Ông Tập Cận Bình thăm Hà Nội 2011: quan hệ Trung - Việt đang gặp thách thức
Trước tình hình căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng gia tăng trên Biển Đông tháng 5/2014, thông tin gần nhất cho thấy lãnh đạo Việt Nam đang tính đến biện pháp pháp lý, hay nói cách khác là kiện Trung Quốc ra tòa.
Tuy nhiên các dấu hiệu đưa ra bởi những lãnh đạo khác nhau vẫn chưa rõ ràng, thể hiện sự chần chừ có thể trong việc ra quyết định.
Có người còn nhắc đến việc Việt Nam thậm chí đã chuẩn bị tinh thần cho những biện pháp không hòa bình, một cách nói khác của chiến tranh.
Liên quan đến việc kiện Trung Quốc, nhiều bài viết đã trình bày các vấn đề như cách thức tiến hành, hệ quả pháp lý và kinh tế của việc kiện.
Bài viết này tập trung phân tích mối vai trò của việc kiện vừa như một biện pháp đối ngoại cần thiết vừa như một giải pháp ngăn chặn và kết thúc chiến tranh, nếu xảy ra.
Hai trường phái
Về đối ngoại, đưa ra vụ kiện cũng là một thứ vũ khí mang tính ngăn chặn trong quan hệ quốc tế.
Các quốc gia phải 'tự xoay xở' để bảo vệ mình
Tồn tại hai trường phái chính trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế.
Trường phái tự do (liberalism) đề cao các giá trị chung của nhân loại như hòa bình, công bằng và tin tưởng vào một thế giới hướng thiện nơi các quốc gia mong muốn cùng phát triển và mưu cầu hạnh phúc cho mình và cho người khác.
Trường phái thực tế (realism) ngược lại nhấn mạnh vai trò của từng quốc gia phải tự xoay xở để tự bảo vệ chính mình.
Hay xa hơn nữa là trường phái thực dụng (realpolitik) hoài nghi các giá trị như hòa bình và công bằng, đề cao sức mạnh của quốc gia để cạnh tranh và sống còn.
Với vị thế nước nhỏ hiện giờ, Việt Nam cần phải tận dụng sức mạnh của các giá trị của trường phái tự do (liberalism), mà đại diện là các điều luật quốc tế, như UNCLOS 1982, hay Hiến chương Liên Hợp Quốc, hay các cơ quan trọng tài quốc tế như Tòa án Công lý, Tòa Trọng tài về luật biển.
Cụ thể, Việt Nam cần phải nhanh chóng kiện việc Trung Quốc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 tại một tòa trọng tài thành lập theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).
Đó có thể là Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal for the Law of the Sea) ở Hamburg, Đức; Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice) tại La Haye, Hà Lan; hay một tòa trọng tài được thành lập đúng theo thủ tục của UNCLOS như cách Philippines đang làm.
Song song đó, Việt Nam nên yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra giải quyết tại Toà án Công lý Quốc tế. Đây là một cách thức đấu tranh hoà bình được Điều 33.1, Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định.
Đối với Việt Nam, việc sử dụng biện pháp pháp lý không phải là một lựa chọn tình thế, và sau cùng. Mà ngược lại đó là một sự bắt buộc, một lựa chọn tất yếu không cần bàn cãi khi bất công có khả năng, mầm mống xảy ra (không phải lâm vào thế khi bất công đã diễn ra trước mắt).
Đó là một dạng vũ khí ngăn chặn, vũ khí răn đe (arme de dissuasion) của bên yếu hơn để ngăn chặn việc căng thẳng có thể bị đẩy đến tình trạng đáng tiếc là chiến tranh.
Việc không sử dụng, hay thậm chí chỉ không tuyên bố ngay từ đầu về khả năng sử dụng những biện pháp pháp lý giống như tự trói tay trước đối phương.
Đây là một cách tiếp cận không khôn ngoan, nhất là khi đối phương mạnh hơn rất nhiều và có tiền sử sử dụng vũ lực, tức là có nhiều sơ hở để Việt Nam có thể răn đe bằng sức mạnh của biện pháp pháp lý.
Trung Quốc hiện không công nhận 'có tranh chấp' ở Hoàng Sa
Càng không phù hợp hơn cách tiếp cận đó là lập trường như 'kiên trì đàm phán hòa bình' và đặc biệt là các khẩu hiệu 16 chữ vàng 4 tốt.
Các khẩu hiệu trên trên không thuộc một trường phái quan hệ quốc tế nào, và chắc chắn không thuộc trường phái tự do (liberalism).
Vì nó không dựa trên sự công bằng, mà là sự nhượng bộ, không dựa trên hòa bình và tự do, mà là kết quả của sự đe dọa và dàn xếp.
Có thể có lập luận các khẩu hiệu đó chỉ là những mỹ từ ngoại giao hay nghi binh.
Sự nghi binh có thể làm hình ảnh gần với đầu hàng, buông xuôi thì liệu có còn sử dụng được hay không?
Ai sẽ dốc vốn liếng chính trị và tài chính quốc gia ra để tin và giúp một kẻ buông xuôi? Thay vì vậy họ sẽ thủ thân theo cung cách thực tế (realism) cho chính họ.
Việt Nam cần từ bỏ ngay và vĩnh viễn các khẩu hiệu bất thường trên và sử dụng cách thức bình thường và duy lý để giải quyết các mối quan hệ quốc tế: kiện Trung Quốc ra tòa khi ngay khi xuất hiện mầm mống bất công.
Kiện hay chiến tranh?
Chiến tranh, dầu kết thúc thế náo, cũng khó mà giải quyết mâu thuẫn rốt ráo. Khuất phục một người bằng sức mạnh đã khó, khuất phục cá một dân tộc bằng sức mạnh là điều không thể.
Trong lịch sử cận đại, Việt Nam và Trung Quốc đã qua bao nhiêu cuộc chiến 1974, 1979, 1988 ; mâu thuẫn chỉ chất chồng lên thêm.
Các cuộc chiến đó, dầu Việt Nam thua hay thắng, dĩ nhiên cũng không làm Việt Nam đồng ý hơn với Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc có thắng hay thua, họ cũng không hài lòng và 'tốt, vàng' với Việt Nam hơn.
Kết quả của chiến tranh chỉ làm cho bên mạnh thêm bạo tàn và tham lam, bên yếu hơn vẫn bất bình, bức xúc, dầu các nhà nước đại diện họ có đưa ra bao nhiêu mỹ từ để diễn tả mối quan hệ.
Xin nhấn mạnh ở đây chỉ nói đến sự thất bại của chiến tranh như một phương tiện để giải quyết mâu thuẫn cho cả hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Còn về những tội ác và đau khổ của chiến tranh với người dân thì không còn gì phải nói.
Ngược lại, đấu tranh pháp lý trược tòa là một biện pháp tốt hơn rất nhiều cho cả hai nước giải quyết tranh chấp và mâu thuẫn.
Khi đó, mỗi quốc gia đều công bằng, và tùy nghi sử dụng các vũ khí của mình : những lập luận, chứng cứ pháp lý, và lịch sử. Phán quyết sẽ là duy lý, rõ ràng, thông báo rộng rãi, và được sự công nhận của quốc tế.
"Lập trường như 'kiên trì đàm phán hòa bình' và đặc biệt là các khẩu hiệu 16 chữ vàng 4 tốt không thuộc một trường phái quan hệ quốc tế nào, mà là sự nhượng bộ, kết quả của sự đe dọa và dàn xếp
"
Việt Nam nên nhanh chóng sử dụng các biện pháp pháp lý, cách thức duy nhất để thực sự giải quyết dứt điểm các tranh chấp. Trung Quốc phải lắng nghe điều này.
Có thể Trung Quốc sẽ không chấp nhận giải quyểt tranh chấp bằng biện pháp pháp lý do phần nào mất đi lợi thế kẻ mạnh của mình. Nhưng chính quyền Trung Quốc, dầu có thể hiếu chiến đến cỡ nào, cũng hiểu rằng chiến tranh đồng nghĩa với đau khổ, mất mát.
Nhất là như trên đã nói, chiến tranh không bao giờ giải quyết được mâu thuẫn với Việt Nam, láng giềng phương Nam của họ.
Và Trung Quốc cũng thấy rằng cái giá phải trả của chiến tranh sẽ cao hơn nếu họ biết rằng Việt Nam không ngại chiến đấu về cả pháp lý và vũ trang.
Mặt khác, ngay cả khi chiến tranh xảy ra, biện pháp pháp lý cũng cần thiết và phải được Việt Nam tiến hành, Vì nếu chỉ có chiến tranh, kết quả có thế nào thì mâu thuẫn vẫn còn đó, và càng thêm trầm trọng.
Mặt khác việc Việt Nam đề cao biện pháp pháp lý và ôn hòa sẽ tạo được sự ủng hộ của dư luận thế giới trong thời chiến.
Và khi đi đến cùng, chiến thắng của Việt Nam trên công pháp quốc tế sẽ giáng một đòn vào Trung Quốc.
Tóm lại, Việt Nam nên nhanh chóng và mạnh mẽ sử dụng biện pháp pháp lý, đó vừa là một cách thức tích cực trong giải quyết mối quan hệ quốc tế, vừa là một vũ khí ngăn chặn và kết thúc chiến tranh.
Bài viết do tác giả Lê Trung Tĩnh gửi tới BBC từ Paris, Pháp. Bài thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.BBC luôn mong nhận được các ý kiến, quan điểm khác nhau về một vấn đề.