07 mai 2014

Khuyến nghị về việc chấm dứt các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam


Bài phát biểu của Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại buổi họp báo về nhân quyền Việt Nam tổ chức tại Quốc Hội Mỹ   
Ts Cù Huy Hà Vũ tại cuộc họp báo
Tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, công dân Việt Nam, bị Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cầm tù về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam, có một số khuyến nghị sau đây nhằm chấm dứt các hành vi xâm phạm nhân quyền ở Việt Nam.


Cụ thể là trong khuôn khổ đối thoại nhân quyền giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam:

1.      Hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền của Việt Nam và trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm;
2.      Luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về chống tra tấn.

       I.            HỦY BỎ CÁC ĐIỀU 88, 258, 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ TRẢ TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN CHO CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM

Chắc chắn ở trong Luật hình sự của mọi quốc gia đều có quy định trừng phạt hành vi “lật đổ chính quyền”,  tức hành vi dùng bạo lực để chấm dứt sự tồn tại của chính quyền. Trong Bộ Luật hình sự Việt Nam quy định đó là Điều 82 - “Tội bạo loạn” (Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân). Thế nhưng đối với chính quyền Việt Nam thì bất đồng chính kiến, tức bày tỏ quan điểm chính trị một cách hòa bình hay phi bạo lực cũng được xem là nguy hiểm, đe dọa đến sự tồn tại của chính quyền này. Do đó, chính quyền Việt Nam đã đặt ra “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 88 Bộ luật hình sự) hoặc “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 285 Bộ luật hình sự) để đàn áp những người bất đồng chính kiến với tư cách cá nhân và “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam) để đàn áp những người bất đồng chính kiến tập hợp thành tổ chức. Nói cách khác, không chỉ đảng phái mà mọi tổ chức chủ trương cạnh tranh chính trị với Đảng cộng sản Việt Nam một cách phi bạo lực đều là đối tượng của Điều 79 Bộ luật hình sự Việt Nam.

 


Từ trước tới nay, Mỹ nói riêng, các nước dân chủ nói chung, thiên về yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân lương tâm như bằng chứng của việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam. Thế nhưng phương thức làm việc như vậy không giải quyết triệt để được vấn đề tù nhân lương tâm ở Việt Nam vì các Điều 88, 258, 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam vẫn tồn tại. Thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam trả tự do cho một số tù nhân lương tâm nhưng tiếp tục dựa vào các điều luật hình sự này để bỏ tù những người bất đồng chính kiến khác. Mới hôm qua thôi, chính quyền Việt Nam đã bắt ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm và cộng tác viên của ông là cô Nguyễn Thị Minh Thúy.

Do đó, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam hủy bỏ các điều luật phản nhân quyền này với lý do các điều luật này là hoàn toàn trái pháp luật, cụ thể là trái Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên và trái với chính Hiến pháp và các luật liên quan của Việt Nam, như tôi chứng minh sau đây.

Điều 88 -Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

·        Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp”.Quy định này có nghĩa “không ai có thể bị Nhà nước sách nhiễu, truy bức, càng không bị bắt bớ, bỏ tù do có những quan điểm chính trị trái với quan điểm của Nhà nước”.

Điều 12 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Khoản 1 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế Việt Nam quy định: “Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế”.

·        Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy dịnh: “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị”, điều này có nghĩa không ai có thể bị Nhà nước sách nhiễu, truy bức, càng không bị bắt bớ, bỏ tù do có những quan điểm chính trị trái với quan điểm của Nhà nước.

Điều 258 -Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

·        Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội”. Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Như vậy theo Hiến pháp Việt Nam quyền con người, quyền công dân hoặc được thực hiện hoặc không được thực hiện trong trường hợp luật định chứ không thể bị “lợi dụng”.

Khoản 1 Điều 119 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. DoHiến pháp Việt Nam 2013 loại trừ hành vi “lợi dụng quyền con người, quyền công dân” nên Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự Việt Nam mặc nhiên vô hiệu.

Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Trước hết, mọi công dân Việt Nam có quyền thành lập hoặc tham gia tổ chức với những căn cứ pháp luật sau:

·        Khoản 1 Điều 22 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên quy định “Mọi người có quyền tự do lập hội với những người khác, kể cả quyền lập và gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình”.

·        Điều 25 Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định “Công dân có quyền lập hội”.

Tiếp theo, căn cứ Khoản 1 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên và Khoản 2 Điều 16 Hiến pháp Việt Nam 2013 như trên đã nói, hội/tổ chức của công dân Việt Nam có quyền bày tỏ quan điểm chính trị của mình cho dù quan điểm đó trái với quan điểm của chính quyền đến đâu.

Như vậy, việc công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức chủ trương đấu tranh chính trị một cách phi bạo lực là hoàn toàn hợp pháp và không thể bị coi là nhằm lật đổ chính quyền.

Kết luận lại, do trái với luật pháp quốc tế về quyền con người và trái với chính Hiến pháp của Việt Nam, Nhà nước Việt Nam phải hủy bỏ không chậm trễ các Điều 88,285,79 Bộ luật hình sự và trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân lương tâm bị kết án theo những điều luật phản nhân quyền này.

   II.            LUẬT HÓA CÔNG ƯỚC LIÊN HIỆP QUỐC VỀ CHỐNG TRA TẤN 

Ngày 7 tháng 11 năm 2013 Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách (UNCAT). Ngay sau đó, ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp mới, ghi nhận nội dung cơ bản của Công ước này. Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. 

Thực ra từ 1982 Việt Nam đã là thành viên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trong đó Điều 7 quy định “Không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm. Đặc biệt, không ai có thể bị sử dụng để làm thí nghiệm y học hoặc khoa học mà không có sự đồng ý tự nguyện của người đó”. Ngoài ra, trong Bộ luật hình sự Việt Nam có Điều 298 – Tội dùng nhục hình và Điều 299 – Tội bức cung. Thế nhưng tra tấn không những không giảm mà còn gia tăng và điều này tỷ lệ thuận với sự gia tăng số người chết do bị tra tấn bởi quy định nói trên của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như các biện pháp răn đe, phòng ngừa, giảm thiểu tra tấn đã không được luật hóa một cách đầy đủ và chi tiết. Vì vậy, Chính phủ Mỹ cần yêu cầu chính quyền Việt Nam khẩn trương luật hóa Công ước Liên hợp quốc chống tra tấn cũng như Khoản 1 Điều 20 Hến pháp Việt Nam năm 2013, trong đó:

1.      Tội danh hóa các hành vi tra tấn được quy định trong Công ước bổ sung cho “Tội dùng nhục hình” và “Tội ép cung” đã được quy định trong Bộ luật hình sự;
2.      Ban hành luật bảo đảm luật sư được tự do tiếp cận người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án phạt tù;
3.      Ban hành luật bối thường cho các nạn nhân của tra tấn;

Chỉ khi nào chính quyền Việt Nam hủy bỏ các điều luật được dùng làm căn cứ để bỏ tù những người bất đồng chính kiến ôn hòa và trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm cũng như luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về chống tra tấn thì Việt Nam mới có thể đóng được vai trò của mình trong Hội đồng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và người dân Việt Nam mới có thể hy vọng có được một nền Dân chủ đích thực.


           Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ