01 juin 2019

10 NĂM BAUXITE VIỆT NAM


PHẠM ĐÌNH TRỌNG

Ba tên tuổi, ba khí phách dựng lên trang báo mạng Bauxite Việt Nam là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn, nhà giáo Phạm Toàn và tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng. Trong ba tên tuổi đó, người gần gũi nhất với tôi là Người Thầy của Đạo Học Phạm Toàn


THẦY PHẠM TOÀN


THẦY PHẠM TOÀN




1.  Một chiều tháng năm, 2019, tôi cùng thầy giáo Vũ Mạnh Hùng đến thăm người thầy của một đạo học, thầy Phạm Toàn.



Tâm hồn và trí tuệ làm nên phần Người trong mỗi con Người. Loài Người khác muôn loài, vượt lên trên muôn loài cũng bởi có tâm hồn và trí tuệ. Tâm hồn để yêu thương. Trước hết là yêu cái đẹp, yêu cái thiện, không chấp nhận cái ác. Con Người còn có nhu cầu sáng tạo và có trí tuệ để sáng tạo, Không có lao động sáng tạo, không có sự tiến hóa tạo ra loài Người. Đạo học chân chính là mở cánh cửa tâm hồn và đánh thức năng lực sáng tạo ở lớp người trẻ.



Cuộc đời nhà giáo cho thầy Phạm Toàn nhận ra rằng sách giáo khoa nhà trường xã hội chủ nghĩa không dạy yêu thương mà dậy hận thù, hận thù giai cấp. Không dạy cái đẹp mà dạy cái ác. Dạy lớp người trẻ nhìn con người, nhìn xã hội bằng con mắt giai cấp hẹp hòi, méo mó, nhà trường xã hội chủ nghĩa chuẩn bị hành trang cho lớp người trẻ là lòng hận thù giai cấp và đẩy họ vào đời thành công cụ đấu tranh giai cấp, làm cái ác, gieo rắc tội ác. Giai cấp vô sản được đưa lên thành chủ thể thế giới, thành giai cấp ưu việt, giai cấp thượng đẳng, giai cấp sáng tạo ra thế giới có sứ mệnh lịch sử là tiêu diệt. xóa bỏ các giai cấp khác. Từ nhà trường xã hội chủ nghĩa, những lớp người trẻ vào đời để thực hiện sứ mệnh lịch sử đó, sứ mệnh làm điều ác với chính đồng bào ruột thịt của mình.



Môn văn trong nhà trường xã hội chủ nghĩa không đánh thức tâm hồn lớp người trẻ để họ biết yêu thương, biết cảm hứng trước cái đẹp, đề mỗi người tự hình thành cho mình lí tưởng thầm mĩ. Môn văn dạy hận thù và bắt người học thuộc lòng bài văn mẫu. Những bài văn mẫu đã giết chết tư duy sáng tao, giết chết năng lực cảm hứng, đóng kín tâm hồn lớp người trẻ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa thú nhận: “Tât cả các nhà văn có tài thuở đi học đều dốt văn. Nhũng học trò giỏi văn đều chẳng thành gì cả. Tôi là học sinh giỏi văn, giải nhất toàn miền bắc. Tôi mất mười năm luyện thành học sinh giỏi văn và khi ra trường tôi cũng phải mất mười năm rũ bỏ câu văn nhà truòng để thành một nhà văn".



Trong nhà trường là những bài văn mẫu. Trong xã hội là những nghị quyết của đảng. Đi học chỉ biết học thuộc bài văn mẫu. Vào đời làm việc chỉ biết làm theo nghị quyết. Nhà trường xã hội chủ nghĩa như những xưởng chế tạo ra những robot, những con người công cụ. Đạo học cộng sản chỉ tạo ra con người công cụ.



Thầy Phạm Toàn và giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng có một triết lí giáo dục, một đạo học là giúp những người trẻ phát hiện ra chính họ, giúp họ mở ra cánh cửa tâm hồn và đánh thức năng lực sáng tạo của họ. Thực hiện đạo học đó, giáo sư Hồ Ngọc Đại hăm hở mở trường thực nghiệm còn ông thầy Phạm Toàn thì lặng lẽ tập hợp một nhóm những thầy cô giáo trẻ đã tốt nghiệp đại học sư phạm, đồng cảm với đạo học tạo ra con người sáng tạo, thành nhóm Cánh Buồm âm thầm và bền bỉ soạn sách giáo khoa.



Sau 40 năm hăm hở làm trường thực nghiệm, nhà khoa học Hồ Ngọc Đại với niềm tin lãng mạn đã đưa trường thực nghiệm Hồ Ngọc Đại tới 43 tỉnh thành trên cả nước nhưng ông vừa nghỉ hưu đượcc ít ngày thì bộ Giáo đục Đào tạo liền loại bỏ trường thực nghiệm gợi mở tư duy sáng tạo cho lớp người trẻ ra khỏi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó luật Giáo dục xác định rằng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên cả nước được sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa. Và người thầy 87 tuổi Phạm Toàn vẫn miệt mài biên soạn sách giáo khoa cho lớp người trẻ.



2.  Trên đất nước mình không nơi nào có tiết thu rõ rệt và thăm thẳm, và bâng khuâng gợi cảm như tiết cuối thu Hà Nội. Ngọn gió heo may xào xạc trên vòm sấu đường Phan Đình Phùng, đường Trần Phú mà hơi lạnh lại se se gợi cảm trên má. Sương khói huyền thoại lãng đãng trên mặt hồ Tây. Sương chiều bảng lảng trên tán xà cừ đường Hoàng Diệu làm cho con đường như sâu hút trong thăm thẳm lịch sử. Mùi thơm mùa thu từ rau cần. Sắc vàng mùa thu trên quả chuối tiêu trứng quốc. Cuối thu năm nào tôi cũng bay từ cái nắng của đầu mùa khô Sài Gòn ra với sương khói mùa thu Hà Nội.



Làm sách giáo khoa, thầy Phạm Toàn được trường tư thục sử dụng sách của thầy thuê căn hộ gần trường để thầy ở và làm việc. Biết tôi ra Hà Nội, thầy Phạm Toàn bảo tôi đến ở với thầy.



Tôi nhớ nhất những ngày ở với thầy Phạm Toàn trong gian nhà thuê trên đường ven hồ phía Bắc hồ Tây. Sáng nào tôi thức dậy cũng thấy có bát xôi lạc nóng với những sợi ruốc thịt trên bàn cạnh giường tôi ngủ. Buổi trưa ít khi tôi về ăn cơm với thầy Toàn nhưng bữa cơm chiều nào thầy Toàn cũng chờ tôi về rồi cùng nhóm Cánh Buồm đến quán vịt cỏ Vân Đình bên đường Lạc Long Quân uống bia hơi, ăn thịt vịt nướng và ăn cháo vịt. Buổi tối chúng tôi lững thững đi dạo một đoạn ven hồ đến quán cà phê ca nhạc Lộc Vàng.



Đi một đoạn ngắn về phía Trích Sài là quán Lộc Vàng. Đi đoạn dài gấp đôi về phía đê Âu Cơ là nhà kiến trúc sư Trần Thanh Vân. Bà kiến trúc sư uyên bác về phong thủy và rất đằm thắm với thầy Phạm Toàn nhưng đã quyết liệt, dữ dội ngăn chặn dự án thủy cung Thăng Long xâm phạm long mạch hồ Tây, đã chặn đứng mưu đồ cắm cọc bê tông làm đường cắt đôi không gian huyền thoại hồ Tây. Một tối mùa thu, kiến trúc sư Trần Thanh Vân đã mời thầy Phạm Toàn và tôi đến nhà hàng Sen bên hồ Tây nghe nhạc dân ca và cảm nhận tiết thu Hà Nội về đêm dịu dàng trong đất trời ở chốn linh thiêng hồ Tây.



Dù thầy Phạm Toàn không nói nhưng rồi tôi cũng biết khi tôi rời khỏi nhà thầy Phạm Toàn, công an liền đến cật vấn, tra hỏi về mối quan hệ của thầy Phạm Toàn với tôi. Buổi tối tôi theo thầy Phạm Toàn đến quán Lộc Vàng, công an tung quân, lẻn vào ngồi trong quán, rải những bóng đen ở bờ hồ Tây đối mặt với quán làm cho người nghệ sĩ già Lộc Vàng thân phận mong manh, đau khổ như dòng nhạc vàng mà ông hát phải giật mình lo sợ. Bóng tối của công cụ bạo lực, của hận thù giai cấp, của khủng bố tinh thần, của đàn áp văn hóa lại đè nặng một góc hồ Tây. Thầy Phạm Toàn cần một không gian bình yên và sự thư thái trong lòng để làm ra những trang sách ánh sáng cho tuổi trẻ. Từ đó, ra Hà Nội tôi không đến ở nhà thầy Phạm Toàn nữa. Cũng từ đó, ra Hà Nội, tôi không xài điện thoại với nhiều người thân thiết nữa. Cần đến nhà ai cứ lặng lẽ đến. Không cần điện thoại hỏi xem họ có nhà hay không. Đến nhà, gặp được người cần gặp thì ngồi hàn huyên với nhau. Không gặp, lại lủi thủi ra về. Xài điện thoại như rải lông ngỗng trên đường, vạch lối cho những kẻ trong lòng chứa chất hận thù giai cấp săn đuổi.



3.  Không đến ở nhà thầy Phạm Toàn nhưng mỗi lần ra Hà Nội tôi đều đến thăm người thầy của đạo học đánh thức phần Người trong mỗi con Người, để những người trẻ của đạo học Phạm Toàn bước vào đời là những con Người chứ không phải những công cụ. Tôi đã đến căn hộ của tòa nhà cao tầng ở 699 Lạc Long Quân gần làng đào Nhật Tân. Căn hộ của tòa nhà cạnh trường Olympia đường Trung Văn. Căn hộ trong tòa nhà nhìn ra công viên Cầu Giấy. Lần này tôi và thầy giáo Vũ Mạnh Hùng qua cầu Chương Dương rồi cứ mải miết đi ngược lên phía Bắc. Tòa nhà Ecohome có lẽ là tòa nhà cao tầng ở đỉnh cực Bắc của thành phố Hả Nội.



Thầy Phạm Toàn thả mình trong chiếc ghế tựa lót nệm mút. Nhìn nước da nhợt nhạt không còn sắc hồng hào của thầy và thỉnh thoảng lại nghe tiếng rên nhẹ, tôi biết trái tim người thầy nặng yêu thương đã hai lần dao kéo can thiệp nay ở tuổi 87, nó đã mệt mỏi, không còn làm tốt chức phận. Nhưng trên bàn trước mặt thầy, màn hình laptop vẫn sáng và thầy Toàn vẫn nói về công việc: Phần sách cấp ba này mới thích chứ. Tôi hỏi phần việc còn lại có nhiều không. Thầy bào còn khoàng một trăm trang nữa.



Biết nhà thơ Dương Tường và nhà văn Châu Diên – Phạm Toàn là đôi bạn chí cốt từ thời kháng chiến chống Pháp, tôi nói: Em nhớ hình như anh với anh Dương Tường cùng tuổi. Tôi vẫn thường gọi anh và xưng em với Phạm Toàn như vậy. Phạm Toàn bảo: Mình với Dương Tường và Nguyên Ngọc cùng sinh năm 1932. Mình hơn Tường một tháng và hơn Ngọc năm tháng. Hai thằng Tường, Ngọc đều gày bé, nhẹ cân mà bền bỉ, dẻo dai hơn mình nhiều.



Tôi đi xem căn hộ bảy mươi sáu mét vuông. Ba phòng ngủ. Hai toilet. Một phòng làm việc. Thầy Phạm Toàn bảo: Trước đây mình viết sách cho trường nào, trường đó thuê nhà cho mình làm việc. Nay sức khỏe kém rồi, có chuyện gì, mình không muốn làm phiền cho họ, thầy trò bảo nhau góp tiền mua căn hộ này một tỉ hai.



Chỗ thầy Toàn ngồi làm việc ngay cạnh khung cửa và ban công nhìn ra cánh đồng. Nhìn qua khung cửa, tôi bất ngờ nhận ra một đoạn sông Đuống của thơ Hoàng Cầm “Sông Đuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”. Đoạn sông lấp lánh nắng chiều giữa hai bờ cỏ cây xanh mướt đẹp như bức tranh Isac Levitan. Người yêu cái đẹp luôn tìm đến cái đẹp. Một vẻ đẹp bình dị và thầm lặng nên không phải ai cũng nhận ra. Tôi nói với thầy Phạm Toàn: Anh Toàn ơi, căn hộ của anh giá tỉ hai thì riêng khung cửa này đã đáng giá một tỉ rồi!