Nguyễn Trứ
( Tiếng dân 23.8)
Ngược lại sự im tiếng đến đáng sợ của báo chí trong nước,
thì trên khắp các trang mạng xã hội hiện nay đều đăng tải thông tin về những
nỗi bức xúc của người dân Thủ Thiêm. Có rất nhiều bài báo quảng cáo về các siêu
dự án bất động sản của các đại gia đang triển khai ở Thủ Thiêm. Nhưng, rất ít
báo đài đề cập đến nỗi bức xúc của người dân nơi đây, khi họ bị ném ra khỏi
chính mảng đất cha ông mà họ gắn bó bao đời nay một cách tàn nhẫn.
Đến lúc này, trên sân khấu lợi ích nhóm đất vàng Thủ Thiêm không chỉ là
những cái tên quá quen mặt trong quá khứ, mà còn hé lộ cả những ‘diễn viên’
mới. Sau 2 cái tên Trần Vĩnh Tuyến và Nguyễn Thành Phong mà tôi đã đề cập thì
có một cái tên mới nổi đó là Nguyễn Thiện Nhân.
Để hiểu rõ về cách hành xử ngọt ngào và đau đớn của Nguyễn Thiện Nhân trong
vụ Thủ Thiêm mà tôi sẽ trình bày ở bài kế tiếp, mời các bạn quay lại thời gian
một chút.
Sau khi tưởng chừng bị an bài về hưu với chức vụ Chủ tịch Ủy ban TW Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nhân bất chợt “buồn ngủ gặp chiếu manh” nhận quyết
định “về nhà” giữ chức Bí thư thành ủy TP.HCM, thay cho ông Đinh La Thăng bị kỷ
luật cách chức. Hội nghị trao quyết định bổ nhiệm diễn ra vào sáng ngày
10/5/2017. Có lẽ chức vụ này là mơ ước khôn tận của Nguyễn Thiện Nhân vượt quá
cả vị trí Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục một thời.
Một nhân vật Nam Bộ được cho là “trung dung” lửng lơ như Nguyễn Thiện Nhân
lại giành vị trí lãnh đạo thành phố lớn nhất nước. Trên con đường quan lộ của
mình, Nguyễn Thiện Nhân ít có dấu hiệu nào trực tiếp tham dự vào đấu trường
chính trị, mà ông thuộc dạng “sống chết mặc bay” trong tình trạng nhiều đảng
viên than thở bộ máy thành phố “nát như tương”.
Giờ đây, đối với nhân vật mới nhậm chức Bí thư, công luận đang đặt dấu hỏi:
“Thách thức nào cho Nguyễn Thiện Nhân và ông ta có năng lực không? Sẽ làm được
cái gì ra hồn?”. Có lẽ thách thức lớn nhất đối với Nguyễn Thiện Nhân chính là
bản thân ông ta.
Đã xuất hiện một số ý kiến kỳ vọng rằng, gương mặt này sẽ mang lại khởi sắc
cho Sài Gòn. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự hy vọng hão huyền của những ai còn ảo
tưởng. Trong hơn chục năm giữ nhiều chức vụ ở trung ương, ấn tượng duy nhất mà
ông Nhân để lại chỉ là hình ảnh một Uỷ viên Bộ Chính trị có thể nói tiếng Anh!
Ông không phải là một nhà lãnh đạo kỹ trị như nhiều người mong đợi. Ông có học
hàm là giáo sư kinh tế và từng công tác ở nhiều lãnh vực, nhưng ông không mang
lại bất cứ thành quả đáng kể nào trong vai trò là người đứng đầu. Nói thẳng,
Nguyễn Thiện Nhân thiếu những tố chất cần thiết để làm một người lãnh đạo,
không đủ bản lĩnh, dũng khí để làm những việc lớn, hay chí ít là có lợi cho
dân. Nguyễn Thiện Nhân là người không có chính kiến, người nô bộc trung thành,
chủ bảo sao làm vậy cho lành. Bản tính vốn dĩ trung dung, nên ông thường là một
lựa chọn tình thế.
Ở tuổi 64, có lẽ ông Nhân sẽ ngồi ghế Bí thư múa may đến hết nhiệm kỳ rồi
về hưu, để các nhóm quyền lực thoải mái thương lượng, trao đổi lợi ích được êm
thấm. Có thể các cuộc chiến ngầm trong đảng bộ và chính quyền Thành phố sẽ leo
thang do sự nhu nhược của người lãnh đạo.
Ngược thời gian, sau khi rời chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM ra trung ương
giữ chức Bộ trưởng Giáo dục (2007), Nguyễn Thiện Nhân đã được dư luận và báo
chí kỳ vọng khi đưa ra những cam kết “Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học”
và “Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”. Nhưng rồi, rất nhiều người
ủng hộ ông trước đó đã thất vọng. Ông nói nhiều, hứa nhiều nhưng lại làm quá ít
hay chẳng làm được cái gì cả! Hình ảnh một Nguyễn Thiện Nhân “trí thức” và
“sạch” dần bị hoài nghi về năng lực hành động.
“Bỗng dưng” nắm vận mệnh của thành phố kinh tế
lớn nhất nước, Nguyễn Thiện Nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về chính trị chứ
không còn thuần túy giáo dục trước đây. Khác hồi 2007, lúc bộ máy “còn bạc còn
tiền còn đệ tử”, giờ đây thành phố “nát như tương”, Thủ Thiêm “nát như cám”.
Một đảng bộ thành phố sẽ trở thành cái gì khi não trạng ông ta vẫn chỉ chăm
chăm những lời hứa hẹn được lập trình như mười năm trước?
Nhiều người cho rằng Nguyễn Thiện Nhân là người thuộc trường phái “chính
trị gia co thủ”, vốn hết sức thận trọng với các giao tiếp “nhạy cảm chính trị”
và càng tránh xa những hoạt động bề nổi chẳng có lợi gì cho mình.
Những nhược điểm cố hữu trong quản lý, tổ chức nhân sự và không có dũng khí
để thẳng tay xử lý tiêu cực, Nguyễn Thiện Nhân có thể lại ứng xử với Sài Gòn
theo cái cách mà ông đã hô hào phong trào “hai không” ở ngành Giáo dục nhưng
chỉ đạt được kết quả “không không thấy”.
Vào những ngày cận tết nguyên đán 2018, Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân
bất ngờ đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Trong cuộc thăm viếng đột ngột
này, ông Nhân còn chúc các sơ ‘giữ vững đức tin’. Nhưng chẳng bao lâu, Nguyễn
Thiện Nhân đã trở lại nguyên hình quá khứ Bộ trưởng Giáo dục với lời hứa như
đinh đóng cột ‘Năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương’. Tám năm sau cái mốc
đó, hàng ngàn giáo viên ở nhiều vùng quê như Cà Mau, Đắk Lắk phải nghỉ việc vì
lương không đủ sống, bị nợ lương và bị đẩy ra đường. Nguyễn Thiện Nhân đã quên
lời hứa? Tuyệt đối không thấy ông Nguyễn Thiện Nhân cải chính, xin lỗi một lời
nào về sự cam kết của mình.
Đến đầu tháng 5/2018, khi xuất hiện thông tin về Dòng Mến Thánh Giá Thủ
Thiêm và Nhà thờ Thủ Thiêm trong số 9 lô đất mà Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành
Phong chuẩn bị đưa ra đấu giá bị dư luận phản ứng mãnh liệt. Người dân được
“gây mê” bằng tin đồn, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phản đối việc giải tỏa 2 cơ sở
này. Cuối cùng, chẳng có một biểu hiện nào của Nguyễn Thiện Nhân khẳng định cái
“ý tứ tốt lành” đó. Thậm chí Nguyễn Thiện Nhân đã hành động ngược lại.
Ngay sau khi trở về từ Hội nghị TW 7, việc đầu tiên mà ông Nhân làm là dẫn
đầu một đoàn tùy tùng đi thăm các cơ sở phật giáo trên địa bàn Thủ Thiêm vào
chiều tối ngày 12/5/2018. Bí thư Quận 2 Nguyễn Hoài Nam báo cáo láo rằng khoảng
22 cơ sở tôn giáo trong khu vực qui hoạch đã “đồng thuận di dời, bàn giao mặt
bằng”. Thậm chí các mặt báo còn tung hô, các cơ sở mà ông Nhân đến thăm rất vui
mừng khi được hỗ trợ thêm 20% đất, hỗ trợ tiền di dời, xây dựng lại cơ sở mới
to đẹp hơn.
Nguyễn Thiện Nhân đi thăm các cơ sở Phật giáo ở Quận 2 để làm gì, nếu không
phải nhằm gián tiếp gửi thông điệp cho các cơ sở Công giáo ở Thủ Thiêm về một
vị trí mới? Các cơ sở này vẫn còn nằm nguyên trong một âm mưu chiếm đất vàng?
Sự biến mất của Bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm càng tạo điều
kiện để các nhóm lợi ích lấp liếm rằng các vùng đất này ‘nằm trong quy hoạch
giải tỏa’ vì nó tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu
trung tâm Quận 1, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và
quan chức, và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó “chiếm” được.
Nhiều thông tin cho biết, chính quyền TP.HCM và Quận 2 cùng những tổ hợp nhóm
lợi ích sẽ hưởng một nguồn lợi trực tiếp và khổng lồ từ việc giải tỏa.
Hơn nữa, UBND thành phố
đã ráo riết tiến hành cưỡng chế lấy đất của các hộ dân Thủ Thiêm rồi giao cho
Tập đoàn làm dự án khiến hàng ngàn hộ dân rơi vào tình cảnh cùng quẫn. Việc
cưỡng chế này có rất nhiều khuất tất khiến dư luận bức xúc. Những bánh vẽ,
quảng trường, công viên, trường học, bệnh viện, khu tái định cư không thấy đâu!
Thành phố đang cố tình dùng sức mạnh chính quyền tiếp tay cho các doanh nghiệp
“cướp không” đất ở của dân làm chung cư, cao ốc, biệt thự bán với giá “đất
vàng” cho những kẻ lắm tiền nhiều của. Người dân thiệt đủ đường khi đất cha ông
bị lấy đi một cách tàn nhẫn và trái luật, còn các Tập đoàn kinh tế và quan chức
thu lợi lớn.
Trên sân khấu lợi ích
nhóm đất vàng Thủ Thiêm giờ đây không chỉ là những cái tên quá quen mặt trong
quá khứ, mà còn hé lộ cả những ‘diễn viên’ mới là Nguyễn Thành Phong và Nguyễn
Thiện Nhân.
Bài tiếp theo tôi sẽ nói
chi tiết về những lời hứa và hành động bạc bẽo, lửng lơ của Nguyễn Thiện Nhân
tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm!