Xin nói rõ, đây là một bài gan ruột của tôi. Tôi định viết nó từ lâu rồi nhưng chưa hoàn thiện.
Cũng có một phương án là nếu cuộc sống tiến triển theo hướng tốt hơn, thì thôi, không sao.
Nguyễn Huy Cường: "Những cơ chế, những vận động ào ạt,, lộn xộn của “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” lại càng là mảnh đất mầu mỡ cho những bất công nảy nở." |
Nỗi niềm.
Nhiều bạn đặt câu hỏi nhẹ nhàng “Sao toàn thấy anh viết những cái ở mảng…tiêu cực” của XH?. Hình như anh không mấy chú ý đến những cái tích cực hả?
Một bạn thì mạnh dạn xếp tôi thẳng vào nhóm “đối tượng” …tiềm năng phản động. Có bạn còn bình luận tôi là “Ông nội của phản động”.
.
Phổ biến nhất là khi đi nhiều, tiếp xúc nhiều mới biết rất nhiều bạn thân mến, kể cả người nhà tôi, vẫn thường xuyên vào đọc không sót một bài nào tuy không hề like, bình luận bao giờ.
.
Nhưng khi gặp thấy đầy tình thân ái, quý mến.
Năm 2021 tôi gặp những khó khăn khốc liệt (dù vẫn lên phây chém gió roàn roạt , vui vui) và đã nhận được những sự giúp đỡ cụ thể, quý hóa từ một số bạn thuộc diện này, họ không like bao giờ nhưng hình như luôn ở bên nhau!.
.
Bởi vậy dù không ai “khảo” mà hôm nay tôi “xưng” với Quý vị một điều.
.
Bắt đầu từ một câu chuyện.
Hồi ở Tân Bình, tôi quen (và thân) với một Luật sư thời VNCH lớn tuổi, rất giỏi. Ông là bậc thầy về Tâm lý học hành vi.
Một lần ông hỏi tôi “Do đâu mà anh xem như luôn bất mãn với chế độ này?”.
.
Câu trả lời đầu tiên của tôi là:
Xin bác hiểu rõ: Tôi không bất mãn với chế độ này mà tôi chống những biểu hiện , những mảng miếng, những ngóc ngách tiêu cực của nó.
Ông hỏi tôi kiểu “Tạ Bích Loan” rằng: Vậy động cơ nào tôi chống, chống có hệ thống, chống lâu dài, chống quyết liệt (như chuyện chống… Kit test vừa rồi) chẳng hạn.
Trước khi vào việc chính, tôi dẫn thêm là bạn quý của tôi @ Trần…đã gọi tôi là “Phản biện bẩm sinh”
Tiếp, tôi trả lời ông Luật sư kính mến. Chính là câu chuyện hôm nay.
.
1966-1980.
Từ đâu tôi trở thành…tôi hôm nay.
Khoảng năm 1966 đến 1980 bố tôi là một ông thợ mộc giỏi, đi làm thợ chuyên nghiệp.
Trước đó bố tôi đã là Chủ tịch, đã là thủ kho, đã là bộ đội chống Pháp. Bố tôi là đảng viên đảng Lao động Việt Nam.
Dư năm chục tuổi ông bị hen xuyễn nặng cùng chứng bệnh phong thấp, lội bùn là biết nhau ngay nên ông nghỉ hết công tác, thoát li nông nghiệp và theo nghề cha truyền, đi làm thợ mộc.
.
Mỗi công nhật hồi đó được 5 đồng (tương đương bốn cân gạo giá thị trường).
Mỗi vụ (sáu tháng) thường chuyển việc, đứt việc (khi xong mỗi căn nhà, mỗi hợp đồng) vài lần.
Rồi còn những lúc bệnh tật nó hành phải đi viện dăm bảy bữa là thường.
Có nghĩa là mỗi vụ (nửa năm) nghỉ ít nhất một tháng.
.
Nhưng, mỗi vụ HTX buộc phải “Mua” 180 công. Giá mỗi “công” là 3,8 đồng.
Nghĩa là ông phải làm việc liên tục 6 tháng, mưa nắng ốm đau cũng không nghỉ (suy ra từ số ngày công x 6 tháng).
.
Bố tôi là “Cựu đảng viên” nên gì chứ chấp hành chế độ nghiêm chỉnh lắm, đong đầy, góp đủ. Tôi nhiều lần cầm tiền mặt của bố đưa vào nhà Cụ Hào Chè trong xóm gò là Thủ quỹ, đóng tiền, lấy biên lai về.
Việc chấp hành hồi đó còn có ý nghĩa, nếu ai không chấp hành sẽ bị cắt tiêu chuẩn mua dầu thắp đèn , muối và xà phòng giặt, kim, chỉ, vải mặc.
.
Đến vụ thu hoạch, thì cả bố và mẹ (mẹ yếu hơn) nhận được khoảng 300 công.
Mỗi công được hưởng một ký thóc (Ấy là bình thường, nếu mất mùa có khi chỉ được nửa ký, mất nữa thì coi như xong luôn)
Với 300 ký thóc, chia cho sáu người ăn, mỗi người được 50 ký, quy ra gạo khoảng 30 cân gạo cho…sáu tháng.
Thiếu trầm trọng.
.
Nhưng.
Lại nhưng.
300 công điểm mồ hôi nước mắt ấy KHÔNG BAO GIỜ nhận được giá trị vừa ghi.
Họ sẽ trừ:
- Công cao (họ lí giải là chi cao quá, phải cắt bớt đi) khoảng 10%.
- Công nghĩa vụ , còn gọi là ‘dân công” hai ông bà khoảng 30 công .
- Công Xã Hội (tôi không nhớ là họ giải thich thế nào) chừng 30 công.
- Công “Gối vụ” khoảng 50 công (khi ấy là trẻ con nên tôi cũng không hiểu tại sao đang đói ghê gớm mà lại có công để vụ sau thanh toán” như vậy.
.
Tóm lại, mất béng một nửa. Còn chừng 150 công ứng với 150 ký thóc (có vụ chỉ ứng với 100 ký vì lúa xấu).
.
Tạm đến đây có thể hiểu: Môt người bệnh (thật) bỏ ra lượng tiền đi làm sáu tháng nay mất gần hết!.
.
Sau đó Ban Quàn trị làm một việc gọi là “Cân đối” lương thực.
Họ cho một định mức là cả nhà có 06 nhân khẩu, mỗi tháng 72 ký lương thực X 06 tháng, tổng bằng 432 kg.
Nay được chia 150 kg rồi, con thiếu hơn hai tạ.
Họ …bán cho ta số thóc ấy với giá thấp hơn thị trường một xíu.
Lúa ấy có cái tên rất mị dân là lúa “nghĩa thương”. Hiểu như đó là ân huệ của nhà nước.
Tựu chung, lại phải bỏ ra một số tiền lớn để nhận thêm ba tạ thóc “của nhà nước”.(Số này có cả “mầu” là ngô, mỳ, sắn…)
.
Khi tôi lớn hơn chút, ngồi viết sách tôi đã bình tĩnh tìm ra một tổng kết: Bố tôi, một nông dân chính hiệu phải bỏ tiền ra mua thóc của chính mình làm ra với giá cộng cả tiền “Mua công” lẫn tiền “điều hòa” thì đắt gấp hai giá thị trường.
.
Và tôi hiểu câu ca hồi đó “Mỗi người làm việc bằng ba/ để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân” là như thế nào.
Nếu là nói kiểu tiêu cực, gọi là …mất cướp.
.
Cung cách này diễn ra, lặp đi lặp lại suốt mười lăm năm hơn cho đến năm bố tôi mất.
Trong thời gian đó, bản thân tôi, khi còn là một cậu học sinh cấp hai cũng đã phải tham gia lao động, gánh lúa, gánh phân, đập lúa đêm, kiếm phân xanh..v.v..
Mỗi buổi đi làm, dù tuổi trong ngoài 15 phải gánh dăm chục ký là thường để lấy vài điểm, để rồi cùng…mất tất như thế, là một thực tế.
.
Tôi tin rằng, hiện nay, các bạn tuổi trên 50, ở quê tôi hoặc những vùng quê miền bắc hiểu rõ chuyện này, chưa mờ nhạt.
Có thể nói tôi hiểu cái tệ hại, bất công bằng tâm não, máu thịt, mồ hôi của mình và cha mẹ mình, không cần một “Động cơ” nào!.
Vậy là, cả tuổi thơ tôi, cả khi cầm súng đi chiến đấu, cả khi cống hiến cho đất nước ở nhiều địa hạt, tôi vẫn âm ỉ một điều: Bất phục và nghi ngờ tính minh bạch, bất công ở nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều khu vực trong chế độ này.
.
Năm 1966 tôi đã có bài thơ xem như phản biện đầu tiên trên báo tỉnh. Tiếc rằng tờ báo giấy nhàu nhĩ đó giữ được đến năm 1971 khi nước lũ tràn qua mái nhà, đã mất sạch cùng huân huy chương của Bố tôi.
.
Câu chuyện trên đây, trung thực và chua xót, đã mặc định vào đầu tôi một điều:
Chế độ này rất nhiều bất cập.
.
Bốn hơn năm chục năm nay vào nghề báo, càng đi nhiều, càng học hỏi nhiều càng thấy những bất công mà chính mình, cha mẹ mình gánh chịu hồi xưa không là con muỗi gì so với hiện thực khá nặng nề hôm nay.
Những cơ chế, những vận động ào ạt,, lộn xộn của “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” lại càng là mảnh đất mầu mỡ cho những bất công nảy nở.
Năm 1976 một người bạn ở miền Nam hỏi tôi "Miền bắc đói nghèo lắm hả anh, tài nguyên nghèo kiệt hả anh?".
Tôi nói với bạn rằng: Khoảng trước năm 1961 miền bắc giầu có, phong phú chả kém gì Nam bộ cả. Dưới sông hồ tôm cá có thể xúc bằng rổ, khoáng sản tràn lan. Nhưng từ thời HTX đến giờ nó mới cạn kiệt.
Đó chính là do Chính sách. Không thể nói khác!.
Tôi hiểu cái khó khăn do thiên tai địch họa cho đất nước này là có thực nhưng một phần lớn những khó khăn, tụt hậu của đất nước là do yếu tố CHÍNH SÁCH.
Tôi “chống” là chống cái đó.
.
Còn cả thể chế này, hay vài thể chế khác ở VN trong lịch sử cận đại (Trong phạm vi mình quan sát được) không phải hoàn toàn tốt đẹp nhưng cũng có nhiều điều tốt đẹp.
.
Việc ngợi ca nó, yêu mến nó của tôi nằm ở chính cái sự mà bạn xem là “Chống” nó.
Còn mến yêu, còn tin rằng nó sẽ tốt đẹp, còn bày tỏ những thông điệp của mình, chỉ thẳng vào những cái gì cần chỉ là một yêu nước.
Nếu bạn là bạn đọc thường xuyên trang này, bạn dễ thấy, chắc không ít hơn 70% bài viết thuộc về đề tài CHÍNH SÁCH.
Dù vậy, những việc đã làm được, chưa được bao lăm.
Tôi vui mừng vì không ít hơn ba chục bài báo (từ 20 năm nay) đã làm tiền đề cho những sự thay đổi theo hướng mong muốn, cho cuộc đời tốt đẹp hơn.
Câu chuyện dài về hai chữ “Phản động” tôi sẽ bàn kỹ trong một stt sau.
Hôm nay có vài lời bộc bạch, để bạn đọc, để vị Luật sư khả kính xưa nếu biết, sẽ thấy thấu thiết hơn về cây bút này.
Thân mến.
Nguyễn Huy Cường.
Ngày 17/3/2022.