Nguyễn Xuân Hưng
1. Tôi hỏi 100 người, thì đến 97 người bảo: Mông Cổ ấy à? nghèo lắm hả?
Sai. Khái niệm về một nước Mông Cổ nghèo khó đã ngự trị trong đầu óc dân Việt
Nam từ xa xưa, từ cái thời cùng phe XHCN. Nhà văn Tô Đức Chiêu bảo tôi rằng :
"Tao đã đi Mỹ, Ai Cập, Ả rập xê út, Nga và Đông Âu, không kể châu Á
như Tàu, Thái... Tức là gần hết thế giới, nhưng khi đi Mông Cổ, mới thấy mình
khám phá ra một thế giới mới, nếu có dịp, tao đi 2 -3 lần nữa".
Tôi thấy thế nên cũng đã theo, đi Mông Cổ một chuyến.
Mở ngoặc ngay là, khi anh (du lịch) đến đâu, anh phải tự vấn ta đến đấy để
làm gì, muốn biết gì. Nói chung là nên đi phượt. Tôi có bài học kinh nghiệm về
việc này, có 1 cậu trẻ đi cùng đến thảo nguyên Mông Cổ, cậu thốt lên chán nản:
Ơ, đâu cũng như đâu, mênh mông cả, chả thấy cái gì. Vấn đề là cái gì?
Sau chuyến đi Mông Cổ, tôi rút ra kết luận, 30 năm nữa (hoặc hơn) không biết
Việt Nam mình có đuổi kịp Mông Cổ hay không?
Mông Cổ diện tích gấp hơn 6 lần nước Việt Nam, dân số hơn 3 triệu người (bằng
1/2 Hà Nội). Mà 1/2 dân số ở thủ đô Ulan Bato. Hãy tưởng tượng hơn 1 triệu người
ở rải rác trên lãnh thổ gấp 6 lần Việt Nam..
Mông Cổ có đặc biệt là có biên giới với Nga và Trung Quốc. Họ bị kẹp giữa 2
nước lớn, nên phải chọn 1, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để
tránh nước Tàu kẻ thù. Chính chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch khuất
phục trước chính phủ Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập.. Chuyện này chính phủ
Mao cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông
Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (họ vẫn nhận đó là nước
họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt. Người TQ
chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, mặc dù vẫn dùng từ Việt gọi Quảng, Việt ngữ là
tiếng Quảng, họ chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm
chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.
Ở Mông Cổ, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm.
Một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông, vì bài
học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm Trung Quốc nữa. Nếu
chiếm nó, có lẽ nước Nhật đã thành Trung Quốc rồi. Đó là một câu chuyện tiếu
lâm cay đắng mà không thể cười.
Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Chỉ kể 1 chuyện. Các công ty
xây dựng ở Ulan Bato, và nói chung các công ty khác cần nhân công, thì đều thuê
nhân công TQ, vì người TQ sinh sôi như cỏ dại, ở đâu họ cũng mò đến. Nên các
công ty có quy định, chỉ được thuê dưới 6 tháng, mà trong 1 năm không được thuê
quá 1 lần. Nên người Tàu được thuê làm phải đi về TQ ngay sau khi hết hạn visa.
Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô của họ, hình
như có 7000 người, nhưng riêng người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn
Mông Cổ nói với tôi: “Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn
cư trú”.
Đúng vậy, do đó họ không có tình trạng kẹt xe, không có tệ nạn nhiều, việc
chính là không để lọt một “cái trứng tu hú”.
Chuyện này 30 hay 50 năm nữa, Việt Nam cóc làm được, mà cũng chả thể làm.
2. Nhìn
trên phim ảnh, thấy thảo nguyên là những dải đất trùng điệp, cây cỏ lưa thưa, nếu
chỉ có thế là chưa biết gì về thảo nguyên Mông Cổ cả. Hồi tôi đi tầm tháng 7
dương lịch, là tháng đã hết cỏ rậm. Cỏ rậm thì đến ống chân, đến đầu gối, còn
khi chuẩn bị vào đông, cỏ bị đám gia súc gặm gần hết. Chỉ còn cỏ thấp và cỏ tái
sinh.
Nói từ
"cỏ" với người Việt, cũng không ổn. Cỏ của Việt Nam là thứ chả để làm
gì. Điều này lỗi ở các nhà làm ngôn ngữ khoa học, địa lý. Đáng lý nên dùng từ
"thảo mộc thân mềm" hay cái gì đó khác với "cỏ". Cúi nhìn
xuống, hàng trăm hàng nghìn loài cây gọi là cỏ rất khác nhau, riêng hình lá
cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi
vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng... Thực sự đó là một thế
giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường.
Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó.... Sau khi đi thảo nguyên,
tôi mới lý giải được việc ở Mông Cổ, người ta ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt,
ngay cả người Việt ở xứ ăn rau, đến Mông Cổ ăn toàn thịt, mà tiêu hóa bình thường,
không bị táo bón. Bởi vì lũ gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm
lừng như hàng nghìn năm nay nó vẫn ăn. Không như gia súc ở nơi nuôi công nghiệp.
Mông Cổ
ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Ông Chủ tịch Hội
Hữu nghị Mông -Việt nói tiếng Việt sõi như người Việt, bảo tôi, rất may là thảm
họa tập thể hóa, định canh định cư xảy ra rất nhanh, rồi thảo nguyên lại có sức
sống quay lại nếp xưa.
Nếu ai đã đọcTô-tem
sói, của một nhà văn Trung Quốc (quyển này vang dội một thời trên văn đàn TQ)
thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào.
Họ (những
người TQ theo Mao) dồn hết dân du mục vào các hợp tác, triệt phá cách sinh hoạt
truyền thống. Họ mang hàng sư đoàn lính tới bắn sói. Sói là con vật thiêng của
người Nội Mông, khi người chết, người ta kéo xác cha mẹ để ra một chỗ cho sói
ăn. Người TQ Mao-ít (Maoism) bắn sói, thế là thỏ làm giặc, lại phải giết thỏ, lạc
vào cái vòng quẩn. Họ còn đưa người Hán đến sinh sống, khiến thảo nguyên Nội
Mông gần như bị tiêu diệt. Trong quyển sách ấy, tác giả cũng nói, nhìn sang Ngoại
Mông xanh tươi mà tiếc ...
Nhìn thảo
nguyên thì mênh mông, nhưng hoang dã hàng trăm thứ thú hoang vẫn ngày đêm sinh
sống, tuân thủ cân bằng sinh thái của nó. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải,
có điện thoại di động, kéo theo cái nhà, và đàn gia súc, đi lang bạt trên thảo
nguyên theo nhu cầu của gia súc. Thảo nguyên mênh mông, mình nhìn đâu cũng như
đâu, nhưng chúng tôi đã được một chú bé 12 tuổi đưa từ thị trấn, đi xuyên 25 km
đến đúng chỗ lều của bố mẹ chú bé. Hôm đi thảo nguyên, chúng tôi được đón tiếp
Chủ tịch huyện đến chơi, cũng vì biết có khách Việt. Ông nói huyện ông có gần
80 hộ, diện tích huyện, khi đó làm phép so sánh, gần bằng tỉnh Hưng Yên cộng với
Thái Bình.. Chủ tịch huyện biết cả 80 hộ luôn. Quy định của họ chăn thả không
giới hạn, nên có lúc có hộ gia đình chăn thả ở huyện khác (miễn là đăng ký vẫn ở
huyện này). Chủ tịch người Đảng Dân chủ, alo gọi đồng chí Bí thư huyện ủy Đảng
Nhân dân (đảng cộng sản cũ) thì đồng chí đang chăn ngựa, bèn cưỡi ngựa về... Bí
thư huyện ủy đảng nào cũng làm nông dân cả và chả chức vụ gì, cười hề hề đúng
là ông chăn ngựa.
Riêng chuyện
này, 50 năm nữa Việt Nam có theo kịp không ?
3. Người
Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một
niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa.
Thế giới
văn minh và ở các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người,
thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống
sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu. Nó là nguồn
gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người Mong Cổ cao lớn.
Ngựa là gia
súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu
và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ
chia nhau. Không có cừu, dê chết rét; không có dê, cừu chết đói. Kiểu chăn thả
thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa
bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người Mông Cổ tôn thờ
ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất
kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp. Bò
chỉ là loại thêm.... Bò Mông Cổ lông dài như voi mamut. Bây giờ cũng thoái giống,
người Mông Cổ buồn vì bò lông ngắn, còn gì là bò nữa.
Gia súc
nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông và da. Len (wool) Mông Cổ đắt kinh khủng. Hình như hàng lông da là chủ lực xuất khẩu.
Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị... Cứ nói "lều" thì
khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Bây giờ lều có
nhiều loại, từ 300 đến 30.000 đôla Mỹ. Người TQ quá khôn, họ làm lều bán cho
người Mông Cổ.
Trong cái lều Mông, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng
tròn.... Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Vào lều không nhận ra có bếp...
Người nông
dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là sinh ra và nuôi dạy trẻ. Du mục xa
trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi,
phải cho nó đi học, thì nhà mất 1 người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên
thị trấn làm 1 cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở
các thị trấn, thị tứ, cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con học.
Vì vậy, mà nhà nghèo hoặc quan điểm cũ chỉ cần đọc chữ, trẻ thất học.
Hình như
chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là
quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo, cộng đồng du mục có lệ, khách
quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Lam thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn
khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm.Tôi không ở qua
đêm ở thảo nguyên, nhưng nghe kể lại, các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu,
Thúy Toàn có ngủ đêm thảo nguyên và được coi là khách quý trung niên. Vấn đề là
các bác ấy có chịu đựng được mùi mồ hôi người ăn thịt cừu, uống sữa ngựa và 3 tuần
mới tắm không thôi.
Người Mông Cổ rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Tôi khá ngạc nhiên. Mọi người
picnic thu dọn rác tống lên xe về bãi rác ngoại ô vứt... Họ nói tivi có nhiệm vụ
quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Và việc này chỉ có từ khi
cách mạng dân chủ đa đảng. Người lái xe dẫn chúng tôi mặc dù xe chật, kiên quyết
mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô.
Ở Ulan
Bator, anh là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối
tuần, chiều thứ 6, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô... Thứ 7, Chủ nhật thủ đô vắng
thênh thang. Tối Chủ nhật, lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo
nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Và họ đã làm được
rất tốt. Tương tự thảo nguyên của họ là rừng là biển của người Việt, than ôi,
chúng ta đã cư xử như là tự phá hủy cơ thể !
Đuổi kịp
Mông Cổ ư ?
Không bao
giờ !