Nguyễn Quang Đồng
(TBKTSG) - Tiếp sau Hà Nội, danh sách các tỉnh bị nghi vấn về vấn đề
“thổi giá” thiết bị xét nghiệm virus tiếp tục dài ra. Và nghi ngờ cũng không
chỉ dừng lại riêng trong gói thầu mua sắm máy xét nghiệm mà còn mở rộng sang
các gói thầu mua các thiết bị vật tư y tế khác phục vụ cho phòng chống dịch
bệnh.
Niềm hy vọng vào “ranh giới đạo đức”, rằng trong khi cả nước gồng mình
chống dịch, rằng sinh mệnh con người là quan trọng, rằng sự sẻ chia gánh nặng
với đội ngũ y bác sỹ vất vả và rủi ro trên tuyến đầu chống dịch sẽ khiến
những quan chức chịu trách nhiệm bảo vệ người dân sẽ không tơ hào tiền thuế
của người dân. Nhưng niềm tin mong manh đó đang bị lung lay dữ dội.
Câu chuyện này tiếp tục chỉ rõ những vấn đề quản trị công, vốn không mới
mẻ nhưng luôn còn nguyên giá trị thời sự: chống tham nhũng trong khu vực công
không thể chỉ dựa vào răn đe từ những phiên tòa, những án điểm hay vào “đạo
đức công vụ”, mà gốc rễ hơn là cần dọn sạch mảnh đất đẻ ra hạt giống tham
nhũng - đó là thể chế, là chính sách.
Những nghi vấn về vấn đề thổi giá thiết bị xét nghiệm tiếp tục khẳng định
lại một thực tế đã được khẳng định từ lâu: chỉ định thầu trong đầu tư, mua
sắm công là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng và dù có được bổ trợ bằng những
quy trình, thủ tục thế nào đi chăng nữa cũng không thể ngăn được tham nhũng.
Cho đến thời điểm này, tất cả những hợp đồng mua sắm của các trung tâm
kiểm soát bệnh tật (CDC) bị nghi ngờ thổi giá đều là các vụ việc chỉ định
thầu. Đã chỉ định thầu thì không thể có hàng hóa, dịch vụ với mức giá cạnh
tranh. Chỉ định thầu chỉ tạo ra lợi thế cho một nhóm nhỏ các doanh nghiệp có
quan hệ gần gũi với các quan chức có quyền quyết định. Trong vụ việc này, câu
hỏi đặt ra là vì sao thị trường vật tư y tế có rất nhiều doanh nghiệp, nhưng
từ Bắc đến Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay hai, ba doanh nghiệp được chỉ
định trúng thầu?
Những nghi vấn về vấn đề thổi giá thiết bị xét nghiệm tiếp tục khẳng
định lại một thực tế đã được khẳng định từ lâu: chỉ định thầu trong đầu tư,
mua sắm công là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng và dù có được bổ trợ bằng
những quy trình, thủ tục thế nào đi chăng nữa cũng không thể ngăn được tham
nhũng.
Thêm vào đó, trong các vụ việc chỉ định thầu, các quy trình như giám định
giá độc lập; hay hội đồng giám định đều dễ dàng bị qua mặt, bởi đơn giản công
ty giám định giá tư nhân có nhiều khả năng chỉ là “sân sau” hay “con rối”
được lập ra để hợp thức hóa thủ tục. Giám đốc Công ty Giám định giá Nhân
Thành là người bị truy tố để điều tra cùng nhóm cán bộ CDC Hà Nội. Và cách
đây chưa lâu, giám đốc một công ty giám định giá khác, Công ty AMAX là đơn vị
giám định giá vụ MobiFone mua AVG, cũng bị truy tố vì “giám định giá trên
trời” cho AVG.
Thiết chế giám định giá không phải là không cần thiết, nhưng khi không có
cơ chế thị trường minh bạch (chỉ định thầu thay vì đấu thầu) thì giám định
trở thành công cụ để hợp thức hóa tham nhũng thay vì bảo vệ tài sản, ngân
sách nhà nước khỏi bị lạm dụng.
Chống tham nhũng không thể dựa vào đạo đức công vụ. Ngay trong tình huống
nguy nan nhất là bệnh dịch đang hoành hành, khi hầu hết xã hội nghĩ rằng
không thể có chuyện xà xẻo công sản, thì việc đó vẫn xảy ra. Các lý thuyết
khoa học kinh tế - chính trị đều đồng ý: cơ chế vận hành của con người là lợi
ích cá nhân. Hành xử của chính trị gia hay các bộ công chức đều không đi ra
khỏi mô thức của con người - lấy lợi ích cá nhân đặt lên trước trước lợi ích
công vụ. Thừa nhận điều đó không phải để chỉ trích nhà nước hay chỉ trích cán
bộ; thừa nhận điều đó để thiết kế chính sách, thiết kế quy trình công vụ phải
lấy nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực đặt lên đầu - chứ không thể
dựa vào đạo đức.
Câu chuyện tham nhũng của những CDC, dù mô thức tham nhũng là không mới,
vẫn có giá trị để Chính phủ có những điều chỉnh chính sách và ứng xử với đầu
tư, mua sắm công. Đấu thầu cạnh tranh là góp phần giảm “đất” tham nhũng. Tất
nhiên đấu thầu chưa đủ, mà còn phải công khai, minh bạch để chống “quân xanh,
quân đỏ”. Đừng lấy lý do “khẩn cấp”, cần rút ngắn thời gian để chỉ định thầu.
Sau dịch, các gói đầu tư công được hy vọng là liều thuốc kích thích kinh tế.
Nhưng đầu tư công không thể chỉ định thầu mà cần đấu thầu công khai, minh
bạch.
Nhìn xa hơn, tham nhũng không chỉ là ăn cắp trực tiếp từ mua sắm, đầu tư
công. Một dạng tham nhũng đáng sợ nữa liên quan đến sự nhũng nhiễu của cán
bộ, công chức với doanh nghiệp thông qua thủ tục hành chính, thông qua những
quy định “cài bẫy” doanh nghiệp. Như trên đã nói, đạo đức công vụ không thể
là thứ để trông chờ một cách ngây thơ. Vì thế cải cách khu vực công vẫn nên
dồn trọng tâm vào bãi bỏ giấy phép và điều kiện kinh doanh. Bãi bỏ triệt để
chính là dọn sạch đất để chống tham nhũng và nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nếu có
một liều thuốc kích thích kinh tế nào có sẵn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn
này thì đây chính là liều thuốc tốt nằm ngay trong tầm tay Chính phủ mà lâu
nay vẫn chưa được tận dụng triệt để.
Thứ Bảy, 2/5/2020, 10:17
Nguyễn Quang Đồng