07 novembre 2017

Người lao động chịu thiệt đủ đường vì hộ khẩu!

Những đứa trẻ không được đến trường gửi cho một cô giáo về hưu dạy chữ ở khu nhà trọ CN Bình Dương. Ảnh: L.T


Mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho con, cho con đi học, mua điện, nước, xin việc… trăm thứ đều cần hộ khẩu hoặc tạm trú dài hạn (KT3). Tại các tỉnh, thành như Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai… công nhân lao động (CNLĐ) đa phần là người nhập cư, nỗi thống khổ mang tên hộ khẩu, KT3 là nỗi ám ảnh của họ bao nhiêu năm qua!



“Con cái có BHYT cũng như không”

Là chia sẻ của chị Minh Thảo (quê Khánh Hòa). Chị Thảo hiện đang làm việc tại KCN Tân Bình. Vợ chồng chị Thảo vào TPHCM lập nghiệp đã được 7 năm, có với nhau một con trai. Anh chị thuê nhà trọ tại quận Tân Phú, nhiều lần đề nghị chủ nhà trọ làm đăng ký tạm trú dài hạn để khi sinh con, chị mua BHYT cho con. Thế nhưng chủ nhà trọ không đồng ý với lý do “Đăng ký tạm trú gia đình, sau này nảy sinh rắc rối. Hơn nữa, người thuê nhà nay đây mai đó, mỗi lần người này đi, người kia tới là thay đổi sổ sẽ gây phiền hà”. Không có KT3, chị Thảo về quê sinh con, làm giấy khai sinh cho con ở ngoài quê. Hết 6 tháng thai sản, chị vào TPHCM làm việc trở lại, chị nhờ mẹ ruột mua BHYT cho con ở ngoài Khánh Hòa rồi gửi vào.
“Con có thẻ BHYT cho vững tâm chứ mỗi khi con đau, con ốm, phải đi bệnh viện tư. Không được hưởng bất kỳ dịch vụ nào của BHYT vì khám không đúng tuyến. Nếu con tôi được mua BHYT theo mẹ hoặc mua BHYT không cần hộ khẩu hoặc KT3 thì mỗi khi con ốm, vợ chồng tôi đã không vất vả nhiều” - chị Thảo thở dài. Theo lời chị, đó là Khánh Hòa còn gần, cách TPHCM có 500 cây số, những người mẹ ở Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Cà Mau… vào TPHCM làm công nhân, lập gia đình, sinh con, cả đời ở trọ, đăng ký tạm trú ở thành phố không được, chủ nhà trọ không chịu làm KT3 cho thì còn khổ hơn. Con cái chịu thiệt thòi là hiển nhiên.

Đứt đoạn việc học vì… hộ khẩu!

Không chỉ đau đầu vì thẻ BHYT cho con, nhiều gia đình CNLĐ khi có con cái đến tuổi đi học, việc tìm trường để gửi con không phải là chuyện đơn giản vì liên quan đến hộ khẩu, KT3. Tại nhiều xóm trọ CN, đang giữa năm học nhưng không hiếm thấy cảnh trẻ con ngồi nhà, làm việc lặt vặt hoặc phóng xe máy vù vù thay cho việc đến trường.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Khanh có hai đứa con gái. Vợ chồng anh từ Bạc Liêu lên TPHCM làm công nhân đã hơn 10 năm. Trước đây, vợ chồng anh gửi con về quê cho ông bà để đi học. Tuy nhiên, hai năm qua, ông bà già yếu nên anh phải đưa hai con lên lại TPHCM khi đứa lớn vừa học xong lớp 3, đứa nhỏ chuẩn bị đi mẫu giáo. “Năm học 2017-2018, tôi gửi hồ sơ cho con đi học ở trường tiểu học gần khu chế xuất Linh Trung I để tiện đưa đón. Gửi hồ sơ rồi đợi mãi, cuối cùng con tôi không được nhận với lý do đã hết chỗ. Tôi thắc mắc lên hỏi các cô thì các cô nói trường phải ưu tiên cho học sinh có hộ khẩu ở thành phố, rồi mới đến KT3, rồi mới đến các đối tượng khác. Vợ chồng tôi chỉ có đăng ký tạm trú ngắn hạn nên hồ sơ không được nhận. Năm học mới đã bắt đầu, con tôi đành lỡ dở 1 năm” - anh Khanh nói.
Trong lần tiếp xúc với lãnh đạo TPHCM, anh Đoàn Văn Vỹ - Chủ tịch CĐCS Cty Trường Lợi (quận Thủ Đức, TPHCM) - chia sẻ: Nhà nước mình quy định, tất cả trẻ con đều được quyền đến trường, tuy nhiên, trường đó có nhận trẻ không lại là chuyện khác bởi các trường công lập nhận hồ sơ theo thứ tự ưu tiên từ hộ khẩu đến KT3 rồi mới đến các đối tượng khác. CNLĐ ở các tỉnh, thành đến TPHCM làm việc, đa phần không có nhà, không có KT3 nên chuyện đi học của con cái gặp nhiều khó khăn, nhiều bố mẹ phải gửi con về quê. Con cái xa bố mẹ, lớn lên thiếu thốn tình cảm. Còn gửi con ở trường tư thì bố mẹ không đủ tiền.

Hộ khẩu làm giảm giá trị tiền lương!

“Chúng tôi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Cà Mau… lên Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM làm việc, làm giàu cho các địa phương nhưng thực sự chúng tôi không được đối xử công bằng chỉ vì hộ khẩu. Chi phí chúng tôi phải bỏ ra để nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, giáo dục, việc làm cũng cao hơn người ở TPHCM” - anh Nguyễn Mạnh Hòa, làm việc tại KCX Tân Thuận (TPHCM), chia sẻ.
Anh Hòa phân tích: Cùng vị trí làm việc, doanh nghiệp sẽ không trả lương cao hơn vì tôi là dân tạm trú ngắn hạn. Thế nhưng khi chi trả các khoản dịch vụ tôi phải trả cao hơn. Gia đình tôi không có hộ khẩu, con tôi phải gửi trường tư, học phí cao hơn trường công. Con tôi bị ốm cũng không được hưởng dịch vụ khám BHYT ở TPHCM vì BHYT con tôi mua ở tận Nghệ An, nơi làm giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú của gia đình. Như vậy, cùng một mức lương đó nhưng NLĐ không có hộ khẩu ở TPHCM phải chi nhiều hơn, tích lũy giảm đi, giá trị đồng lương của NLĐ nhập cư giảm chỉ vì hộ khẩu!
Theo nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam được công bố năm 2016:
Nơi có tỉ lệ dân số không có hộ khẩu thường trú lớn nhất là Bình Dương với 72% dân số - khoảng 1,4 triệu người - không có hộ khẩu thường trú. Một phần không nhỏ dân số ở TPHCM (36%) và Hà Nội (18%) cũng không hộ khẩu thường trú. 70% người dân ở các khu vực khảo sát tin rằng hệ thống hộ khẩu đã hạn chế quyền của những người dân không có hộ khẩu và cần giảm bớt những hạn chế này.


LÊ TUYẾT 06/11/2017 | 17:00