25 mars 2015

Những thách thức trên biển của Mỹ

Thụy Miên

Chiến lược biển mới của Mỹ đặt trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc.



Mỹ đã điều chỉnh chiến lược trên biển của các lực lượng hải quân, tuần duyên và thủy quân lục chiến - Ảnh: US Navy



Vào cuối tuần trước, hải quân, tuần duyên và thủy quân lục chiến, tức 3 trong 5 lực lượng vũ trang của Mỹ, đã công bố chiến lược hải quân điều chỉnh với nhan đề “Chiến lược Hợp tác cho cường quốc hải quân thế kỷ 21”. Viết tắt là CS-21, tài liệu mới kêu gọi kết nối toàn bộ các không gian hoạt động (trên bộ, trên biển, trên không, không gian và trên mạng), đồng thời nhấn mạnh vào vấn đề hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh khi đối mặt với vô vàn thách thức trên các đại dương toàn cầu. Ngoài ra, CS-21 cũng đề cao tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiến lược mới được công bố là sự cập nhật của phiên bản CS-21 được trình làng vào năm 2007 và thu hút không ít sự quan tâm của giới phân tích. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Mỹ cần điều chỉnh chiến lược trên biển? Trong phiên bản CS-21 đầu tiên, phe chỉ trích phản đối việc Lầu Năm Góc tập trung vào chuyện cộng tác với các "địch thủ" tiềm tàng, chẳng hạn như Trung Quốc và Nga. Theo đó, chiến lược này cho rằng việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ trên biển với đối thủ có thể giúp làm dịu đi khả năng tranh chấp chính trị. Không chỉ thế, CS-21 2007 đã không đề ra hướng dẫn cụ thể cho các khâu như mua sắm vũ khí, thiết lập các hạm đội hoặc cấu trúc lực lượng. Các kịch bản liên quan đến hành vi của Trung Quốc và Nga cũng không được cụ thể hóa trong tài liệu chiến lược.

Dù tiêu đề không đổi, phiên bản 2015 vạch ra một hướng đi mới, theo đó điểm mặt các đối thủ tại từng khu vực, đồng thời nêu chi tiết kế hoạch triển khai lực lượng phù hợp với từng điều kiện chiến trường. Cụ thể, sau nhiều năm nhấn mạnh vào tình hữu nghị và sự hợp tác trên các vùng biển, lực lượng trên biển của Mỹ hiện đặt trọng tâm vào năng lực chiến đấu, mối đe dọa từ các công nghệ “chống tiếp cận” như tên lửa giá rẻ và những thách thức đến từ những quốc gia như Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên và Iran. "Môi trường an ninh toàn cầu thời nay được đánh dấu bằng những đặc điểm tiêu biểu như: sự trỗi dậy ngày càng quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương, sự phát triển và triển khai các năng lực Chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD) thách thức khả năng sử dụng các tuyến hàng hải trên toàn cầu, những mối đe dọa kéo dài từ sự mở rộng và can thiệp của các mạng lưới khủng bố và tội phạm, sự gia tăng tần suất và cường độ của các xung đột lãnh hải, và những mối đe dọa đến giao thương hàng hải, đặc biệt ở khía cạnh dòng chảy năng lượng”, tài liệu nêu rõ.

CS-21 2015 đã chỉ ra rằng sự bành trướng của hải quân Trung Quốc ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đặt ra các cơ hội lẫn thách thức. Tài liệu cảnh báo: "Sự bành trướng của hải quân Trung Quốc cũng mang lại thách thức khi họ sử dụng vũ lực hoặc dọa dẫm các quốc gia có chủ quyền khác để áp đặt các yêu sách lãnh thổ. Cách cư xử này cùng với sự thiếu minh bạch về các ý định quân sự góp phần gây căng thẳng và bất ổn, có khả năng dẫn đến những tính toán sai lầm hoặc thậm chí leo thang”.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đảm bảo cho các lực lượng Mỹ hoạt động ở các môi trường A2/AD, tài liệu cũng được xem là sự đề cập rõ ràng đến việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào năng lực quân sự với mục tiêu là những lực lượng triển khai ở tuyến đầu của Mỹ. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi giới quân sự Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích chiến lược biển của Mỹ, cho rằng nó phản ánh mong muốn thống trị khu vực của Mỹ.

2 nguyên tắc nền tảng

Để đối phó với môi trường đầy những đe dọa phức tạp của thế kỷ 21, chiến lược được điều chỉnh của Mỹ tập trung vào 2 nguyên tắc đóng vai trò nền tảng. Đầu tiên, sự hiện diện ở tuyến đầu của hải quân là yếu tố cần thiết để bảo vệ lãnh thổ của Mỹ, kèm theo một loạt các mục tiêu bao quát ở tầm khu vực lẫn thế giới, như ngăn chặn xung đột, phản ứng kịp thời trước khủng hoảng, đánh bại sự gây hấn, bảo vệ lợi ích hàng hải chung, củng cố quan hệ đối tác… Về chi tiết, điều này có nghĩa là 120 tàu sẽ được triển khai ở tiền tuyến vào năm 2020 (tăng từ 97 vào năm 2014), 60% trong số đó sẽ được giao nhiệm vụ tại châu Á - Thái Bình Dương. Các tàu được triển khai sẽ bao gồm những chiến hạm tối tân như tàu tác chiến cận bờ (LCS), các tàu có năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), tiêm kích đa nhiệm F-35C, máy bay không người lái MQ-4C Triton, và máy bay vận tải MV-22 Osprey.

Ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hải quân Mỹ sẽ tăng số tàu chiến ở Trung Đông từ 30 chiếc năm 2014 lên 40 chiếc vào năm 2020, và đặt 4 khu trục hạm BMD tại Tây Ban Nha vào cuối năm 2015. Thủy quân lục chiến cũng được yêu cầu tiếp tục duy trì lực lượng viễn chinh lính thủy đánh bộ (MEF) ở tây Thái Bình Dương và luân chuyển quân tại các căn cứ mới ở Úc.

Thứ hai, chiến lược nhấn mạnh đến sự phối hợp với các đồng minh và đối tác. “Sự kết hợp các năng lực và năng suất của từng lực lượng có thể tạo ra ảnh hưởng hải quân mạnh mẽ hơn toàn bộ sự tác chiến riêng lẻ", tài liệu nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là các lực lượng hải quân sẽ tiếp tục tham gia các nhóm hải quân thường trực của NATO, và góp quân vào các cuộc tập trận mang tên Hợp tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu trên biển (CARAT) được tổ chức thường niên. "Không quốc gia nào có thể làm được điều này một cách đơn độc. Mỗi nước dù nhỏ đến đâu cũng có thể góp phần”, theo The Diplomat dẫn lời Chuẩn đô đốc Bill McQuilkin, Giám đốc Chính sách và chiến lược hải quân Mỹ.
 

Trung Quốc phản ứng đề xuất tuần tra biển Đông

Ngày 20.3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích đề xuất của Tư lệnh Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ Robert Thomas rằng các nước ASEAN nên cùng lập một lực lượng biển để tuần tra những khu vực có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Tân Hoa xã dẫn lời ông Hồng lập luận rằng đề xuất của Tư lệnh Thomas “chắc chắn sẽ không giúp giải quyết” các tranh chấp ở biển Đông một cách hợp lý hoặc đóng góp hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Trong khi đó, Đài phát thanh DWDD đưa tin Phó đô đốc Jesus Millan của hải quân Philippines khẳng định lực lượng này sẵn sàng ủng hộ đề xuất nói trên của ông Thomas. Mới đây, 4 thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ thuộc các Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã gửi thư cho Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter kêu gọi chính quyền Mỹ đưa ra sách lược chính thức để ngăn chặn hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của VN.

Văn Khoa 


ít nhất 300 tàu
 
Tài liệu mới của Mỹ nêu bật một cách rõ ràng nhu cầu sở hữu hạm đội gồm ít nhất 300 tàu, bao gồm 11 tàu sân bay, 33 tàu đổ bộ tấn công và 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo cho hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ. Mặc dù tài liệu dạng này chính là chiến lược công khai, nhưng vẫn có những phụ chương thuộc dạng mật, không công bố, phác thảo những kế hoạch tác chiến, các chiến thuật cụ thể và nêu tên những đối thủ tiềm năng một cách chi tiết. 




Thụy Miên

Nguồn: Theo Thanh Niên