09 août 2018

Tướng Lê Văn Cương: Nếu cán bộ ‘chạy điểm’ vào trường công an, có thể bỏ tù


Thiếu tướng Lê Văn Cương - Ảnh: Dân Việt

“Những thí sinh hiện đã đậu vào trường nhưng sau khi kiểm tra, thí sinh nào bị phát hiện gian lận, không đủ điểm thì phải bị loại khỏi trường, đồng thời những cán bộ tiếp tay cho sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh, thậm chí phải bỏ tù”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.


Sau khi công bố điểm chuẩn và phát hiện ra một số dấu hiệu “bất thường”, lãnh đạo phòng đào tạo, Học viện ANND cho biết đã báo cáo lên lãnh đạo cấp trên đề nghị tiến hành nghiên cứu và rà soát lại. Trong trường hợp cần thiết, có thể đối chiếu điểm thi với bài thi gốc của một số thí sinh trúng tuyển, nhất là các địa phương đang có nghi vấn gian lận điểm thi THPT quốc gia.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho biết chủ trương này của Học viện An ninh rất đáng ủng hộ. Đây là ý tưởng tích cực trong bối cảnh hiện nay khi trường đã phát hiện ra một số thí sinh điểm cao nhất trường, số lượng thí sinh trúng tuyển lại tập trung ở các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La…

“Theo tôi, để rà soát lại điểm thực, cần chuyên gia về công nghệ thông tin và các chuyên gia về lĩnh vực khác để khách quan hơn. Những thí sinh hiện đã đậu vào trường nhưng sau khi kiểm tra, thí sinh nào bị phát hiện gian lận, không đủ điểm thì phải bị loại khỏi trường, đồng thời những cán bộ tiếp tay cho sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh, thậm chí phải bỏ tù”, tướng Cương nói.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phải sửa đổi, hoàn thiện quy trình thi THPT quốc gia hơn nữa, vì quy trình này hiện nay đang có rất nhiều vấn đề.

“Không phải chỉ Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đâu mà còn nhiều địa phương khác nữa. Bộ trưởng xin lỗi trước dân nhưng phải sửa chứ không phải chỉ xin lỗi là xong. Điều quan trọng nhất là sang năm và các năm sau không được lặp lại tiêu cực này”, ông Cương cho hay.

Đề cập đến vấn đề tiêu cực điểm thi ở Hòa Bình, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng một số cán bộ của Bộ GD-ĐT về kiểm tra không phát hiện sai phạm nhưng sau đó cơ quan công an lại phát hiện ra thì Bộ GD-ĐT cần kiểm tra lại chuyện này.

Nếu Hòa Bình nói không phát hiện ra sai phạm do trình độ cán bộ hạn chế, non kém về nghiệp vụ thì những cán bộ này phải đưa ra khỏi biên chế. Giai đoạn này đang cần giảm biên chế, phải làm nghiêm, nhất là với cán bộ không có năng lực. Tuy nhiên, ông Cương không tin vào khả năng này và cho rằng đó chỉ là ngụy biện.

Thứ hai, theo tướng Cương, nếu những người này có trình độ nhưng do phẩm chất kém thì phải xử lý kỷ luật. Nếu có móc nối, gian lận thì có thể phải đưa ra xử lý hình sự. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải làm đến nơi, đến chốn.

Trước đó, tướng Lê Văn Cương cũng đề nghị rà soát để minh bạch điểm của 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động thi tại Lạng Sơn.

Học viện An ninh Nhân dân cho biết, kết quả thống kê dữ liệu dưới dạng định lượng từ danh sách thí sinh trúng tuyển năm 2018 cho thấy, số lượng thí sinh trúng tuyển năm nay phần lớn tập trung vào các tỉnh miền núi phía bắc như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn trong khi đó, các địa phương có truyền thống hiếu học và có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao hằng năm lại có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều.

Đặc biệt, trong số 6 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao nhất các khối thi (đã bao gồm điểm ưu tiên) thì có tới 3 thí sinh của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50% và 2 thí sinh của Lạng Sơn, chiếm tỷ lệ 33,3%. Đây cũng là các địa phương đang vướng "lùm xùm" liên quan đến nghi vấn điểm thi THPT quốc gia 2018.

Một điều khá bất ngờ là năm nay là Lạng Sơn vươn lên dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào Học viện ANND với 23 thí sinh. Trong số này có 12 thí sinh thi tại Lạng Sơn và 12 thí sinh thuộc K20 thi tại Lạng Sơn, chiếm tỷ lệ 10,5%.

Đồng vị trí thứ 2 là hai tỉnh Hòa Bình và Cao Bằng, mỗi tỉnh có 14 thí sinh, chiếm tỷ lệ 6,4%. Xếp vị trí thứ 3 là Hà Tĩnh với 15 thí sinh, chiếm tỷ lệ 6,82%. Đứng vị trí thứ 4 tiếp tục là hai tỉnh miền núi phía bắc khác là Sơn La và Bắc Kạn, mỗi tỉnh 11 người, chiếm tỷ lệ 4,5%.

Trong khi đó, những địa phương vốn có thành tích cao tại các năm trước như Hà Nội chỉ có 7 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 3,2%; Thanh Hóa có 6 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 2,7%, Nghệ An cũng chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển, chiếm tỷ lệ 2,3%.

Bên cạnh đó, có tới 3/6 thủ khoa đạt tổng điểm xét tuyển cao nhất nhóm ngành nghiệp vụ an ninh của học viện năm 2018 gồm nam khối C03, nữ khối C03, nữ khối D01 đều là thí sinh của Hòa Bình, chiếm tỷ lệ 50%. 2/6 thủ khoa là thí sinh của Lạng Sơn gồm nam khối A01, nữ D01, chiếm tỷ lệ 33,3%.

Đại diện Học viện ANND cũng cho rằng, quan điểm của nhà trường là mong muốn sớm có kết quả rà soát điểm ở Sơn La và Hòa Bình. Nếu có trường hợp thí sinh trúng tuyển gian lận, nhà trường sẽ có hình thức xử lý theo quy chế của Bộ GD-ĐT.

Hiện tại, trường vẫn chấp nhận sử dụng kết quả này và chưa có chủ trương kiểm tra đầu vào của thí sinh vì không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Sắp tới, Bộ Công an sẽ có hội nghị công tác tuyển sinh, nhà trường sẽ kiến nghị để kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT được tổ chức khách quan, chính xác trong những năm tiếp theo.


Lam Thanh