Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đã lảng vảng ở Biển Đông từ tháng
5.2012 và việc nó tiến hành khoan từ ngày 2.5 đến 15.8.2014 tại vị trí
15 độ 29’58” vĩ Bắc 111 độ 12’06” kinh Đông (tức cách đất liền Việt Nam
132 hải lý; cách đảo Lý Sơn một điểm của đường cơ sở theo luật Việt Nam
119 hải lý; cách Hoàng Sa của Việt Nam 66 hải lý, đảo Tri Tôn 17 hải lý)
nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một hành động gây
hấn ngang ngược hết sức nguy hiểm.
Theo
họp báo chiều 7.5.2014 của Bộ Ngoại giao, Trung Quốc đã cho 80 tàu
(trong đó có 7 tàu quân sự) và nhiều máy bay hộ tống HD-981; tàu Trung
Quốc đã đâm vào một số tàu ngư chính của Việt Nam và dùng máy bay uy
hiếp tàu Việt Nam. Đây thực sự là một hành động xâm lược trắng trợn và
là một hành động lấn át trong hàng chuỗi hoạt động bành trướng rất nhất
quán của nhà cầm quyền Trung Quốc từ những năm 1950 cho đến tận ngày
nay.
Trung
Quốc đã chiếm một phần Hoàng Sa của Việt Nam giữa những năm 1950 và
chiếm phần còn lại vào năm 1974. Trung Quốc đã đánh chiếm bãi cạn ở
Trường Sa của Việt Nam năm 1988, nơi trước đó họ chưa bao giờ có bất cứ
chỗ nào.
Rồi
ngày 7.5.2009, Trung Quốc chính thức yêu cầu lưu truyền trong cộng đồng
các nước thành viên Liên Hợp Quốc bản đồ thể hiện đường lưỡi bò (hay
còn gọi là đường chữ U, đường đứt khúc 9 đoạn) trên biển Đông, yêu sách
không chỉ các đảo, đá mà toàn bộ vùng biển trong đó. Và sự kiện HD-981
gần đây chỉ là một trong những hành động bành trướng đó của Trung Quốc.
Họ chẳng có cơ sở pháp lý nào nhưng luôn viện dẫn cái gọi là quyền lịch
sử cho những hành động lấy thịt đè người ngang ngược ấy.
Chí
ít từ thời nhà Minh lên nắm quyền năm 1368, nhà nước Trung Quốc không
những không kiểm soát các vùng biển mà còn cấm những hoạt động liên quan
đến biển, thậm chí việc triều cống qua đường biển cũng đã bị cấm ngặt
giữa năm 1377 và 1397, người Trung Quốc bị cấm đi thuyền ra nước ngoài.
Tuy
năm 1402 hoàng đế Vĩnh Lạc có nới lỏng ngoại thương biển và đợt công
cán rầm rộ của Trịnh Hòa trên biển là một biểu hiện nhưng sau năm 1426
việc này đã bị ngừng rồi lại được khởi động lần chót vào năm 1433. Năm
1436 việc xây dựng tàu đi biển đã bị coi là bất hợp pháp.
Đến
thời nhà Thanh, năm 1661 hoàng đế Khang Hy đã ra lệnh toàn bộ dân cư
sống ở bờ biển từ nơi giáp Việt Nam đến Chiết Giang phải chuyển vào bên
trong đất liền mười bảy dặm. Cho đến 1693 đã có lệnh cấm tàu bè ở mọi
nơi trên bờ biển. Tình hình đã chẳng có nhiều thay đổi cho đến khi nhà
Thanh sụp đổ năm 1911.
Trong
khi đó, Nhà nước Việt Nam đã liên tục cử các đội đi hoạt động ở Hoàng
Sa từ đầu thế kỷ thứ 17 và năm 1816 vua Gia Long đã chính thức chiếm hữu
đảo này. Các chính quyền tiếp theo của Việt Nam đã liên tục thực hiện
chủ quyền cho đến năm 1974 và tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình về
Hoàng Sa và Trường Sa.
Như thế có thể thấy cái gọi là quyền lịch sử của nhà cầm quyền Trung Quốc là hoàn toàn không có cơ sở.
Hành
động của họ chẳng khác gì một tay láng giềng ỷ thế to khỏe vượt rào và
lấn sang sân nhà người khác nhưng mồm la to sân của mình và biến cái của
người khác thành chủ đề tranh chấp thậm chí hành hung chủ nhà. Đúng là
hành động của kẻ vừa ăn cướp vừa la làng mà chúng ta cực lực lên án và
phải làm cho thế giới hiểu rõ. Bởi vì nếu thế giới im lặng là kẻ cướp đã
thắng một nửa. Trước sự kiện HD-981 này, Chính phủ Việt Nam đã có những
phản ứng mạnh mẽ và tích cực, được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân
Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Mỗi
khi giặc ngoại xâm đến thì toàn dân Việt Nam sẽ đoàn kết để đánh đuổi
chúng khỏi lãnh thổ của mình và những kẻ trong lịch sử nhiều lần phải
cuốn gói khỏi Việt Nam hãy nhớ điều đó.