Đỗ Ngà
Vào tối ngày 3 tháng 3 năm 1991, phát hiện chiếc
xe Hyundai Excel đang chạy quá tốc trên cao tốc I-210 vi phạm giao thông. Đội
tuần tra đường cao tốc California (California Highway Patrol -CHP) ra hiệu dừng
nhưng chiếc xe vẫn phóng như điên. Các nhân viên Sở cảnh sát Los Angeles LAPD
(Los Angeles Police Department) và CHP đã bao vây và buộc tài xế da đen tên
Rodney King và 2 người nữa ra khỏi xe.
Khi bắt được King, 4 cảnh sát đã hành hung anh
này bằng cách đánh, đá, bắn súng điện, và dùng gậy đập vào anh này đến hơn 50 lần.
Sự việc này chẳng may bị một người dân tên George Holliday quay được rồi gởi
cho truyền hình KTLA. Sau khi cuộn băng video được phát sóng, 4 cảnh sát viên
đó bị truy tố tội đánh người. Vào ngày 29/4/1992, tòa án với một bồi thẩm đoàn
toàn người da trắng đã đưa ra phán quyết đầy thiên vị là tha bổng cả 4 người cựu
nhân viên cảnh sát kia. Rõ ràng đây là một tòa án bất công.
Chính phiên tòa bất công này đã châm ngòi cho
cuộc biểu tình nổi loạn của người da đen trên khắp thành phố Los Angeles. Cuộc
biểu tình kèm với bạo loạn kéo dài 3 ngày 2 đêm, khiến 55 người chết, hơn 2,000
người bị thương, và nhiều vùng lớn ở Los Angeles bị đốt, thiệt hại ước tính 1 tỷ
đô la. Sau cuộc bạo loạn đó, 4 cảnh sát viên sau đó bị chính quyền liên bang
truy tố về tội vi phạm dân quyền với Rodney King. Hai người, Stacey Koon và
Laurence Powell, bị kết tội và bị tuyên án tù 2 năm. Riêng Rodney King, sau đó
anh ta đâm đơn kiện chính quyền thành phố và thắng kiện với số tiền bồi thường
3,8 triệu đô.
Đấy là hình ảnh về sự phán quyết bất công của
một phiên tòa tại xứ văn minh nhất thế giới-Hoa Kỳ. Chuyện oan sai ở những xứ
tiến bộ vẫn có, thế nhưng nếu không có sức mạnh của dân thì những bản án oan
sai như vậy trở thành án lệ thì rõ ràng xã hội sẽ ngày một xấu đi. Ở phiên tòa
này chúng ta thấy bồi thẩm đoàn không một người da đen đã thiên vị 4 cảnh sát
da trắng một cách trắng trợn. Và những lúc như thế này, người dân đã thể hiện sức
mạnh của mình để gọt dũa nó, để nó phải biết vì công lý và họ đã thành công.
Tuy nhiên chuyện bạo động quá khích là một vết đen, nhưng phải thừa nhận chính
những cuộc biểu tình phản đối bất công mà chính quyền nước này mới ngày một tốt
hơn.
Tương tự như vậy, nếu không có sự lên tiếng của
nhà hoạt động xã hội Martin Luther King và những người có cùng màu da với ông,
thì làm sao nước Mỹ có Đạo Luật Dân Quyền xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc được?
Ở nước Mỹ thì như vậy, còn ở Việt Nam thì sao?
Như ta thấy qua tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải thì chúng ta thấy, tòa giám
đốc thẩm đã trắng trợn thừa nhận sự hành động tạo dựng chứng cứ của cơ quan điều
tra là hợp pháp và tuyên án tử cho một người chỉ dựa vào chứng cứ ngụy tạo là
“đúng người đúng tội”. Đứng trước một phiên tòa bất công như vậy, nhưng người
dân Việt Nam vẫn không phản kháng gì để đòi hỏi ngành tư pháp phải vì công lý cả.
Hay mới đây một bị cáo đã phải nhảy lầu tự tử vì tòa án xử bất công với mình.
Anh ta đã không còn niềm tin vào hệ thống tư pháp nát và cuối cùng chọn cái chết
để hy vọng đánh thức lương tri con người. Thế nhưng kết quả thì sao? Cái chết của
anh ta đã bị thờ ơ một cách đáng sợ, và chắc chắn sau cái chết của anh ta ngành
tư pháp chuyên gây ra bất công của chính quyền này không hề tốt lên được mà nó
vẫn cứ ngày ngày áp đặt bất công lên vô số người khác nữa như nó đang làm. Sự
im lặng của chúng ta trước cái xấu đã làm cho cái xấu này một nảy nở và lộng
hành. Đó là thực tế.
Albert Eistein từng phát biểu rằng “Thế giới bị
hủy diệt không phải bởi những kẻ làm ác mà là bởi những kẻ không làm gì trước
cái ác”. Còn Napoleon Ponaparte thì lại nói “Thế giới khổ đau không phải vì tội
ác của những kẻ xấu mà vì sự im lặng của những kẻ tốt”. Hay nhà hoạt động nhân
quyền nổi tiếng Martin Luther King cũng có lời nói tương tự rằng “vào giây phút
cuối cùng, điều chúng ta nhớ không phải là lời lẽ của kẻ thù mà là sự im lặng của
những người bạn”. Vâng! Tất cả 3 con người xuất sắc ở 3 lĩnh vực gồm khoa học tự
nhiên, chính trị và đấu tranh họ đều có cùng chung một suy nghĩ giống nhau.
Chúng ta thấy rằng, cho dù nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia tiến bộ nào, thì xã
hội của họ họ có được như hôm nay cũng là bởi người dân không bao giờ im lặng
trước cái xấu, cái ác hay điều bất công.
Chính quyền tốt không phải bởi họ tự tốt, mà bởi
vô số những cuộc đấu tranh của người dân làm họ tốt lên, đó là thực tế. Đảng cầm
quyền không thể tự tốt mà nó tốt lên là nhờ các đảng đối lập và người dân hằng
ngày săm soi những gì nó đang làm. Vậy nên mới nói, nhìn dân khí thì biết số phận
của một quốc gia.
Chúng ta hãy nhìn vào dân khí người Việt xem?
Nó bạc nhược đến thảm hại. Chính chúng ta cho rằng, im lặng trước cái xấu thì sẽ
có sự an toàn, nhưng liệu có an toàn không khi chúng ta phải gồng mình chống chọi
để tồn tại trong một xã hội đầy xấu xa? Tương lai con cháu có an toàn không khi
mà cái ác, cái bất công, và cái xấu xa cứ leo thang vì ta đã im lặng để nó tự
tung tự tác? Thái độ sống hôm nay của bạn sẽ làm nên tương lai của bạn, thì với
dân tộc cũng vậy, thái độ sống hôm nay của một dân tộc sẽ làm nên tương lai của
dân tộc đó. Nếu sự im lặng của dân tộc đó là vô hạn, hay sự chịu đựng của nó là
vô biên thì không sớm thì muộn, dân tộc này cũng bị diệt vong.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo: