Quốc Nam
13-03-2015
TT – Sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) sáng 14-3-1988, những người lính còn sống trở về. 27 năm trôi qua cuộc sống của nhiều cựu binh Gạc Ma vẫn quá chật vật.
Sau trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) sáng 14-3-1988, những người lính còn sống trở về với cuộc sống đời thường và tiếp tục lao vào một cuộc chiến mới trong lặng lẽ với áo cơm. 27 năm đã trôi qua nhưng cuộc sống của nhiều cựu binh Gạc Ma vẫn quá chật vật.
Quảng Bình và Hà Tĩnh là những nơi có nhiều người lính tham gia trận chiến Gạc Ma và đây cũng là nơi có nhiều người hi sinh trong trận đánh ngày ấy.
“Cuộc chiến” áo cơm
Chúng tôi về thôn Tân Hội, xã Liên Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) khi chỉ còn chưa đến một tuần nữa là đúng ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma. Ngôi làng chỉ có mấy chục hộ dân nhưng có đến hai người lính từng tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma.
Nhà anh Nguyễn Bá Ngọc nằm trên lưng chừng đồi, được “đánh dấu” bằng tấm bạt căng trùm lên mái để chống dột. Anh Ngọc là cựu binh Gạc Ma có hoàn cảnh vất vả nhất trong số những người trở về tại Quảng Bình. Anh đang ngồi cắt chuối cho heo ăn ở góc sân.
Thấy khách lạ, anh chống tay khó nhọc ngồi dậy. “Từ sau ngày trở về từ Gạc Ma, tui bị thần kinh tọa. Không làm được việc nặng nên mấy chục năm nay chỉ có ngồi nhà nuôi heo, nuôi gà giúp vợ…” – anh Ngọc nói.
Đang dở câu chuyện thì chị Bùi Thị Kiềm, vợ anh, vừa đi vác bạch đàn thuê từ rừng về. Đó là công việc chính của chị từ nhiều năm nay. Mỗi ngày như thế chị được trả công 100.000 đồng. Đó là nguồn thu nhập chính của cả gia đình trong ngày. Năm 1988, anh Ngọc giải ngũ sau trận Gạc Ma, một năm sau thì cưới vợ.
Năm 1995, anh phát bệnh viêm phổi nặng, sau đó là bệnh thần kinh tọa. Anh nằm viện suốt tám tháng liền. Không còn tiền, anh buộc phải về nhà cho đỡ tốn kém. Ba năm liên tục sau đó, mỗi tuần vợ anh phải đi bộ theo đường tàu hỏa vào Hoàn Lão lấy thuốc về cho chồng uống. Nơi lấy thuốc cách nhà đến 20 cây số.
Chị Kiềm sáng sớm đùm nắm cơm đi, tối mịt mới về tới nhà. Uống hết thuốc anh có đỡ hơn nhưng không làm được việc nặng, đành “nhường” lại vị trí trụ cột cho chị Kiềm. Ngôi nhà anh đang ở bốn bức tường vôi đã tróc từng mảng. Tết rồi con gái anh phải mua giấy về dán lại cho khỏi “ngại” khi bạn bè đến chơi.
Mấy năm trước, con gái đầu của anh là Nguyễn Thị Dương học xong lớp 12, thi đậu vào cao đẳng mầm non nhưng không thể đi học vì nhà quá khó khăn. Dương quyết định vào Bình Dương làm công nhân để phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học.
Năm ngoái, con trai thứ hai của anh là Nguyễn Đức Lương thi đậu cao đẳng thể dục thể thao nhưng cũng phải ở nhà vì tiền học nhiều quá.
Hiện Lương đang đi nghĩa vụ quân sự tại TP.HCM. “Con gái út tui năm ni đang học lớp 12. Cháu rất muốn học luật nhưng vợ chồng tui đang phân vân xem có đủ khả năng nuôi cháu ăn học không” – chị Kiềm nói.
Chỉ cách nhà anh Ngọc vài trăm mét là ngôi nhà của anh Mai Xuân Hải, cũng là một cựu binh Gạc Ma trở về. Cũng như anh Ngọc, mấy chục năm sau trận chiến Gạc Ma, anh Hải bị thương không làm được nhiều việc.
Có ba đứa con, phải lao động cật lực liên tục nên anh bị lao lực. Mọi việc đổ dồn lên vai vợ là chị Đinh Thị Diện. Chị Diện chỉ có thể vào rừng vác bạch đàn thuê để kiếm sống qua ngày.
“Sau ngày cưới, hai vợ chồng tui vẫn ở trong gian chái tạm bợ sát chân núi. Gian chái chỉ có thể che nắng chứ mưa là phải chạy đi trốn kẻo ướt. Năm 2013, một nhà báo đã kêu gọi cộng đồng mạng góp tiền giúp anh Hải sửa lại mái nhà. Mái nhà sửa xong thì không còn trong danh sách hộ nghèo nên càng khó khăn hơn” – chị Diện tâm sự.
Anh Mai Xuân Hải lật vạt áo bạc màu đã rách một đường dài bên vai lên. Trên cánh tay anh hiện ra một hàng số xăm đã nhạt màu: 14-3-88. Những con số này do chính anh dùng kim xăm lên tay mình khi bị bắt sang Trung Quốc năm 1988.
Anh Lê Hữu Thảo ở Hương Khê (Hà Tĩnh) là người lính Gạc Ma từng tự tay chôn cất trung úy Trần Văn Phương trên đảo Sinh Tồn sau trận chiến. Cuộc đời anh sau ngày giải ngũ cũng long đong lận đận không kém.
Trở về với hai bàn tay trắng, anh lang thang nay đây mai đó từ Bắc vào Nam làm thuê kiếm sống qua ngày. Khi thì đi làm công nhân xây dựng cầu đường ở miền Tây, hết việc anh lại lên Tây nguyên hái cà phê, cạo mủ cao su thuê. Rồi ra mỏ than Quảng Ninh làm công nhân bốc vác.
49 tuổi anh lại tay trắng trở về quê sống bằng nghề phụ hồ. Năm trước anh được hội nghĩa tình Hoàng Sa tặng 400 triệu đồng làm nhà. Anh dùng số tiền này để mua một miếng đất ở rìa thành phố Hà Tĩnh, số tiền còn lại anh dùng làm lộ phí đi khắp nước tìm lại tất cả đồng đội cũ ở Gạc Ma còn sống.
“Suốt gần một năm đi tìm, tui cũng gặp được mấy chục đồng đội từng sống chết với nhau trong trận Gạc Ma. Hóa ra nhiều anh em còn khổ hơn cả tui…” – anh Thảo chua xót.
Tìm nhau
Anh Ngọc và anh Hải cùng nhập ngũ từ năm 1985 khi mới tuổi đôi mươi. Vào hải quân, cả hai anh về cùng đơn vị công binh E83 đóng tại Cam Ranh.
Nhắc tới ngày kỷ niệm trận chiến Gạc Ma sắp cận kề, anh Ngọc gật gù nói “rứa à”, rồi anh bất chợt lặng đi.
Đúng dịp này 27 năm trước, anh Ngọc và anh Hải cùng được điều động lên tàu HQ604 lên đường ra cắm cờ chủ quyền trên đảo Gạc Ma.
Nhà hai anh em gần sông Gianh, từ nhỏ ngày nào cũng tắm sông nên đều bơi rất giỏi. Và chính vì điều này mà hai anh em là một trong số ít lính công binh trên tàu HQ604 được cử xuống đảo Gạc Ma cắm cờ ngày đó.
“Mấy anh em vừa vào bãi đá Gạc Ma cắm cờ thì tàu Trung Quốc đến. Chúng lao vào giật cờ trên tay trung úy Trần Văn Phương. Rồi chúng nổ súng” – anh Ngọc nhớ lại. Thấy trung úy Phương bị trúng đạn, anh lao ra đỡ và cố gắng lặn sâu xuống tránh những loạt đạn tiếp theo.
Đến khi ngoi lên thì quân Trung Quốc đã rút ra xa. Anh Ngọc cùng một số ít đồng đội còn sống sót bơi ra xung quanh đảo tìm đồng đội bị thương, nhưng không thấy Hải đâu.
Mấy năm sau ngày giải ngũ, anh Ngọc mới biết anh Hải bị Trung Quốc bắt. Cùng bị bắt với anh Hải có tám đồng đội khác. Trong đó có ba người cùng quê Quảng Bình là anh Hải, anh Nguyễn Văn Thống (ở xã Nhân Trạch) và Lê Văn Đông (xã Tây Trạch). Sau trận chiến một thời gian, những người lính Gạc Ma đã tìm nhau. Và họ chọn mùng 6 tết hằng năm để họp mặt.
Anh Hải nói ai cũng muốn tìm xem đồng đội của mình ai còn ai mất. Nhưng cuộc sống quá khó khăn nên có lúc không ai còn tâm trí để nhớ nữa. Thậm chí đôi khi ngay trong ngày kỷ niệm trận Gạc Ma, có những anh em đang còng lưng gùi đá kiếm sống.
Cho đến một ngày cách đây sáu năm, anh Ngọc, anh Hải và hai người bạn ở cùng xã cùng đi làm nhiệm vụ ở đảo Cô Lin hồi đó gặp nhau. Bất chợt anh Ngọc hỏi: “Rứa có ai biết đất này còn mấy người trở về sau trận Gạc Ma năm đó không?”. Cả bốn người ngơ ngác nhìn nhau. Vậy là họ chia nhau đi tìm kiếm.
Ban đầu đến các xã lân cận như Hạ Trạch, Sơn Trạch. Sau hỏi về đến Tây Trạch, Đồng Trạch… Hỏi được người, các anh lại tìm cách xin số điện thoại liên lạc. Ai không có số điện thoại thì mấy anh em tự đạp xe đi tìm. Hóa ra Quảng Bình có đến mấy chục anh em cùng tham gia đi chuyến đó. 14 người đã hi sinh.
Còn sống cũng đến hơn 30 người, kể cả những anh em đi trên các tàu HQ505, HQ605 ở các đảo Cô Lin, Len Đao. Và cả nhóm đặt ra một ngày hội ngộ Gạc Ma để anh em đồng đội gặp nhau ôn lại chuyện cũ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
“Ngày hội ngộ đầu tiên, thấy thằng Thống (Nguyễn Văn Thống) bị mất một mắt, anh em sụt sùi. Đến lần khác cả nhóm kéo về thắp hương cho anh Trần Văn Phương thì đứa mô cũng òa khóc” – anh Hải tâm sự.
Báo tử
Chiều, trời mây đen vần vũ. Bất giác anh Hải bật cơn ho sù sụ sau làn khói thuốc đặc quánh. Cơ thể anh mang đầy vết thương Gạc Ma ngày cũ. Khi trở về, trong người anh còn mang ba mảnh đạn. Anh không đi mổ lấy ra vì sợ tốn tiền, và coi đó như là “kỷ vật”.
Cơn đau từ những vết đạn thi thoảng làm anh mất ngủ. Anh trở nên nghiện thuốc lá cũng vì thế. Anh vẫn gật gù nói chừng ấy cũng chẳng là gì so với những người đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma.
Anh mở chiếc rương cũ nơi góc nhà lấy ra một tờ giấy vàng ố với dòng chữ “Giấy báo tử”, cùng dấu đỏ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cũ. Trong giấy ghi rõ anh Mai Xuân Hải đã hi sinh trong trận bảo vệ Gạc Ma năm 1988.
Không chỉ riêng anh mà gia đình các cựu binh bị Trung Quốc bắt trong trận Gạc Ma ngày ấy đều nhận tờ giấy này. Ông Mai Văn Hợi, bố anh Hải, nhớ lại ngày nhận giấy báo tử này cũng là ngày em gái anh cưới chồng.
Cả nhà sững người, vội cất hết pháo mừng vu quy. Cô dâu đứng bên chồng trong lễ cưới mà nấc thành tiếng. Cả nhà ông Hợi đã lập bàn thờ cho con. Cho đến một ngày cuối năm 1991.
“Từ ngoài đường một chú bộ đội mang balô đi bộ vô nhà. Chính là thằng Hải. Cả nhà hoảng hốt rồi ùa vào ôm hắn khóc cười lẫn lộn. Cả xóm đang ăn cơm tối cũng bỏ hết chạy đến xem” – ông Hợi kể.