14 novembre 2016

Sản xuất lúa để ăn hay để bán và bán cho ai?


Bảo Uyên
     

Sau gần 30 năm gia nhập thị trường quốc tế, gạo Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu quốc gia -  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG Online) – Gia nhập thị trường lúa gạo quốc tế từ năm 1989, luôn là quốc gia nằm ở tốp đầu về xuất khẩu gạo, thế nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu gạo quốc gia. Còn xuất khẩu gạo thì đang ngày càng khó khăn.



Trong báo cáo tham luận tại hội thảo "Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam" do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11-11 ở TPHCM, TS. Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện cây lương thực - cây thực phẩm (FCRI), Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO), cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ có xu hướng giảm về số lượng mà cả về giá trị.

Cụ thể, năm 2015, sản lượng xuất khẩu đạt chỉ 6,65 triệu tấn với giá trị 2,68 tỉ đô la Mỹ, mức giá xuất khẩu bình quân là 408 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn năm 2014 (464 đô la Mỹ/tấn). Trong phân khúc gạo thơm, năm 2015, theo FAO, gạo Jasmie Việt có giá trung bình 483 đô la Mỹ/tấn so với mức 800 đô la Mỹ/tấn của Thái Lan.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, đó là hệ quả của việc thiếu thương hiệu, sau gần 30 năm gia nhập thị trường quốc tế.

Đi tìm lời giải cho bài toán xây dựng thương hiệu gạo, theo ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, về bản chất là phải thay đổi chính sách đầu tư vào ngành sản xuất lúa gạo. Chính sách hiện nay đang có sự mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất: đòi hỏi ngành sản xuất lúa gạo cạnh tranh được với các nước trên thế giới nhưng các chính sách lại theo hướng đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

“Chúng ta chưa phân tầng đâu là vùng chuyên đảm trách an ninh lương thực, đâu là vùng chuyên xuất khẩu. Khi làm được việc đó rồi hãy tính đến chuyện làm thương hiệu. Chưa kể, phải xác định được là muốn bán gạo cho ai, thị trường cao cấp hay cấp thấp. Nếu là thị trường bình dân thì chẳng cần xây dựng thương hiệu vì khách hàng không quan tâm đến thương hiệu. Nhưng nếu là các thị trường cấp cao như Nhật, Mỹ, châu Âu... thì liệu các bộ ngành có dám và quyết tâm thực hiện các chiến lược sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc?”, ông Bình đặt vấn đề.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết câu hỏi “sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực hay xuất khẩu” đã được đặt ra từ năm 2009 nhưng đến thời điểm này Bộ NN&PTNT vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. "Khi chưa xác định rõ mục tiêu sản xuất là nhằm đảm bảo an ninh lương thực hay hướng đến thị trường xuất khẩu thì khó mà xây dựng thương hiệu gạo quốc gia", ông Bửu nói.

Theo ông Bửu, xu hướng hiện nay trên thế giới là nông nghiệp kết hợp với y học và tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ lúa gạo. Ví dụ như Hàn Quốc có sữa gạo, Nhật Bản có loại gạo dành cho người bị tiểu đường... Đó mới là hướng đi lâu dài cho ngành lúa gạo Việt Nam, chứ không phải chỉ nghĩ đến chuyện sản xuất gạo thơm, chất lượng cao cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ.

“Muốn làm được những điều này, cần phải dựa vào nghiên cứu khoa học. Nhưng đầu tư vào nghiên cứu khoa học trong ngành nông nghiệp hiện nay ở nước ta quá thấp, ngân sách nghiên cứu 15 năm nay cơ bản vẫn không thay đổi”, ông Bửu nêu ý kiến.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Bửu cho biết thêm, cách thu mua lúa gạo hiện nay làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, gây khó trong việc nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu gạo.

“Hình ảnh chung cho việc thu mua lúa gạo hiện nay diễn ra ở các vựa lúa là thương lái chạy xe từ ruộng này qua ruộng khác thu mua. Sau đó, thay vì sấy khô hạt lúa để dự trữ thì họ lại đem lúa ướt đi chà gạo và sấy gạo để trữ. Lẽ ra họ chỉ cần sấy khô để dành khi nào cần thì đem chà thành gạo bán. Chính quy trình ngược này đã khiến hạt gạo Việt Nam có chất lượng thấp. Chưa kể, thương lái đấu trộn gạo lại với nhau, dẫn đến loạn giống, không thể làm thương hiệu được”, ông Bửu nói.

Theo ông, lẽ ra doanh nghiệp phải bao tiêu sản phẩm từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch, và cả sau thu hoạch nhằm nắm rõ quy trình, xuất xứ cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều mỗi năm. Thế nhưng, mỗi hộ nông dân hiện chỉ có vài công đất sản xuất, để thu mua đủ số lượng, doanh nghiệp phải ký hợp đồng với từng hộ.

“Nhưng việc ký hợp đồng này cũng không đảm bảo, vì nông dân vẫn không quen tuân thủ hợp đồng. Nếu giá thu mua thời điểm đó cao hơn trong hợp đồng, họ lật kèo, doanh nghiệp chới với. Vì vậy, rất cần tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác xã kiểu mới để tập hợp được nông dân”, ông Bửu nêu ý kiến.



Theo thống kê của VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2016 giảm 21,2% về số lượng, giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nước nhập khẩu gạo chính của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần sản lượng nhập khẩu hàng năm. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2016: Philippines giảm 66,4%, Malyasia giảm 54,8%, Trung Quốc giảm 21,6%,… do họ đã được kết quả nhất định về an ninh lương thực.
Nguồn: Theo Thời Báo Kinh Tế Saigon