13 novembre 2020

Bình luận Chỉ thị 45

Nguyễn Đình Cống : " Chỉ thị đề lên rất cao việc “Lựa chọn, giới thiệu người ứng cử”. Mà quyền lựa chọn lại nằm trong tay các cấp ủy đảng. Điều này làm lộ rõ tính dân chủ nửa vời, giả hiệu..."

“vừa đá bóng vừa thổi còi”

Ngày 20 tháng 6 năm 2020 Bộ Chính trị Đảng CSVN ra Chỉ thị số 45 về Lãnh đạo cuộc bầu cử quốc hội khóa 15,  nên và cần  vận dụng chỉ thị làm sao cho bầu cử được như mong đợi của dân. Đồng thời cần phát hiện những điều thiếu dân chủ, kém minh bạch để tránh các tiêu cực.


Chỉ thị 45 gồm Lời dạo đầu và 9 điều.

Lời dạo đầu viết rằng,  cần  bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân….  Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta sau 35 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, trong lúc các thế lực thù địch vẫn tiếp tục tìm mọi cách chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng .

Nội dung các điều được tóm tắt :

1.  Xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, …..và thực sự là ngày hội của toàn dân.

2.  Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ để giới thiệu những người tiêu biểu …quyết không giới thiệu những người không xứng đáng, .. , ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

3.  Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân

4.  Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử theo đúng quy trình luật định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử và bầu cử.

5.  Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh.

6.  Phổ biến sâu rộng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội , về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân

7.  Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự,… ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử,

8.  Thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương,

9.  Tổ chức đảng các cấp có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.

 

Để bình luận về Chỉ thị, trước hết cần làm rõ khái niệm nhân dân, nhu cầu và  sự đại diện của họ.

Nhân dân bao gồm nhiều tầng lớp. Họ có một vài nguyện vọng và quyền lợi chung như đất nước độc lập, xã hội yên ổn v.v…và mỗi tầng lớp lại có những nhu cầu riêng. Tạm và có thể chia thành 2 tầng lớp theo lao động : Lao động phổ thông và Lao động  bậc cao

Nhu cầu chủ yếu của tầng lớp lao động phổ thông là được yên ổn làm ăn. Họ dễ dàng thỏa mãn với vài quyền lợi vật chất kiếm được. Họ sợ chính quyền. Họ sẵn lòng chấp nhận sự cai quản và dẫn dắt. Phản ứng chủ yếu của họ khi bị đối xử bất công là “kêu oan”, mong đèn Trời soi xét. Họ cam chịu sự áp bức bóc lột mà không dám phản kháng, không dám bày tỏ sự bất bình cho đến lúc bị đẩy đến đường cùng. Họ có vai trò trong nền sản xuất, lưu thông, nhưng ít có đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Nhu cầu chủ yếu của tầng lớp lao động bậc cao là tự do. Quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Họ thường phát hiện ra những mâu thuẩn, bất cập của chính quyền. Họ phản biện và tìm cách khắc phục. Họ có vai trò tích cực trong sự tiến bộ của xã hội.  Bộ  phận tinh hoa của dân tộc ở trong tầng lớp này. Trong thể chế dân chủ họ là một trong các động lực phát triển. Trong thể chế độc tài họ trở thành “thế lực thù địch” khi không chịu làm đầy tớ cho quyền lực.

Khi bàn đến nhu cầu, quyền lợi cần xem xét đến cả hai tầng lớp nhân dân. Sẽ rất sai lầm khi nghĩ rằng nhân dân chủ yếu là tầng lớp lao động phổ thông mà ít hoặc không quan tâm đúng mức đến nhu cầu của tầng lớp lao động bậc cao, càng nguy hiểm hơn khi xem họ là thù địch.

Trong việc đại diện, chỉ thị nêu ra : Ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ. Còn thiếu một chỉ tiêu quan trọng là “Trí tuệ”. Đại diện cho ý chí, nguyện vọng là cần, đại diện cho quyền làm chủ quan trọng hơn, mà để làm được việc đó rất cần trí tuệ. Thế nhưng Chỉ thị 45 không đề cập đến “đại diện cho trí tuệ”. Vì sao vậy?.(Trong Chỉ thị có đề cập đến phẩm chất, năng lực. Đó chưa phải là Trí tuệ)

 Chỉ thị đề lên rất cao việc “Lựa chọn, giới thiệu người ứng cử”. Mà quyền lựa chọn lại nằm trong tay các cấp ủy đảng. Điều này làm lộ rõ tính dân chủ nửa vời, giả hiệu..

Trong một tổ chức vững mạnh và trong sáng cần đề cao việc ứng cử và tranh cử. Chỉ thị  viết sơ qua về quyền tự ứng cử, nhưng phải có “quy trình thật chặt chẽ”. Chắc rằng đây sẽ là những cửa quá hẹp rất khó lách qua đối với những phần tử tinh hoa trong dân. Vận động bầu cử là quyền và trách nhiệm của ứng viên, nó bị chỉ thị chặn họng với ý “vận động không lành mạnh”. Đó là cụm từ sẵn sàng chụp mũ cho những người không được cấp ủy giới thiệu mà lại muốn thể hiện nguyện vọng và năng lực.

Chỉ thị 45 đưa ra “ các thế lực thù địch” chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử.

Phải chăng đây là một đe dọa nhằm vào những tiếng nói cổ vũ cho dân chủ.

Trong bầu cử rất cần chống gian lận ở khâu bỏ phiếu và kiểm phiếu. Chỉ thị 45 quan tâm thế lực thù địch chống phá bầu cử mà không hề quan tâm đến chống gian lận. Vì sao vậy?

Người ta nói nhiều về Nhà nước pháp quyền. Nhà nước đó phải dựa trên một Quốc hội  mạnh. Sức mạnh đó chỉ có được dựa vào trí tuệ, trách nhiệm và tính độc lập. Liệu Chỉ thị 45 có muốn tạo ra được một Quốc hội mạnh như thế không. Muốn vậy thì về lâu dài cần thay đổi các Luật liên quan (Các luật về Quốc hội hiện nay có những điều lạc hậu, phản dân chủ, phản tiến bộ, rất cần thay đổi). Trước mắt, điều 6 của Chỉ thị là  cần "Phổ biến sâu rộng Luật Bầu cử". Có ba việc quan trọng sau  :

Một là hạn chế việc các cấp ủy lựa chọn ứng viên (người ứng cử). Hãy vận động để những người có trí tuệ, thích làm chính trị tự ứng cử. Phải làm sao để người tự ứng cử chiếm số đông trong danh sách. Các ứng viên phải làm và công bố chương trình tranh cử.

Hai là cử tri bầu cho ai phải biết về người đó. Thực hiện phương châm "Không biết không bầu". ( trường hợp cử tri không biết ai cả thì cũng nên để lại một người trong phiếu vì phiếu trắng và phiếu bầu quá số lượng bị cho là không hợp lệ. Đây là một quy định phản dân chủ, cần xóa bỏ ).

Ba là loại trừ việc “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Đó là cách bầu những quan chức chủ chốt trong chính quyền  làm luôn Đại biểu Quốc hội . Cách này từ trước đến gần đây vẫn thực hiện, tạo ra sự lãng phí, sự thiếu nghiêm túc. Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì cử tri không nên bầu những quan chức chính quyền làm Đại biểu QH..

Ba điều trên không trái với Luật hiện hành. Nếu Đảng thật tâm, muốn cho dân bầu được Quốc hội xứng đáng, muốn cho Bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân thì cần làm được những việc thiết thực mà giảm bớt việc tuyên truyền quá nặng hình thức..