02 février 2019

Ông Havel (Cố tổng thống thời hậu cộng sản Tiệp Khắc) nói về tình hình Tiệp Khắc trước khi Cộng sản sụp đổ

Sao giống tình hình Việt Nam hiện nay quá vậy!


Vu Trung Dong
 
Ông Vaclav Havel  trước đám đông dân chúng  tụ tập tại thủ đô Prague sau ngày sụp đổ của chế độ cộng sản (10/12/1989 )          © Lubomir Kotek / AFP

Sau khi Havel mất được 1 năm, một người bạn và là đồng chí của ông, Pithart viết : "Khi Havel viết những bài luận lớn của mình, chắc chắn ông không tính đến việc chủ nghĩa cộng sản, đầy mệt mỏi, thiếu thuyết phục và sáo mòn sẽ sụp đổ một cách nhanh chóng và dễ dàng đến thế, bởi vì cũng như chủ nghĩa cộng sản, người dân Tiệp Khắc cũng mệt mỏi và trơ mòn, và cũng hệt như chủ nghĩa cộng sản, họ cũng chẳng hề chắc chắn cái gì sẽ phải đến tiếp sau chủ nghĩa sản".


Tôi cho rằng, Havel tin chắc vào điều đó (cs sẽ sụp đổ), không phải vì ông lạc quan so với những người xung quanh mà là ông có đủ sự kiên nhẫn, như chàng Don Quixote làm những việc mà thiên hạ cho là vô ích.

Tháng 4 năm 1975, Havel viết một bức thư gửi cho ông Gustav Husák, Tổng bí thư đảng cộng sản Tiệp Khắc. Vẽ lên một cách sinh động xã hội Tiệp Khắc lúc đó. Bức thư có đoạn :

“…Vì sao người ta làm tất cả những việc mà nếu gộp chung lại, chúng sẽ tạo ra hình ảnh ấn tượng của một xã hội hoàn toàn thống nhất, hoàn toàn ủng hộ chính phủ của mình? Tôi nghĩ rằng, đối với bất kì người quan sát không định kiến nào thì câu trả lời là rõ ràng: điều thúc đẩy họ chính là nỗi sợ hãi.

Vì sợ mất việc làm, thầy giáo dạy trong trường học những điều họ không tin; vì lo lắng cho tương lai, học trò nhắc lại những điều thầy giáo giảng; vì sợ không được tiếp tục học tập, thanh niên gia nhập Đoàn thanh niên và tham gia mọi hoạt động cần thiết; vì sợ rằng trong hệ thống thang bậc chính trị quái gở này con cái sẽ không đủ tiêu chuẩn vào trường, các ông bố bà mẹ nhận đủ thứ trách nhiệm và “tự nguyện” tham gia mọi việc mà người ta yêu cầu.

Vì sợ những hậu quả có thể, dân chúng tham gia bầu cử, bỏ phiếu cho ứng viên do người ta đề cử và vờ như họ coi cái nghi lễ đó là những cuộc bầu cử thật sự; vì sợ cho cuộc sống, địa vị hay tương lai, người ta đi họp hành, biểu quyết thông qua mọi thứ mà họ phải thông qua hay chí ít là im lặng; vì sợ mà họ làm những việc tự phê bình và sám hối nhục nhã, và điền vào không biết bao nhiêu bảng thăm dò ý kiến khác nhau một cách không chân thực; vì sợ có kẻ tố cáo, họ không dám thể hiện ý kiến thực sự của mình ở chỗ công cộng và nhiều khi trong cả chốn riêng tư.

Đa số vì sợ những khó khăn về tài chính, do cố gắng cải thiện vị trí của mình và lấy lòng cấp trên mà người ta kí tên vào những “cam kết hoàn thành nhiệm vụ”; cũng từ động cơ đó, thậm chí nhiều khi người ta thành lập cả những tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa mà ai cũng biết trước rằng sứ mạng chủ yếu của chúng chỉ là để báo cáo lên cấp trên mà thôi.

Vì sợ hãi, người ta tham gia tất cả những buổi lễ kỉ niệm, biểu tình và tuần hành của nhà nước. Vì sợ sẽ không được tiếp tục làm việc, nhiều nhà khoa học và nghệ sĩ đã thể hiện sự đồng tình với những tư tưởng mà trên thực tế họ không tin, viết những điều mà họ không đồng ý hoặc biết rõ là không đúng, gia nhập những tổ chức của nhà nước hoặc tham gia những công việc mà họ cho là chẳng có giá trị gì, hay tự cắt xén và bóp méo những công trình của mình. Để giữ thân, nhiều người thậm chí còn tố giác những người khác rằng người ta đang làm những việc mà chính bản thân họ đã gây ra cho người ta.

Nỗi sợ mà tôi đang nói tới tuy nhiên không thể hình dung như nỗi sợ theo nghĩa tâm lí bình thường, tức là không phải là một xúc cảm cụ thể và rõ ràng: xung quanh, chúng ta không nhìn thấy đa số dân chúng run rẩy như lá cây dương, mà thấy những khuôn mặt công dân tương đối tự tin và mãn nguyện.

Tuy nhiên sẽ xuất hiện câu hỏi: Người dân thực ra sợ cái gì? Sợ ra tòa? Sợ tra tấn? Sợ mất tài sản? Sợ bị trục xuất? Sợ bị hành hình? Dĩ nhiên là không. Những hình thức áp lực dã man nhất của thế lực cầm quyền đối với người dân, may mắn thay, đã trở thành quá khứ – ít nhất là trong hoàn cảnh hiện nay của chúng ta. Hiện nay, việc đàn áp diễn ra dưới hình thức mềm mỏng hơn và có chọn lọc hơn, và cho dù ngay cả ngày nay vẫn còn tồn tại những vụ án chính trị (trong đó ai cũng biết những biện pháp thao túng của chính quyền) thì chúng cũng chỉ đại diện cho mối đe dọa có tính cách cực đoan mà thôi.
Vì thế, thí dụ, nếu hiện nay một người nào đó sợ mất cơ hội làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, thì nỗi sợ hãi này cũng mạnh mẽ và có thể tạo ra phản ứng tương tự như khi anh ta bị đe dọa tịch thu tài sản trong hoàn cảnh lịch sử khác.

Như vậy, phương thức tạo áp lực đời sống, về mặt nào đó, thậm chí còn mang tính phổ quát hơn: trên đất nước ta, không công dân nào không thể không bị ảnh hưởng đến đời sống (theo nghĩa rộng nhất) – mỗi người đều có gì để mất, vì vậy mà ai cũng có lí do để sợ hãi.

Phạm vi những thứ con người có thể bị mất rất phong phú: từ vô số những đặc quyền đặc lợi của tầng lớp cầm quyền và tất cả những cơ hội đặc biệt phát sinh từ quyền lực, đến cơ hội có một công việc yên ổn, được thăng tiến và trả lương, hay cơ hội có thể được làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, cơ hội được học tập, hay cuối cùng là cơ hội ít ra được sống ở mức luật pháp an toàn một cách hạn chế như những công dân khác, và không bị nằm trong tầng lớp đặc biệt của nhóm người không được hưởng cả những điều luật vẫn được áp dụng cho phần còn lại của xã hội, nghĩa là nằm giữa những nạn nhân của chế độ phân biệt đối xử chính trị của nhà nước Tiệp Khắc. Vâng, mỗi người đều có cái để mất. Ngay cả người lao động khiêm tốn nhất cũng có thể bị đưa xuống vị trí công việc thấp kém hơn và được trả lương thấp hơn. Ngay cả anh ta cũng có thể bị trừng phạt nặng nề vì đã nói lên suy nghĩ thực sự của mình trong cuộc họp hay ở quán bia”

Từ sợ sẽ dẫn đến thái độ bàng quan và mọi điều liên quan với nó.

Havel viết tiếp :

“Người dân dường như đã đánh mất niềm tin vào tương lai, vào khả năng cải tổ những vấn đề xã hội, vào ý nghĩa của cuộc đấu tranh vì chân lí và công lí. Họ từ bỏ mọi điều nằm ngoài giới hạn những lo lắng thường nhật cho việc đảm bảo cá nhân; họ tìm mọi cách khác nhau để trốn chạy; họ rơi vào trạng thái lãnh đạm, bàng quan với những giá trị cao hơn cá nhân và bàng quan với đồng bào của mình, họ trở thành thụ động và chán nản về mặt tinh thần. Và ai còn tiếp tục cố gắng chống đối, thí dụ, bằng cách từ chối tiếp nhận nguyên tắc đạo đức giả như giải pháp để tồn tại vì nghi ngờ giá trị của những thăng tiến được mua bằng sự vong thân với chính mình, người đó sẽ bị môi trường ngày càng bàng quan xung quanh coi là một kẻ kì quặc, điên khùng, một Don Quixote – và cuối cùng chắc chắn sẽ bị tiếp nhận với ác cảm nhất định như một kẻ có hành vi khác hẳn số đông, hơn nữa ở cá nhân đó còn có mối nguy hiểm, rằng bằng hành vi của mình, anh ta sẽ đặt tấm gương phê phán lên trước mặt những người xung quanh.

Thái độ bàng quan này, tuy nhiên – nghịch lí thay – là một nhân tố xã hội rất tích cực: chẳng phải nhiều người đi tới hòm phiếu bầu cử, tham dự họp hành, tham gia những tổ chức nhà nước, không hẳn do sợ hãi mà đơn giản là do bàng quan?

Chẳng phải các hoạt động có vẻ như thành công đến thế để ủng hộ chế độ về mặt chính trị thường chỉ là việc của những lề thói, thói quen, hành động vô thức và lười nhác, mà ẩn nấp đằng sau chúng thực ra không là gì khác ngoài sự buông xuôi hoàn toàn?

Tham gia tất cả những nghi thức chính trị này, những thứ mà chẳng ai tin, là việc làm tuy vô nghĩa, nhưng ít nhất đảm bảo được sự yên ổn – thế còn không tham gia thì sẽ có ý nghĩa gì? Sẽ không đạt được gì, hơn nữa người ta có thể sẽ mất luôn cả sự yên ổn kia.

Đa số dân chúng không muốn sống trong cuộc xung đột bất tận với chính quyền, chủ yếu vì xung đột ấy không thể dẫn đến gì khác ngoài sự thất bại của cá nhân đơn độc. Vậy thì tại sao người ta lại không làm những việc được yêu cầu? Anh ta sẽ không mất gì cả, và dần dần anh ta sẽ thôi cả nghĩ ngợi: những việc đó không đáng để anh ta phải suy nghĩ.

Tuyệt vọng dẫn tới thờ ơ, thờ ơ rồi sẽ thích nghi, thích nghi dẫn tới thi hành theo thói quen. Tổng hợp tất cả những điều đó tạo ra khái niệm đương thời về cái gọi là cách xử thế thông thường – một khái niệm cực kì yếm thế trong bản chất.

Con người càng thoái lui trước khả năng sửa đổi tình hình chung, càng không hề quan tâm tới những giá trị và mục tiêu cao hơn cá nhân, nghĩa là từ bỏ cơ hội tác động “hướng ngoại”, thì năng lượng của anh ta càng chuyển hướng sang nơi gặp ít cản trở nhất: sang “hướng nội”.

Dân chúng hiện nay quan tâm đến bản thân, đến tổ ấm, gia đình và ngôi nhà của mình hơn rất nhiều, ở đó họ tìm thấy sự yên ổn, ở đó họ có thể quên đi mọi trớ trêu của cuộc đời, và ở đó họ có thể tự do thể hiện tính sáng tạo của mình. Họ kiếm về nhà những thiết bị và đồ vật đẹp mắt, mong muốn nâng cấp nhà cửa, làm cho cuộc sống của mình trở nên dễ chịu hơn, họ xây nhà nghỉ, chăm sóc xe cộ, quan tâm nhiều hơn tới ăn mặc, tiện nghi gia đình, đơn giản là họ chuyển sang quan tâm trước hết đến khía cạnh vật chất trong đời sống riêng tư của mình.

Chính quyền không ngần ngại giả mạo cuộc sống con người bằng cái thực ra chỉ là thế phẩm tuyệt vọng của nó. Và thế là để điều khiển xã hội được dễ dàng, chính quyền cố tình hướng mối quan tâm của xã hội ra khỏi chính nó, nghĩa là ra khỏi những chủ đề mang tính xã hội: cột mọi chú ý của con người vào những lợi ích tầm thường thuần vật chất để anh ta mất khả năng ghi nhận mức độ cưỡng ép ngày càng nặng nề về tinh thần, chính trị và đạo đức; quy giản con người thành kẻ chỉ biết chứa những lí tưởng của xã hội tiêu dùng thô sơ nhằm biến anh ta thành loại vật liệu dễ sai bảo cho sự thao túng toàn diện.”


(St internet)