04-09-2019
Chiếc
tàu cẩu lớn nhất thế giới Lam Kình (Lanjing) hôm qua 03/09/2019 đã đi vào vùng
lãnh hải của Việt Nam, hiện nay các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang theo sát. Về
phần chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đã rời khỏi bãi Tư Chính
một ngày trước đó.
Trang
South China Sea News dẫn dữ liệu từ Marine Traffic cho biết tàu Lam Kình xuất
hiện ở ngoài khơi Quảng Ngãi, cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 11 hải lý,
cách đảo Lý Sơn 30 hải lý. Tàu này được khoảng 10 tàu hải cảnh hộ tống.
Các nhà
chuyên môn đặt câu hỏi, tàu Lam Kình đi vào lãnh hải của Việt Nam để làm gì ?
Chuẩn bị lắp đặt giàn khoan hay tránh bão, hoặc vì lý do nào khác ?
Trong
trường hợp Trung Quốc muốn đưa giàn khoan đến vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam,
có thể xảy ra xung đột lớn như vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014.
Một nguồn tin độc lập cho biết tàu cẩu Lam Kình có công trình lắp đặt ở vịnh
Bắc bộ, có thể là tàu này đi xuống phía nam để tránh bão rồi quay về. Các tàu
cảnh sát biển Việt Nam hiện đang theo dõi.
Theo
Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tàu bè các nước có thể qua lại «
vô hại » lãnh hải của nước khác. Quốc gia ven biển có quyền tạm thời đình chỉ
việc đi qua « vô hại » trong trường hợp an ninh của mình bị đe dọa, nhưng chỉ
sau khi đã công bố theo đúng thủ tục quốc tế và không phân biệt đối xử đối với
tàu nước ngoài.
Tàu cẩu
Lam Kình là tàu tự hành hoạt động ở vùng nước sâu, thuộc sở hữu của tập đoàn
dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Tàu này có cần cẩu chính với sức nâng
7.500 tấn, cẩu phụ 4.000 tấn, một móc 1.600 tấn, có thể nâng hạ những thiết bị
siêu nặng và giàn khoan. Lam Kình đã tham gia nhiều dự án lớn, lắp đặt giàn
khoan dầu lớn nhất thế giới.
Tại bãi
Tư Chính, chiếc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 đã rời khu vực này vào cuối
giờ chiều 2/9, đi đến Đá Chữ Thập cùng với bốn tàu hải cảnh hộ tống mang số
hiệu 35111, 37111, 46303, 33111. Có thể lần này cũng là để tiếp liệu, vì hải
cảnh 46301 vẫn tiếp tục quanh quẩn gần lô dầu 06.1.
Trước
đây hôm 7/8, Hải Dương Địa Chất 8 cũng đã rời bãi Tư Chính đến Đá Chữ Thập, rồi
ngày 13/8 quay lại cùng với hai tàu hải cảnh, và liên tục quấy nhiễu vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện có ít nhất hai tàu cảnh sát biển Việt Nam bám
sát, và có những lúc tiến rất gần chiếc tàu khảo sát này.