Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc xây dựng một lực lượng "hải
quân thứ hai" với cái mác dân sự là một xu thế nhằm áp đảo các nước xung
quanh, dễ dàng chuyển đổi trong thời chiến.
Hãng thông tấn Kyodo News Nhật Bản ngày 5/1 dẫn nguồn
tin cho rằng, Trung Quốc sẽ cải tạo 5 tàu chiến cũ thành tàu cảnh sát biển, rất
có thể dùng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảo Senkaku.
Cuối tháng 12/2015, Nhật Bản đã lần đầu tiên xác nhận tàu cảnh sát biển Trung Quốc lắp trang bị tương tự như một loại pháo đã xuất hiện ở vùng biển lân cận đảo Senkaku, chiếc tàu này có số hiệu là 31239, tiền thân của nó là một tàu hộ vệ tên lửa của Hải quân Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 23/12 xác nhận, tàu
cảnh sát biển số hiệu 31239 vốn là tàu hộ vệ Type 053H2G (NATO gọi là lớp Giang
Vệ I). Loại tàu hộ vệ này là tàu hộ vệ đa năng đầu tiên của Trung Quốc phù hợp
với tiêu chuẩn hiện đại hóa của hải quân phương Tây, đã biên chế 4 chiếc trong
giai đoạn 1991-1994.
Tảu Hải cảnh-1003 được cải tạo từ tàu hộ vệ Type 053H nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc |
Tháng 7/2015, tờ Jane’s Defense Weekly Anh cho hay,
tàu hộ vệ Type 053H2G của Hải quân Trung Quốc được cải tạo, trong đó một chiếc
được quét sơn màu trắng, chiếc tàu hộ vệ này trước đây có tên là An Khánh, số
hiệu 539.
Theo Kyodo News, Trung Quốc hiện đã hoàn thành công
tác cải tạo đối với 3 tàu hộ vệ tên lửa nghỉ hưu, 2 tàu khu trục khác đang
trong quá trình cải tạo.
Trong tương lai, Trung Quốc rất có thể sẽ triển khai 5
tàu cảnh sát biển được cải tạo từ tàu chiến ở vùng biển xung quanh đảo Senkaku
để tiến hành nhiệm vụ “tuần tra” vùng biển này.
Đáp lại những dư luận này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc
nói rằng, trang bị tàu cảnh sát biển của họ mang tính “tiêu chuẩn”, “hoàn toàn
không khác với các nước”.
Các tàu chiến mặt nước của hải quân được cải tạo thành
tàu dân sự như tàu cảnh sát biển là một xu thế hiện nay ở Trung Quốc. Bắc Kinh
làm như vậy rõ ràng là một mũi tên nhắm nhiều mục đích.
Trung Quốc đang ra sức chế tạo nhiều loại tàu chiến
mặt nước mới, có uy lực mạnh hơn, do đó, nhu cầu cắt giảm, cho nghỉ hưu những
tàu chiến cũ rõ ràng là rất lớn.
Tàu Hải cảnh-35115 Cảnh sát biển Trung Quốc |
Trung Quốc muốn tiết kiệm chi phí, nên cải tạo những
tàu chiến cũ này cho cảnh sát biển. Hơn nữa, tàu chiến là loại tàu sử dụng
những vật liệu tốt, có trọng tải lớn, có “uy lực”, vì vậy khi nó cải tạo thành
tạo dân sự sẽ có khả năng răn đe cao hơn. Hơn nữa, nó có thể được tăng cường
hỏa lực bất cứ lúc nào, nhất là trong thời chiến.
Khi Trung Quốc tuyên bố cắt giảm biên chế quân đội
vào tháng 9/2015, nhà nghiên cứu Lâm Dĩnh Hữu thuộc Đại học Saint John Đài Loan
cho rằng, trước đây, quân đội Trung Quốc thường cắt giảm lục quân rồi chuyển
sang cho cảnh sát vũ trang, nay vẫn làm như vậy, thậm chí sẽ để hải quân xuất
hiện trên biển theo mô hình của cảnh sát biển (hải quân trá hình).
Theo Lâm Dĩnh Hữu, việc làm này phù hợp với nguyên tắc
sử dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang do Trung Quốc đưa ra vào năm 2013,
đặc biệt là cảnh sát biển có sự linh hoạt trong kiểm soát các cuộc khủng hoảng
trong các sự kiện xung đột trên biển.
Nhiều người gọi cách làm này của Trung Quốc là xây
dựng một lực lượng hải quân trá hình nhằm có được nhiều thủ đoạn hơn để bành
trướng, cướp đoạt các vùng biển đảo của các nước láng giềng.
Một số trang mạng quân sự Trung Quốc ngày 25/12/2015
cũng đã xuất hiện một bài viết so sánh lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc với
hải quân các nước trong khu vực.
Tàu Hải cảnh-3402 của Tổng đội Nam Hải, Cảnh sát biển Trung Quốc, triển khai ở Biển Đông |
Theo đó tàu cảnh sát biển lớn nhất hiện nay của Trung
Quốc có số hiệu là 2901, lượng giãn nước đạt 12.000 tấn, là tàu cảnh sát biển
lớn nhất thế giới. Nó đã lắp pháo tự động 76 mm, còn có thể chở máy bay trực
thăng Z-8, được các nhà bình luận Nhật Bản cho là “quái thú” trên biển.
Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã tiếp nhận nhiều tàu
hộ vệ và tàu khu trục như tàu hộ vệ lớp Giang Vệ, tàu khu trục lớp Lữ Đại Type
051 của hải quân Trung Quốc.
Những tàu hải quân này bỗng nhiên biến hóa thành tàu
cảnh sát biển, không chỉ có ưu thế về tốc độ, mà vũ khí trang bị cũng rất mạnh,
có sàn tàu chở máy bay trực thăng, có thể cất hạ cánh máy bay trực thăng lắp
tên lửa chống hạm.
Chẳng hạn, các tàu cảnh sát biển đã lắp pháo bắn nhanh
30 mm, pháo bắn nhanh 37 mm, trong đó có tàu Hải cảnh-31219 lắp 4 pháo 37 mm
tầm bắn 9,4 km, có radar điều khiển hỏa lực, tốc độ bắn 800 phát/phút, cơ số
đạn 1.600 viên.
Những bài viết này tự tin cho rằng, ở châu Á, thực
lực hải quân của rất nhiều nước đều không bằng cảnh sát biển Trung Quốc, ví dụ
như Philippines. Nếu Trung Quốc điều lực lượng cảnh sát biển thì có thể “dễ
dàng đánh bại” hải quân Philippines.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn tàu Philippines ở vùng biển bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Bởi vì, tàu chiến hải quân Philippines không có tên
lửa, chỉ dựa vào pháo kiểu cũ, trọng tải tàu chiến lại nhỏ, thiếu các thiết bị
điều khiển hỏa lực. Vì vậy, các tàu cỡ lớn lớp 3.000 – 10.000 tấn đã biên chế
và đang chế tạo của cảnh sát biển Trung Quốc đã lên tới 20 chiếc, thực lực đã
“gấp 10 lần” hạm đội mặt nước của hải quân Philippines.
Hải quân Philippines được cho là mới chỉ sở hữu 2
tàu cảnh sát biển cũ của Mỹ và 1 tàu hộ vệ phiên bản đơn giản thời kỳ Chiến
tranh Thế giới II không có khả năng ra biển.
Theo một báo cáo của hải quân Mỹ, 3 năm qua, Trung
Quốc đã nhanh chóng trang bị cho lực lượng cảnh sát biển, mức tăng về số lượng
tàu đạt 25%, hạm đội cảnh sát biển của họ hiện nay có quy mô lớn nhất thế giới.
Báo cáo cho rằng, số lượng tàu cảnh sát biển Trung
Quốc còn nhiều hơn cả tổng số lượng tàu cảnh sát biển của các nước như Nhật
Bản, Việt Nam, Malaysia và Philippines cộng lại.
Những động thái mới của Trung Quốc ở trên biển và
trong xây dựng các lực lượng vươn ra biển như hải, không quân và cảnh sát biển
đang gây cảnh giác cho các nước xung quanh và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế
về tự do và an toàn hàng hải ở khu vực.
Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc ở vùng biển đảo Senkaku |
Nguồn: Theo GDVN