Xin chửi thề một phát !
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 11 dài 5000 chữ, ông Trọng chỉ nói đến hai chữ Biển Đông có 1 lần. Và có lẽ để giảm thiểu sự quan trọng của hai chữ Biển Đông, ông Trọng lại "nhốt" nó vào trong bối cảnh thế giới về …kinh tế.
Tuyệt nhiên ông Trọng không có một câu nào về việc Trung Cộng ra vào bãi Tư Chính trong thềm lục địa Việt Nam như đi chợ từ 3 tháng nay.
Trung Cộng còn tuyên bố chính thức bãi Tư Chính thuộc chủ quyền Trung Cộng cũng không làm Chủ tịch nước Việt Nam bất bình để thay người dân lên tiếng.
Thế mà một số báo nhà nước đăng tin nào là : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị TƯ phân tích tình hình Biển Đông" - "Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị phân tích, dự báo về tình hình Biển Đông" - "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Trung ương phân tích, dự báo về tình hình Biển Đông" - "Đề nghị Trung ương dự báo tình hình Biển Đông"…
Sự kiện ông Trọng chỉ "rặn" ra được một chữ mà Ban Tuyên Giáo lại làm ầm như thế phải được hiểu thế nào ?
- Hoặc là Ban Tuyên Giáo cũng hiểu người dân quá bức xúc về Biển Đông nên phóng đại lên thế để xoa dịu rằng đã có Đảng lo.
- Hoặc là họ không cho 5000 chữ của ông Trọng một trọng lượng nào ngoài chữ Biển Đông nên để nịnh Chủ tịch nước họ lộng ngôn lên thế.
Dù, hoặc thế nào đi nữa, với chúng tôi ông Trọng đã thể hiện rõ ràng là một Trần Ích Tắc do Trung Cộng cài vào Việt Nam.
Theo Tướng Lê Văn Cương, cứ như tình hình Đảng và nhà nước VN hiện nay, thì liên minh với Mỹ để tự vệ như mọi người mong muốn là điều không tưởng. Tướng Lê Văn Cương cho biết gần đây vẫn có quan chức VN phát biểu rằng “Trung Quốc là bạn vĩnh viễn, Mỹ là kẻ thù vĩnh viễn”!
Dân Quyền
Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự
Hội nghị,
Hôm nay, Ban Chấp hành TƯ khoá 12 bắt đầu họp
Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện
trình Đại hội 13 của Đảng; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước
năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm
2020; và một số vấn đề quan trọng khác.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt
liệt chào mừng các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành TƯ và toàn thể các đại biểu
tham dự Hội nghị; xin gửi tới các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Sau đây,
tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng
chí cùng suy nghĩ, nghiên cứu, thảo luận.
1. Về dự thảo Báo cáo
chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Đại hội 13 của Đảng
Tiểu ban Văn kiện đã khẩn trương, nghiêm
túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề cương chi tiết, xây dựng dự
thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Bộ
Chính trị cho ý kiến hoàn thiện và trình TƯ hôm nay.
Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của
Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, đảng viên và
nhân dân kỳ vọng Đại hội 13 của Đảng có được một Báo cáo chính trị xứng tầm, đề
ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước
Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới
và những năm tiếp theo.
Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng
và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả
nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện
Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng; khảo sát
thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành; tổ chức nhiều cuộc hội
thảo, toạ đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý; đặc
biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào ngày 27/9
vừa qua.
Đề nghị các đồng chí TƯ nghiên cứu kỹ, thảo
luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội
dung nêu trong Tờ trình như: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của
Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập
trung vào 10 năm gần đây; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm
2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); định hướng
tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và
các khâu đột phá chiến lược; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong
quá trình phát triển...
Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội
dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách,
biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi
cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích,
đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 và các Nghị quyết Trung
ương; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ
thể hoá, thể chế hoá và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực; những chủ
trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được
tác dụng; nguyên nhân vì sao? Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế
hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện?
Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những
nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy; về năng lực
cụ thể hoá, thể chể hoá và tổ chức thực hiện. Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ
sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng,
nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong
nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời
gian tới.
Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là
một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản,
có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện
Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất
nước trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Báo cáo đã đề cập, phân tích về bối
cảnh thực hiện Cương lĩnh 2011; nhận định, đánh giá về thành tựu trong phát triển
nhận thức lý luận của Đảng; những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong
thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đối với từng lĩnh vực của đời sống
xã hội; đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của Cương lĩnh.
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều nội
dung liên quan đến dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới; tiếp tục
bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội của nước ta; định hướng lớn và giải pháp xây dựng, phát triển
đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên
cứu, cho ý kiến về các vấn đề nêu trên, chú ý đến những vấn đề mới, còn có ý kiến
khác nhau để Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo
cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng
bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
2. Về dự thảo Báo cáo
kinh tế - xã hội trình Đại hội 13 của Đảng
Thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã
bám sát Đề cương được Hội nghị TƯ 10 cho ý kiến, tích cực xây dựng dự thảo Báo
cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 và 5 năm thực hiện Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương
hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 (sau đây gọi chung là
Báo cáo kinh tế - xã hội).
Đây là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu
vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo
đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề; huy động
sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước
ngoài; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khoa học...
Đề nghị TƯ căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu
nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế -
xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khoa học tình hình thực
hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm
2011 - 2020 được đề ra tại hai kỳ Đại hội của Đảng; xác định rõ ràng, đúng đắn
vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước
vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới.
Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách
quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng
đó là: Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế
vĩ mô; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo
vệ môi trường một cách tương xứng, hài hoà; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng,
hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt
hệ thống luật pháp, chính sách?
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế
- xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và
lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình
thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng
công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia,
dân tộc, Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục
tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình
hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực.
Chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những
cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết
thực vào việc phát huy, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để
giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên và những vấn đề chiến lược,
lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước; cải
thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
3. Về dự thảo Báo cáo tổng
kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khoá
12
Đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan
trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng.
Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc
trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68
tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung
ương; 35 báo cáo chuyên đề; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ
quan, đơn vị; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc
Trung ương; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo
Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong Báo cáo tổng kết và Tờ trình của Bộ
Chính trị gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung tổng kết, đánh giá tình
hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội 12 đề ra.
Dự thảo Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả nổi
bật, khá toàn diện đã đạt được; đề xuất phương hướng và 10 nhiệm vụ, giải pháp
tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong
nhiệm kỳ khoá 13 , trong đó xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Đồng thời, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng; tổng hợp đề xuất bổ sung, sửa đổi
Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng và ý kiến của Bộ Chính trị kiến nghị
với TƯ về vấn đề này.
Đề nghị các đồng chí TƯ thảo luận, cho ý kiến
đánh giá kết quả đã đạt được; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng
Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải
pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khoá 13 ; những kiến nghị của các cấp uỷ, tổ chức đảng
về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải
pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay
chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì; những hạn
chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ; những
hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải
bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn
của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư?...
4. Về kinh tế - xã hội,
ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020
Việc TƯ xem xét, cho ý kiến về những nội
dung nêu trên diễn ra trong bối cảnh: Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu
thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020;
cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp,
khó lường; thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây tâm
lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu...
Đề nghị các đồng chí TƯ xem xét, phân tích
thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận,
đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách
nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019.
Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã
đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với
những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ và giải
pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức 6,6 - 6,8%; phát triển văn hoá -
xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững môi trường
hoà bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an
toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế,
uy tín quốc gia…
Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ
sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ
rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ,
thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua.
Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát,
dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính
sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp
đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới,
khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020.
Chú ý đến những chính sách, biện pháp nhằm
khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư
công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng; đổi mới,
sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; quản lý nhà nước về văn
hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông; bảo đảm
trật tự, an toàn xã hội; cải cách hành chính; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản
lý, sử dụng đất đai, tài sản công...
Thưa các đồng chí,
Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khoá 12
và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc khoá 13
của Đảng. Vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị TƯ lần này có ý nghĩa rất quan
trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 -
2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Đề nghị các đồng chí TƯ và các đồng chí
tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân
dân và đất nước, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để
tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo và xem xét, quyết định các vấn đề quan
trọng khác trong chương trình của kỳ họp.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Chúc Hội nghị thành
công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.