01 mai 2015

Điều kiện để chống tham nhũng


NGUYỄN TRẦN SÂM 

 
Trong một xã hội mà tham nhũng đã trở thành quốc nạn, muốn chống được tham nhũng thì phải thế nào?

Trước hết, quá trình “chống” là một quá trình được thực hiện bởi một chủ thể, và nó nhắm vào một đối tượng. Đối tượng ở đây là bọn tham nhũng. Chúng gồm những quan chức có thực lực, nghĩa là nằm trong hệ thống gồm những kẻ có quyền chi tiền nhà nước và điều hành các nguồn vật lực. Khi tham nhũng đã thành quốc nạn thì bọn này có mặt khắp nơi trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan quản lý kinh tế. Với tình trạng tham nhũng như ở VN ta hiện nay, có thể tin chắc rằng đại đa số (nếu không phải 100%) quan chức nắm kinh tế đất nước đều tham nhũng.


Chủ thể của quá trình chống tham nhũng là một lực lượng khác. Lực lượng này hoặc nằm ngoài bộ máy nhà nước (nhưng khi đó nó phải là một lực lượng đối lập mạnh, thường là một đảng hoặc một liên minh các đảng đối lập), hoặc nằm ngay trong bộ máy nhà nước nhưng KHÔNG có chung quyền lợi với tập đoàn tham nhũng. Trong trường hợp thứ hai, lực lượng này nằm trong liên minh cầm quyền nhưng hoặc thuộc một đảng khác, hoặc trong cùng một đảng (cầm quyền) nhưng thực chất đảng này đã bị phân hóa nghiêm trọng, đến mức thành 2 tập đoàn mâu thuẫn gần như đối kháng với nhau.

Cũng có thể nói việc chống tham nhũng là một cuộc chiến giữa hai thế lực, và muốn sự nghiệp này kết thúc thắng lợi thì thế lực chống tham nhũng phải mạnh hơn thế lực tham nhũng.

Như vậy, điều kiện đầu tiên là phải có một thế lực rất mạnh, không chung quyền lợi, thậm chí mâu thuẫn với thế lực tham nhũng.

Nhưng đây mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Điều kiện thứ hai là trong thế lực chống tham nhũng phải có một người hoặc một nhóm người đa mưu túc trí và có tài tổ chức lực lượng. Do ban đầu lực lượng này chưa thành hình, việc tổ chức phải được tiến hành bí mật, nếu không, tập đoàn tham nhũng sẽ bóp chết nó ngay từ trong trứng. Ở một xã hội như Việt Nam hoặc Trung Hoa hiện nay, do chế độ độc đảng, việc lãnh trách nhiệm đứng ra tổ chức một lực lượng như vậy là rất nguy hiểm. Những kẻ chủ mưu rất dễ bị “đồng đội” bán đứng, và khi đó sẽ mất mạng hoặc phải sống những năm cuối đời như trong địa ngục.

Ở Trung Hoa, kẻ độc tài mới Tập Cận Bình rõ ràng đã thực hiện thắng lợi việc làm nguy hiểm đó. Cho rằng việc chống tham nhũng của ông ta thực chất là nhằm tạo lập cho bản thân một thứ quyền lực tuyệt đối, nhưng dù sao thì ông ta cũng đã thành công. Và chắc chắn là ngay từ nhiều năm trước khi lên làm tổng bí thư, ông ta đã phải có ý đồ chiến lược lâu dài và đã có những cuộc vận động ngầm để tạo ra một mạng lưới bí mật ngay trong lòng đảng CSTQ vào thời các tổng bí thư tiền nhiệm. Cho đến khi chính thức nắm các chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống nhà-nước-đảng của TQ thì Tập chỉ cần kích hoạt cho bộ máy đó vận hành. Đương nhiên, ngoài tài năng, Tập còn đáng phục ở chỗ có gan lớn, và ông ta không ngoa khi nói “Cùng lắm là chết chứ gì”.

Bây giờ hãy thử xem khả năng thành công của một kiểu “chống tham nhũng” khác. Một vị cấp cao, cứ cho là đứng đầu đảng cầm quyền đi, thấy nguy cơ tham nhũng làm chế độ sụp đổ, thế là vị ấy đứng ra “phát động” chống tham nhũng. Trước đó, vị cấp cao này chưa từng tổ chức ra một lực lượng riêng nào để có thể chỉ huy nó thực hiện ý đồ chiến lược của mình. Thậm chí, để lên được chức vụ cao đó, chính vị ấy cũng đã phải “chung sống” với tham nhũng và “các đồng chí tham nhũng”, trong đó có những đồng chí từng là cấp trên của vị này. Đến khi lên chức vụ cao và phát động tham nhũng thì vị ấy chỉ có mỗi một thứ vũ khí là “tư tưởng” và những lời dạy đạo đức, và vị ấy “triển khai” chúng bằng việc “ký ban hành” nghị quyết chống tham nhũng! Còn lực lượng thì bây giờ vị ấy mới tạo ra bằng cách nhặt một số anh chị nào đó từ chính hệ thống tham nhũng kia, rồi gọi đến và “bơm” cho họ những “liều thuốc tư tưởng”, với niềm tin rằng những lời giáo huấn sẽ làm lay động những con tim, nhồi vào chúng ý chí quyết tâm, để chủ nhân của chúng lao vào cuộc chiến, hạ gục những kẻ tham nhũng.

Hãy hình dung (mà thực ra là chuyện có thật, nếu thấy rồi thì chỉ cần nhớ lại), sau 4 năm “triển khai”, một hôm, trong cuộc họp của ủy ban chống tham nhũng, sau một giờ huấn thị và động viên, khích lệ, đồng thời dặn đi dặn lại “đánh chuột đừng để vỡ bình”, vị cấp cao nọ hỏi các ủy viên:

“Các đồng chí có quyết tâm không?”

“Dạ có, thưa anh. Chúng em quyết tâm chống tham nhũng ạ!” Đám ủy viên đồng thanh trả lời.

“Tốt lắm. Như vậy là tư tưởng sẵn sàng rồi, cơ chế có rồi. Bây giờ thì hành động!”

Nhưng, trời ơi, hành động kiểu gì đây? Tôi nghe từ “hành động” thấy quá mắc cười! Nghĩ bụng, chắc là phát động “chống tham nhũng” cho vui thôi, làm gì có ý đồ nghiêm túc?
 

NGUYỄN TRẦN SÂM
 
Nguồn: Theo Blog Đào Hiếu