Nguyễn Quang Duy
Nói đến độc tài, nhân quyền, dân chủ là nói đến quyền lực thuộc về ai. Nhân
cuộc tuyệt thực vận động cho nhân quyền bài viết xin được tóm tắt sự liên hệ
giữa độc tài, nhân quyền và dân chủ.
Độc tài dựa trên lãnh tụ, áp bức và tuyên truyền
Một thể chế mà quyền lực được tập trung trong tay một cá nhân, một nhóm
người hay vài nhóm người được xem là thể chế độc tài.
Dưới thể chế độc tài quyền lực bị tiếm dụng gây ra nạn tham nhũng của dân
hay tiếm đoạt của công. Quyền lực được chuyển thành quyền lợi phân chia cho các
phe nhóm. Quyền lợi lại là yếu tố căn bản để các phe nhóm gắn bó với nhau bảo
vệ thể chế độc tài.
Thể chế toàn trị thì con người bị tước đoạt mọi thứ quyền. Cả người dân lẫn
kẻ cai trị gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào guồng máy cai trị. Mọi quyết định
đều xuất phát từ lãnh tụ hay một vài cá nhân.
Lãnh tụ và tầng lớp lãnh đạo độc tài được guồng máy tuyên truyền huyền
thoại hóa. Mao nước Tàu, Kim Nhật Thành của Bắc Hàn, Hồ chí Minh tại Việt Nam
dù đã chết từ lâu vẫn được sử dụng như hình tượng để bảo vệ chế độ.
Quan niệm nhân quyền thì ngược lại lấy con người là gốc. Mọi người đều bình
đẳng, bình quyền và qua bầu cử tự do mọi người đều có cơ hội để chọn người lãnh
đạo quốc gia hay trở thành người lãnh đạo đất nước.
Trong khi thể chế độc tài phải dựa trên guồng máy quân đội, an ninh, cảnh
sát, dân phòng, công chức để bảo vệ. Xã hội có nhân quyền lại lấy quyền tự do
cá nhân làm gốc, lấy tự nguyện thi hành bổn phận công dân làm căn bản và lấy
luật pháp quốc gia làm nền tảng.
Khi thể chế độc tài cần một dàn tuyên giáo tuyên truyền định hướng dư luận
và đánh bóng chế độ. Thì giá trị nhân quyền là bảo đảm quyền tự do ngôn luận,
minh bạch sự việc và tôn trọng sự thật.
Nhân Quyền là giá trị chung của nhân loại
Nói chung nhân quyền là những quyền tự nhiên của con người, là giá trị
chung của nhân loại đã được Liên Hiệp Quốc bảo đảm, được các nước dân chủ tuân
thủ và bảo vệ.
Mặc dầu Liên Hiệp Quốc chưa có các biện pháp chế tài cụ thể, các chính thể
độc tài vi phạm nhân quyền thường bị các quốc gia tẩy chay hay lên án.
Khi giá trị nhân quyền được truyền bá sâu rộng thì càng ngày mọi quốc gia
càng phải tôn trọng nhân quyền hơn và càng ngày càng nhiều quốc gia thoát khỏi
chế độ độc tài trở thành các quốc gia dân chủ.
Dân chủ đa nguyên đa đảng
Không phải có đa nguyên đa đảng là có nhân quyền, có dân chủ. Ở Việt Nam
một số tổ chức dân sự đã được hình thành và hoạt động trong một khuôn khổ có
giới hạn. Các sinh hoạt ảo như Facebook đã vượt qua sự kiểm soát của nhà cầm quyền
cộng sản. Nhưng đó chưa phải là biểu hiện của tự do và dân chủ.
Trước năm 1986 ngoài đảng Cộng sản, Việt Nam còn có đảng xã hội và đảng dân
chủ. Hiện nay Trung quốc vẫn duy trì 8 tổ chức “chính trị”. Sự tồn tại của các
tổ chức “chính trị” chỉ để che đậy thể chế độc tài đảng trị. Khi chưa có đa
đảng đối lập trong nghị viện thì chưa thể có sinh hoạt dân chủ.
Có lập luận cho rằng hãy tập trung đấu tranh giải thể chế độ cộng sản vì
chính thể hậu cộng sản chắc chắn sẽ tốt hơn. Lập luận này không có cơ sở. Nếu
chúng ta không có sửa soạn tốt thì thể chế độc tài cộng sản có thể sẽ thay bằng
thể chế độc tài dưới hình thức khác.
Quyền lực và quyền lợi là những động cơ khuyến khích cá nhân đóng góp cho
sự thay đổi của xã hội. Nhưng con người lại dễ sa ngã lạm dụng quyền lực để trở
thành những kẻ độc tài. Vì thế cần có tự do chính trị để xây dựng và phát triển
cấu trúc dân chủ tạo điều kiện xây dựng một thể chế dân chủ.
Cấu trúc dân chủ
Chuyển tiếp từ một thể chế độc tài sang một thể chế dân chủ là một quá
trình cần được sửa soạn kỹ lưỡng.
Thể chế dân chủ lấy con người làm gốc và xây dựng trên căn bản quyền con
người. Dưới thể chế dân chủ chính phủ và quốc hội chỉ là những người làm công.
Giới cầm quyền có bổn phận phải tìm hiểu và phục vụ nhu cầu của dân chúng trong
hoàn cảnh và khả năng đất nước cho phép.
Muốn vậy quyền chính trị phải được tuyệt đối tôn trọng. Người dân có quyền
bầu chọn những người đại diện cho họ xây dựng cấu trúc dân chủ bằng cách soạn
ra hiến pháp và luật pháp. Quyền lập hiến và quyền lập pháp phải là quyền của
người dân.
Một cấu trúc dân chủ với tam quyền phân lập, các quyền hành pháp, lập pháp,
tư pháp, được độc lập nhưng kết nối với nhau một cách uyển chuyển điều hành
guồng máy quốc gia.
Thông tin và báo chí phải được tự do thực thi đệ tứ quyền. Các tổ chức dân
sự và truyền thông mạng cũng phải được tự do nhằm điều hòa sinh hoạt xã hội.
Tổ chức dân sự và tổ chức chính trị
Dưới thể chế dân chủ vai trò của các tổ chức dân sự và các tổ chức chính
trị hoàn toàn khác nhau. Các đảng chính trị hay các tổ chức chính trị lập ra
nhằm tham gia cạnh tranh quyền lực. Còn các tổ chức dân sự là các tổ chức không
làm chính trị, chỉ giữ vai trò từ thiện, tương trợ, vận động hành lang, … Luật
Úc không cho phép các tổ chức dân sự tham chính.
Tại Việt Nam đã xuất hiện một số tổ chức dân sự hoạt động trong một khuôn
khổ có giới hạn, họ đều chưa được “phép” hoạt động một cách độc lập với đảng
cộng sản, vì thế các tổ chức này vẫn mang đặc tính của tổ chức đấu tranh cho
nhân quyền.
Họ đấu tranh để giành lại những quyền tự do chính trị, tín ngưỡng, báo chí,
nghiệp đoàn, … những quyền cơ bản được quốc tế công nhận.
Ở Việt Nam cũng chưa có tổ chức đối lập. Muốn là đối lập đầu tiên phải có
sự bất đồng về chính trị, có chiến lược và chính sách đối lập. Thứ đến, sự bất
đồng mang tính cách tập thể, biểu hiện qua hành động có tổ chức với sự ủng hộ
của quần chúng. Đối lập phải hoạt động trong vòng pháp luật và trên nghị
trường.
Hiện nay đảng Cộng sản đang tìm mọi cách để ngăn cản sự hình thành đối lập,
nhất là đối lập từ bên trong nội bộ đảng này.
Các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền hiện đang tích cực xây dựng ý thức dân
chủ, vận động người dân quan tâm đến chính trị, sửa soạn để người dân tham gia
các sinh họat chính trị, khi thể chế đa nguyên đa đảng chính trị đã được hình
thành.
Quan điểm cho rằng các cá nhân, các tổ chức chống cộng đều đấu tranh cho
dân chủ cũng cần được cẩn thận xét lại. Quá trình hành xử của họ nói lên được
phần nào ý thức về dân chủ mà cá nhân hay tổ chức này có được.
Khi ý thức dân chủ của cá nhân, của tổ chức và của xã hội chưa đầy đủ, cộng
thêm tình trạng khủng hoảng toàn diện hiện nay, thể chế cộng sản có thể sẽ được
thay bằng một thể chế độc tài theo một cấu trúc khác. Vì thế việc phổ biến các
giá trị của nhân quyền cần được quan tâm đúng mức.
Nhân Quyền và Dân Chủ
Mặc dù nhân quyền lấy con người làm gốc. Dân chủ lại dựa trên quyết định
của đa số vì thế quan niệm về đạo đức và luân lý của đa số dễ dàng ảnh hưởng
đến quyền tự do các nhóm thiểu số.
Mãi đến cuối tháng 6 năm 2015 Tòa án Tối cao Hoa Kỳ mới chính thức phán
quyết rằng hôn nhân đồng giới là quyền hợp pháp trên toàn nước Mỹ. Điều đó cho
thấy thay đổi quan niệm về đạo đức và luân lý của một xã hội cần thời gian và
nhiều nỗ lực.
Điều tốt là luật pháp dân chủ luôn bảo vệ các nhóm thiểu số và luôn tạo cơ
hội để các nhóm thiểu số liên tục đấu tranh đòi nhân quyền cho chính họ.
Nhờ sự đấu tranh không ngừng của mọi thành viên trong xã hội tình trạng
nhân quyền sẽ tốt hơn, từng bước hoàn chỉnh thể chế dân chủ.
Kết
Càng ngày càng nhiều người Việt nhận thức được quyền con người, nhờ thế
càng có thêm người dấn thân tranh đấu cho các quyền tự do họ bị nhà cầm quyền
cộng sản tước mất.
Càng thêm người dấn thân thì quyền lực của tầng lớp cầm quyền càng bị lung
lay buộc họ phải từng bước trao trả chủ quyền cho toàn dân.
Cuộc đấu tranh cho nhân quyền không ngừng ở việc thay đổi thể chế, càng
nhiều người hiểu rõ nhân quyền thì nền tảng dân chủ sẽ bền vững hơn.
Việc truyền bá nhân quyền vì thế vô cùng quan trọng sẽ chuyển đổi độc tài
sang dân chủ, cũng như từng bước hoàn chỉnh thể chế dân chủ cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne Úc Đại Lợi
22/07/2015