01 décembre 2015

Cử tri bức xúc về biển Đông, tham nhũng


 (PL)- Trung Quốc đánh tiếng không có ý định quân sự hóa trên biển Đông nhưng thực tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc lấn biển, tôn tạo các bãi đá và các công trình phục vụ mục đích quân sự.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng sau kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII, ngày 30-11, nhiều cử tri Đà Nẵng phản đối các hành xử của Trung Quốc (TQ) ở biển Đông và vấn nạn tham nhũng.
 

Trung Quốc hành xử thô bạo

Cử tri Trần Văn Hà (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) bức xúc trước những phát biểu về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của TQ ở biển Đông, nhất là phát biểu của ông Tập Cận Bình ở một số quốc gia, khi cho rằng chủ quyền của TQ ở biển Đông có từ thời cổ đại.

Cử tri Trần Thúc Cừ (quận Sơn Trà) cũng bày tỏ bức xúc trước những hành động xây dựng trái phép quy mô lớn ở một số điểm đá mà TQ cưỡng chiếm của Việt Nam ở Trường Sa, với cả sân bay quân sự trên đó. Cùng với đó là những hành xử thô bạo đối với tàu ngư dân (cắt lưới) và tàu của các đơn vị Việt Nam thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của mình (mới đây là vụ tàu Hải Đăng của Việt Nam bị tàu chiến TQ đe dọa).

Cử tri Đà Nẵng tiếp tục đặt vấn đề sao QH không ra một nghị quyết riêng về vấn đề biển Đông để khẳng định  mạnh mẽ quan điểm mình trước thế giới.

Trao đổi với cử tri về vấn đề này, Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn (Phó Chủ tịch QH) cũng cho hay tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng chưa đến mức xảy ra xung đột. TQ đánh tiếng không có ý định quân sự hóa trên biển Đông nhưng thực tế vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc lấn biển, tôn tạo các bãi đá, đảo đá ở Trường Sa cùng với việc triển khai các hoạt động xây dựng các công trình phục vụ mục đích quân sự.

Cử tri Đà Nẵng bày tỏ bức xúc trước tình trạng TQ có những hành xử phi pháp và thô bạo trên biển Đông. Ảnh: LÊ PHI

 
Theo tướng Sơn, tính đến đầu tháng 10, TQ đã mở rộng phần bồi đắp nhân tạo trên các điểm ở Trường Sa lên tới hơn 1.300 ha (cuối tháng 8 là 1.274,7 ha); thi công đường băng 3.000 x 60 m, cầu cảng 750 m tại đá Xu Bi, phủ sóng 4G tại bảy đảo. Tướng Sơn cho hay trước hành động phi pháp của TQ, ta đã có phản đối chính thức và đấu tranh tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời tiếp tục theo dõi sát, nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Trao đổi với các cử tri về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa khẳng định: “Mọi tấc đất của Tổ quốc, chúng ta phải bảo vệ. Mình chưa làm được thì con cháu mình tiếp tục đấu tranh tiếp… HĐND TP Đà Nẵng đã ra nghị quyết về biển Đông và tôi đã dõng dạc tuyên bố trước HĐND TP”.

Nên truy thu 100% tài sản tham nhũng

Cũng tại cuộc tiếp xúc này, nhiều cử tri đề nghị phải quản lý chặt nguồn vốn ngân sách và chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa, nhất là đối với những cán bộ sắp về hưu để chặn đứng hiện tượng quan chức nhà nước chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” trong lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ” như ĐB Lê Như Tiến đã phát biểu trước QH.

Cử tri Đặng Vân (tổ 45, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đề nghị QH cần quản lý chặt chẽ nợ công và vốn vay ODA không thể để “đời cha ăn mặn đời con khát nước” được.

Cử tri cũng cho rằng đối với tội phạm tham nhũng thì phải tịch thu toàn bộ tài sản của người tham nhũng và cả đối với vợ con, người thân của người tham nhũng chứ không nên quy định nộp 3/4 tài sản tham nhũng thì thoát án tử. Bởi quan chức tham nhũng hay tuồn tài sản tham nhũng cho vợ con và người thân.

Trả lời ý kiến cử tri, ông Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho hay: “Tại QH, tôi đề nghị là phải tịch thu được 100% tài sản thì mới không tử hình, để tránh tình trạng hy sinh đời bố củng cố đời con và cả việc xem lại tài sản của vợ, con của người tham nhũng. Nhưng rồi QH quyết là nộp 3/4 tài sản tham nhũng thì thoát án tử”.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện công tác phòng, chống tham nhũng tuy có những bước tiến nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, nhiều vụ việc tham nhũng kéo dài, dân mất lòng tin.

Ông Huỳnh Nghĩa cũng cho rằng chống tham nhũng thì phải có đội quân đặc biệt. Chẳng hạn như TQ tập trung lực lượng chống tham nhũng rất mạnh. Họ truy nã và bắt từ nước ngoài về cả hàng trăm người dính líu đến tham nhũng. “Trong khi đó chúng ta nói quyết tâm rất mạnh nhưng chưa làm đến nơi đến chốn” - ông Nghĩa nói.

LÊ PHI

Xây dựng văn hóa từ chức cho lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ

Đó là ý kiến của cử tri Trần Tương Lai tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 4 với cử tri quận 11 (TP.HCM), ngày 30-11.

“Nhà nước ta phải xây dựng văn hóa từ chức cho các vị lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ với nước, với nhân dân, làm sao xây dựng văn hóa từ chức trở thành thói quen của các vị lãnh đạo, bởi khi tế bào đã lão hóa thì nên thay thế bằng tế bào mới” - cử tri Lai nói.

Cử tri Lai còn bức xúc vấn đề phòng, chống tham nhũng: “Việc này Đảng ta đã làm gần 30 năm nay nhưng tham nhũng chưa giảm mà càng ngày diễn ra phức tạp hơn, tinh vi hơn, gây bức xúc trong nhân dân, đã và đang làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”.

Cử tri Tương Lai cũng đề nghị thêm: Cần khoanh vùng một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất, không để bộ phận ấy cứ luồn lách lên chức vụ cao hơn trong Đảng và trong Chính phủ, sẽ gây nguy hiểm cho đất nước.

Về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Hải - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng thừa nhận việc phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra; tham nhũng có diễn biến phức tạp, tinh vi, nhức nhối hơn, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Nguyên bí thư Thành ủy TP cũng đánh giá cao những đóng góp của các cử tri. “Đây là ý kiến xuất phát từ thực tiễn,... tôi đánh giá cao và trân trọng ghi nhận ý kiến này và hiểu những đề xuất này không chỉ nhằm mục đích chống tham nhũng mà còn đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân” - ông Hải nói.
 
LÊ THOA

Nguồn: Theo Pháp Luật TP HCM