NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN
(GDVN) - Không lo cái lý lẽ cốt lõi của sự học,
không thấy bản chất của việc học là tự học, không quan tâm nghiên cứu con đường
tự học, thì không thể thành công!
NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN |
LTS
– Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài phân tích
tiếp theo của Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm về đổi mới giáo dục, xoay
quanh chủ đề việc học.
Tư tưởng của nhóm Cánh Buồm thể hiện trong
bài viết đầu tiên là: để làm một công việc mới phải có công cụ lý thuyết mới,
xứng đáng với công trình phải làm.
Cần
có một khái niệm gốc làm công cụ xây dựng cho dân tộc ta một nền Giáo dục hiên
đại hóa. Khái niệm đó phát biểu như sau: “Giáo dục là tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên cả dân
tộc”.
Bài tiếp theo giải thích khái niệm trưởng
thành. Một trang thanh niên phải trưởng thành để vào đời.
Xưa nay, các nhà giáo dục thường coi trưởng
thành là nhờ hưởng thụ nền giáo dục “toàn diện” gồm các mặt Trí (dục), Đức,
Thể, Mỹ. Về sau, còn thêm Lao (tức là lao động).
Nhóm Cánh Buồm không ghé thêm yếu tố nào nữa
cho “toàn diện” hơn. Nhóm Cánh Buồm chỉ thay đổi khái niệm, coi Tư duy là giá
trị cốt lõi của một con người trưởng thành.
Tư duy người chi phối sự trưởng thành cả về
Trí, Đức, Thể, Mỹ, và Lao nữa. Và trưởng thành là cả quá trình nên người và quá
trình đó diễn ra dưới dạng Tự học – Tự giáo dục.
Lô gich của những bài đã đăng dẫn tới bài
này, bàn về bản chất việc HỌC của con người, và bản chất đó là TỰ HỌC.
Hành
trình tìm cơ sở lý luận đổi mới giáo dục
Khi mới thành lập nhóm Cánh Buồm, các thành
viên đã phải tranh cãi sôi sùng sục về việc định nghĩa Học là gì?
Đó là vì, tiếp liền theo việc định nghĩa lại
khái niệm Giáo dục, với hàm nghĩa tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên,
định nghĩa đó chuyển hoạt động nhà trường từ việc dạy học sang tổ chức việc
học.
Đó là điều lâu nay vẫn quen gọi bằng khẩu
hiệu “lấy học sinh làm trung tâm”.
Vậy, học là gì? Học là làm những công việc
gì? Thế nào là học đúng và thế nào là học chưa đúng, thậm chí không đúng?
Đồng thời, ngay lập tức, có những phần tử
“tham lam” đáng yêu trong nhóm còn nêu thêm câu hỏi: không chỉ tổ chức việc
học, liệu có thể tổ chức cả việc tự học của trẻ em không?
Cuối cùng, sự “tham lam đáng yêu” đã thành xu
thế chính trong việc nhóm Cánh Buồm cùng nhau đi tìm lời giải đáp.
Trong công việc tìm tòi này, ngoài tinh thần
thực sự cầu thị, nhóm Cánh Buồm cũng có những thuận lợi riêng như sau.
Trước hết, trong nhóm có “bạn” U80 đã từng
được đào tạo bài bản về Tâm lý học giáo dục.
(Xin mở ngoặc: bạn già về hưu này hiện là
giám đốc một Viện nghiên cứu cai nghiệm ma túy, dùng Tâm lý học để cứu vớt
những kẻ nghiện ngập đáng thương mà không cần đến biện pháp tập trung, cưỡng
bức).
Nhóm lại có nhiều bạn đã trải nhiều năm làm
công việc dịch thuật tư liệu cho các Viện nghiên cứu, các trường Đại học
lớn.
Để dịch đúng, những người này phải cùng nhau
tự học và dần dần họ làm chủ được nhiều chân lý khoa học chính mình hào hứng
tìm ra trong khi làm thuê và được tiền thuê dịch.
Và điều thuận lợi thứ ba, đó là cú hích từ
Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Trong nửa cuối những năm 1970 trở đi, vị giáo sư hơn ba
chục tuổi đời đang còn năng nổ này đã tạo ra cơn lốc Tâm lý học.
Ông đã buộc các nhà sư phạm phải cố gắng
thoát ra khỏi sự lỗ mỗ Tâm lý học giáo dục.
Dĩ nhiên, nhóm Cánh Buồm có được hưởng lợi từ
những vụ “gây bất hòa” tích cực thời đó.
Tủ
sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm
Nhóm Cánh Buồm ra mắt bằng cuộc hội thảo mang
tên Hiểu trẻ em - Dạy trẻ em. Đó là cuối năm 2009.
Khi đó, nhóm vẫn phải dùng mấy chữ dạy trẻ
em. Ngay khi đó mà nhẹ dạ dùng cách nói như về sau này – tổ chức việc học – thì
e rằng hơi sớm.
Dẫu sao, cái tinh thần “hiểu trẻ em” đã là
một mệnh lệnh khoa học đối với các thành viên già và trẻ trong nhóm. Điều đó
dẫn đến những cuộc hội thảo các năm sau, mỗi ngày một nâng dần tính chất tự
lập, tự học, tự giáo dục.
Trong kế hoạch bước đầu của nhóm Cánh Buồm,
chúng tôi tập trung vào việc học hỏi từ Jean Piaget (Thụy Sĩ), Howard Gardner
(Mỹ), và Lev Vygotsky (Nga).
Tại sao lại là ba lựa chọn đó?
Trước hết, nói về Piaget.
Nhà tâm lý học này có gốc gác khoa học là
khoa sinh vật học. Ông từng “làm thuê” cho trường phái tâm lý học trắc nghiệm.
Ông đã từng ngồi với từng em bé, trước mặt hai người là tờ giấy trắng và cây
bút chì.
Ông thực hiện việc hỏi em nhỏ và ghi
những câu trả lời để nộp cho chủ đề tài.
Piaget có đặc điểm này khi làm công việc đo
nghiệm tâm lý học. Ông thích thú và quan tâm đến những câu trả lời sai của trẻ
em được ông đo nghiệm. Nhà tâm lý học giáo dục Mỹ Howard Gardner giới thiệu về
Jean Piaget như sau:
“Chính
là từ một người được đào tạo theo truyền thống IQ mà chúng ta có được một cách
nhìn vào trí tuệ thay thế được trào lưu test đo nghiệm trí khôn trên nhiều
phương diện.
Nhà
tâm lý học Thụy Sĩ Jean Piaget bắt đầu sự nghiệp khoảng năm 1920 với tư cách
người làm việc trong phòng thí nghiệm của Simon và ông chỉ quan tâm đến những
sai lầm trẻ em thường mắc phải khi xử lý các thực nghiệm đo nghiệm trí
khôn.
Piaget
đã đi đến chỗ tin tưởng rằng điều quan trọng không phải là câu trả lời đúng của
trẻ em, mà là những cách suy luận các em đưa ra, những cái đó có thể thấy rõ
nhất khi tập trung vào những khẳng định và những lập luận làm đẻ ra các kết
luận sai lầm”.
Ông
mường tượng thấy trong những câu trả lời sai có chứa đựng một tiềm năng mà ông
cần nghiên cứu (và lập nghiệp) thành công trong khoa Tâm lý học nhận thức và
Tâm lý học phát triển.
Piaget
tiến hành những nghiên cứu trên trẻ nhỏ từ khi mới lọt lòng, bắt đầu từ chính
các con của ông và về sau là các trẻ em khác tại Viện Jean-Jacques Rousseau ở
Genève .
Những
công việc này đã giúp ông sớm xác định được bản chất của việc học của trẻ em
(từ độ tuổi rất sớm, từ phút đầu tiên lúc mới lọt lòng).
Có
thể nêu ví dụ từ vô vàn ví dụ trong cuốn “Sự ra đời trí khôn của trẻ
em”. [1]
Quan sát 1:…“Bé Lucienne sau 15 phút và
bé Laurent sau nửa giờ sinh ra đã mút bàn tay. (…) Ở Lucienne, vì bàn
tay được giữ yên trong tư thế của nó, việc mút ngón tay kéo dài hơn
10 phút”…(tr.42).
Một buổi hội thảo của nhóm Cánh Buồm, ảnh do nhà giáo Phạm Toàn cung cấp. |
Sau khi sinh vài giờ trẻ mút vú mẹ lần
đầu tiên, và quan sát cho thấy mỗi bé bú mẹ với những phản ứng rất
khác nhau… Từ đó bằng việc quan sát liên tục, hàng trăm lần mỗi lần
bé thèm bú, cử động tìm vú và đến 29 ngày bé thích nghi với việc
bú ra sao…
Theo cách nói dân dã, ta sẽ tạm kết luận như
sau: chẳng ai dạy đứa trẻ cách bú để thỏa mãn cơn đói và cơn khát cả – các bé
đã tự học đấy!
Nói theo cách nói khoa học của Piaget, ta sẽ
bảo:
Lý thuyết về thích nghi (học lấy cái mới
trong môi trường sống) và điều tiết (cái mới đã thích nghi với cái mới hơn) và
tổ chức cả một hệ thống các phản xạ thuần túy có thể tạo thành
thái độ tâm lý, và sẽ có được sự hệ thống hóa sự vận hành của các
phản xạ đó.
Quá trình đó trải qua 6 giai đoạn hình
thành, phát triển (trong vòng 1 năm 6 tháng) cái cấu trúc cảm giác
vận động sơ khai được áp dụng vào các tình huống mới;
Nó được liên kết giữa các vận động cầm
nắm, nghe, nhìn, phát âm… trở thành những cái “sơ đồ tạm” hoặc “cấu
trúc sơ khai”, (Piaget đặt một cái tên không có trong ngôn ngữ thường dùng:
schème) ngày càng được đồng hóa, phổ cập hóa phong phú và có khả
năng điều tiết linh hoạt ứng với các tình huống khác nhau.
Chẳng hạn như, khi một đồ chơi vốn có trong
tầm của trẻ “bỗng” vắng mặt, thì trẻ ngơ ngác, bập bẹ gọi tên đồ
vật và đi tìm kiếm nó (quan sát 181 của Piaget).
Như vậy là biểu trưng về đồ vật vắng
mặt (cái sơ đồ biểu trưng trong não) đã điều khiển hành vi tìm kiếm
của đứa trẻ. Một nấc thang phát triển có chất lượng mới về trí
khôn được ra đời ở đứa trẻ (tr.415).
Trong cuốn “Sự hình thành biểu trưng ở
trẻ em” [2], Piaget lại trả lời tiếp câu hỏi: Biểu tượng từ đâu mà
có? Đó là từ sự bắt chước và từ trò chơi.
Piaget quan sát trẻ sơ sinh từ đầu và
thử nghiệm phát lại những âm đứa trẻ 2 tháng 11 ngày, trẻ tỏ ra
“chú ý” nghe; rồi khi nó 2 tháng 17 ngày, khi ông phát âm lại những âm
quen thuộc (ví dụ arr...), bé đã bắt chước ngay và arr… theo…
Rồi lúc bé được 1 tháng 26 ngày, ông
làm động tác quay đầu sang bên phải, bên trái, bé nhìn và cũng bắt
chước quay đầu theo… Ông gọi đó là giai đoạn bắt chước lẻ tẻ.
Giai đoạn tiếp theo là “Bắt chước có
hệ thống những âm thanh trẻ đã phát âm và những động tác trẻ đã
thực hiện trước đó và được trẻ nhìn thấy”, (như bắt chước những âm
thanh, những cử động tay, chân… ở trẻ 7 – 9 – 10 tháng).
Giai đoạn 4 và 5: “Bắt chước những vận
động không nhìn thấy trên cơ thể và những hình mẫu” (như bắt chước
chớp mắt; bắt chước lấy mùi soa phủ lên đồ vật – 11 tháng 28
ngày).
Vào lúc 1 năm 3 tháng 15 ngày trẻ biết
chủ động bắt chước những âm thanh có nghĩa, như mama, papa,… Như vậy
những cấu trúc sơ khai ngày càng được đồng hóa và điều tiết cao hơn
để đáp ứng những hành vi ngày một phức tạp hơn.
Giai đoạn 6: Bắt đầu sự bắt chước có
tính biểu trưng và sự tiến hóa của bắt chước.
Từ bắt chước tức thời đến bắt chước
trì hoãn (sau mới lặp lại), rồi bắt chước có tính biểu trưng ở trẻ
vào lúc 2 tuổi, là một trong những cơ sở hình thành biểu tượng ở
trẻ.
Cùng với bắt chước là trò chơi, có ý
nghĩa quyết định tới hình thành biểu tượng. “Sự sinh ra trò chơi” ở
trẻ cũng bắt đầu từ cảm giác vận động khi trẻ ném quả bóng cho
nảy lên, kéo cái xe bằng sợi giây…
Đó là bắt đầu những trò chơi thực
hành đơn giản (lúc hơn 2 tuổi); tiếp đó là trò chơi tượng trưng (chăm
sóc búp bê, nấu ăn…); rồi trò chơi có quy tắc…
Cùng với phát triển ngôn ngữ, trò chơi
phát triển với nhiều kiểu dạng phong phú, cho đến trẻ 7 - 8 tuổi vẫn
phát triển các trò tượng trưng, trò chơi có quy tắc… với biểu tượng
ngày càng phong phú, đa dạng và có tính khái quát cao hơn.
Quá trình bắt chước và trò chơi là cơ
sở hình thành nên thế giới biểu tượng ở trẻ. Các biểu tượng tạo
nên các liên tưởng, là cơ sở cho phát triển trí tưởng tượng, tư duy
hình tượng ở trẻ.
Cùng với sự phát triển ngôn ngữ, các
biểu tượng là tiền đề phát triển tư duy, từ giai đoạn “tiền thao
tác” (2 đến 6 tuổi); giai đoạn “thao tác cụ thể” (7 đến 11 tuổi); giai
đoạn “thao tác hình thức” (trên 12 tuổi); vân vân…
Trên đây, đã nói hơi kỹ về Piaget. Dùng chữ
“hơi kỹ” là để nói về “thị phần” Piaget trong một bài báo không thể viết
dài.
Tủ sách Tâm lý học Giáo dục Cánh Buồm sẽ sớm
bổ sung công trình thứ ba, tạo thành một bộ ba đầu tiên bằng cuốn:
Sự
hình thành cái thực ở trẻ (nhà
xuất bản Tri thức sẽ cho ra mắt vào tháng 3 năm nay) và bổ sung bằng cuốn Tư
duy và ngôn ngữ của
Lev Vygotsky (nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi của nhóm Cánh Buồm đang hoàn
thành).
Tủ
sách Tâm lý học này cũng đã công bố công trình Cơ
cấu trí khôn [4] của
nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner nói về lý thuyết trí khôn nhiều thành phần của
ông.
Một số công trình quan trọng khác của Howard
Gardner [5] cũng đang được hoàn thành.
Tác giả Mỹ Howard Gardner đang còn sống, là
người đương thời với chúng ta. Những tìm tòi của ông bổ sung cho Piaget về tinh
thần “đại chúng”.
Trí khôn của con người không chỉ xoay quanh
một yếu tố cốt lõi – thường là trí khôn Toán học.
Nói cho dễ hiểu, nó giống như thói quen ở
nước ta coi chỉ có người giỏi Toán mới là người thông minh.
Nhưng chẳng nhẽ một thanh niên ít học nhưng
điều khiển con thuyền giữa cả vạn hòn đảo mà không lạc, hoặc người chơi đàn
thuộc lòng cả chục cả trăm bản nhạc… lại không có trí khôn?
Kết
luận
Nhóm Cánh Buồm chỉ có thể chọn lọc giới thiệu
công trình của một số nhà tâm lý học để chúng ta cùng thấy cái lý lẽ cốt lõi
của việc quả quyết rằng, bản chất của việc học của con người từ tấm bé, thậm
chí từ khi lọt lòng, là công việc tự học.
Học là tự học. Cái cơ chế tự học đã được các nhà
tâm lý học tìm thấy từ lâu.
Chỉ lo “cải cách giáo dục” mà không lo cái lý
lẽ cốt lõi của sự học, không thấy bản chất của việc học là tự học, không quan
tâm nghiên cứu con đường tự học, thì không thể thành công!
Những thay đổi bề ngoài của lớp học (thí dụ
“học nhóm”) mà không dựa trên cách tổ chức việc tự học, thì chỉ có ý nghĩa là
sự chạy theo những sắc áo lòe loẹt và coi đó là sự sống thực của nhà trường!
Jean
Piaget nói: "Chỉ có giáo dục mới có
khả năng cứu những xã hội của chúng ta khỏi khả năng sụp đổ, cho dù đó là sự
sụp đổ do bạo lực hay sự sụp đổ dần dần". [6]
Vấn đề cần suy nghĩ là xây dựng một nền giáo
dục như thế nào. Một nền giáo dục kiểu Khổng Nho “hãy nghe lời ta”, “hãy tả cây
bàng sân trường theo bài mẫu của ta” – hay đó là nền giáo dục của Tự do và
Trách nhiệm ở đó sự Học có bản chất là sự Tự học.
Tài
liệu tham khảo:
[1]Piaget Jean. Sự hình thành trí khôn ở trẻ
nhỏ, Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2015 (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh
Buồm.
[2] Piaget Jean. Sự hình thành biểu trưng ở
trẻ nhỏ. Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2016 (Tủ
sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm).
[3] Wallon Henri, Từ hành động đến Tư
duy, tr.157 (dẫn theo Piaget).
[4] Gardner Howard, Có cấu trí khôn,
Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức, 2016 (Tủ sách Tâm lý học giáo dục Cánh Buồm).
[5] Gardner Howard, Trí khôn phi học
đường,Phạm Anh Tuấn dịch và Trí khôn sáng tạo,Hoàng Hưng dịch (Tủ sách Tâm lý
học giáo dục Cánh Buồm.
[6]
https://vi.wikipedia.org/wiki/Jean_Piaget
Nhà giáo Phạm Toàn
Nguồn: Theo GDVN