Chính Phong
(TBKTSG Online) - Lo ngại cuộc chiến thương mại Trung Mỹ kéo dài đến cả
thập kỷ, nhiều công ty công nghệ Đài Loan bắt đầu hạn chế quy mô sản xuất ở
Trung Quốc, chuyển dần cơ sở sang Mỹ.
Công ty Foxconn gần đây khởi động dự án xây dựng nhà máy màn hình trị giá 10 tỉ đô la ở bang Wisconsin. |
“Chúng
tôi cho rằng cuộc chiến này kéo dài từ 5 cho tới 8 năm nữa, các công ty đa
ngành cần suy nghĩ kỹ về chiến lược thuê nhân công ngoài của họ”, Chaney
Ho, giám đốc điều hành Advantech, tập đoàn sản xuất máy tính hàng đầu thế
giới phát biểu trước báo giới.
“Phương
thức cũ là sản xuất hầu hết các sản phẩm ở Trung Quốc rồi bán ra toàn thế
giới không còn vận hành hiệu quả trong tương lai”, ông Ho nói, “Made in USA
là khuynh hướng, đã đến lúc các ông chủ lớn chuyển ít nhất là một số bộ
phận sản xuất sang các thị trường lớn như Mỹ và Ấn Độ, giảm bớt sự phụ
thuộc vào Trung Quốc”.
Ho nói
khuynh hướng mới này bắt nguồn từ việc Mỹ cảm thấy đe dọa mạnh từ một Trung
Quốc đang trỗi dậy rất nhanh, muốn kiềm chế những tham vọng phát triển kinh
tế và công nghệ của Trung Quốc: “Thay đổi cấu trúc và tái cân bằng lực
lượng sản xuất sẽ là xu hướng chủ đạo trong một thập niên tới, dù ai có là
tổng thống Mỹ tiếp theo ông Donald Trumps đi nữa”.
Làn sóng
thuế quan đầu tiên của Mỹ đánh vào 34 tỉ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc
có hiệu lực vào ngày 6-7. Làn sóng thứ hai là 16 tỉ đô la bắt đầu trong
tháng 8. Tiếp theo là 200 tỉ đô la hàng nhập từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế
lên tới 25%. Tháng trước, ông Trumps dọa dần dần sẽ áp thuế mạnh lên 500 tỉ
đô la hàng hóa, tức là hầu như tất cả hàng hóa xuất từ Trung Quốc sang Mỹ.
Các nhà
máy của Advantech chủ yếu ở Đài Loan và Trung Quốc, chỉ có vài cơ sở nhỏ ở
Mỹ như tại Ottawa (bang Ilinois), Milpitas (bang California). Họ đã bán các
văn phòng ở Cincinnati (Ohio), Irvine (California). Nhưng bây giờ họ sẽ mở
lại. “Chúng tôi sẽ mở rộng dây chuyền lắp ráp ở Ottawa, mở văn phòng mới ở
các thành phố Boston, Madison, Detroit, Philadelphia, Atlanta, Seattle… và
tìm kiếm các nhà cung cấp địa phương”, Ho nói. Hiện Advantech có 8.000 nhân
viên trên toàn cầu, 3.000 ở Trung Quốc và 600 ở Mỹ.
Năm
2017, Advantech có doanh thu 1,45 tỉ đô la ở Mỹ, chiếm 27% doanh thu tập
đoàn, 25% doanh thu từ thị trường Trung Quốc. Họ cố gắng đạt 35-40% doanh
thu ở Mỹ trong các năm tới, trong dự tính rằng sự phát triển của kinh tế
Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng về lâu dài bởi sự can thiệp của Mỹ.
Nhiều
công ty châu Á khác cũng đang nhắm đến mở rộng cơ sở sản xuất ở Mỹ. Nhà lắp
ráp và sản xuất linh kiện iPhone hàng đầu, công ty Foxconn gần đây khởi
động dự án xây dựng nhà máy màn hình trị giá 10 tỉ đô la ở bang Wisconsin.
Các hãng Toyota và Samsung đã tuyên bố mở rộng đầu tư ở Mỹ. Cả các công ty
Trung Quốc như CRRC (nhà sản xuất toa xe lớn nhất thế giới), Fuyao Glass
(kính ô tô) cũng vậy.
Khách
hàng của Advantech có trên nhiều lĩnh vực, bao gồm IBM, General Electric,
Cisco Systems, Amazon, Philips. Họ cũng chăm lo đến việc mở các cơ sở sản
xuất ở Nam Á và Đông Nam Á. Một nhà máy được xây dựng ở bang Bangalore cách
đây 5 năm, trước cả khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát động chiến dịch
“Made in India” năm 2014. Ho nói rằng từ lâu họ đã xem Ấn Độ như thị trường
chính yếu giống Mỹ.
Các sản
phẩm của Advantech ở Ấn Độ được phép gắn mác “Made in India”, có nghĩa là
họ chịu mức thuế thấp hơn khi đưa các cấu kiện vào Ấn Độ để lắp ráp sản
phẩm. Đưa nguyên chiếc máy tính vào Ấn Độ bị đánh thuế 40%, trong khi nhập
cấu kiện chỉ bị đánh thuế 20%. Tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Advantech
đã có cơ sở sản xuất. Tháng 6 qua, họ cũng vừa mở một cơ sở tại Việt Nam.
Với các
công ty Đài Loan đang là nhà cung cấp linh kiện cho Apple như Pegatron,
Wistron, Compal Electronics, Inventec đặt hơn 90% cơ sở sản xuất tại Trung
Quốc, Ho nhận định rằng “đó là điều rất nguy hiểm nếu họ không chuẩn bị kế
hoạch B”.