13 novembre 2016

Báo động đỏ cho nạn xã hội đen…


Cảnh sát cơ động TP.HCM truy quét tội phạm.
 

 Từ rừng núi Đăk Nông cho đến thủ đô văn minh Hà Nội, từ một bộ phận thanh thiếu niên cho đến những người đã trưởng thành, một hiện tượng xã hội nổi lên có lẽ đã đến mức báo động: hiện tượng trỗi dậy của giới giang hồ, xã hội đen…
 
 


Hai vụ việc tiêu biểu và gây sốc hơn cả cho nhận định trên là vụ xung đột gây thương vong cho 19 người ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và vụ một nhóm thiếu nữ đánh đập, hành hạ dã man một nữ sinh ở huyện Nhà Bè, TP. HCM.

Trong vụ án xả súng vào nhóm người giải tỏa đất của một số người dân tranh chấp đất với công ty Long Sơn, theo tìm hiểu của phóng viên báo Vietnamnet, có yếu tố giang hồ - xã hội đen chứ không đơn thuần là giữa người dân với một doanh nghiệp được giao đất.

Trước đó, công ty Long Sơn đã sử dụng dân giang hồ để thi hành “luật rừng” chèn ép, đánh đập và gây thương tích cho nhiều người dân. Và trong ngày 23.10.2016, ngày xảy ra vụ án mạng chấn động ấy, bạo lực đã gây ra bạo lực ở mức độ nghiêm trọng hơn với hậu quả là 3 “công nhân” của công ty bị bắn chết và 16 người khác bị thương.

Còn ở vụ Nhí “Tino” và “Bà Dãnh” hành hạ dã man một nữ sinh chỉ vì cô gái ấy tỏ lời khen một bạn nữ trên Facebook, người ta có thể thấy ở đó thói tập tành lập băng nhóm và hành xử theo kiểu xã hội đen của nhóm thiếu nữ “bụi đời” này.

Xem lại các đoạn phim trên mạng, có thể thấy đó không phải là lần đầu mà các thiếu nữ này lại hành xử một cách vô nhân đạo như thế đối với các bạn đồng trang lứa với mình. Có cùng một tính chất dã man, táo tợn và non nớt trong việc thực hiện cái ác của nhóm thiếu nữ này với băng My “Sói” trước đây.

Và gần đây hơn nữa, khoảng cuối tháng mười vừa qua, đã có những vụ nổ súng thanh toán của các băng nhóm xã hội đen ở Hà Nội làm cho một người chết và một số người bị thương. Đó không phải là những cuộc tranh giành địa bàn làm ăn mà chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng có vẻ để “thị uy”, các băng nhóm xã hội đen sẵn sàng dùng “hàng nóng” là các khẩu súng lục hay AK để thanh toán nhau giữa ban ngày ban mặt. Trong vụ thanh toán nhầm người ở Cầu Giấy, khi truy bắt hung thủ, cảnh sát đã xét thấy cả một kho súng đạn, mìn tự tạo và ma tuý đá.

Nhiều người hẳn còn nhớ tới những trận “đại chiến” kinh hoàng như những cuộc “biểu dương lực lượng” giữa các băng đảng giang hồ mà lực lượng huy động lên đến 60 – 70 tên hồi tháng sáu năm nay ở Phú Thọ và Quảng Ngãi. Hay xa hơn, vào tháng ba, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã bị tấn công dã man suýt chết ở ngay Hà Nội.

Chưa có một thống kê nào về hiện tượng xã hội đen trỗi dậy trong khắp mọi nơi, mọi miền, nhưng những người dân lành có thể cảm nhận được điều ấy qua những tin tức thời sự hàng ngày. Và điều đó hẳn cũng là một hệ quả tất yếu khi nạn bạo lực đang lan tràn khắp cả nước và tội phạm thì ngày càng tăng đến mức không đủ nhà tù để giam giữ, như những thống kê đã chỉ ra.

Tội ác và giới giang hồ - xã hội đen bây giờ dường như không chỉ còn là một sự sa đọa, lầm lỡ mà là một lối sống, thậm chí là chính một loại dịch vụ tạo ra rất nhiều tiền. Như trong vụ tranh chấp đất ở Đắk Nông, có nhiều biểu hiện cho thấy doanh nghiệp được giao đất đã thuê mướn côn đồ giành đất của dân.

Rất nhiều vụ án đâm thuê giết mướn rùng rợn mà cái giá của chúng chỉ có vài chục triệu đồng, thậm chí chỉ là vài triệu đồng như vụ thuê tạt a xít một nữ sinh ở Gò Vấp. Một điều hiển nhiên là hầu hết các vận chuyển, buôn bán các loại ma tuý đều do các băng nhóm tội phạm. Đó là chưa kể đến các dịch vụ cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, bảo kê thu tiền các doanh nghiệp, các tiểu thương…

Hồi đầu năm, khi mới về nhậm chức Bí thư Thành uỷ TP. HCM, ông Đinh La Thăng đã lập tức ra lệnh là ngành công an thành phố phải tổng tấn công để giảm thiểu tối đa mức độ tội phạm. Lúc đó, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn của công an TP. HCM thừa nhận là ngành công an TP. HCM phải đối đầu với nhiều băng nhóm xã hội đen. Kết quả của việc triệt hạ các băng nhóm này thực sự là có hiệu quả, mức độ phạm tội ở TP.HCM quả là có giảm thiểu một cách rõ rệt. 

Một câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh các băng đảng xã hội đen đang nổi lên khắp cả nước là vì sao không nhân rộng ý chí và mô hình chống tội phạm của TP. HCM cho cả nước? Vì sao nạn giang hồ cướp bóc xã hội đen lại có cơ lộng hành, hoành hành dữ dội đến mức có thể ngang nhiên chém chết một người đi xe trên quốc lộ giữa ban ngày? Vì sao đến ngay những đứa “trẻ ranh” như Nhí “Tino” hay “Bà Dãnh” lại quá sớm mất đi nhân tính trong việc ăn chơi tập tành giang hồ anh chị?

Một báo động đỏ cho nạn xã hội đen đến giờ có lẽ đã đến mức cấp thiết cho sự yên bình của người dân…

Đoàn Đạt