13 août 2018

"Nhôm, nhựa" tuổi gì mà tác oai, tác quái, phải cỡ Quy trình mới làm được


Xuân Dương
 

(GDVN) - Suy cho cùng, những “Vũ nhôm”, “Út trọc” hay những cán bộ ngành Giáo dục tại các địa phương vừa bị khởi tố đều là “sản phẩm” do “Quy trình” tạo ra.

Trước khi những sự thật không thể xấu xí hơn xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phanh phui, dư luận xã hội từng nóng ran bởi bốn cái tên:

Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Nguyễn Văn Dương (Dương phò mã) và Phan Sào Nam (Hoàng tử đêm - Hoàng tử bóng đêm). 

Bốn cái tên với những biệt danh nêu trên chỉ mới nổi trong thời gian ngắn gần đây nhưng lại gắn với những vụ việc liên quan đến hầu như tất cả các lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh đến văn hóa, giáo dục, kinh tế,…

Cả bốn nhân vật nêu trên, kẻ đã bị tuyên án tù cùng với những quan chức cao cấp ngành công an như vụ “Vũ nhôm”, kẻ đang chờ ngày nhận án cùng với những cựu tướng lĩnh tham gia trong đường dây cờ bạc hoặc “bảo kê” cho chúng.
Suy cho cùng, những “Vũ nhôm”, “Út trọc” hay những cán bộ ngành Giáo dục tại các địa phương vừa bị khởi tố đều là “sản phẩm” do “Quy trình” tạo ra. Ảnh minh hoạ: getflycrm.com


Người Việt có lương tri phẫn nộ bởi niềm tin mong manh vào một bộ phận không hề nhỏ cán bộ, công chức - trong đó có cả cán bộ cấp cao - vốn đã suy giảm khá nhiều nay lại “rơi tự do” thêm một bậc nữa.

Trong bốn cái tên nổi cộm nêu trên, ngoại trừ “Út trọc” sinh trước ngày thống nhất đất nước (“Út trọc” sinh năm 1971), ba người còn lại là “Vũ nhôm” và “Dương phò mã” cùng sinh năm 1975, “Hoàng tử đêm” sinh năm 1979.

Trong nhóm U40 này, “Út trọc” sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, “Vũ nhôm” ở Đà Nẵng, hai người còn lại sống ở Hà Nội, nghĩa là ở ba thành phố quan trọng nhất đất nước và trải đều khắp ba miền Bắc, Trung, Nam.

Năm 2014, thảo luận về Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói:

Khi giải phóng miền Nam, Việt Nam chỉ có 36 tướng nhưng đánh tan được đế quốc.

Vậy nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến sau này nhiều hơn và để lãnh đạo tốt hơn?...

Chúng ta phong nhiều tướng quá, trong khi trước đây nghe đến tướng là khủng khiếp lắm.

Vì vậy, tôi cho rằng cần phải cân nhắc để giới hạn việc phong tướng cho nhân dân đồng tình. Phong nhiều quá thì dân không yên tâm". [1]

Ngày nay, theo quy định, Bộ Công an được phong 205 tướng, Bộ Quốc phòng 415 tướng tổng cộng là 620 tướng.

Năm 2018 này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ mặt hơn chục vị tướng cả quân đội và công an “nhúng chàm”, cấp hàm cao nhất là Thượng tướng.

Bốn năm sau phát biểu của ông Thuyền, việc phong tướng nhiều hay ít dân chúng không dám lạm bàn, nhưng “dân không yên tâm” thì chắc cũng chẳng phải bàn thêm làm gì.

Điều trùng hợp là số tướng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu tên, một số trong đó đã bị khởi tố đều được phong hàm sau năm 1975, tạm gọi là “cùng thời” với “Vũ nhôm”, “Út trọc”!

Trước tòa, “Út trọc” khai rằng “do học hành ít, chữ xấu nên phải nhờ người khác viết hộ lý lịch Đảng và kê khai “nhầm” bằng đại học “rởm” trong lý lịch”, còn “Vũ nhôm” đang học lớp 11 thì bỏ học đi làm nghĩa là cũng giống “Út trọc” ở chỗ “học hành ít”. 

Học hành ít thì làm cách nào để có hàm thượng tá?

Một trong những cách thức được “Út trọc” sử dụng là nhờ “anh em ngoài xã hội” giúp đỡ - như lời khai của bị cáo trước tòa về việc mua bằng đại học “rởm”. 

Vậy “Vũ nhôm” có nhờ “anh em ngoài xã hội” như “Út trọc” hay chỉ quan hệ với “anh em trong xã hội”?

Thay vì đi tìm câu trả lời, xin trích thông tin báo chí đăng tải:

Đầu tiên là chuyện Công an Đà Nẵng có lệnh cấm xuất cảnh với một người và bị nghi là do Vũ "nhôm" tác động. [2]

“Sau một ngày xét xử, toà tuyên phạt Phan Văn Anh Vũ mức án 9 năm tù.

Hai bị cáo khác cùng phải hầu tòa vì bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về tội này (Cố ý làm lộ bí mật nhà nước- NV) là Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, trú tại quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nguyên Phó Tổng Cục trưởng, Bộ Công an, đã nghỉ hưu) và Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, nguyên cán bộ Bộ Công an).

Toà tuyên phạt bị cáo Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Hữu Bách lần lượt 7 và 6 năm tù”. [3]

“Anh em” trong hay ngoài “xã hội” giúp nhau vốn là luật bất thành văn.


Có khác chăng là “ngoài xã hội” thì bỏ tiền mua cái gì cần mua, có thứ chỉ cần ít tiền, có thứ cần rất nhiều tiền, còn “trong xã hội” thì việc người ta mua cái gì, bán cái gì luôn thuộc kiểu “thiên địa tù mù” nên dân chúng họa may mới võ vẽ.

Trong "Hịch tướng sĩ", Quốc công Tiết chế - Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn viết: 

Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có?

Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được?

Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ…

Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh.

Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc”.

Gần nghìn năm sau, lời răn của Đức Thánh Trần: “mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng” vận vào hai Tướng dính chàm là Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa sao mà đúng thế. 

Lấy “mẹo cờ bạc” để có “vườn ruộng nhiều” rồi phải tra tay vào còng chính là cái giá mà những kẻ xem thường lời dạy của tiền nhân phải trả. 


Những kẻ đó quả đúng là “dòng võ tướng” nhưng “không hiểu văn nghĩa” và phải chăng nhờ họ mà những kẻ thuộc “dòng võ tá ít học” như “Út Trọc”, “Vũ Nhôm” mới có đất diễn?

Nói “dòng võ tá” bởi “Út Trọc” vốn là thượng tá, “Vũ Nhôm” nghe nói cũng từng là thượng tá, với cấp bậc nho nhỏ ấy, với khoảng thời gian chưa đến chục năm mà có thể làm mưa, làm gió, tác oai tác quái khắp nơi nếu không có “chống lưng” chẳng lẽ chúng xây dựng cơ đồ từ đất sét?

Tội của hai “thượng tá không chính quy” này đã xét rồi, án tù cũng đã tuyên rồi, nhưng nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Có người bảo bốn kẻ “U40” ấy chỉ là lũ “tiểu yêu”, chúng cứ tưởng đang “sai khiến” được cả “đại yêu” nhưng đâu có ngờ chúng chỉ là những quân tốt trên bàn cờ của các “Thiếu, Trung, Thượng cao thủ”.

Không có cái gật đầu của “bề trên”, của các bậc “phụ mẫu”, sức mấy mà các loại “nhôm, trọc, phò mã, bóng đêm” bén mảng được đến cửa nhà tướng. 

Vậy nên nếu phải hỏi tiếp thì chỉ có thể hỏi “Quy trình”, bởi lên đến trung tướng, thượng tướng, thứ trưởng,… không thể không tuân thủ “quy trình” mà chắc chắn đây phải là “quy trình đặc biệt” bởi tướng công an hay quân đội đều thuộc diện “bảo kiếm” để bảo vệ thể chế.

Để lọt những kẻ hư đốn như thế mà không trách phạt “quy trình” thì dường như chưa hợp lý cho lắm, ấy là trộm nghĩ thế chứ biết “Quy trình” ngự ở chốn nào mà trách!

Nghị quyết Trung ương khẳng định tồn tại một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có các biểu hiện suy thoái, biến chất, tham nhũng.

Tuy nhiên số liệu công bố tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng (tháng 6/2018) cho thấy:

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 490 tổ chức đảng và 35 nghìn đảng viên vi phạm”. [3]

Số liệu Ban Tổ chức Trung ương công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam có 4,9 triệu đảng viên và 56.329 tổ chức cơ sở đảng. [4]

Như vậy trong hai năm số đảng viên bị kỷ luật chiếm 0,71% (35.000/4.900.000) và số tổ chức đảng bị kỷ luật chiếm 0,87% (490/56.329).

Nếu tính riêng từng năm thì tỷ lệ này lần lượt là 0,35% và 0,43%

Bình quân mỗi năm có chưa đến 0,5% đảng viên và tổ chức đảng bị kỷ luật, nếu chỉ nhìn vào con số các vụ kỷ luật thì phải nói đó chỉ là “một bộ phận rất nhỏ” chứ không thể là “không nhỏ”. 

Mặc dù chiến dịch “lò nóng, củi tươi” đang được phát động nhưng vì sao vẫn xảy ra các vụ việc tại Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…?

Những người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể liên quan đến vụ việc tại các địa phương này có phải chịu trách nhiệm?

Suy cho cùng, những “Vũ nhôm”, “Út trọc” hay những cán bộ ngành Giáo dục tại các địa phương vừa bị khởi tố đều là “sản phẩm” do “Quy trình” tạo ra và vì thế chịu trách nhiệm trước tiên phải là “Quy trình”.

Nếu không xử được “Quy trình” thì có nghĩa là vẫn bỏ lọt tội phạm.


Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/quoc-hoi-khong-che-phong-tuong-quan-doi-khong-qua-415-nguoi-3103523.html

[2] http://dantri.com.vn/xa-hoi/cong-an-noi-gi-ve-cam-xuat-canh-nu-nha-bao-theo-don-cua-dai-gia-vu-nhom-20171031131427221.htm

[3]https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov

[4]https://thanhnien.vn/thoi-su/danh-manh-chay-chuc-chay-quyen-925759.html


Xuân Dương