Bộ Chính trị đang thúc ép Quốc hội hợp thức hóa để cho thuê 3 Đặc khu nhằm đi đêm với Trung Quốc. Chúng tôi nghĩ cũng là lúc, chúng ta cần nhấn mạnh lại âm mưu của bọn cõng rắn cắn gà nhà trước công chúng.
Nguyễn Quang Dy
“Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu” (Nguyễn Cơ Thạch, 1990)
Khi
đề cập đến câu chuyện đặc khu kinh tế, người ta dễ sa vào tiểu tiết nên “thấy
cây mà không thấy rừng”. Chỉ tranh cãi và điều chỉnh “99 năm hay 70 năm” là vô
nghĩa. Khi quan tâm đến “phần nổi của tảng băng” người ta cũng dễ quên phần
chìm (mới là phần cốt lõi). Trong bài này, tôi đề cập đến hai vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, câu chuyện đặc khu là một phần của bàn cờ Biển Đông, liên quan đến
chiến lược “Một vành đai Một con đường” của Trung Quốc, đến chủ quyền Việt Nam
và vấn đề “thoát Trung”. Thứ hai, câu chuyện đặc khu là một phần của vấn đề
chống tham nhũng và đổi mới thể chế. Cả hai vấn đề đều liên quan đến yêu cầu
kiểm soát quyền lực và dân chủ hóa để thoát khỏi cái vòng kim cô về ý thức hệ
đã lỗi thời.
Đục nước béo cò
Nói
cách khác, cả hai vấn đề cốt lõi nói trên đều có cùng yêu cầu cấp bách là phải
tháo gỡ ách tắc về thể chế để dân chủ hóa và phát triển (cả sức mạnh cứng và
sức mạnh mềm). Muốn phát triển phải dân chủ hóa, muốn dân chủ hóa phải phát
triển (cả nguồn lực và dân trí). Cả hai vấn đề đều dễ bị nhầm lẫn (vì dân trí),
và dễ bị lợi dụng bởi các nhóm lợi ích đang tranh giành quyền lực và thao túng
chính sách để “đục nước béo cò”, bất chấp lợi ích cốt lõi của dân tộc. Trong
bối cảnh “nội biến” thì dễ bị “ngoại xâm” bởi người láng giềng khổng lồ.
Trong
câu chuyện đặc khu chỉ cần xác định “ai là kẻ thủ lợi” (câu La Tinh nổi
tiếng: Cui bono?) nếu không phải là các nhóm lợi ích muốn “đục
nước béo cò”, và người láng giềng khổng lồ đang quân sự hóa để kiểm soát Biển
Đông (như “cái ao riêng”) và bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn để kiểm
soát họ (cả phần hồn lẫn phần xác) như “lợi ích cốt lõi”. Nguy cơ “Hán hóa”
không chỉ là câu chuyện lịch sử (trong sách giáo khoa) mà nó đang diễn ra tại
nhiều nơi như Formosa và các đặc khu khác, không chỉ đe dọa sự tồn vong của
Việt Nam mà cả các quốc gia khác.
Nếu
đặt câu chuyện đặc khu kinh tế trong bức tranh lớn về Biển Đông, ngưởi ta rất
dễ thấy “yếu tố Trung Quốc” nổi lên rất rõ và rất lớn. Tại sao lại là Vân Đồn,
Vân Phong, Phú Quốc (và Vũng Áng trước đây) mà không phải là chỗ nào khác? Đơn
giản vì đó là những vị trí chiến lược xung yếu nhất. Chỉ có mù lòa về địa chính
trị mới không hiểu tại sao. Còn cho thuê 99 năm vì đó là tiền lệ mà Trung Quốc
đã áp đặt cho nhiều nước khác bị sập “bẫy nợ”. Đó là “chủ nghĩa thực dân mới kẻ
cướp” (predatory neo-colonialism). Trong khi thế giới giật mình tỉnh ngộ và lo
sợ, thì Việt Nam vẫn như mê ngủ, hay giả vờ không hiểu (và “không
sợ”).
Đến
lúc này mà họ vẫn chưa nhìn thấy nguy cơ đó thì có thể bị mù lòa về chính trị
hoặc tối mắt vì lợi ích. Nhưng trong lúc đất nước lâm nguy mà chỉ tranh cãi và
chống đối nhau thì tai họa càng lớn và đến càng nhanh. Bài học Miến Điện là
trước nguy cơ Hán hóa, họ đã biết dẹp mâu thuẫn nội bộ để tìm đồng thuận quốc
gia và đổi mới thể chế. Tuy Việt Nam đi trước Miến Điện (về cải cách kinh tế)
và đi trước Triều Tiên (về thống nhất đất nước) nhưng Việt Nam đang tụt hậu
không chỉ về kinh tế mà còn về thể chế và đồng thuận quốc gia.
Ván đã đóng thuyền
Hãy
thử điểm lại vài nét cơ bản về thực trạng hiện nay trong câu chuyện đặc khu để
thấy rõ chúng ta đang đi về đâu và đang làm gì trước nguy cơ Hán hóa. Nguy cơ
đó không chỉ đến từ bên ngoài (như “ngoại xâm”) mà còn đến từ bên trong (như
“nội biến”). Tuy người ta tranh cãi và chém gió đã nhiều, nhưng nếu vẫn chưa
tìm được đồng thuận quốc gia thì sẽ là “tai họa quốc gia”. Khi giờ G tới, trước
khi “ấn nút” quyết định, các đại biểu Quốc Hội hãy đặt tay lên ngực mình (như
nhân viên “Thế giới Di động”) để tự hỏi mình là ai (có còn là đại biểu cho nhân
dân nữa không) và mình đang phục vụ lợi ích của ai (người dân hay nhóm lợi ích,
Việt Nam hay Trung Quốc). Việc “ấn nút” không chỉ đơn giản là “ván đã đóng
thuyền” như bán Sabeco và Vinamilk, mà còn để lại hậu họa khôn lường cho nhiều
thế hệ sau.
Theo Vneconomy (16/4/2018),
Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không
trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không thể không ra luật”. Nói cách
khác, bà Ngân muốn đẩy trách nhiệm vì “ván đã đóng thuyền” nên Quốc Hội bất
lực, và gián tiếp thừa nhận vai trò Quốc Hội chỉ là “ấn nút” để hợp thức hóa
quyết định của BCT. Nhưng Quốc Hội và BCT liệu có hình dung được nguy cơ tiềm
ẩn và hệ quả khôn lường. Một lần nữa Việt Nam lại sa vào bẫy của Trung Quốc
(trong khi Triều Tiên đang “thoát Trung”). Không phải chỉ có “một làn sóng
phản đối khủng khiếp” (như Thủ tướng nói) mà nguy cơ phân hóa và bạo loạn
có thể lại xảy ra lần nữa như trong vụ dàn khoan HD 981 (5/2014). Tướng Nguyễn
Chí Thanh từng nói đúng: “Mất đất chưa phải là mất nước. Mất dân mới là mất
hết”. Chẳng lẽ lãnh đạo ngày nay không cần đến dân, và coi người bạn “bốn
tốt” và “16 chữ vàng” là “đại cục”.
Phát
biểu với báo Tuổi trẻ (4/6/2018) tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (thành viên Tổ Tư
vấn Kinh tế của Thủ tướng, và giám đốc nghiên cứu của Đại học Fulbright) cũng
cho rằng dự luật đặc khu kinh tế chắc sẽ được thông qua vì trên thực tế “ván
đã đóng thuyền”. Nhưng nếu được triển khai thì “khả năng thành công của
mô hình đặc khu sẽ rất thấp”. Đó là một nhận xét khá khách quan và trung
thực (nhưng cũng đầy bất lực). Tương tự như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi
Lan cũng nhận xét, “Tôi rất ngờ rằng luật này sẽ vẫn được thông qua, dù
người ta có thể sửa đôi điều để trấn an dư luận. Nhưng về cốt lõi nó vẫn thế,
vì người mua kẻ bán đã thỏa thuận với nhau mấy năm nay rồi, giờ họ chỉ chờ luật
để hợp thức hóa thôi”...
Theo
Dân Trí (1/6/2018), Chủ tịch Quốc Hội cố lý giải những lợi ích mà đặc khu sẽ
mang lại: “bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng” (chắc chỉ
có đánh bạc!). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói “vừa làm vừa thử
nghiệm” và hùng hồn tuyên bố:“Làm đặc khu phải theo nguyên lý dọn tổ đón
phượng hoàng”. Chắc ông này không học PR/Marketing, hoặc “nhỡ mồm”(Freudian
slip). Không biết ông Lưu muốn nói đến phượng hoàng nào, nhưng câu nói đó của
ông đã gây bão dư luận, và đi vào lịch sử như “trạm thu giá BOT” của Bộ trưởng
Giao thông. Nếu ông Lưu muốn nói đến phượng hoàng nội (như Vingroup hay Sun
Group) thì họ chẳng cẩn đến đặc khu nào cả, vì họ đã chiếm hết đất vàng làm tổ
lâu rồi. Nếu ông muốn nói đến phượng hoàng ngoại (như ASEAN hay Mỹ, Nhật, Ấn, Úc…)
thì nhầm to. Vậy chỉ còn phượng hoàng Tàu. Nhưng thực ra Trung Quốc không phải
là phượng hoàng mà là “chó sói” (đó là từ ngữ mà một cán bộ cao cấp của Trung
Quốc đã có lần thừa nhận). Con sói khổng lồ đã thò một chân vào Việt Nam (tại
Formosa), nay muốn thò nốt cả ba chân và hợp pháp hóa sự có mặt của nó bằng
luật định (cho “đúng quy trình”). Vì vậy, nhiệm vụ chính của Quốc hội là phải
“ấn nút” thông qua luật đặc khu kinh tế như là “đóng giầy theo chân con
sói”.
Dọn tổ đón phượng hoàng
Theo
báo Tuổi Trẻ (6/6/2018), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (bộ chủ quản của dự
luật đặc khu) đã khẳng định, “Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc,
chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan
hệ ta với Trung Quốc”. Vậy ông Dũng giải thích thế nào về
Điều 55.4 Mục 5 trong dự luật: “Công dân của nước
láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử
dụng giấy thông hành hợp lệ… được miễn thị thực ...). Nước láng giềng đó là
nước nào? Ông Dũng đã ngụy biện một cách vụng về nên “giấu đầu hở đuôi”, hoặc
ông quá coi thường dân nên tưởng có thể dễ dàng “dắt voi qua rào” (như họ đã
từng làm trong vụ Formosa). Tuy Formosa chưa phải là đặc khu nhưng họ đã hành
xử như “Tô giới”: không cho cơ quan chức năng Việt Nam vào, và còn hỗn xược
thách thức “chọn cá hay chọn thép?”. Đó là phượng hoàng nào? do ai?
Thực
ra câu chuyện đặc khu kinh tế đã được đề cập từ mấy năm nay. Tuy bộ KH-ĐT chịu
trách nhiệm chính (từ thời bộ trưởng Bùi Quang Vinh đến thời bộ trưởng Nguyễn
Chí Dũng), nhưng các tỉnh liên quan cũng có vai trò lớn (chạy dự án). Hà Tĩnh
chạy Vũng Áng, Khánh Hòa chạy Bắc Vân Phong, Kiên Giang chạy Phú Quốc, Quảng
Ninh chạy Vân Đồn. Theo
GS Võ Đại Lược, ông Phạm Minh Chính (nguyên bí thư Quảng Ninh) là tác giả của
đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn (từ tháng 8/2012). Lúc đó, ông Chính muốn xây
dựng hai đặc khu kinh tế (cả Vân Đồn và Móng Cái) và “rất hăng say về chuyện
xây dựng đặc khu kinh tế”, theo đó nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất 70 năm
(thậm chí có thể đến 120 năm). Trường Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc) tham gia
hội thảo và chắc đã tài trợ kinh phí tổ chức…
Trong
dự thảo luật đặc khu có rất nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trái
với các cam kết trong FTA về việc tạo lập môi trường đầu tư bình đẳng cho các
nhà đầu tư khác nhau ở Việt Nam. Không những vậy, dự thảo còn cho phép kinh
doanh nhiều lĩnh vực rủi ro cho quốc phòng và an ninh quốc gia, thậm chí
cả các dự án điện hạt nhân. Điểm 4, Phụ lục IV cho phép: “Kinh doanh quân
trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ
thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự, công an, linh kiện, bộ phận,
phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo
chúng… Kinh doanh bất động sản, chất nổ, khai thác và làm giàu quặng kim loại
có sử dụng hóa chất độc hại…
Chắc
năm nay là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc bắt nạt và bắt chẹt Việt Nam trên
đất liền (cũng như tại Biển Đông) với chiến thuật “tằm ăn dâu”, biến thành
“chuyện đã rồi”. Sau khi đã quân sự hóa và kiểm soát được Biển Đông, tất yếu họ
muốn kiểm soát cả trên đất liền, không chỉ tại Campuchia mà còn tại Việt Nam
(và các nước khác), theo chiến lược tổng thể “Một Vành đai, Một Con đường”,
bằng cách lần lượt thôn tính các nước bằng “ bẫy nợ”. Những cánh tay dài của
con bạch tuộc khổng lồ hay quái vật Frankenstein (như lời Richard Nixon) đã
vươn tới Châu Phi (cảng Djibouti, $22 triệu/năm), tới Hy Lạp (cảng Piraeus,
$436 triệu), tới Australia (cảng Darwin, $388 triệu, 99 năm), tới Sri Lanka
(cảng Hambantora, $1.1 tỷ, 99 năm), tới Myanmar (cảng yaukpyu và khu công
nghiệp, đầu tư $10 tỷ, 75 năm), tới Campuchea (cảng Sihanoukville & Koh
Kong, đầu tư $3.8 tỷ, 99 năm), tới Thailand (siêu kênh đào Kra, đầu tư $20-$30
tỷ) để nối thẳng Vịnh Thailand với Ấn Độ Dương (bỏ qua eo Malacca).
Ba con ngựa thành Troy
Khi
nói đến “thoát Trung”, chúng ta đừng nhầm với chống Trung Quốc như một đất nước
và một dân tộc vĩ đại (là bạn). Nhưng người dân Việt Nam (cũng như người dân
Trung Quốc) cần chống lại chính sách bá quyền nước lớn của họ (là thù). Cũng
như trước đây, chúng ta không chống nước Mỹ và người Mỹ (là bạn) mà chỉ chống
lại chính sách can thiệp của họ (là thù). Nếu nhầm lẫn, coi bạn là thù (hay coi
thù là bạn) thì sẽ là tai họa. Người Việt lúc thắng thường hay ngạo mạn (như
không sợ Mỹ), nhưng nay thất thế lại quá sợ Trung Quốc. Việt Nam muốn “làm bạn
với tất cả”, nhưng nếu nhầm lẫn biến bạn thành thù sẽ bị cô lập.
Gần
đây, Thủ tướng và Chủ tịch Nước đã liên tiếp đi thăm các nước chủ chốt (như “tứ
cường” Mỹ, Nhật, Ấn, Úc). Đó là những hoạt động ngoại giao đúng hướng để Việt
Nam “tái cân bằng” quan hệ quốc tế. Nếu sự kiện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một
thảm họa đối ngoại, làm mất lòng các đối tác chiến lược (Đức và Châu Âu) đe dọa
làm trật bánh hiệp định EVFTA, nay luật đặc khu kinh tế chắc sẽ gửi một thông
điệp tiêu cực tới các đối tác chiến lược khác (như “tứ cường”) mà Việt Nam đang
vận động (dễ làm “xôi hỏng bỏng không”).
Trong
bối cảnh cả nước đang sục sôi phẫn nộ, nếu Quốc Hội quyết “ấn nút” để dắt “ba
con voi qua rào” (như “ba con ngựa thành Troy”), thì khác gì hành động “tự sát
chính trị” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Hành động mạo hiểm đó chắc chắn
sẽ bị thiên hạ chê cười và nguyền rủa, như thằng bờm “cố đấm ăn xôi”, định bán
chạy ba đặc khu xung yếu nhất cho lão hàng xóm khổng lồ tham lam và độc ác.
Không chỉ dư luận trong nước phản đối quyết liệt, mà dư luận quốc tế cũng đang
lên tiếng, vì vấn đề ba đặc khu không chỉ liên quan đến Việt Nam, mà còn liên
quan đến tầm nhìn Indo-Pacific mà Việt Nam ủng hộ. Đây là thế “tiến thoái lưỡng
nan” (như “catch-22”) không ai muốn, nên cần khôn ngoan thoát hiểm.
Sau
sự kiện “tái xuất” (lần thứ nhất) tại hội nghị cấp cao APEC (6-12/11/2017), CTN
Trần Đại Quang đã “tái xuất” (lần thứ hai) tại TW7 (7-12/5/2018). Sau chuyến
thăm chính thức Ấn Độ (2-4/3/2018), ông Quang vừa thăm chính thức Nhật Bản
(29/5-2/6/2018). Đó là mấy sự kiện nổi bật, đánh dấu “những đợt sóng ngầm
chính trị” (lời Lê Hồng Hiệp) vẫn đang tiếp diễn và chưa ngã ngủ, còn nhiều
ẩn số và biến số (cho tới TW8). Chắc CTN Trần Đại Quang và TT Nguyễn Xuân Phúc
hiểu rõ nguy cơ và hệ quả của ba đặc khu này, nhưng Thủ tướng buộc phải nói
(như thanh minh): “Nếu ai ở địa vị này cũng phải giao, không có cách gì khác”.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã bức xúc kết
luận: “Không biết ai đưa ra ý tưởng như vậy, kể cả những người đồng
ý, thì đều là những kẻ bán nước”.
Để
triển khai “chủ trương lớn” này, BCT đã chỉ đạo Quốc Hội “ấn nút” để thông qua
luật đặc khu kinh tế, định biến một chuyện bất khả kháng thành “chuyện đã rồi”,
theo một thỏa thuận ngầm nào đó (với nhiều điều kiện đặc biệt). Nó chứng tỏ
Việt Nam đang “bí tiền và bí cờ”, trong khi bị Trung Quốc bắt nạt không cho
khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng Đỏ (Bãi Tư Chính) và Cá Voi Xanh (lô 128).
Trong khi ngân sách thiếu hụt (thu không đủ chi), nội bộ ngày càng mâu thuẫn
sâu sắc khi “người đốt lò vĩ đại” chống tham nhũng quyết liệt. Trong khi trì
hoãn những dự luật khác, Quốc Hội ráo riết chuẩn bị thông qua luật đặc khu kinh
tế, được Quốc Hội thảo luận từ cuối năm 2017, nay phải thông qua sớm (dự kiến
15/6/2018)
Kế hoãn binh
Theo
chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Tiếng Dân, 5/6/2018), “dự luật đặc khu rất
nên dừng lại. Quốc Hội đừng thông qua vội, để hỏi thêm ý kiến của các chuyên
gia về các lĩnh vực khác nhau, không phải chỉ về kinh tế, mà cả về xã hội và
chuyên gia về an ninh, quốc phòng, nhìn từ nhiều góc độ để xem xét lại”…Theo
bà Chi Lan, “mối nguy của việc ba đặc khu có thể biến thành những vùng lãnh
thổ của Trung Quốc ở Việt Nam là rất lớn… Chưa chắc đã cần chờ đến 50 năm, 70
năm hay 99 năm đâu, các đặc khu này có thể rơi vào tay người Trung Quốc ở mức
độ rất cao, đến mức họ khống chế hoàn toàn. Đấy là điều tôi thật sự lo lắng”…
Sáng
9/6/2018, Chính phủ thông báo đã đề nghị Quốc Hội lùi thời gian thông qua dự
luật đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội XIV, thay vì kỳ họp thứ 5 như dự kiến
(15/6) và giảm thời hạn thuê đất xuỗng dưới 99 năm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã khôn ngoan lắng nghe dân và đưa ra đề xuất kịp thời, hợp lòng dân, để tháo
gỡ bế tắc (tuy đó chưa phải là vấn đề cốt lõi). Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan nhận
xét: “Đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất… là một tiền lệ tốt
để sau này Chính phủ, và Quốc hội sẽ biết lắng nghe”…Dư luận chung tuy
hoan nghênh Chính phủ, nhưng chưa được thuyết phục. Họ muốn thấy Bộ Chính
Trị tập trung vào các chủ trương lớn, không áp đặt quan điểm đối với các cơ
quan lập pháp và hành pháp. Họ muốn Quốc Hội hoãn thông qua dự luật an ninh
mạng cũng như dự luật đặc khu.
Nhiều
người nghi ngờ một số nhóm lợi ích đã câu kết với người Trung Quốc vì lợi ích
riêng, làm phương hại cho lợi ích quốc gia. Nếu họ chưa bị vạch mặt để cho vào
lò (như Trương Minh Tuấn trong vụ mua bán AVG), thì sớm muộn họ cũng sẽ bị lịch
sử lên án và các thế hệ sau nguyền rủa. Nhưng cuối cùng, chắc Quốc
Hội sẽ vẫn thông qua dự luật đặc khu, sau khi đã hoãn binh và điều chỉnh vài
chi tiết cụ thể (để mị dân). Một số người khác lo ngại đó sẽ là “Thành Đô 2.0”,
là bước nối tiếp của Hội Nghị Thành Đô đầy ô nhục, tuy đã diễn ra cách đây 28
năm (9/1990), nhưng cái bóng đen của nó vẫn đang ám ảnh đất nước này.
Theo
nhà báo Vũ Kim Hạnh (Facebook, 9/6/2018) an ninh tiền tệ của Việt Nam đang bị
Trung Quốc tấn công và đe dọa cũng như an ninh mạng (cyber security). Ngoài an
ninh Biển Đông đang bị đe dọa, người Việt coi “đặc khu kinh tế là một cuộc tấn
công từ Trung Quốc” (Bennett Murray, SCMP, 7/6/2018). Trong khi Việt Nam bất
lực không đối phó được với các mối đe dọa của Trung Quốc, thì Quốc Hội vẫn định
thông qua dự luật an ninh mạng và dự luật đặc khu kinh tế, mở toang cửa cho
Trung Quốc xâm nhập, và làm thiệt hại cho nền kinh tế và doanh
nghiệp. Bà Kim Hạnh cho rằng các cơ quan quản lý của Việt Nam đã
phản ứng quá chậm. Đã gần hai năm sau khi Alipay công bố chính thức đã đặt đại
lý thanh toán tại Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn chưa có giải
pháp để đối phó. Theo bà Kim Hạnh, không ở đâu luật pháp lại lỏng lẻo và các cơ
quan quản lý lại lúng túng như ở Việt Nam.
Lời cuối
Nếu
ai đã từng tìm hiểu về mô hình “đặc khu kinh tế” (special economic zone) chắc
thấy “luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú
Quốc” là một dự luật bất bình thường, từ cái tên dài lủng củng đến các điều
khoản khó lý giải được nhồi nhét luộm thuộm trong văn bản luật và phụ lục. Có
thể nói đó là hệ quả của sự kết hợp (cố ý) giữa nhận thức mơ hồ và ngộ nhận (do
quan trí thấp) với sự đánh tráo khái niệm (bị thao túng bởi các nhóm lợi ích),
giữa lợi ích nhóm trong và ngoài nước (có động cơ trục lợi) với thế lực ngoại
bang (có ý đồ thôn tính Việt Nam). Chỉ có lý giải như vậy mới có thể hiểu được
tại sao người ta lại ghép ba vị trí chiến lược xung yếu (Vân Đồn, Vân Phong,
Phú Quốc) vào một văn bản luật. Tuy người ta có thể thỏa hiệp về thời hạn thuê
đất (dưới 99 năm) nhưng chắc không thỏa hiệp về ba vị trí đặc khu, đánh đổi lấy
các vị trí mới như khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Quang Trung (Sài Gòn)
để phát triển “công nghệ 4.0” như chính phủ kiến tạo vẫn đề cập./.
NQD. 10/6/2018
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
10-6-18