Mục tiêu công nghiệp hóa đất
nước vào năm 2020 của nước ta được đặt ra cách đây nhiều năm đã không đạt được.
Ông nghĩ sao về điều này?
Kết thúc phiên họp Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
đã thẳng thắn xác nhận, “việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa
đạt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, nợ công, nợ xấu tiềm ẩn nguy
cơ gây bất ổn; mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp
theo hướng hiện đại không đạt được. Đời sống nhân dân vùng sâu vùng xa, miền
núi còn nhiều khó khăn”. Trong bối cảnh mới, khi khoa học - công nghệ trở thành
nhân tố thúc đẩy chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và kinh tế phát triển
không còn dựa chủ yếu vào tài nguyên, lao động giá rẻ mà dựa vào sáng tạo, mô
hình công nghiệp hóa cần phải được tiếp tục cập nhật, bổ sung, sửa đổi. Việt
Nam phải ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới
cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong thế kỷ thứ XXI như biến đổi khí hậu,
khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực…
Cần phải cập nhật lại khái niệm công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa đồng
nghĩa với hiện đại hóa, đặt nó trong bối cảnh thế kỷ XXI, của sáng tạo, không
coi nặng sản xuất sản phẩm mà cần quan tâm đến cả phát triển dịch vụ. Công
nghiệp hóa bây giờ là phải đặt trong một hệ thống, đồng bộ, hướng đến một
chiến lược mang tính dân tộc, trong đó cần hiện đại hóa cả thể chế để phục vụ
mục tiêu công nghiệp hóa. Chúng ta cần công nghiệp hóa một cách có chủ đích,
có phương án rõ ràng, phát huy nội lực để xây dựng thương hiệu lớn đại diện cho
đất nước. Sản xuất phải gắn với khâu phân phối, tiêu thụ. Tài chính phải độc
lập để tự nó nuôi nó được.
Vậy theo ông, nhiệm vụ sắp tới
chúng ta cần chú trọng là gì?
Việt Nam phải nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng, bằng cách
tăng thêm vốn đầu tư, thêm lao động, tài nguyên với giá trị gia tăng thấp (vì
tài nguyên của Việt Nam có hạn và như vậy người Việt Nam có thể lao động chăm
chỉ nhưng vẫn nghèo) sang tăng trưởng chủ yếu theo chiều sâu, nâng cao hàm
lượng công nghệ, sáng tạo, tăng thêm độ sâu về chế tác, để với năng lượng,
nguyên liệu, lao động không tăng nhưng đạt được giá trị gia tăng cao hơn. Báo
cáo Kinh tế - xã hội trình ra Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (20
-28/1/2016) đã chính thức thừa nhận không đạt mục tiêu đề ra trên đây và đề ra
mục tiêu sau đây cho năm 2020: “Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng
3.200 - 3.500 USD. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn
đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách
nhà nước không quá 4% GDP.
Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 -
30%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 - 5%/năm. Tiêu hao năng lượng
tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt
38 - 40%”. Đó là những mục tiêu khiêm tốn và kinh tế nước ta đang tụt hậu xa so
với nhiều nước trong khu vực. Chìa khóa mấu chốt của quá trình chuyển đổi này
là giáo dục - đào tạo và chất lượng con người. Việt Nam đang rất thừa lao động
chưa hay ít được đào tạo trong khi rất thiếu nhân lực có kỹ năng, trình độ cao
về chuyên môn, có năng lực quản lý ở tầm cao. Tỉ lệ lao động được đào tạo phải
nhanh chóng được nâng cao để thích nghi với những yêu cầu mới về công nghệ sinh
học, chất lượng sản phẩm, trách nhiệm xã hội, về công nghệ thông tin, luật pháp
về thương mại... Chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo phải nhanh chóng
được đổi mới. Điều quan trọng là phải thiết lập trật tự kỷ cương, bảo đảm trách
nhiệm về chất lượng đào tạo, cạnh tranh theo pháp luật và tiêu chuẩn do Nhà
nước ban hành. Các dịch vụ trí tuệ như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, dịch
vụ phần mềm, công nghệ thông tin là những lĩnh vực phải được đào tạo theo các
chuẩn mực quốc tế. Để nâng cao chất lượng, các trường đại học phải tự chủ, cạnh
tranh lành mạnh, tự chịu trách nhiệm trong giáo dục, nghiên cứu khoa học để
nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Ông đánh giá như thế nào? Và
cần nhìn nhận ra sao về doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh kinh tế mới?
Nếu như trong thời gian đầu (năm 1987), để phá vỡ thế bao vây, cấm vận,
việc ưu đãi đầu tư nước ngoài là cần thiết thì Việt Nam đã tiếp tục kéo dài quá
lâu các chính sách ưu đãi về thuế, giá đất… để thu hút đầu tư nước ngoài. Vì
vậy, về mặt khoa học kinh tế, Việt Nam được xếp vào những nước hội nhập thụ
động (passive integrationist) là những nước phải thu hút đầu tư nước ngoài bằng
lao động, tài nguyên với giá rẻ, ưu đãi thay cho hội nhập tích cực (active
integrationist), tức là hội nhập và thu hút đầu tư thông qua tiến bộ khoa học -
công nghệ mạnh, thương hiệu và doanh nghiệp mạnh. Chúng ta cũng dành cho FDI
quá nhiều ưu đãi so với doanh nghiệp trong nước như miễn giảm thuế, tiền thuê
đất… làm méo mó môi trường kinh doanh. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp đầu tư
nước ngoài chỉ tận dụng lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên, giá điện thấp
hơn so với khu vực trong khi trình độ khoa học - công nghệ nhìn chung rất thấp.
Như vậy, FDI không thể thay thế những doanh nghiệp dân tộc trong sự nghiệp công
nghiệp hóa. Thực tế cho thấy, chính khu vực tư nhân mới là động lực thật sự của
tăng trưởng. Nhà nước cần trao cơ hội để khu vực này có thể bứt phá đưa nền
kinh tế đến đích công nghiệp hóa.