21 juin 2014

Ngày 21/6 nhớ Trương Duy Nhất

 Theo Quê Choa

Phạm Xuân Nguyên 

Hôm nay ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), tôi nhớ tới nhà báo Trương Duy Nhất. Nhất tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Huế, và bắt đầu vào nghề báo năm 1988 ở tờ Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, và bỏ nghề báo ở tờ Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đúng hơn, Nhất không bỏ nghề báo, mà bỏ làm báo nhà nước để viết báo mạng.

 Anh mở một trang mạng của mình mang tên “Một góc nhìn khác” với phương châm Có thể không mới, chưa hẳn đã hay, nhưng là một góc nhìn khác”. Trên trang này Nhất đã đăng các bài viết đưa ra cái nhìn dưới một góc độ khác - một góc nhìn khác của người công dân, của nhà báo Trương Duy Nhất - về các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước với thiện ý đóng góp, xây dựng cho nước nhà “giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Bởi trang đó, Nhất bị Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) bắt giam ngày 26/5/2013 quy theo điều 258 Bộ luật hình sự về “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
 Tòa sơ thẩm Đà Nẵng đã mở phiên xét xử Nhất ngày 4/3/2014 với bản án hai năm tù giam. Cả trong quá trình bị điều tra cũng như trong phiên xét xử, Nhất đều tuyên bố mình vô tội. Khi nghe tuyên án sơ thẩm, Nhất đã nói ngay tại tòa: "Có những loại tù khiến người ta nhục nhã, nhưng có loại tù càng làm cho người ta thêm vinh quang." Và Nhất đã kháng án lên tòa phúc thẩm ngay trong buổi chiều của ngày xét xử sơ thẩm. Từ trong trại giam, thông qua gia đình, Nhất đã gửi lời cảm ơn tất cả bạn bè, đồng nghiệp, bạn đọc, dư luận và báo chí đã quan tâm tới vụ này. Nhất nhắn gửi mọi người, nhất là các nhà báo, "Hãy lên tiếng!" đấu tranh với tất cả những ai, những gì hại nước, hại dân. Tiếng nói trung thực, thẳng thắn, kiên quyết của báo chí, của dư luận, sẽ có tác động mạnh mẽ làm xã hội trong sạch, làm chính quyền vững mạnh, đưa lại niềm tin và sức mạnh cho nhân dân.
Tôi nhớ nhà báo Trương Duy Nhất, hôm nay, ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6). Ngày 26/6/2014, Nhất sẽ ra trước phiên tòa phúc thẩm tại Đà Nẵng. Bản án cho anh liệu có thay đổi? Vợ con anh tin ở chồng mình, cha mình, và chờ đợi sự nghiêm minh và công minh của pháp luật được thực thi tại phiên tòa này, như trong lá đơn cứu xét vợ anh đã gửi tới tòa. Nhưng dù thế nào, Trương Duy Nhất vẫn là Trương Duy Nhất vì trước sau anh nhất quyết mình vô tội.   
Phạm Xuân Nguyên
ĐƠN CỨU XÉT
     Kính gửi:   Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng
     Tôi tên: Cao Thị Xuân Phượng, thường trú tại 25 Tống Phước Phổ, TP. Đà Nẵng. Tôi là vợ của nhà báo Trương Duy Nhất. Chồng tôi bị Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an bắt giam vào ngày 26/5/2013 và bị TAND TP. Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” qui định tại Điều 258 - Bộ luật Hình sự vào ngày 4/3/2014. Không đồng tình với bản án sơ thẩm, sau phiên xét xử, chồng tôi đã có đơn kháng cáo gửi đến quí Tòa.
            Kính thưa quí Tòa! Trực tiếp theo dõi diễn biến phiên tòa sơ thẩm, so chiếu với những gì luật định, tôi nhận thấy phiên tòa có nhiều việc bất hợp lý cần trao đổi, bàn luận. Làm đơn này, tôi xin được trình bày ý kiến của cá nhân tôi về phiên xét xử sơ thẩm, mong quí Tòa nhìn nhận đúng bản chất của phiên tòa, qua đó xem xét lại bản án sơ thẩm dành cho chồng tôi mà có sự phán xét thấu tình đạt lý tại phiên xét xử phúc thẩm.
           1. Một số việc phiên tòa sơ thẩm thực thi không đúng luật định:
           1.1. Theo Quyết định số 04/2014/HSST- QĐ về việc đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trương Duy Nhất của TAND TP. Đà Nẵng thì “vụ án được xét xử công khai”. Thế nhưng, Tòa sơ thẩm không thực hiện đúng như quyết định, chỉ duy nhất 2 mẹ con tôi được dự phiên tòa. Còn bạn bè, đồng nghiệp, người thân (cả chị, em ruột của chồng tôi) và những người dân quan tâm đều phải đứng bên ngoài chỉ vì lý do không có chỗ ngồi. Tại phòng xét xử, các hàng ghế dành cho người tham dự chật kín, nhiều lần mẹ con tôi quan sát, trong số họ không có ai quen thân với gia đình tôi. Qua tìm hiểu, tôi được biết họ là cán bộ của Tòa án thành phố được triệu tập đến để đóng vai quần chúng. Sự lạ này đặt ra trong tôi những câu hỏi tại sao?
           1.2. Khi bà thẩm phán hỏi: “Bị cáo có yêu cầu gì trước khi bắt đầu phiên xét xử?”, chồng tôi đề nghị được cung cấp một số tài liệu liên quan đến vụ án như 12 bài viết, bản Kết luận Giám định (KLGĐ), bản Cáo trạng, cuốn Bộ luật Hình sự. Luật sư cho đây là yêu cầu xác đáng, Tòa cần đáp ứng, nhưng bà thẩm phán không đồng ý, trong khi đó, trên bàn của bà có đến vài cuốn Luật và xếp đầy các tài liệu trên.
           Tương tự, ở phần xét hỏi, những câu hỏi luật sư đưa ra liên quan đến bản KLGĐ nên luật sư tiếp tục yêu cầu Tòa cung cấp cho chồng tôi tài liệu này, bởi theo lời chồng tôi thì anh chỉ được bên công an đọc cho nghe đoạn kết luận của bản KLGĐ nên chưa nắm được toàn bộ nội dung của bản KLGĐ, nhưng bà thẩm phán vẫn khăng khăng bác bỏ đề nghị này. Luật sư buộc phải nhắc để bà thẩm phán nhớ luật qui định Tòa phải công bố các tài liệu của vụ án, nhưng vẫn không được chấp nhận, nên ông đành phải đọc từng đoạn ngắn trong bản KLGĐ trước khi đặt câu hỏi cho chồng tôi, song vẫn bị bà thẩm phán cản trở.
            1.3. Điều 218 Bộ Luật Tố tụng hình sự (BL TTHS) qui định: “Bị cáo, người bào chữa có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên, và chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến ”. Thế nhưng, phần tự bào chữa của chồng tôi nhiều lần bị bà thẩm phán cắt ngang với điệp khúc “tòa quyết, bị cáo dừng lại”, mặc dù chồng tôi đã kiên nhẫn giải thích để bà rõ, luật qui định Tòa phải tạo điều kiện để bị cáo tự bào chữa, Tòa chỉ yêu cầu bị cáo dừng lại khi bị cáo không trình bày đúng trọng tâm vụ việc. Tương tự, ở phần bào chữa của luật sư cũng vậy, lẽ ra phải tạo điều kiện để luật sư trình bày quan điểm của mình, song bà thẩm phán lại lấy quyền chủ tọa nhiều lần ngắt lời luật sư.
              Kính thưa quí Tòa! Công việc chính của tôi là nghiên cứu và giảng dạy Văn học. Nhưng để bảo vệ mình, tôi cũng đã tự tìm hiều về Luật. Qua nghiên cứu BL TTHS, tôi được biết, Điều 18 qui định: “Việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự”, Điều 214 qui định: “Các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đều phải được công bố tại phiên tòa”, Điều 218 qui định: “Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến”. Vậy mà, những người có trách nhiệm tại phiên tòa sơ thẩm đã thực thi không đúng luật định. Không biết họ không thuộc luật hay cố tình làm sai luật?       
             2. Bản án không thuyết phục:
             2.1. Phần tranh tụng giữa luật sư và đại diện Viện Kiểm sát (VKS). Xin dẫn lại một đoạn đối thoại ngắn sau:
          Đại diện VKS luận tội: “Trương Duy Nhất lợi dụng quyền tự do ngôn luận đã viết và đăng tải những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, đã xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
        -  Luật sư tranh luận: “Trương Duy Nhất xâm phạm quyền, lợi ích của nhà nước, của các tổ chức, công dân, vậy tại sao không triệu tập những cá nhân, đại diện của các tổ chức, nhà nước - những đối tượng bị hại đến phiên tòa để làm rõ vụ việc. Việc triệu tập này, luật sư đã có kiến nghị gửi Tòa án và VKS nhân dân TP. Đà Nẵng vào ngày 25/2/2014?”. Thay vì đối đáp với luật sư, đại diện VKS thay đổi quan điểm cho rằng không truy tố Trương Duy Nhất về hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức mà chỉ truy tố Trương Duy Nhất về hành vi xâm phạm lợi ích của nhà nước nên Tòa không mời các cá nhân đến phiên tòa.
         - Luật sư tiếp tục đặt câu hỏi: “Đại diện VKS hãy cho biết: Lợi ích nhà nước là gì? và hãy làm rõ Trương Duy Nhất đã xâm phạm đến những lợi ích nào của nhà nước, quy định trong văn bản pháp luật nào?”. Đại diện VKS lúng túng, lý giải: “Lợi ích của nhà nước là đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước” và không đưa ra được những căn cứ để chứng minh Trương Duy Nhất xâm phạm lợi ích của nhà nước.
         Và nhiều vấn đề quan trọng nữa mà luật sư đặt ra cũng không được đại diện VKS tranh luận. Lẽ ra, bà thẩm phán phải dùng quyền chủ tọa phiên tòa đề nghị Kiểm sát viên đối thoại, tranh luận với luật sư để làm sáng tỏ vụ án, nhưng bà thẩm phán không thực hiện. Nhìn chung, đại diện VKS không thực hiện nghiêm túc việc tranh tụng, và qua phần tranh tụng cho thấy VKS không đủ căn cứ, cơ sở để buộc tội chồng tôi.   
           2.2. Phần bào chữa của luật sư Trần Vũ Hải rất thuyết phục, xin lược trích ngắn gọn các lập luận sau:
          -  Theo luật sư, bản KLGĐ của Bộ Thông tin - Truyền thông không có giá trị pháp lý bởi những người tham gia giám định không phải là những giám định viên hợp lệ, chưa đảm bảo về chuyên môn, thẩm quyền như luật định. Căn cứ vào bản KLGĐ để kết luận và kết tội Trương Duy Nhất nên Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an và cáo trạng của VKS Tối cao cũng không có cơ sở pháp lý.
           - Phân tích 12 bài viết mà cáo trạng làm căn cứ buộc tội chồng tôi từ góc nhìn luật pháp, luật sư Trần Vũ Hải đã đưa ra những lập luận chắc chắn, những luận cứ thuyết phục bác bỏ những cáo buộc của đại diện VKS, chứng minh chồng tôi không xâm phạm lợi ích của nhà nước, của bất kỳ ai và tổ chức nào. Theo luật sư, với những bài viết này, Trương Duy Nhất đang thực hiện quyền tự do ngôn luận, quyền giám sát của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước như pháp luật qui định. Việc nhận xét, đánh giá, phê phán các vị lãnh đạo, thậm chí yêu cầu những vị này từ chức là phần tất yếu của một nền dân chủ, như Hồ Chí Minh đã nói: Dân chủ là phải làm cho người dân biết mở miệng”, “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Không có điều luật nào cấm công dân nhận xét (trong đó có chấm điểm) lãnh đạo đất nước. Không có căn cứ để khẳng định vì những bài viết của Trương Duy Nhất mà uy tín của các vị lãnh đạo bị hạ thấp. Và luật sư cũng khẳng định cáo buộc Trương Duy Nhất thông tin sai sự thật, xâm phạm lợi ích nhà nước của đại diện VKS là không có căn cứ. Theo luật sư, những phản ánh trong các bài viết của Trương Duy Nhất là sự thật hiện trạng của đất nước. Sự thật này đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định, nhiều phương tiện truyền thông thông tin.
           - Luật sư xác nhận, ngày 10/12/2013 có gửi thư đề nghị các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước cho biết ý kiến về các bài viết của Trương Duy Nhất đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ như thế nào? Và ngày 25/2/2014 tiếp tục có kiến nghị yêu cầu TAND TP. Đà Nẵng triệu tập các vị với tư cách là đối tượng bị hại có mặt tại phiên tòa, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ họ và họ cũng không có mặt tại phiên tòa. Luật sư lập luận: Không triệu tập được những người bị hại nghĩa là chẳng có ai có quyền và lợi ích bị xâm phạm vì những bài viết của Trương Duy Nhất. Và không chứng minh được Trương Duy Nhất xâm phạm lợi ích của nhà nước, của các tổ chức, công dân như thế nào, nghĩa là Trương Duy Nhất vô tội.
           2.3. Phần tự bào chữa của chồng tôi cũng rất thuyết phục. Phân tích các bài viết trong sự liên hệ với thực trạng xã hội, với những quan điểm tiến bộ của các bậc tiền bối, kết hợp viện dẫn các phát biểu ấn tượng của một số lãnh đạo cấp cao, chồng tôi đã đưa ra những lý lẽ xác đáng khẳng định anh không thông tin sai sự thật. Thực trạng đất nước mà anh phản ánh cũng là vấn đề nóng tại các nghị trường, và cũng đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn nhận định tại nhiều diễn đàn. Anh không bôi nhọ để làm giảm uy tín các vị lãnh đạo mà anh thực hiện trách nhiệm của một công dân là đánh giá, phê bình với hy vọng họ sẽ dần hoàn thiện, ngày càng đẹp hơn trong mắt dân chúng. Anh không xâm phạm lợi ích nhà nước. Những phân tích, mổ xẻ về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên các bài viết của anh là tâm huyết, trách nhiệm của anh với mong muốn qua đó các nhà lãnh đạo nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, khắc phục khuyết điểm, làm tốt hơn vai trò quản lý và điều hành đất nước, đưa đất nước vượt qua những khó khăn hiện tại. Anh nói: “Để đất nước thay chuyển theo chiều hướng tích cực cần nhiều tiếng nói góp bàn, phản biện như tôi, cần nhiều, nhiều hơn nữa những nhà báo như tôi”.
            Phần tranh tụng giữa luật sư và đại diện VKS cho thấy VKS không đủ căn cứ, cơ sở để buộc tội chồng tôi, còn phần bào chữa và tự bào chữa của luật sư và chồng tôi thì rất thuyết phục, chứng cứ xác đáng, lập luận chặt chẽ. Thế nhưng, Hội đồng xét xử sơ thẩm cố tình không nghe, không hiểu, cố tình suy diễn, qui chụp kết tội chồng tôi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” qui định tại Điều 258 - Bộ luật Hình sự với bản án 2 năm tù giam. Bản án không thuyết phục, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
         3. Một số đề nghị
         3.1. Trình bày những bất hợp lý tại phiên tòa sơ thẩm với quí Tòa, gia đình chúng tôi hy vọng những bất hợp lý đó sẽ không lặp lại ở phiên tòa phúc thẩm. Đồng thời, chúng tôi kính đề nghị quí Tòa thực thi đúng luật định trong phiên tòa phúc thẩm chồng tôi vào ngày 26/6/2014. Cụ thể:
          - Phiên tòa phải thật sự công khai, mở cửa cho tất cả những ai quan tâm vào tham dự, đặc biệt là những người thân của gia đình tôi và bạn bè, đồng nghiệp của chồng tôi.
         - Hội đồng xét xử cần cung cấp cho chồng tôi những tài liệu liên quan đến vụ án như luật định.
         - Hội đồng xét xử phải tạo điều kiện thời gian để chồng tôi và luật sư thực hiện việc bào chữa.
          3.2. Từ Bản án sơ thẩm không thuyết phục, gia đình chúng tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm thực thi pháp luật bằng lương tâm và trách nhiệm:
          - Cần đọc sâu, đọc kỹ những bài viết mà Bản án sơ thẩm làm căn cứ kết tội chồng tôi để hiểu hơn tâm huyết, tấm lòng của một con người luôn trăn trở về thời cuộc, luôn hy vọng về sự phát triển của đất nước.
           - Cần căn cứ vào những chứng cứ tin cậy, đảm bảo tính khách quan, khoa học để xem xét vụ án.
            - Phải theo dõi phần bào chữa của luật sư, bị cáo; phần tranh tụng giữa luật sư và VKS để phán quyết một cách công minh, có cơ sở, đúng pháp luật; phải yêu cầu Viện kiểm sát tranh luận sòng phẳng những lập luận của luật sư và bị cáo.
             Là cơ quan thực thi pháp luật với tôn chỉ thực hiện công lý và công bằng xã hội, hy vọng quí Tòa sẽ sáng suốt nhìn nhận vụ việc chồng tôi, xét xử công tâm, đem lại một bản án phúc thẩm thấu tình đạt lý. Đây cũng là cách quí Toà chứng minh với thế giới Việt Nam xứng đáng là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc.
             Rất mong sự quan tâm cứu xét của quí Tòa. Chân thành cảm ơn!
         Đà Nẵng, ngày 18 tháng 6 năm 2014
                                                              Người làm đơn
                                                                                  Cao Thị Xuân Phượng