TUYÊN BỐ
Từ sự kiện đảo Gạc Ma 14/3/1988, những việc trước mắt cần làm của lãnh đạo Việt Nam
Ngày 14 tháng 3 năm 2022, toàn dân Việt Nam ghi nhớ ngày này của 34 năm về trước (14/3/1988) bọn Bành trướng Bắc Kinh đã ngang nhiên mang 3 tàu chiến tấn công vào các chiến sĩ công binh Việt Nam tay không đang xây dựng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604 và HQ 605, giết chết 64 và làm bị thương 11 chiến sĩ công binh Việt Nam, quân Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma. Sau đó Trung Quốc không ngừng chiếm tiếp các đảo xung quanh và xây dựng thành căn cứ quân sự, gồm cả sân bay phục vụ cho mục đích xâm chiếm toàn bộ Biển Đông của Việt Nam và khống chế đường hàng hải quốc tế.
Mới đây Putin, Tổng thống Nga đưa quân xâm lược Ukraine, biến thỏa thuận quốc tế mà Nga đã ký kết tại Budapest 5/12/1994 bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ Ukraine thành tờ giấy lộn và ngang nhiên tuyên bố vùng đất Ukraine trước đây là của Nga, cũng giống như Trung Quốc đã và đang tuyên bố Biển Đông là của tổ tiên Trung Quốc.
Qua 16 ngày đổ quân xâm lược, Putin vấp phải sự chống trả kiên cường của quân dân Ukraine dưới sự lãnh đạo của một chính phủ dân chủ do nhân dân trực tiếp bầu lên. Sức mạnh của nhân dân Ukraine không chỉ là bảo vệ độc lập chủ quyền mà còn bảo vệ giá trị dân chủ tự do của cả một đất nước vừa thoát khỏi quá khứ độc tài.
Diễn biến tình hình thế giới rất khó lường, an nguy đất nước đang bị thách thức, nếu nội lực Việt Nam không đủ mạnh, dân tộc Việt Nam không đoàn kết thì chắc chắn Trung Quốc sẽ xâm lược Việt Nam.
Hợp tác trong quan hệ quốc tế là điều cần thiết cho phát triển và góp phần bảo vệ hòa bình an ninh đất nước nhưng phải trên cơ sở chủ động, độc lập và sức mạnh tự thân của dân tộc. Việt Nam phải là một nước Dân chủ, Độc lập, Hòa bình, Ổn định, Phát triển, Thịnh Vượng.
Để thực hiện điều trên đất nước cần có sự đoàn kết, trước mắt cần gác lại không truy cứu mọi chuyện của quá khứ nhằm xây dựng lòng tin để cả nước sớm gắn bó thành một khối vững chắc, cùng nhau hướng đến tương lai.
Tất cả mọi hoạt động của một quốc gia đều dựa trên Hiến pháp. Hiến pháp là nền tảng, là bộ luật quyết định cho sự ra đời và duy trì một quốc gia, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ khi giành được chính quyền năm 1945, những người lãnh đạo cách mạng đã nhanh chóng tiến hành bầu cử để có một Quốc hội đại diện toàn dân, từ Quốc hội ra đời Hiến pháp năm 1946 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một hành trình theo đúng thông lệ của các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp đó là văn kiện chính trị đứng trên mọi quan điểm lập trường, cương lĩnh, quyền lợi của mọi đảng phái, là luật gốc của mọi bộ luật đặt quyền lợi của đất nước của dân tộc trên tất cả. Tuân thủ thực hành Hiến pháp là thước đo của lòng yêu nước, yêu dân, yêu Tổ quốc của mọi tổ chức đảng phái, của mọi công dân bất cứ ở cương vị nào. Và không có điều ngược lại.
Trong bất cứ tình huống nào, nhân dân vẫn là chủ thể của đất nước, là lực lượng quyết định thành bại của cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, không có quần chúng không có cách mạng, không có sự nghiệp cách mạng. Phát triển củng cố nội lực là phát huy sức mạnh, sự nghiệp của quần chúng, do đó đưa xã hội Việt Nam thành xã hội dân sự dân chủ tự do là con đường tất yếu cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.
Trước mắt cần thực hiện ngay việc toàn đảng từ trung ương đến cơ sở phải học tập và tuân thủ làm việc theo Hiến pháp. Xác định Hiến pháp là văn bản thực thi, không phải là văn bản để tuyên truyền và đối phó với nhân dân. Tất cả mọi quyền của công dân được Hiến pháp qui định thì công dân được làm không chờ luật chờ thông tư; nhà nước không được phép tùy tiện trấn áp những tổ chức và cá nhân thực thi các quyền mà Hiến pháp đã long trọng tuyên bố khi chưa có luật điều chỉnh.
Cụ thể, cần thực hiện ngay các điều:
· Điều 25 của Hiến pháp 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định.
· Điều 27, Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.
· Điểm 2 điều 28, Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội; công khai minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
· Nhà nước phải thực hiện các cam kết quốc tế về việc công nhân được thành lập ngay các công đoàn độc lập, hoạt động vì lợi ích của họ.
Các tổ chức xã hội dân sự chúng tôi chưa yêu cầu điều gì mới, chỉ yêu cầu nhà nước thành tâm thực thi những điều qui định của Hiến pháp do chính đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng.
Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và có trách nhiệm lãnh đạo nhà nước, xã hội (Hiến pháp 2013), phải thực thi trách nhiệm của mình.
Ngày 12 tháng 3 năm 2022
Các tổ chức dân sự đồng ký tên:
1. Lập quyền dân: Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện
2. Ban vận động Văn đoàn Độc lập: Nguyên Ngọc, nhà văn, đại diện.
3. Diễn đàn Xã hội Dân sự: Nguyễn Quang A, Tiến sĩ tin học, đại diện
4. Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Nguyễn Đình Cống, Giáo sư khoa Xây dựng, đại diện
5. Diễn đàn Bauxite Việt Nam: Phạm Xuân Yêm, GS Vật lý, Paris và GS Nguyễn Huệ Chi, GS Ngữ văn, Hà Nội, đại diện
6. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Võ Văn Thôn, nguyên GĐ sở Tư pháp TP HCM đại diện
7. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ : TS Hà Sĩ Phu đại diện .
8. Câu lạc bộ Hoàng Quý: Hoàng Đức Kiên, cựu chiến binh, đại diện.