15 février 2022

Lược sử thủy lợi Miền Nam Việt Nam

Nguyen Luong Hai Khoi

Miền Tây Nam Bộ gắn liền với sự hình thành các công trình thủy lợi vĩ đại: Kênh Vĩnh Tế của Thoại Ngọc Hầu nhà Nguyễn, Kinh Mới của TT. Ngô Đình Diệm, Kênh T-5 của TT. Võ Văn Kiệt.

Và theo như mô tả của bài báo dưới đây, "Bà con miền Tây hưởng lợi gì từ 'siêu cống thủy lợi'?", thì từ nay sẽ có thêm công trình thứ 4: Cống điều tiết ngăn mặn trên sông Cái Lớn. 


Các công trình thủy lợi khác được hoàn thành nhanh chóng trong thời gian cầm quyền ngắn ngủi của người lãnh đạo (Thoại Ngọc Hầu, Ngô Đình Diệm, Võ Văn Kiệt). Riêng công trình Cống ngăn mặn Cái Lớn trải qua 6 nhiệm kỳ thủ tướng: Ý tưởng có thời TT. Võ Văn Kiệt, thiết kế thời TT. Nguyễn Tấn Dũng, thi công 2 năm trước thời TT. Nguyễn Xuân Phúc, hoàn thành thời TT. Phạm Minh Chính.

Sách vở đã nói nhiều về các công trình Vĩnh Tế (Thoại Ngọc Hầu) và T-5 (Võ Văn Kiệt), và rồi đây sẽ nói nhiều về Cống ngăn mặn Cái Lớn, nhưng chưa nói nhiều về Kinh Mới (Ngô Đình Diệm).

Sách vở về Ngô Đình Diệm thường viết về giai đoạn ông lên nắm quyền lực (1954-1956) giai đoạn xung đột Phật giáo và bị sát hại (1963), hầu như không nói về giai đoạn kiến quốc của ông.

"The Vietnamese War: Revolution and Social Change in the Mekong Delta, 1930-1975" của Elliott David xuất bản năm 2002 có lẽ là cuốn sách đầu tiên nói về các thành tựu của Đảng Cần Lao Nhân Vị trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn cuối thập niên 1950s đầu thập niên 1960s.

https://tuoitre.vn/ba-con-mien-tay-huong-loi-gi-tu-sieu...

 


‘Siêu cống thủy lợi’ Cái Lớn vừa hoàn thành lắp cửa van cuối cùng và có thể vận hành tạm phục vụ sản xuất trong tháng 6. Các địa phương hưởng lợi từ dự án đã có sự chuẩn bị cụ thể để khai thác hiệu quả ‘siêu cống’ này.

Theo chủ đầu tư, cuối tháng 6 cống Cái Lớn đủ điều kiện để vận hành tạm phục vụ sản xuất, và đến tháng 10 toàn bộ dự án sẽ hoàn thành, kịp phục vụ kiểm soát mặn, giữ ngọt cho mùa khô cuối năm nay và đầu năm tới.

Một số tỉnh phía tây sông Hậu như Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau mỗi khi mùa khô tới là bị xâm nhập mặn, trong đó hướng chính vẫn là mặn từ Biển Tây xâm nhập theo hướng sông Cái Lớn, Cái Bé rồi "chia" vào các nhánh sông, kênh rạch vào sâu trong nội đồng các địa phương này.

Video: Siêu cống Cái Lớn - Cái Bé sẵn sàng đưa vào hoạt động ở miền Tây

Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 được phê duyệt và khởi công vào tháng 10-2019 (nằm gần cửa Biển Tây thuộc 2 huyện Châu Thành và An Biên của tỉnh Kiên Giang) cùng hạng mục dự án thành phần khác, với mục đích chính là kiểm soát xâm nhập mặn.

Cụ thể, mục tiêu của dự án là kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu, đặc biệt góp phần phát triển thủy sản ổn định của vùng ven biển Kiên Giang.

Ngoài ra, dự án này sẽ chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, tạo vùng nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt vào những năm hạn hán; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn, kết hợp giao thông thủy và bộ trong vùng dự án.

Sở dĩ được gọi là "siêu cống thủy lợi" vì cống này có quy mô rất "khủng".

Cụ thể cống Cái Lớn có 11 cửa van và âu thuyền rộng 15m, mỗi cửa van rộng 40m và nặng 203 tấn. Cống Cái Bé cũng có 2 cửa van rộng 35m và âu thuyền. Cống âu Xẻo Rô có chiều rộng cống kết hợp làm âu thuyền là 31,5m. Giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư 3.300 tỉ đồng.

Lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (chủ đầu tư) cho biết theo tiến độ thông thường, để hoàn thành 2 cống Cái Lớn, Cái Bé phải mất ít nhất 36 tháng nhưng do đẩy nhanh tiến độ, hai cống đã có thể hoàn thành cơ bản từ tháng thứ 17.

Hiện tại, cống Cái Lớn đến cuối tháng 6 có thể vận hành tạm phục vụ sản xuất, riêng cống Cái Bé đã vận hành tạm từ tháng 2-2021 (tiến độ vượt 1 mùa khô).


Nhờ vận hành sớm cống Cái Bé, mùa khô năm 2021 tỉnh Kiên Giang đã không phải đắp trên 120 đập tạm, vừa tiết kiệm được hơn chục tỉ đồng vừa giảm việc tù đọng ảnh hưởng đến môi trường khi đắp đập tạm.

Theo ông Bùi Mạnh Hùng - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Trung Nam 18 (nhà thầu thi công cống Cái Lớn), do tình hình dịch bệnh COVID-19 và ảnh hưởng của hạn mặn mùa khô 2019-2020 (địa phương đã đắp các đập tạm ngăn mặn, ảnh hưởng đến đường vận chuyển vật liệu) và từ đầu năm 2021 giá nguyên vật liệu tăng mạnh, nhưng chủ đầu tư và nhà thầu đã tập trung cao độ, những khó khăn trên có ảnh hưởng chung nhưng không ảnh hưởng tới tiến độ công trình.


Đó là nhận định chung của người dân lẫn cơ quan quản lý các địa phương hưởng lợi từ "siêu dự án" này.

Ông Lê Phụng Hải (65 tuổi, ngụ ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) cho biết đây là lần đầu tiên ông và người dân địa phương thấy một công trình thủy lợi đồ sộ như vậy mọc lên chắn ngang 2 con sông lớn của tỉnh Kiên Giang.

Ông Hải hy vọng cống ngăn mặn sẽ chủ động điều tiết nước mặn - ngọt vô ra nội đồng. Vùng An Biên và cù lao Vĩnh Hòa Hiệp, Vĩnh Hòa Phước của huyện Châu Thành giáp ranh nhau, bên này người dân cần nước mặn hoặc lợ để nuôi tôm, cua, bên kia cần nước ngọt để làm rẫy trồng khóm, dừa, cau… nên cần phải đóng mở cống linh hoạt.

"Nhà nước đầu tư cả mấy ngàn tỉ đồng thì nông dân như tui tin là sẽ có hiệu quả lớn lắm", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cũng cho rằng dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé rất quan trọng đối với địa phương và các tỉnh trong vùng. Các công trình hoàn thành sẽ góp phần khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven Biển Tây, phát huy hiệu quả đồng bộ cho toàn khu vực đúng mục tiêu của dự án đề ra.


Ngoài ra, dự án sẽ giảm bớt khó khăn, thiệt hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Để khai thác lợi thế của hai cống nói trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với huyện Gò Quao khởi động mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình.

Kiên Giang cũng đã thành lập và củng cố 20 hợp tác xã sản xuất với tổng kinh phí đầu tư là trên 51 tỉ đồng, trong đó nguồn từ dự án là 28 tỉ đồng, số còn lại do nhân dân tự bỏ vốn đầu tư.

Riêng huyện Gò Quao sẽ triển khai thực hiện 4 mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học, phù hợp điều kiện thực tế cho người dân, cụ thể là: mô hình tôm - lúa, cây ăn trái: khóm - cau - dừa, khóm - tôm ở 5 xã gồm: Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Thới Quản, Vĩnh Phước A và xã Thủy Liễu.

Là một trong những địa phương trong vùng hưởng lợi từ "siêu cống thủy lợi", ông Lưu Hoàng Ly - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - cho biết Bạc Liêu lâu nay bị ảnh hưởng triều ở cả Biển Đông và Biển Tây, nên việc điều tiết nước mặn - ngọt rất khó khăn.

Tuy nhiên, nếu cuối năm nay hai cống Cái Lớn, Cái Bé đi vào vận hành giúp "bịt" mặn từ hướng Biển Tây, giúp ngăn mặn, giữ ngọt để tỉnh tăng diện tích sản xuất lúa - tôm.


Theo ông Ly, khi đã ngăn được mặn từ Biển Tây, tỉnh sẽ chủ động dẫn nước ngọt sâu vào vùng nam quốc lộ 1 từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp tốt hơn.

"Tuy nhiên, để phát huy tốt nhất việc hưởng lợi từ dự án này thì phải xây dựng ô đê bao, xây dựng cánh đồng lớn và hệ thống thủy nông nội đồng phải tốt, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể bao nhiêu ô đê bao, bao nhiêu cánh đồng lớn để thụ hưởng từ dự án này. Hiện tại diện tích lúa tôm của tỉnh là 39.850ha, định hướng sẽ mở rộng tới 55.000 - 60.000ha và việc đưa vào vận hành hai cống Cái Lớn, Cái Bé sẽ giúp ích rất nhiều cho định hướng này của tỉnh", ông Ly nói.

Là người gắn bó rất lâu năm với ĐBSCL và trực tiếp chủ nhiệm dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, ông cho biết hiệu quả mà dự án này sẽ mang lại cho người dân các tỉnh vùng dự án?

GS.TS Trần Đình Hòa - phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam

- Sáu tỉnh, thành: Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ là vùng hưởng lợi trực tiếp của dự án giai đoạn 1 với khoảng 384.000ha. Đây là vùng khó khăn nhất ở ĐBSCL về sử dụng nguồn nước trong phục vụ sản xuất và phòng tránh thiên tai.

Hiện nay, ĐBSCL nói chung và vùng dự án nói riêng đang thể hiện rõ nét nhất với 3 hệ sinh thái và đi cùng với nó là 3 mô hình sản xuất chính thích ứng với từng hệ sinh thái.

Một là hệ sinh thái nước ngọt: có mô hình sản xuất chủ yếu là trồng lúa, cây màu và cây ăn trái (vùng tây sông Hậu, vùng U Minh Hạ và khu rừng thuộc vùng U Minh Thượng).

Hai là hệ sinh thái ngọt, mặn luân phiên và nước lợ: có mô hình sản xuất chủ yếu là tôm - lúa (vùng U Minh Thượng, vùng ven bắc sông Cái Lớn - huyện Gò Quao).

Ba là hệ sinh thái nước mặn là chủ yếu, có mô hình sản xuất là nuôi trồng thủy sản (vùng ven biển, vùng ven sông Cái Lớn thuộc huyện An Biên).

Thực tế cho thấy các mô hình sản xuất đã cơ bản tận dụng được lợi thế tài nguyên nguồn nước (ngọt, mặn), tài nguyên đất và dần đi vào ổn định, các mô hình sản xuất này là phù hợp, thích ứng với các hệ sinh thái tự nhiên.

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với 3 nhóm thách thức và tác động bất lợi. Tác động từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tác động bất lợi từ sử dụng nguồn nước phía thượng nguồn sông Mekong, tác động do phát triển nội tại của vùng. Các tác động đó đã gây ra 2 vấn đề rất lớn.

Một là, gây ra sự bấp bênh, mất ổn định trong sản xuất nông nghiệp: thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường, xâm nhập mặn… không tuân theo quy luật làm cho kế hoạch sản xuất của người dân luôn luôn bị động, nhiều khi bị tổn thất rất lớn do không thể thích ứng kịp.

Hai là, bị động trong phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai: xâm nhập mặn khó kiểm soát; mùa mưa với cường độ cao tập trung, kết hợp với lún sụt đất, triều cường, nước biển dâng sẽ gây ngập úng nặng nề. Thiệt hại do thiên tai (lũ, hạn, mặn, lốc) trong những năm vừa qua đối với ĐBSCL nói chung và vùng dự án nói riêng là rất lớn.

Trong bối cảnh đó, dự án được triển khai. Hiệu quả của dự án giúp người dân trong vùng ổn định sản xuất và đời sống theo các mô hình sản xuất (mặn, mặn - ngọt, ngọt), khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra; đồng thời chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai (ngập lụt, xâm nhập mặn).

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các mô hình sản xuất hiện có, tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài.

Theo ông, giai đoạn tới chúng ta cần phải làm gì để phát huy được tốt nhất dự án?

- Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có sự đầu tư và phạm vi ảnh hưởng rất rộng ở vùng ĐBSCL. Do đó, việc phát huy hiệu quả dự án là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt. Theo tôi, có 2 vấn đề quan trọng phải được chú trọng trong thời gian tới.

Một là, phải xây dựng được một quy trình vận hành cho hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thật linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của thực tế sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các vùng sản xuất, giữa người dân và các địa phương.

Đây là vấn đề rất khó khăn và phức tạp. Mục tiêu, nhiệm vụ của dự án là tốt, nhưng hiệu quả cao hay thấp lại phụ thuộc rất lớn vào quy trình vận hành hệ thống.

Hai là, cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư các công trình và hạng mục nhằm mở rộng phạm vi được hưởng lợi của dự án. Cả vùng hưởng lợi rất lớn từ dự án này, tuy nhiên các công trình đã được đầu tư trong giai đoạn này mới chỉ được khai thác mang tính chất đầu mối công trình.

Dư địa và tiềm năng về nguồn lợi mà dự án này có thể mang lại cho các tỉnh trong vùng đang còn rất lớn, cần phải được tận dụng để phục vụ đời sống người dân và phát triển kinh tế.


 


Nội dung:

CHÍ QUỐC - KHOA NAM - H.T.DŨNG

Hình ảnh:

CHÍ QUỐC

Thiết kế:

HẢI PHI