng giờ đây, Trung Quốc thường xuyên bị coi là đối thủ toàn
diện và nguồn gốc của thông tin sai lệch đối với châu Âu. Cuộc bầu cử
tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng có thể làm lay chuyển thế cân bằng trong quan
hệ EU - Trung Quốc. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, nếu ứng viên đảng
Dân chủ Joe Biden thắng Tổng thống Donald Trump, EU sẽ ngay lập tức xích lại
gần Washington.
Biden, người dành phần lớn sự nghiệp vào chính sách đối ngoại
và đang dẫn trước Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, từng ám chỉ rằng ông sẽ
thúc đẩy một liên minh với các đồng minh của Mỹ, động thái gây lo ngại cho các
nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. "Một thủ tướng Đức mới đại diện cho
châu Âu hợp tác cùng một tổng thống mới đại diện cho Mỹ sẽ là cơn ác mộng với
Bắc Kinh", một đại sứ EU giấu tên nói.
Do đó, năm nay được cho là thời hạn để EU hoàn thành thỏa thuận
đầu tư với Bắc Kinh, nhằm mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khó chấp nhận một số điều kiện quan trọng của thỏa
thuận, như bãi bỏ chế độ ưu đãi của Trung Quốc dành cho các doanh nghiệp thuộc
nhà nước của họ.
Điều này khiến thỏa thuận có nguy cơ không thể đạt được nhanh
chóng, dù đây được coi là nỗ lực cuối cùng của EU trong việc cố gắng
làm thay đổi Trung Quốc, cũng như tái cân bằng quan hệ kinh tế song
phương.
"Nếu thỏa thuận thất bại, như nhiều người đang dự đoán, EU
có khả năng sẽ chuyển sang chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc", Andrew
Small, chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, nhận
định.
Trong khi Washington thực hiện chính sách thương mại quyết liệt
với Bắc Kinh, EU lại thận trọng xây dựng cơ chế phòng vệ trước các doanh nghiệp
Trung Quốc, đặc biệt đối với những công ty nhận trợ cấp nhà nước. Hồi tháng 6,
EU công bố sách trắng nhằm đối phó với tình trạng xáo trộn do các khoản trợ cấp
nước ngoài gây ra, phần lớn được cho là nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng tháng, EU áp thuế với các nhà sản xuất vải sợi thủy tinh
Trung Quốc tại cả Trung Quốc và Ai Cập, sau khi một cuộc điều tra phát hiện họ
trục lợi từ những khoản trợ cấp nhà nước không công bằng để nâng sức cạnh tranh
với châu Âu. EU còn cùng Nhật Bản vận động Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
"củng cố các quy tắc hiện có về trợ cấp công nghiệp", cũng được cho
là "đòn đánh" vào Trung Quốc.
"Do EU hành động thực sự rất chậm, những động thái bắt đầu
từ 18 tháng trước vẫn được thúc đẩy một cách từ từ. Nhưng một khi vào guồng,
chúng sẽ không thay đổi như phong cách thất thường của chính quyền Trump",
Small cảnh báo. Mary Lovely, chuyên gia cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế
Peterson, Mỹ, cho biết Covid-19 càng khiến EU lo ngại về những hành vi thương
mại không công bằng của Trung Quốc.
Herve Jouanjean, cựu giám đốc Ủy ban châu Âu phụ trách châu Á,
cho biết ông nhận ra rằng nhiều vấn đề chưa được giải quyết cũng tương tự thách
thức ông từng đối mặt vào một thập kỷ trước, khi đàm phán với bộ trưởng thương
mại Trung Quốc lúc đó là Bạc Hy Lai, "ngoại trừ việc EU 10 năm trước nghĩ
rằng Bắc Kinh sẽ hướng tới nền kinh tế thị trường".
Với việc giới chức EU giờ đây ý thức rõ ràng rằng "Trung
Quốc không có bất cứ ý định thay đổi nào", Jouanjean dự đoán châu Âu sẽ có
hành động tương ứng. "Tôi không nghĩ EU sẽ tiến hành các biện pháp giống
Mỹ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương án để thuyết phục những người
bạn Trung Quốc rằng con đường tốt nhất là đạt thỏa thuận", ông nói.
Trong khi đó, Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách đối
ngoại của EU, tỏ thái độ thẳng thắn. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel
của Đức tuần trước, ông cho phương Tây đã "ngây thơ về Trung Quốc".
"Chúng tôi từng nghĩ rằng sự tăng cường quan hệ thương mại sẽ tạo ra thay
đổi đối với họ", Borrell nói thêm.
Bất chấp điều đó, một số quan chức trong nội các của bà Merkel
vẫn tin họ đang đi đúng hướng, trong khi Thủ tướng Đức được cho là vẫn
kiên trì với nhiều quan điểm cũ về Trung Quốc, theo đuổi kỳ vọng về
hợp tác thương mại và đầu tư với nước này.
"Tôi thấy bà Merkel không nhận ra bất cứ sự thay đổi nào.
Theo tôi, bà ấy chưa thích nghi với thực tế mới, vẫn bị mắc kẹt trong cảm giác
lạc quan của quá khứ, rằng Trung Quốc sẽ phát triển thành một đối tác của châu
Âu. Các lãnh đạo Trung Quốc có thể đang đặt cược vào điều này để chốt điều
khoản trong thỏa thuận", nhà kinh tế học Zenglein đánh giá.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier gần đây cho
biết ông "luôn bị thuyết phục và vẫn tin tưởng rằng thay đổi có thể đạt
được thông qua thương mại". Khi được hỏi làm sao có thể chắc chắn Trung
Quốc tôn trọng thỏa thuận đầu tư với EU, sau khi Bắc Kinh bị Thủ tướng Anh
Boris Johnson cáo buộc vi phạm Tuyên bố chung Trung - Anh về trao trả Hong
Kong, Altmaier giải thích rằng "điều kiện tiên quyết trong tất cả quan hệ
thương mại là tuân thủ thỏa thuận".
Đức dự kiến được hưởng lợi lớn nhất từ thỏa thuận này, dựa trên
lợi ích rộng lớn của các công ty như Volkswagen và BASF ở Trung Quốc. Tuy
nhiên, ngay cả liên minh cầm quyền của bà Merkel, cùng đảng Liên minh Dân chủ
Cơ đốc Giáo (CDU) của bà, cũng đang kêu gọi cứng rắn hơn với Trung Quốc,
ngay trước khi bà rời nhiệm sở.
Norbert Roettgen, một trong ba ứng cử viên trở thành lãnh đạo
tiếp theo của CDU, đang dẫn dắt đường lối "diều hâu" với Trung Quốc tại
quốc hội Đức, khi thúc đẩy lệnh cấm Huawei tham gia mạng 5G của nước này. Hầu
hết cuộc thăm dò còn cho thấy CDU năm sau sẽ lập liên minh với đảng Xanh, nổi
tiếng với nhiều chính khách cứng rắn với Trung Quốc và một trong số họ có thể
đảm nhiệm chức ngoại trưởng.
Sự ra đi của bà Merkel còn được cho là đồng nghĩa với
việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tăng ảnh hưởng trong EU, nếu ông
tái đắc cử vào năm 2022. Dù ủng hộ sự độc lập với Mỹ, Macron lại là lãnh đạo
châu Âu đầu tiên chỉ ra "sự ngây thơ" của họ trước tham vọng của
Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi EU đoàn kết đối phó Trung Quốc, đồng thời được cho
là người đề xuất phát ngôn mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh trong các tuyên bố của EU.
"Chúng ta phải cảnh giác trước bất cứ chiến lược nào mà
Trung Quốc có thể dùng để lợi dụng chúng ta", cuốn sách xuất bản gần đây
về Macron, với tiêu đề "Tổng thống cuối cùng của châu Âu", dẫn lời
ông chủ Điện Elysee. "Việc họ kiểm soát các tuyến hàng hải, cơ sở hạ tầng
và giao thông ở châu Âu không tương thích với lợi ích của chúng ta. Chính sách
của Trung Quốc trong bối cảnh này là sự bá quyền, và chúng ta phải đẩy lùi
nó".
Hồi năm 2019, Ủy ban châu Âu công bố một tầm nhìn chiến lược về
Trung Quốc, lần đầu tiên gọi nước này là "đối thủ mang tính hệ
thống". Ngay cả những quốc gia được hưởng lợi kinh tế từ Trung Quốc, như
Italy hay Hy Lạp, đều tán thành chiến lược đầy tham vọng này. Sự nhất trí gần
đây giữa các nước EU trong việc lên án Bắc Kinh về luật an ninh Hong Kong là ví
dụ khác cho tâm lý đề phòng ngày càng tăng của châu Âu trước Trung Quốc.
"Trung Quốc tính toán đường đi nước bước mang tầm chiến
lược và không chỉ quan tâm đến thương mại. Họ giống như một kỳ thủ",
Macron cảnh báo trong cuốn sách.
Ánh Ngọc
(Theo SCMP)