Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch:
Sở thảo về kinh tế chính trị học của chủ nghĩa tư bản nửa mùa hay là những cạm bẫy vô hình nhưng vô cùng lợi hại
mà các nước hậu cộng sản cần phải vượt qua.
Hiện nay có
hai luồng ý kiến về chế độ xã hội và thể chế chính trị của nước Nga được nhiều
người chia sẻ. Thứ nhất, hiện tượng tham nhũng tràn lan trong tất cả các lĩnh
vực của đời sống kinh tế và xã hội và chất lượng cực kì thấp của tất cả các thiết
chế hiện hành (mà trước hết là các thiết chế pháp luật). Đấy là ý kiến của
những người có những quan điểm chính trị và địa vị xã hội khác nhau, cả người
bán hàng, người đối lập chính trị, quan chức cấp thấp lẫn các chính trị gia đều
đồng ý như thế. Thứ hai, luồng ý kiến này cũng rất thịnh hành, đấy là: do những
nguyên nhân khác nhau, hoàn cảnh này gần như không thể nào thay đổi được. Nói
cách khác, việc công nhận tình trạng tồi tệ trong lĩnh vực thực thi pháp luật
lại không đi kèm với đòi hỏi phải có những hành động hữu hiệu nhằm chấn chỉnh
nó. Nhưng đấy không phải là nghịch lí không thể giải thích được, các nhà kinh
tế học gọi nó là bẫy thiết chế. Những định chế tồi tạo ra cho nền kinh tế nhiều
thiệt hại to lớn và gây ra nhiều phiền toái cho người dân, nhưng dân chúng sẽ
thích nghi; hơn nữa, một số người còn tìm cách lợi dụng những thiết chế tồi tệ,
trong khi một số khác thì mất tự tin vào khả năng cạnh tranh của mình vì không
thể nào dự đoán được tình huống. Trong hoàn cảnh như thế, người ta dễ nghĩ rằng
cải thiện các thiết chế là việc làm quá tốn kém mà lợi ích thì không rõ ràng,
và vì thế, mặc dù ai cũng nhận thấy tác hại, nhưng lựa chọn của họ lại là: giữ
nguyên hiện trạng.