03 juin 2020

CẦN CÓ CHẾ TÀI ĐỂ HẠN CHẾ XỬ OAN SAI, GÂY TAI HỌA KHỦNG KHIẾP CHO NGƯỜI LƯƠNG THIỆN


Nhà thơ Trần Nhuận Minh: "Tôi nhận ra sự cố gắng của Đảng và nhà nước ta, trong việc hạn chế những oan sai, nhưng sự thực cho thấy là oan sai không hề giảm. Vì sao? Vì ta chưa có một chế tài đủ sức răn đe. Vẫn là “giơ cao đánh khẽ”, vì thực ra là mình xử mình thôi, lấy tiền của Dân – tức là “của bà vãi đãi ông sư”, mình có mất tiền đâu mà “quan ngại”. Việc cho đến tận bây giờ, Nhà nước ta vẫn “quá gượng nhẹ” với các quan tòa xử oan cho dân – kể cả oan – tội chết” - thực chất đã làm cho lòng dân thêm mất tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và vào Đảng cầm quyền. "



Kính gửi các vị Đại biểu Quốc Hội



Tôi viết bài này từ năm 2015, cứ nghĩ chả cần mình có ý kiến, mọi người cũng sẽ hiểu như mình hiểu. Nay thấy vấn đề không phải như vậy, nhân vụ án Hồ Duy Hải – chưa biết Hải có oan hay không? – những vấn đề “tử tù oan” lại thêm một lần nữa gióng lên một hồi chuông báo động. Vì tòa án của nhà nước pháp quyền XHCN, do Dân, của Dân và vì Dân, của chúng ta, nhất định phải tốt đẹp hơn, đúng pháp luật hơn và vì Dân hơn. Bởi lẽ đó tôi muốn các cơ quan báo chí công bố ý kiến này của tôi, để hi vọng trong hàng trăm các đại biểu Quốc hội, ít nhất cũng có vài ba vị biết được:


Chỉ đến bây giờ, khi đời sống dân sự được cởi mở hơn và nhà nước ta cũng quan tâm hơn đến lẽ công bằng của pháp luật, các vụ án oan sai mới được nói tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều vụ oan sai lớn, mà gần đây nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù oan đến hơn 10 năm, vụ đó cơ bản vừa mới được giải quyết, tạm gọi là xong, thì nay đã xôn xao cả nước về vụ ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù oan đến hơn 17 năm, được báo chí mệnh danh là “người tù thế kỉ”. Không biết người khác thế nào, chứ tôi nghe 4 chữ đó, thấy xót xa đến tận đáy lòng. Tôi rất cảm động khi báo nêu cụ Huỳnh Văn Truyện, suốt 10 năm phải bán nhà bán đất, bán hết cả tài sản để lấy tiền kêu oan cho con, chạy kêu suốt từ Cà Mau tới Hà Nội. Lại càng kinh hãi khi vụ việc đó đã biết là sai từ năm 2000, vậy mà 15 năm sau mới được làm rõ. Ngành pháp chế của ta với bao thành tích huy hoàng, sao việc này lại để chậm trễ đến mức không ai có thể tin được. Đúng là bệnh vô cảm cần phải được lên án nghiêm khắc. 
Nỗi đau của người khác thì mình có coi là cái gì đâu. Ông Nén nói một câu rất sâu sắc: “ Chỉ cần tù oan 1 ngày là đã tan nát cả một cuộc đời”. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “ Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài / Câu nói người xưa thực không sai”. Nếu lấy ý “ thực không sai” của Bác Hồ ra mà tính, thì hơn 17 năm tù oan của ông Nén bằng hơn 6. 205 năm. Vậy mà chỉ xin lỗi 30 phút và lấy tiền thuế của Dân ( chưa biết bao nhiêu) ra mà bồi thường mà được ư? Chưa nói chi tiền Dân để trả giá cho sai lầm của quan tòa là đúng hay sai, và nếu chi trả tiền tù oan cho ông Nén 1 năm là 1 tỉ đồng là nhiều hay ít? 
Hãy nói: Nếu quan tòa xử oan vụ này cũng đi tù 17 năm, sau đó nhận 300 phút ( chứ không chỉ 30 phút) xin lỗi và nhận đền bù 170 tỉ đồng ( chứ không phải 17 tỉ đồng), liệu vị quan tòa đó có “ vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ” hay không? Không thể đổ sai lầm đó cho nhà nước hay cho Dân để lấy tiền của Dân ra mà đền. 
Lấy tiền thuế của Dân ra mà chi trả cho sai lầm của quan tòa, là giải pháp, tôi thấy không thể chấp nhận được. Chỉ có “vừa đá bóng vừa thổi còi” mới yên lòng với một cách xử sự như vậy thôi. 
Bây giờ, đi làm nhiệm vụ của nhà nước, vào nghỉ tại nhà khách cơ quan, nếu vô ý đánh vỡ một cái phích, theo nội qui, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra mà đền, cơ mà. Vậy đánh vỡ cả một đời người ta, sao lại không? Sao anh lại được phủi tay, hạ cánh an toàn được? Có ai không thấy điều ấy là “vô lí đùng đùng” không?

Tôi nhận ra sự cố gắng của Đảng và nhà nước ta, trong việc hạn chế những oan sai, nhưng sự thực cho thấy là oan sai không hề giảm. Vì sao? Vì ta chưa có một chế tài đủ sức răn đe. Vẫn là “giơ cao đánh khẽ”, vì thực ra là mình xử mình thôi, lấy tiền của Dân – tức là “của bà vãi đãi ông sư”, mình có mất tiền đâu mà “quan ngại”. Việc cho đến tận bây giờ, Nhà nước ta vẫn “quá gượng nhẹ” với các quan tòa xử oan cho dân – kể cả oan – tội chết” - thực chất đã làm cho lòng dân thêm mất tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và vào Đảng cầm quyền. Các cụ xưa nói “ giết người thì phải đổi mạng” . Và tòa đã xử nhiều vụ tử hình về tội giết người. Vậy một kiểu “ giết người” như cách xử của tòa thì sao ( nghĩa đen - như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu không là gia đình liệt sĩ thì ông đã bị tử hình rồi ) ?

Cho nên, đây là lần thứ ba, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét – mà Quốc hội không biết có ai nghe được ý kiến của tôi không? - bổ sung vào luật Hình sự “ Nếu xử oan sai một vụ án, thì Chánh tòa phải chịu 50 % mức tù mà chính Chánh toà đã tuyên và trả 50 % tiền bồi thường cho nạn nhân, nếu tù tử hình oan thì chánh án phải tù từ 15 đến 20 năm và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân”.

Như thế là rất phải chăng, có lí, có tình. Và nếu điều đó có hiệu lực, tôi chắc việc gây ra những “ Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” gì, “ học tập” gì, nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ không còn.

Trần Nhuận Minh
Thứ hai ngày 1 tháng 6 năm 2020