30 juillet 2020

Trật tự kinh tế thế giới : Trung Quốc đã kết thúc toàn cầu hóa như thế nào ?


Tác giả :   Henrik Müller
Biên dịch: Vũ Ngọc Yên

Trong thương mại quốc tế không chỉ nói đến sự trao đổi hàng hóa mà còn bàn luận về sự  tín nhiệm và các giá trị.

Lịch sử toàn cầu hóa đặc biệt cho đến nay là một lịch sử về Trung Quốc và giờ đây câu chuyện lịch sử này có lẽ đã kết thúc - vì Trung Quốc.

Trong vòng ba thập kỷ, Nước Cộng hòa Nhân dân đã biến từ một quốc gia kém phát triển trở thành một cường quốc thế giới. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa kỹ nghệ lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Năm 1990, sản lượng kinh tế bình quân đầu người tương đương 1.600 Mỹ kim, nay là 18.000 Mỹ kim, ngang bằng với Mễ Tây Cơ.


Một mặt, đây là một câu chuyện thành công vĩ đại.

Mặt khác, xét theo quan điểm của phương Tây, sự việc  có vấn đề : Trung Quốc không có dân chủ và không phải là một quốc gia pháp quyền. Điều này đặt ra những vấn nạn cho trật tự kinh tế thế giới bởi vì sự mậu dịch quốc tế không chỉ đơn thuần là trao đổi sản phẩm, mà còn liên hệ đến tri thức và thông tin - nghĩa là sự tín nhiệm và giá trị.

Giầu có và phi tự do 

Từ lâu, có một quan niệm ngự trị cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lập lại ở Trung Quốc: Phát triển kinh tế sẽ dẫn đến Tự do hóa chính trị. Từ thứ dân sẽ trở thành công dân có quyền tham dự biểu quyết vể vận mệnh của đất nước, phát biểu ý kiến và phản biện. Các định chế độc lập vững mạnh sẽ đảm bảo sự thực thi luật pháp cho người dân nội điạ và người ngọai quốc sinh hoạt trong nước.

Cơ hội doanh lợi tốt với một lương tâm rõ ràng

Lợi nhuận, may rủi, thanh khoản. Nay có thêm nhiều ngân hàng triển khai cách tiếp cận đầu tư vốn thuần túy này  với tiêu chí thứ tư: bền vững.

Chẳng hạn, Hàn Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ  độc tài sang dân chủ và pháp quyền vào cuối thập niên 1980. Sản lượng kinh tế bình quân đầu người vào lúc đó chưa được 10.000  Mỹ kim, thấp hơn nhiều so với mức phồn vinh của Trung Quốc hiện nay.

Với hy vọng về một sự phát triển như vậy, phương Tây đã hướng tới Trung Quốc: Vương quốc Anh chuyển giao Hồng Kông vào năm 1997. Bắc Kinh  cam kết theo thỏa thuận là thuộc địa cũ  được duy trì hệ thống chính trị của mình trong 50 năm, bao gồm cả tư pháp độc lập và  các quyền tự do dân sự.

Cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc trong những năm qua sẽ trở thành một quốc gia bình thường theo nghĩa phương Tây. Sự hội nhập kinh tế khởi động một sự chuyển hoá xã hội sẽ làm cho quá trình tự do hóa chính trị  không thể tránh khỏi.

Trong tinh thần này, Hoa Kỳ đã mời Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở đường cho việc gia nhập vào năm 2001. Đó là một thời gian lạc quan. Lúc bấy giời  báo chí, truyền thông liên tục tường thuật về kỳ vọng và đánh giá đây  là một bước  chiến thắng kế tiếp của hệ thống tự do, như chúng tôi đã trình bầy trong một nghiên cứu cho Quỹ Bertelsmann. Vào thời điểm đó,  "cải cách" và "hy vọng" thường được đề cập -  những cơ hội mà Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty phương Tây qua sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Nhưng rồi loạt trường thuật đã đi vào lịch sử.Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ lớn: Đất nước ngày càng giàu có hơn nhưng lại kém tự do hơn. Trong những năm gần đây, đường lối chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, thậm chí còn trấn áp mạnh bạo hơn ở trong nước và nhiều hung hăng, hiếu chiến  về mặt đối ngoại. Giới lãnh đạo đã từ bỏ sự khiêm nhượng trước đây của mình trên trường quốc tế. Điển hình, diễn biến ở Hồng Kông cho thấy Bắc Kinh không quan tâm nhiều đến các thỏa thuận quốc tế nữa: Thay vì tôn trọng thoả thuận chuyển giao, Trung Quốc đã mở rộng bộ máy đàn áp của mình sang thuộc địa cũ của Anh .

Tỉnh ngộ rồi lại lo sợ

Rõ ràng là nền kinh tế chủ yếu quốc doanh của Trung Quốc không phù hợp với những  tư tưởng cạnh tranh công bằng của phương Tây. Từ lâu trước khi Donald Trump bước vào Toà Bạch Ốc, một làn sóng tố tụng chống bán phá giá đã bắt đầu vì các nhà cung cấp được bao cấp của Trung Quốc  làm tràn ngập thế giới với thép, nhôm giá rẻ và nhiều loại hàng hóa  khác.

Năm ngoái, Hiệp hội liên bang các ngành kỹ nghệ Đức (BDI)  công bố một tài liệu lên án các hành vi không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi "đảm bảo trật tự kinh tế thị trường ở Đức và châu Âu". Sự công kích này cho thấy nhiều tập đoàn Đức  đầu tư mạnh vào Trung Quốc với kỳ  vọng về sự chuyển hoá chính trị xã hội dần dần -  đã  tỉnh ngộ lâu rồi và nay đang lo sợ.

Có còn một căn bản để tiếp tục tăng cường toàn cầu hóa hay không ?

Cuộc chiến thương mại  của Trump chống Trung Quốc, mà Tổng thống Mỹ phát động vào năm 2018 nhằm buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và chơi công bằng, đã dẫn đến nhiều vòng thương thuyết tăng thuế khác nhau, nhưng ngoài ra đã không mang lại tác động xây dựng nào khác cả. Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ  không nỗ lực tìm một hành động chung của phương Tây mà thay vào đó đã lăng mạ các đối tác phương Tây. Bằng động thái này, ảnh hưởng phi dân chủ của Trung Quốc rất khó bị kìm chế.

From things to thoughts. 

Nhà kinh tế học Richard Baldwin, giảng dậy ở Geneva  nói chủ nghĩa tư bản toàn cầu phát triển "from things to thoughts". Tuy nhiên, hệ thống thương mại quốc tế đã không kiến tạo theo hướng  này. Từ những năm 1990, cộng đồng các quốc gia đã không thống nhất về việc cập nhật hoá  các quy tắc của WTO và bây giờ phải nhìn  hậu qủa.

Chỉ vài năm trước, toàn cầu hóa bao gồm các thương vụ trao đổi đơn giản: xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Sau khi giao hàng và thanh toán, thương vụ xem như đã được thực hiện. Xe hơi hoặc chuyên chờ dầu  có thể được sử dụng và  tiêu thụ. Sau khi thực hiện cuộc buôn bán, các nhà sản xuất và người mua hầu như chẳng còn liên hệ đến nhau.

Lý luận  của toàn cầu hóa 1.0 : Sản xuất diễn ra nơi có các điều kiện tốt nhất và thường có nghĩa là nơi chi phí thấp nhất. Với biên giới mở, mọi nền kinh tế sẽ chuyên môn hoá những gì mà mình thực hiện tốt nhất. Phân công lao động quốc tế sẽ nâng cao năng suất, trong khi giá giảm và  lựa chọn nhiều. Chủ nghĩa bảo hộ - bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước cạnh tranh nước ngoài - Kịch bản này tác động cực kỳ  hại.

Nhưng thương mại quốc tế không còn giới hạn nữa trong việc trao đổi đơn giản sản phẩm  mà còn triển khai sang các luồng dữ liệu, tức là thông tin. Máy móc, hệ thống thiết bị và ngày cả lượng xe hơi gia tăng sẽ truyền những dữ liệu, được theo dõi, kiểm soát, bảo dưỡng và cập nhật từ xa. Trong thời đaị toàn cầu hóa 2.0 cũng là những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát và truy cập cấu trúc hạ tầng thông tin,  tìm dữ liệu tiềm tàng trên điện toán đám mây, thực hiện dịch vụ dữ liệu. Dữ liệu là sức mạnh và nó không chỉ dựa trên lợi thế quy mô kinh tế  mà các công ty như Google hay Amazon truyền cho khách hàng dưới dạng chi phí thấp và chất lượng cao, mà còn dựa trên ý chí của các cơ quan nhà nước để kiềm chế các công ty thu thập dữ liệu cho mục đích của họ. Lợi thế chi phí được bù đắp bởi rủi ro bảo mật. Cuộc đấu tranh cho nhà cung cấp mạng Trung Quốc Huawei và vai trò của nó trong việc mở rộng mạng vô tuyến di động 5G phương Tây cho thấy cuộc xung đột này là một ví dụ.

Phương Tây  là gì ? Và nó có giá trị gì?

Thương mại tự do trong những điều kiện này có còn là sự lựa chọn tốt nhất không ? Câu hỏi cơ bản về toàn cầu hóa này không  thể được trả lời đơn giản bằng có. So với trước đây,  các giá trị cơ bản - pháp quyền,  nhân quyền  và các quyền tự do - nay được gắn kết trực tiếp với các vấn đề  thương mại. Để bảo vệ các quyền này, cần phải có một bộ quy tắc quốc tế mới - một  WTO cho thế kỷ 21. Các thỏa thuận của các quốc gia thương mại lớn ký kết riêng biệt với Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục địch nhiều. Trung Quốc hiện  lớn và mạnh đến mức có thể khai thác  các quốc gia chống lại nhau.

Sự lưạ chọn : Hoặc là phương Tây – và  có nghĩa  là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Gia Nã Đại , Úc, và nhìn xa  cũng là Ấn Độ, Nam Dương, Ba Tây, Mễ Tây Cơ - cùng nhau thiết lập những  tiêu chuẩn chung và bảo vệ chống lại những người không tuân thủ , ngay cả khi họ có sự chống lưng của tân cường quốc thế giới Trung Quốc.

Hoặc  các biện pháp quốc gia không tổ chức gia tăng sẽ đe dọa tình trạng  các vấn đề an ninh, môi trường và an sinh xã hội bị pha trộn với vận động hành lang theo hướng  bảo hộ cổ điển của từng công ty và tập đoàn. Vì sợ trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, phương Tây,  sẽ rút về các căn cứ tự vệ của  quốc gia, cũng như của châu Âu-EU.

Trong trường hợp đầu tiên, phương Tây sẽ tiếp tục toàn cầu hóa với một lập trường rõ ràng nhưng vẫn mở cho các nước khác. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác hiện đang bị độc tài cai trị, có thể trở thành một phần của những thỏa thuận  - miễn là họ tuân thủ các quy tắc của phương Tây.Trong trường hợp thứ hai, toàn cầu hóa như chúng ta đang biết sẽ kết thúc. Thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU thì sự thiệt hại phỏng đoán không nhiều .Trong khi các quốc gia nhỏ  không có tiềm năng chống trả  sẽ trở thành những quả banh của  trò chơi quyền lực không phối hợp này.

Cuối cùng, một câu hỏi lớn được nêu ra :  Phương Tây có còn không - và nếu có, nó có giá trị gì ?

Nếu người không trả lời  câu hỏi này được, thì coi  như thất bại rồi..
.
Nguồn:  Wie China die Globalisierung beenden könnte -26.07.2020,Tuần báo Spiegel

Tác giả :Tiến sí kinh tế Henrik Müller là giáo sư nghành báo chí kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Dortmund và đã từng làm phó chủ biên tạp chí mannager magazin. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về các chính sách kinh tế và tiền tệ. Cho tuần báo Spiegel, Müller viết  bình luận mỗi tuần về các sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong tuần.