02 juin 2018

Trên nói dưới không nghe - do đâu?


 Thiện Tùng

Những năm tháng gần đây, lãnh đạo trung ương luôn than phiền “Trên nói mà dưới không nghe”, cho rằng đa số cán bộ đảng viên (1) đã suy thoái về tư tưởng, đạo đức,  không tôn trọng nguyên tắc “tập trung dân chủ.v.v… 

 Để “xây dựng chỉnh đốn” Đảng, gần đây, trung ương Đảng đưa ra thừa mứa những quy định, chỉ thị, nghị quyết… nhầm nhốt cán bộ đảng viên vào những cái lồng để dễ cai quản, xem họ như những cục bột tùy ý nắn nhỏ nắn to theo mẫu hình mà mình thích, tạo thêm sự bất bình không đáng có trong cán bộ đảng viên. 



Từ xưa, ông cha ta đã nói “có lửa mới có khói”. Người viết cho rằng, nguyên nhân chính của những tệ nạn nói trên là do độc tài, áp dụng nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Không phải người viết chơi chữ đâu, “Dân chủ tập trung”“tập trung dân chủ” theo chiều hướng trái ngược nhau, thuộc bản chất thể chế chính trị - “rau nào sâu ấy”.

Dưới thể chế chính trị Dân chủ, áp dụng nguyên tắc “dân chủ tập trung”- dân chủ trước tâp trung sau, theo hướng từ dưới lên. Để chính danh, nhân sự cầm quyền,  pháp luật… tất cả đều phải từ nhân dân mà ra rồi trở về với nhân dân.

Dưới thể chế chính trị Độc tài, áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ” – tập trung trước dân chủ sau, nhân sự cầm quyền, pháp luật… do trên áp đặt để trị vì thiên hạ. Nạn “trên nói dưới không nghe” chính là do con người và pháp luật…không chính danh (ngụy danh).

Đó là chưa nói, quan chức từ thấp đến cao dưới thể chế chính trị Độc tài đều mang những bịnh mãn tính: “Nói cho người ta nghe chớ không nghe người ta nói”, “Vạn sự thông”,“Thích khen tối kỵ chê” Từ đó, trung thần xa lánh, gian thần bu quanh như ruồi bu xác thúi. Sao chỉ “trách dưới không nghe trên” mà không “trách trên không nghe dưới”? - nghe là nguyên liệu giúp cho nói chuẩn mực hơn. Không nghe mà cứ nói theo cảm nhận chủ quan sẽ rơi vào máy móc, giáo điều. Đến chừng mức nào đó, hết nguyên liệu, đành phải nhai đi nhai lại luận điệu cũ rít, gây nhàm chán, khác nào “đờn khải tai trâu”. Cụ Hồ thích nghĩa đờn khải tai trâu: Không phải người nghe mà người khải mới là trâu, vì không biết mình đang nói với ai, họ đang muốn gì….

  Đờn khải tai trâu - Facebook


Hiện tượng dưới không nghe trên, dân không nghe quan là biểu hiện sự nhàm chán ấy. Muốn tôi nghe anh thì anh cũng phải nghe tôi mới sòng phẳng chớ, có thế mới phân định đâu đúng đâu sai. Làm gì có chuyện anh nói là đúng tôi nói là sai, là chống đối, là thù địch?!.

 Ngày xưa Vua vi hành phải cải trang để hiểu thực trạng dân tình, ngày nay quan trên vi hành có xe cảnh sát mở đường, có tiền vệ, hậu vệ, cận vệ bên mình – “Quan trên về làng như thần hoàng về miễu”. Đến nơi nào cũng thế, quan đi trước làng nước tò tò theo sau. Quan trên tiến thẳng lên bục cao đầy hoa lá, độc chiếm diễn đàn, biểu hiện vạn sự thông, nói tràng giang đại hải: phải tăng cường cái nầy, ra sức cái kia, đẩy mạnh cái nọ… nghe tối tăm mặt mũi. Bất chấp thực tế, đến nơi nào quan trên cũng nhắc quan chức sở tại: Phải phấn đấu trong vài ba năm nữa địa phương ta, tỉnh ta phải dẫn đầu cả nước. Nếu vậy thì, một ngày nào đó, các địa phương đồng hạng, dàn hàng ngang dẫn đầu – đúng là hoang tưởng hết chỗ nói?!.

Bất kể kết quả họp hành ra sao, phải đảm bảo đầy đủ lễ tục 3 kính: “sáng kính thưa, trưa kính mời, chiều kính biếu”. Về việc nầy ông Vũ Kiểm “chích” bằng mấy câu văn vần nghe cũng vui vui:

         Kính thưa, kính biếu, kính mời,

         trong ba kính ấy ông (bà) chơi kính nào?

         Kính thưa nghe mãi không vào,

         Kính mời, kính biếu, kính nào cũng hay:

         Kính mời là kính ăn ngay,

         Kính biếu là để xách tay về nhà.



 Chính vì cấp trên không nghe cấp dưới nên cấp dưới càng ngày càng không nễ trọng, không phục tùng cấp trên. Những quan chức cầu an, giữ ghế họ không cãi lại cấp trên, thụ động chờ chiếu chỉ cấp trên, cái gì thích thì làm không thích thì lờ đi cho qua. Hành động bất tuân thượng lịnh (trên nói dưới không nghe) có thể bắt nguồn từ đây?.



01/06/2018

   T.T

 

Chú thích:

(1) Dưới chế độ độc tài đảng trị, cán bộ phải là đảng viên – viết gọn “cán bộ đảng viên”.