09 août 2018

ĐÀO TẠO ĐỀ LÀM GÌ ?


Thành Luân


Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi, các thạc sĩ chuyên ngành phòng chống tham nhũng khi học xong ra sẽ làm gì? Ai nhận?

Từ năm 2018, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.

Đây là chương trình đào tạo đầu tiên ở cấp độ thạc sĩ về vấn đề này ở nước ta, và cũng một trong những chương trình đầu tiên về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng đang được giảng dạy ở một số trường đại học trên thế giới.

Theo đại diện Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Các cơ quan chuyên trách về phòng, tham nhũng các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ sở học thuật, các cơ quan truyền thông.

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ ông cảm thấy hơi lạ khi nghe thông tin này trên báo chí và băn khoăn những thạc sĩ về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng này khi đào tạo xong sẽ làm gì và nơi nào sẽ nhận?

"Tôi không biết tại sao lại có chương trình đào tạo thạc sĩ về phòng, chống tham nhũng. Đào tạo để làm gì? Họ sẽ giữ vị trí gì? Vị trí tham mưu, đề xuất hay thế nào?"

Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức nhà nước


Ông Thuận khẳng định, phòng chống tham nhũng là công việc, trách nhiệm mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải làm, không riêng gì Việt Nam, bởi nó được coi như một biện pháp để bảo vệ chính quyền, chế độ của mình.

Bên cạnh đó, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức nhà nước bởi theo Luật sư Trần Quốc Thuận, chỉ có công chức nhà nước, người có quyền mới tham nhũng được.

"Đây là bệnh cố hữu của người có quyền, người có quyền mới tạo ra nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, người nên học về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước. Nên đào tạo, nghiên cứu, thành lập các khoa liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các trường đảng, trường cán bộ, hành chính.

Trong các trường ấy mở khoa phòng, chống tham nhũng thì có lý hơn. Phải quán triệt, hệ thống lại về phóng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, từ cán bộ đảng đến cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, mặt trận...

Muốn giảng thành một chuyên đề thì người người giảng phải có lý luận, đòi hỏi người giảng phải giỏi và được đào tạo", Luật sư Trần Quốc Thuận đề xuất.

Cũng cho ý kiến về chương trình đào tạo này, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết ông chưa rõ chương trình này sẽ dạy những gì. Tuy nhiên, về nguyên tắc, dạy phòng chống tham nhũng cũng giống như dạy ăn cơm, người biết ăn cơm dạy người chưa biết ăn cơm, ông ví von.

"Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý.

Không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn", PGS.TS Võ Kim Sơn bày tỏ quan điểm.

Ông Sơn băn khoăn, nếu dạy phòng chống tham nhũng tức là dạy cho người ta biết pháp luật phải xử lý nghiêm, hiệu quả, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, giám sát xem người ta có nhận phong bì hay không... thì những chuyện đó đều đã nói nhiều mà thực tế làm không được bao nhiêu.

"Muốn phòng, chống tham nhũng thì phải dạy kiểu khác, chứ không phải dạy theo kiểu hàn lâm thế này", PGS.TS Võ Kim Sơn nói.



Thành Luân