21 décembre 2017

Trung Quốc đẩy mạnh giám sát Biển Đông

Trung Quốc bị tố đã xây một số cơ sở liên lạc và trạm radar trên đá Xu Bi thuộc Trường Sa


Trung Quốc vừa hé lộ kế hoạch phóng 10 vệ tinh trong vài năm tới để có thể giám sát toàn bộ Biển Đông liên tục 24/24 giờ.
Kế hoạch nói trên được công bố tại một cuộc hội thảo ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc hôm 14.12 và được truyền thông nước này đưa tin rầm rộ trong mấy ngày qua.  


Kế hoạch sẽ được tiến hành trong 4 - 5 năm, bắt đầu từ năm 2019, theo Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cụ thể, Viện Nghiên cứu cảm biến từ xa Tam Á (Hải Nam) sẽ phóng 3 vệ tinh quang học vào năm 2019 và sau đó tiếp tục phóng 7 vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh radar, để hoàn tất chùm sao vệ tinh vào năm 2021.

Nhân Dân nhật báo khoe rằng sau khi các vệ tinh được phóng, mọi bãi đá, đảo và tàu bè ở Biển Đông đều nằm trong sự giám sát của vệ tinh, “điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền, ngư dân ở vùng biển xa và đối phó kịp thời những sự cố trên biển”. Hải Nam nhật báo còn dẫn lời chuyên gia Lý Hiểu Minh thuộc Viện Nghiên cứu cảm biến từ xa Tam Á đánh giá mạng lưới vệ tinh mới có thể giám sát Biển Đông 24/24 giờ và phân tích mọi vật thể, kể cả cấu trúc tàu bè trong khu vực một cách chi tiết. Một chuyên gia về cảm biến từ xa ở Bắc Kinh thì cho rằng số vệ tinh định phóng sẽ hỗ trợ mạng lưới do quân đội Trung Quốc vận hành và “có thể được sử dụng cho mục đích quân sự khi cần”, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Thông tin về kế hoạch phóng vệ tinh nói trên được hé lộ sau khi Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) công bố nhiều thông tin cùng hình ảnh cho thấy trong năm 2017, Trung Quốc đã tiếp tục âm thầm xây dựng phi pháp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN.




Điều đáng lưu ý là Trung Quốc vẫn tiếp tục xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa trong lúc tỏ dấu hiệu xoa dịu ASEAN bằng cách đồng ý bắt đầu đàm phán cho ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hồi tháng 11, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán về COC sau khi các ngoại trưởng hai bên thông qua dự thảo khung bộ quy tắc này trước đó khoảng 3 tháng.
Chuyên gia an ninh biển Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình tương đối ổn định để âm thầm củng cố năng lực kiểm soát ở Biển Đông. “Bắc Kinh có lẽ cũng nhận ra rằng hòa bình hiện nay, so với căng thẳng dâng cao hồi năm ngoái, có thể là tạm thời hoặc ngắn ngủi, nên nước này sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực”, ông Koh nhận định với SCMP.
Trong khi đó, chuyên gia về vấn đề quốc tế tại Đại học Philippines Clarita Carlos cho rằng những công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là mối quan ngại đối với tất cả các nước ASEAN và sẽ đẩy những nước này xích lại gần hơn với các quốc gia khác như Mỹ. “Không ai trong chúng ta muốn thấy thêm tình trạng quân sự hóa các đảo”, bà Carlos nhấn mạnh.

Văn Khoa