Tô Văn Trường
ông Lương Hữu Phước |
Công luận quan tâm đến việc ông Lương Hữu Phước nhảy
lầu tự tử tại toà án tỉnh Bình Phước với lời nhắn để lại trên FB :” “Nếu một
cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước cũng đáng lắm chứ”.
Nhiều người trong xã hội rất xúc động trước cái chết thảm của ông Lương Hữu
Phước. Cùng quẫn, hết lòng tin vào Tòa án nên ông Phước phải quyên sinh đến xé
ruột gan của những người còn lương tri.
Không ai nghi ngờ gì về sự yếu kém của hệ thống tư
pháp VN cũng như trong nhiều cơ quan, tổ chức khác. Hàng loạt các vụ án oan sai
đã xẩy ra để lại hậu quả rất nghiêm trọng (mặc dù đã được các cơ quan chức năng
phải công khai xin lỗi, đính chính) như: Vụ bà Đặng Thị Nga ở Điện Biên
bị oan khép tội giết chồng; ông Lê Thanh Chấn bị tù oan 10 năm gia đình tan
nát; vụ 3 cụ ông ở Vĩnh Phúc mang án oan giết người gần 40 năm; vụ ông Hàn Đức
Long; vụ vườn điều (ông Nén); vụ án 7 bị can bị phạt tù oan 12 năm về tội giết
người cướp của ở Sóc Trăng vv...
Vụ án giám đốc thẩm Hồ Duy Hải vẫn còn rất nóng trong
công luận và mọi người đang chờ phán quyết của Quốc hội và những người đứng đầu
đất nước này. Bây giờ lại thêm vụ tự vẫn của ông Lưu Hữu Phước bị kết án tù 3
năm với nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Vụ án của Lương Hữu Phước, cần tiếp tục đấu tranh dựa
trên lý lẽ, và chứng cứ đầy đủ để làm rõ trách nhiệm các ông/bà quan tòa trong
vụ này, (mà người đàn bà ngồi ghế chánh án vẫn khăng khăng cãi đúng, thậm chí
không có lấy một lời ít ra là thương cảm với cái chết của nạn nhân).
Dư luận Bình Phước xôn xao về thẩm phán tham gia xét
xử 2 vụ án, có 2 người tự sát. Cách nhau 5 năm, hai vụ án được đưa ra xét xử
phúc thẩm và đều xảy ra các vụ tự tử sau khi nhận bản án. Ở cả hai vụ án này,
hội đồng xét xử đều có tên thẩm phán Lê Viết Hoa, người vừa được bổ nhiệm làm
Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Phước.
Theo tường thuật trên báo Tiền Phong: Nội dung vụ án,
ngày 15/1/2017 ông Lương Hữu Phước điều khiển xe máy chở ông Trần Hữu Quý về
nhà ở đường Nguyễn Huệ thuộc KP Suối Đá, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh
Bình Phước. Khi ông Phước rẽ trái sang đường thì bị xe máy do ông Lâm Tươi điều
khiển chở theo ông Trị Tiếp lưu thông cùng chiều bên phải theo hướng đường ĐT
741 đi đến đường ĐT 753 đụng vào, gây tai nạn giao thông.
Vụ tai nạn làm ông Quý và ông Phước bị thương được đưa
đi cấp cứu. Do vết thương quá nặng, đến ngày 17/1/2017 ông Quý tử vong. Ông
Phước bị khởi tố nhưng cho tại ngoại. Sau 3 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, sáng
29/5/2020 TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xử phúc thẩm và tuyên y án sơ 3 năm tù.
Chiều cùng ngày, bị cáo Phước đến TAND tỉnh Bình Phước, sau đó đi lên lầu 2,
nhảy xuống đất và tử vong tại chỗ.
Theo tường thuật của ông Phước, người gây tai nạn giao
thông là Lâm Tươi không có bằng lái xe, lại say xỉn nồng độ cồn 5.75
miligam/lit hơi thở, chạy tốc độ nhanh 50-60 km/giờ, lại được tha bổng, không
bị truy tố!? Sự công minh của pháp luật ở đâu, làm người dân phải đi đến
nỗi tự tử! Có lẽ không ai làm mất lòng tin vào chế độ bẳng những điều tra viên,
những kiểm sát viên và thẩm phán kém cỏi và thất nhân tâm!
Điều 202 luật hình sự ghi rõ: “Tội vi phạm quy định về
điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”: Người nào điều khiển phương tiện
giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây
thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản
của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải
tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.”
Xem xét sự việc người dân không còn tin vào pháp luật,
đi tìm đến cái chết để rửa nỗi oan trái, nỗi đau này cũng chẳng của riêng ai.
Nếu phân tích sâu hơn, vẫn phải dựa trên nguyên lý của thuật trị quốc, tức là
“bình trị dĩ nhân tài vi bản”. Để cho hệ thống tư pháp nói riêng và bộ máy nhà
nước nói chung bệ rạc, tha hoá và “kinh hoàng” như hôm nay, đều do việc dùng
người mà ra.
Khi mà việc lựa chọn nhân sự vẫn do một nhóm lợi ích
tự đặt ra quy định và sử dụng quy ước dễ biến hoá, thì nhân tài khó lọt vào đội
ngũ rường cột. Khi ấy, nguyên lý của thuật trị quốc không còn ý nghĩa nữa, mà
chỉ tồn tại những hành vi vô thiên, vô pháp mà thôi!
Phải sửa ngay hệ thống thực thi pháp lý trước khi bàn
về sửa lại hệ thống luật pháp, vì vấn đề này quá bức xúc và tiềm tàng nhiều
bùng nổ nguy hiểm. Cần thực hiện nguyên tắc: Nghi can can có quyền giữ im lặng
khi bị lấy cung mà không có mặt luật sư, đi liền với nguyên tắc việc lấy cung
của nghi can để lập án phải thực hiện trước sự có mặt của luật sư. Luật sư có
quyền can gián những câu hỏi nhằm gài bẫy nghi can.
Công bằng, mình bạch chẳng oan sai
Sao để lòng dân uẩn ức hoài
Chuyện nhỏ đầu đường còn như thế
Chuyện trời, chuyện bể, biết tin ai ?
Tô Văn Trường