01 novembre 2019

Cần thông tin đầy đủ hơn tình hình bảo vệ chủ quyền


đại biểu Trương
Trọng Nghĩa
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định Đảng, Nhà nước và bất kể người dân nào cũng muốn bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, và quan điểm của chúng ta là không có bất cứ sự nhân nhượng nào khi nói tới bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tuy nhiên, ông Nghĩa đề nghị cần phải có thông tin đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước.

“Chúng ta có cả hệ thống chính trị khắp cả nước. Có thể thông qua đó để thông tin kịp thời, đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Có nhiều cách thức thông tin để người dân yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ”, Đại biểu Nghĩa nói và đề nghị đây là vấn đề Chính phủ cần quan tâm và làm tốt hơn.


Liên quan đến vấn đề Biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng “đây là nội dung Quốc hội không cần họp kín, nên để dân được biết”, bởi theo đại biểu, ngay trong bản báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cũng có những nội dung đầy khích lệ đó là Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho sự phát triển của đất nước.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi, tại sao trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế, nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội, cũng là trước đồng bào của mình, lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng chúng ta cũng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta?

"Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy?", đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn.

"Sau này, con cháu chúng ta, những người đọc sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản này sẽ nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?", ông Quốc nói.

Theo vị đại biểu, dân tộc Việt Nam có cả một chiều dài lịch sử và trong mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn thời kỳ dài hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao giữa hai bên.

"Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta", ông Quốc kết thúc phần phát biểu của mình.

Trước đó, trong phần phát biểu của mình, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (đại biểu đoàn Tiền Giang) cho biết, các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối, quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng, đó là kiên quyết kiên trì bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Chính phủ, những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chúng ta quyết không nhân nhượng, nhưng phải có đối sách phù hợp với truyền thống văn hóa của chúng ta. “Điều này đã khẳng định đường lối quan điểm đó là đúng đắn. Có thể khẳng định rằng mỗi người dân Việt Nam ai cũng có khát vọng để vươn lên”, đại biểu Nghĩa nói thêm.

Theo đại biểu, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.

“Lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta, khẳng định chủ quyền của chúng ta. Cụ thể đó là Hiến chương Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và các luật pháp các điều ước khác mà Việt Nam chúng ta đã cam kết”, đại biểu Nghĩa bày tỏ.

Ngoài ra, theo đại biểu Nghĩa, chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền phải kết hợp với đấu tranh thực địa, đồng thời phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước và các giải pháp kinh tế. Chúng ta càng phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống trong khi chúng ta bảo vệ chủ quyền của chúng ta.


Minh Thái
https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/can-thong-tin-day-du-hon-tinh-hinh-bao-ve-chu-quyen-3390532/