Phạm Trần
Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris
Kết qủa bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020 đã xác nhận ứng cử viên Dân chủ Joe
Biden đánh bại đương kim Tổng thống Cộng hòa Donald Trump để trờ thành Tổng
thống thứ 46 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.
Bà Thượng nghị sỹ California, Kamala Harris, sinh ngày 10/10/1964 là phụ nữ đầu tiên đã đắc cử Phó Tổng thống trong lịch sử Mỹ. Bà cũng là con của gia đình di dân đầu tiên gữ chức vụ cao quý này, có Mẹ gốc Ấn Độ và cha gốc Jamaica, vùng Caribbean (Nam Mỹ).
Nhưng Tổng thống thất cử và các Lãnh tụ
của đảng Cộng hòa bại trận vẫn chưa chịu nhìn nhận thất bại. Ngược lại, ông
Trump đã chủ động chiến dịch không thừa nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử
Joe Biden, đồng thời đã khiếu kiện ở một số Tiểu bang có số phiếu chênh lệch
nhỏ với hy vọng đảo ngược thế cờ.
Tuy nhiên, các Thẩm phán ở Pennsylvania,
Michigan, Arizona, Georgia và Nevada đã bác đơn kiện của Ủy ban tranh cử của
Donald Trump vì phe ông Trump không trưng được bằng chứng có gian lận,
hay có chủ mưu làm sai lệch kết quả bầu cử.
Trong khi các viên chức trách nhiệm
bầu cử ở Wisconsin và Iowa là nơi ông Trump thắng năm 2016, đã chứng minh với
báo chí là cuộc bầu cử tại hai Tiểu bang đã diễn ra êm thắm, không có khiếu nại
của ai. Trong cuộc bầu cử năm 2020, Joe Biden thắng ở Wisconsin trong khi
Donald Trump đánh bại Biden ở Iowa.
Tuy vậy, hơn 1 tuần sau ngày bầu cử, cuộc kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất vì
có nhiều phiếu bầu bằng thư hơn thường lệ, do cử tri không muốn bị lây
nhiễm nạn dịch Covid 19 ở phòng phiếu.
Theo ước tính của các cơ quan ngôn luận
Mỹ, liên danh Dân chủ Joe Biden- Kamala Harris, Thượng nghị sỹ của Tiểu bang
California, dự trù sẽ thu được trên 300 phiếu Cử tri đoàn, vượt xa con số Hiến
định 270 trên tổng số 538 phiếu.
Số thống kê của Báo chí và của các công ty
chuyên trách bầu cử cũng ước đoán số phiếu đại chúng (popular votes) mà
liên danh Biden-Harris sẽ đạt được hơn 80 triệu phiếu, hơn liên
danh Donald Trump-Michael Pence lối 5 triệu phiếu. Nếu ước tính này không thay
đổi, ông Biden sẽ là ứng cử viên Tổng thống nhận được nhiều phiếu nhất trong
lịch sử Hoa Kỳ.
TRUMP HÀNH ĐỘNG NGUY HIỂM
Trước một thực tế không thay đổi được như
thế, Donald Trump vẫn giữ nguyên lời cáo buộc “không bằng chứng” có gian lận,
hay “cuộc bầu cử đã bị phe Dân chủ đánh cắp”. Hành động bất thường và
nghiêm trọng này của Donald Trump đã để lại những hậu quả nguy hiểm trước
mắt như:
- Chính quyền Trump không tiếp xúc với
bên thắng cử Joe Biden và đã chỉ thị cho các viên chức lãnh đạo các Bộ,
ngành cũng làm như thế.
- Lãnh tụ ở Thượng viện của đảng Cộng hòa,
Nghị sỹ Mitch McConnell và Lãnh tụ Thiểu số Cộng hòa ở Hạ viện, Dân biểu Kevin
McCarthy, cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng ủng hộ quyết
định kiện ra tòa của ông Trump. Riêng Bộ trường Tư Pháp William Barr còn chỉ
thị cho các Thẩm phán cứu xét các vụ kiện bầu cử do Ban Bầu cử của Cộng hòa đề
xướng.
- Cơ quan Tổng quản trị Quốc gia (General Services Administration (GSA), có
nhiệm vụ cung cấp nơi làm việc, phối hợp chuyển tiếp chính quyền và ngân khỏan
6.3 triệu Dollars chi tiêu cho dịch vụ lịch sử này vẫn chưa hành động khiến Ban
Chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Biden dọa đưa ra tòa.
- Bà Emily Murphy, Giám đốc GSA, đảng viên
Cộng hòa, do ông Trump bổ nhiệm, đã từ chối chứng nhận Joe Biden sẽ là
Tổng thống Hoa Kỳ để tiến hành công tác chuyển tiếp như đã diễn ra với các đời
Tổng thống trước đây.
GSA nói rằng Bà Murphy không thế chứng thực cho ông Joe Biden vì do hậu qủa để lại của cuộc tranh tụng tại tòa án về cuộc kiểm phiếu ở Florida năm 2000, với con số cách biệt 537 phiếu, giữa ứng cử viên Dân chủ, Phó Tổng thống Al Gore và ứng cử viên Cộng hòa George W. Bush.
Quyết định cho ông Bush thắng cử chỉ
diễn ra vào đêm 26/11/2000, 3 tuần lễ sau ngày bầu cử, sau khi Tối cao Pháp
viện biểu quyết 5 thuận (Cộng hòa), 4 chống (Dân chủ) công nhận ông Bush thắng
ở Florida, đồng thời chức vụ Tổng thống Mỹ thứ 43 của Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, sự kiện bà Murphy “chưa chứng nhận” ông Joe Biden sẽ là Tổng
thống tương lại, thay thế Donald Trump vào trưa ngày 20/01/2021, sẽ không cho
phép các cơ quan an ninh Mỹ gồm CIA, FBI và Bộ Quốc phòng tổ chức các buổi
thuyết trình trực tiếp về hình hình an ninh và tình báo với ông Biden.
Các chuyên gia an ninh Mỹ lo ngại với cách hành xử thiếu trách nhiệm
của GSA đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden, thì trong khoảng trống
quyền lực từ nay đến ngày ông Biden nhận chức, 20/01/202, ông Trump có
thể buông xuôi trách nhiệm trong lúc ông Biden chưa sằn sàng thì kẻ thù của Mỹ
có thể lợi dụng để tấn công quân sự hay khủng bố trên bình diện lớn.
Vì vậy ngoài những việc có tính cách thông
lệ nhưng lịch sử mà chính quyền mãn nhiệm Donald Trump từ chối thi hành như vẫn
diễn ra dưới thời các Tổng thống tiền nhiệm thì thái độ “được làm vua, thua làm
giặc” của chính quyền Cộng hòa Donald Trump còn để lại một ấn tượng rất
xấu và chia rẽ nghiêm trọng trong xã hội Mỹ, vốn đã và đang phân hóa hơn
bao giờ hết, sau 4 năm cầm quyền của Donald Trump.
Thêm vào đó, tính siêu việt và tính chính danh của những giá trị dân chủ cốt
lõi của Hiến pháp, Tuyên ngôn độc lập, và bầu cử tự do, công bằng và bình đẳng
của Hiệp chủng Quốc cũng đã bị xúc phạm và bị hoen ố bởi lời cáo buộc bầu cử
gian lận “vô căn cứ” của ông Donald Trump.
NƯỚC NGOÀI VÀ VIỄN ẢNH
Đối với Thế giới, một hình ảnh Hoa Kỳ không còn được tôn trọng và ngưỡng mộ bởi
Đồng minh và kiêng nể bởi nước Nga thù nghịch, và đối tác cạnh tranh kinh
tế Trung Cộng cũng đã nổi lên rất rõ, sau nhiệm kỳ Tổng thống của Donald
Trump.
Riêng đối với các nước đang phát triển và
kém mở mang, ông Trump đã để lại một di sản ngoại giao thiên vị và coi thường
các nước nghèo và đang trỗi dậy. Chủ trương “Nước Mỹ trên hết” (America First)
của chính quyền Trump đã đẩy Đồng minh của Mỹ ra xa và dìm sâu hơn các nước nhược
tiểu không đem lại lợi ích cho nước Mỹ.
Trong khi Donald Trump lại tỏ ra thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin,
lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (`Kim Chính Ân) và Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng
sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các cam kết Quốc phòng với khối NATO
(North Atlantic Organization), và với các nước Á Châu-Thái Bình Dương-Ấn Độ
Dương cũng bị giảm thiểu dưới thời Trump.
Vậy với những hệ lụy nêu trên, người ta
trông chờ gì ở Chính quyền Joe Biden ?
Trước hết ông Biden cho biết ông không quan tâm đến thái độ bất
hợp tác của ông Donald Trump và đang làm việc với các cố vấn và Ban chuyển tiếp
để nhận chức.
Ưu tiên hàng đầu, ngay trong ngày nhận chức 20/01/2021, của ông Biden là ông sẽ
công bố chính sách ngăn chặn nạn dịch Covid 19 đang hoành hành nước Mỹ
với số trên 9 triệu người nhiễm bệnh và đã có trên 230,000 người chết.
Thứ hai, ông đã nói, ngay sau
ngày được báo chí đồng loạt nhìn nhận ông đã thắng cử trong đêm ngày 07/11
(2020), sẽ ký quyết định hủy bỏ tất cả nhửng quyết định hành chính của ông
Trump đã gây bất lợi cho nước Mỷ và người dân Mỹ.
Thứ ba, lấy lại niềm tin vào
chính quyền của người dân bằng những việc làm hàn gắn chia rẽ, hợp tác làm
việc, kể cả với số cử tri đông đảo đã ủng hộ ông Trump, để xây dựng đất nước
phồn thịnh.
Thứ tư, phục hồi uy tín trong
hợp tác và giành lại sự kính trọng nước Mỹ của Thế giới, sau 4 năm bị suy đồi
dưới chính quyền Trump.
Thứ năm, nghiên cứu việc tái
gia nhập các Tổ chức kiểm soát Khí hậu toàn cầu; Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Y
tế Thế giới (WHO) và các Hiệp ước Kinh tế khác mà chính quyền Donal Trump đã
rút lui, trong đó có Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình
Dương (CPTPP) đã được 11 nước, đứng đầu là Nhật Bản, tham gia chính thức ký kết
vào đầu tháng 3/2018.
Hiệp ước này được thay thế cho Hiệp định đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại thành phố
Santiago (Chile), dưới thời Tổng thống Barrack Obama, trong đó Hoa kỳ đứng đầu.
Nhưng vào tháng 1/2017, ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi Hiệp định
này.
Đó là dự đoán về những kế hoạch và chương trình hành động trong hai năm
đầu của nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden, nhưng liệu ý nguyện của ông Biden có
bị vùi dập bởi cơn lốc “bất hợp tác” của phe Cộng hòa ở Quốc hội hay không ?
Và liệu những hệ lụy phân hóa trong xã hội Mỹ do Donald Trump để lại có là những viên đá tảng cản đường cho chính quyền Biden, hay ông sẽ được cử tri tiếp tục ủng hộ để vượt qua ?
Bởi vì bài học lịch sử sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, với đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, đã gây không biết bao nhiêu khó khăn cho chính quyền non trẻ Barack Obama. Mãi đến kỳ bầu Quốc hội năm 2018, phe Dân chủ mới tái chiếm đa số ở Hạ viện với số ghế 232 chống 197 Cộng hòa thì tính cân bằng quyền lực mới được thực hiện nghiêm chỉnh hơn, mặc dù đảng Cộng hòa vẫn nắm đa số ở Thượng viện với 53 ghế , chống 47 của Dân chủ.
Cuộc bầu cừ năm 2020 cũng vẫn duy trì đa số cho Dân chủ ở Hạ viện, nhưng ở Thượng viện vẫn còn bấp bênh. Hai ghế Thượng nghị sỹ của tiểu bang Georgia sẽ quyết định đảng nào chiếm đa số trong cuộc bầu cử bổ túc ngày 05/01/2021.
Như vậy, liệu Tổng thống 78 tuổi Joe Biden có chống nổi cơn lốc “bất thân thiện” của phe đối lập Cộng hòa trong 4 năm tới, hay ông sẽ khôn khéo vượt qua, với kinh nghiệm 36 năm làm Nghị sỹ của Tiếu bang Delaware và 8 năm làm Phó Tổng thống cho Tổng thống Barrack Obama ? -/-
Phạm Trần
(11/020)