11 août 2020

“NHẸ LƯƠNG NẶNG BỔNG” –MỘT TRONG NHỮNG TỬ HUYỆT CỦA THỂ CHẾ

(Nhân việc cựu Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Đặng Huỳnh Mai xin “giữ lại nhà công vụ”)

Đào Tiến Thi

Đặng Huỳnh Mai
Mấy ngày nay, nhân chuyện bà cựu thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT)Đặng Huỳnh Mai có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “xin giữ lại” căn hộ nhà công vụ mà bà được ở hồi làm thứ trưởng Bộ GD – ĐT, dư luận bùng lên những lời chê trách bà Mai, trong đó không thiếu những lời thóa mạ nặng nề. Tôi hỏi một số bạn bè làm ở Bộ GD – ĐT có nhiều năm làm việc với bà Mai thì anh em cho biết bà Mai không phải là người xấu, thậm chí là người giản dị, chan hòa, tình cảm. Bà cũng chẳng thiếu thốn gì. Chồng bà vốn là “tỉnh trưởng” và các con bà hôm nay đều khá giả, có vị trí xã hội cao. May là (nhờ báo chí) bà đã sớm tỉnh ngộ và xin rút đơn([i]).

Nếu căn cứ vào nội dung lá đơn gửi Thủ tướng mà báo chí thuật lại([ii]) thì bà Đặng Huỳnh Mai dính vào 3 thói tật:

1. Tham lam. Bà thắc mắc“Cùng thời với chúng tôi, nếu công tác ở hệ (cơ quan - PV) Đảng hoặc Quốc hội đều được hóa giá nhà (Nhà nước bán hóa giá nhà - PV), chỉ có chúng tôi bên hệ Chính phủ thì không có gì”.

2. Công thần. Đơn viết: “Thật ra suốt cuộc đời hoạt động của mình, tôi chưa hề nhận được một chính sách nào của Đảng về nhà ở, đất đai hay phương tiện đi lại”.

3. Không trung thực. Bà kể: “Tôi chỉ có một căn hộ đang thuê để tiếp tục làm việc và ở cùng con trai T.Đ.V.TH, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội”.Như thế là kể nghèo kể khổ để được chiếu cố. Sự thực thì bà đã có ngôi nhà ở đường Phạm Thái Bường,TP. Vĩnh Long mà chính bà tiết lộ mấy ngày sau, khi bà quyết định rút đơn, trả lại nhà công vụ.

Bị báo chí “bêu”, chắc hẳn bây giờ bà đã thấy hành động “dại dột” của mình. Nhưng có lẽ hàng ngàn người khác – những người đã chót lọt – lại thấy đó là sự “khôn ngoan” (không bỏ của “trời”) và may mắn! Hiện tượng này không chỉ lãng phí tài sản quốc gia mà còn nguy hiểm hơn ở chỗ nó làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng xã hội, làm tan rã đạo đức của quan chức. Ở góc độ người nghiên cứu, tôi muốn tìm hiểu ngọn nguồn lạch sông của vấn đề. Thực chất là đi tìm cái gì đã sinh ra, đã tiếp sức cho các thói tật xấu trên?

Nguyên nhân quan trọng, theo tôi, ấy là cơ chế “nặng lương nhẹ bổng”.

“Nhẹ lương nặng bổng” là một cụm từ để chỉ chính sách về lương với quan chức trong một số thể chế, trong đó có chế độ phong kiến Việt Nam thời xưa. Xin giới hạn nghĩa chữ “bổng” dùng trong bài này theo nghĩa ngày nay, không phải chữ “bổng” ngày xưa, nhiều khi cũng để chỉ lương của quan lại. Nghĩa là chả “bổng” chúng tôi dùng chỉ bổng lộc nói chung, những thứ thu nhập ngoài lương và nhìn chung không cố định, để phân biệt với lương là thứ cố định.

Biệt phủ của GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường Yên Bái nhìn từ trên cao(VTC News ngày 1/1/2018)
Bổng lộc của quan lại thời xưa bao gồm các ban thưởng của bề trên – kể cả việc nhà vua cấp cho ruộng đất (có khi được hưởng tới nhiều đời con cháu) vàcác quà cáp, biếu xén, cảm tạ từ cấp dưới và người dân. Khoản thứ hai này cũng lớn, chả thế mà các quan tri huyện, tri phủ, bố chánh, tổng đốc đều thích trị nhậm ở vùng dân số đông đúc, giàu có.

Dùng cách “nhẹ lương nặng bổng”, nhà nước phong kiến chuyên chế đã mua chuộc và khống chế được hàng ngũ quan lại.Cụ Nguyễn Khuyến sống ở cái thời vua chẳng còn ra vua nhưng vẫn cứ đau đáu:

Ơn vua chưa chút báo đền

Cúi xuôi hổ đất trông lên thẹn trời.

Cụ Nguyễn Khuyến trung quân một cách cứng nhắc nhưng còn đáng quý ở chỗ không coi quan trường là chỗ cầu lợi. Người làmquan như thếkhông nhiều. Số còn lại, không kể sốnịnh trên nạt dưới để nhặt nhạnh bòn rút,thì đa số sống “trung bình”, coibổng lộc như là lẽ tự nhiên mà người làm quan được hưởng.

Thời người Pháp cai trị, một mặt họ vẫn duy trì hình thức lương bổng cũ, nhưng mặt khác họ luôn cải tiến theo hướng ngày càng tăng cường về lương và hạn chế dần vềbổng.Ví dụ người Pháp cắt hoàn toàn khoản tiền cấp thường kỳ cho các tôn thất triều đình Huế (trước đó số này vẫn được cấp một khoản tiền “chế độ” tùy ngôi thứ ngay cả khi không tham gia một chức vụ gì).

Sang thời chế độ XHCN, lại gần như quay lại chế độ bổng lộc thời phong kiến. Tem phiếu của công chức nhà nước chia làm 6 bậctừ cao xuống: A, B, C, D, Đ, E. Trường tôi dạy chỉ có hai ông phiếu Đ, còn toàn phiếu E. Tiêu chuẩn thịt của phiếu E là 0,5kg/ tháng trong khi phiếu Đ là 0,8kg/ tháng. Chỉ một cấp đã chênh lệch thế huống chi 6 cấp. Cho nên đương thời có bài ca:

Tôn Đản là chợ vua quan

Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần

Bắc Qua là chợ thương nhân

Vỉa hè là chợ... nhân dân anh hùng.

Bên trong căn nhà của Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị(VTC News ngày 1/1/2018)
 
Tuy nhiên về cơ bản tem phiếu cũng là lương, tính chất bổng lộc chưa lớn lắm.Và dù có bất bình đẳng nhưng nó được thể chế hóa một cách chặt chẽ. Còn ngày nay,cơ chế “thị trườngđịnh hướng XHCN” thì nó tù mù rắc rối vô cùng và chứa bao nhiêu là “khoảng trống” có thể vận dụng thế nào cũng được. Rút cục, hiện tượng“nhẹ lương nặng bổng”, trong đó có cơ chế “xin – cho” bây giờ mới thực sựcó đất sống. Bổng lộc thời bao cấpít nhiều còn mang tính tượng trưng, còn nay rõ hẳn tính đặc quyền đặc lợi. Ở đây chưa xét những ông quan lợi dụng chức vụ để tham nhũng mà chỉ nói những khoản quan chức được hưởng theo chính sách. Ví dụ, người ta chọn một vị trí “đắc địa” nhất của thành phố rồi “chia lô”phân cho các quan chức tùy theo thứ hạng. Ở nhiều tỉnh thành dân gọi những phố như thế là “phố quan” hay “phố cướp”. Cắm xong, “sang tay” luôn cũng có ngay tiền tỷ, còn để ít năm về sau có thể thành “đất vàng”. Ngoài đất còn biết bao bổng lộc khác, như các khoản chi cho học tập, đi lại, khám chữa bệnh,... Có lần chúng tôi vào thăm một thân nhân của một người bạn tại Bệnh viện 108 mà chức của ông ấy có lẽ chỉ ngang hàng bộ trưởng hoặc trên một chút, thấy riêng về “không gian” đã gồm 4 phòng: một phòng điều trị để BS đến thăm khám, một phòng ngủ, một phòng khách, một phòng ăn. Tất cả chúng tôi quặn lên một nỗi đau khó tả: ở đây thì quá thừa, trong khi chỗ chữa bệnh cho dân thì quá thiếu. Riêng tôi còn nhức nhối một vấn đề nữa: đặc quyền đặc lợi lớn như thế bảo ai không ham quyền lực? Tôi lại biết có một huyện nọ cứ trưởng, phó các đầu ngành khi về hưu là được biếu luôn các vật dụng trong phòng của mình như bộ xa lông, giường, tủ,… Tôi hỏi một ông: “Thế thằng mới lên lấy gì mà dùng?” Đáp: “Ơ, nó sắm bộ mới chứ. Nó chỉ muốn “đẩy” bộ này đi để sắm bộ mới đẹp hơn. Rồi đến lúc nó về, nó lại được bộ ấy”. Hiện tượng này chắc hẳn không phải là cá biệt.

Thực ra hồi bắt đầu phong trào Đổi mới tư duy (những năm 1987 – 1990) người ta đã đặt lại tất cả các vấn đề. Nguyên tắc là phải cắt bổng lộc. Tất cả mức sống và nhiều chi phí công vụcủa công chức nhà nước tính cả vào lương. Ví dụ, một cán bộ trước kia có tiêu chuẩn đi “xe con” thì nay chế độấytrả cả cho anh ta vào lương, anh thuê xe hay mua xe thế nào tùy anh, không dùng xe công đưa đón hằng ngày (ngoại trừ số ít cán bộ cao cấp cần đảm bảo an ninh). Thế nhưng chỉ được mấy năm, mọi việc lại đâu vào đấy. 
6 khu biệt thự liền kề của quan chức Lào Cai (VTC News ngày 1/1/2018)

Nói dài dòng như trên để thấy sự đệ đơn của bà Đặng Huỳnh Mai, trong đó bà thắc mắc với các quan chức bên Đảng và bên Quốc hội,không phải là không có cái “lý” chính đáng. Nhưng nếu chế độ bổng lộc cứ theo hướng đó thì nhà nước sẽ giải quyết ra sao? Có hai cách, hoặc là phải mở rộng thêm diện áp dụng chính sách ưu đãi, hoặc ngược lại, phải thu hẹp và tiến tới xóa bỏ. Hướng thứ nhất thì ngân sách nào chịu nổi, và nhất là tạo ra sự bất bình đẳng càng ngày càng lớn, sự rắc rối, “bất khả giải quyết”cũng càng nhiều, và hậu quảlà không những tiền của ngân sách lãng phí mà cán bộ càng thêm hư hỏng, nhếch nhác tư cách. Hướng thứ hai là hướng chung của các nước văn minh. Ông Obama rời Nhà trắng là “tay trắng” (tất nhiên còn cái lương hưu nhưng đó không phải là bổng lộc). Hãy tính tất cả vào lương. Lương lúc tại chức cao thì lương hưu cũng cao để các quan khỏi phải lo lúc về vườn. Lương thủ tướng, chủ tịch nước nước dẫu “cao ngất”thì cũng không lãng phí bằng được cấp nhà/ đất và về hưu mà vẫn tốn thêm 5 – 6 suất phục vụ. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi rời chính trường có một câu nói đáng suy nghĩ: “Ráng làm người tử tế”. Câu nói hàm một “tiền giả định” là khi tại chức có lúc đã “không tử tế”, còn từ nay sẽ qyết tâm tử tế. Tôi nghĩ đó là một câu nói chân thành và đáng trân trọng. Chế độ bổng lộc làm tha hóa quan chức, trở thành một trong những tử huyệt của chế độ.Vì chính sách bổng lộc, bàcựu Thứ trưởng Đặng Huỳnh Maivừa rồi suýt nữa có một việc làm không tử tế, nhưng báo chí đã giúp bà nhanh chóng tỉnh ngộ. Tuy nhiên trường hợp này có lẽ là cá biệt. Hãy tạo điều kiện cho quan chức sống tử tế, cả khi tại chức, cả khi nghỉ hưu. Thế thìthì phải cắt mọi bổng lộc.