(Dân trí) - Sau hơn 1.000 ngày được di chuyển tới đền thờ Trần Hưng Đạo, lư hương thờ Đức thánh Trần đã được đưa về lại vị trí cũ tại Công viên Mê Linh.
Những ngày nửa cuối tháng 2 năm 2019, không ít người dân TPHCM cùng du khách cảm thấy có phần bất ngờ khi khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh, quận 1, bỗng trở thành công trường. Lư hương để người dân thắp nhang tưởng nhớ công lao Đức thánh Trần dưới chân tượng đài không còn ở vị trí cũ.
Thời điểm ấy, trên mạng xã hội, báo chí và dư luận xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận liên quan tới việc di dời một hạng mục gắn liền với công trình tượng đài Trần Hưng Đạo từ khi hoàn thiện năm 1967. Từ đó đến nay, thắc mắc của người dân, tranh biện của giới nghiên cứu cùng lời giải thích từ phía nhà chức trách vẫn chưa tìm được điểm chung.
Sáng 17/3, sau nhiều tháng thực hiện cải tạo, chỉnh trang, khu công viên Mê Linh và tượng đài Trần Hưng Đạo chính thức được ra mắt người dân TPHCM với diện mạo mới. Cũng tại lễ khánh thành, người dân thành phố đã được thấy lư hương thờ phụng Đức thánh Trần trở về vị trí vốn có trước đây.
Lư hương được đặt tại vị trí trước đây tại buổi lễ khánh thành dự án chỉnh trang Công viên Bến Bạch Đằng và Công viên Mê Linh sáng 17/3 (Ảnh: Ip Thiên). |
Vì sao TPHCM di dời lư hương Trần Hưng Đạo?
Năm 2018, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã báo cáo UBND TPHCM về thực trạng tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng tại quận 1 và xin ý kiến chỉ đạo tu sửa, tôn tạo. Theo đó, tượng đài Trần Hưng Đạo tại Công trường Mê Linh có lịch sử hình thành gắn với người dân TPHCM và đã xuống cấp, cần tu sửa nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp cảnh quan khu vực trung tâm thành phố.
Tháng 1 năm 2019, UBND TPHCM đã đồng ý giao UBND quận 1 sửa chữa, tôn tạo công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và tượng đài Thánh Gióng. Chính quyền địa phương quản lý, khảo sát, kiểm định và tu sửa, tôn tạo công trình theo đúng quy định. Sở VH-TT chịu trách nhiệm phối hợp các đơn vị để hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn.
Ngày 17/2/2019, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo được căng dây và dựng biển "công trường đang thi công". Thời điểm ấy, người dân TPHCM cũng ngạc nhiên và bất ngờ khi tượng đài không còn nằm ở vị trí vốn có.
Công viên Mê Linh và tượng đài Trần Hưng Đạo xuống cấp trước khi được trùng tu (Ảnh: Hải Long). |
Chỉ vì câu nguyền của Hưng Đạo đại Vương: "Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa" mà chính quyền lo sợ làm phật ý Tàu nên tìm cách xóa lư hương nhằm hạ thấp ý nghĩa của tượng đài. Bí thư quận 1 Trần Kim Yến thú nhận ý muốn xóa lư hương của lãnh đạo khi tuyên bố: "Việc di dời lư hương là điều bình thường do tượng đài là khu vực công cộng. Việc đặt lư hương tại đây thờ phụng, tạo không gian tâm linh là chưa phù hợp".
Do dư luận phẫn uất, lại nữa do Tàu ngang nhiên tăng cường quấy rối ở Biển Đông làm chính quyền mất mặt nên đành trả lại lư hương.
Cứ nói lý do hưu vượn đi, người ta đều biết cả đấy!
BBT Dân Quyền
Một ngày sau đó, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, thông tin, địa phương này đang tiến hành tu sửa, tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo. Lư hương nằm tại đây được di chuyển về đền thờ Đức thánh Trần (số 36, đường Võ Thị Sáu). Việc di chuyển sẽ hoàn tất vào ngày 20/2.
Trước những ý kiến trái chiều thời điểm ấy, Bí thư quận 1 cho rằng, việc di dời lư hương là điều bình thường do tượng đài là khu vực công cộng. Việc đặt lư hương tại đây thờ phụng, tạo không gian tâm linh là chưa phù hợp.
"Địa điểm tượng đài Trần Hưng Đạo là một trong những nơi thể hiện sự phát triển, bộ mặt du lịch của thành phố", bà Trần Kim Yến nêu quan điểm.
Mặt khác, việc chuyển lư hương về đền, một khu vực tâm linh sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân đến tưởng nhớ. Bên cạnh việc di chuyển lư hương, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo cũng sẽ được sửa sang, dọn dẹp.
Người dân thành phố mong muốn gì?
Tháng 11 năm 2021, UBND quận 1 đã tổ chức lấy ý kiến người dân về phương án thiết kế, chỉnh trang Công viên bến Bạch Đằng và khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo. Việc tiếp nhận ý kiến được thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận 1 (45-47 Lê Duẩn, phường Bến Nghé).
Phương án thiết kế, chỉnh trang 2 công viên này được trình bày bằng màn hình chiếu đoạn phim giới thiệu kết hợp trưng bày một số hình ảnh màu của phương án tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Người dân có thể góp ý trực tiếp vào sổ góp ý.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết người dân đều đồng tình và vui mừng khi trong phương án thiết kế mới, hình ảnh của lư hương đã xuất hiện tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo như trước đây. Cư dân sinh sống tại quận 1 mong muốn, thành phố sớm thực hiện việc chỉnh trang, tu sửa khuôn viên Công viên Mê Linh để họ có nơi thưởng lãm, vãn cảnh và tưởng nhớ Đức thánh Trần.
Theo đoạn phim giới thiệu về phương án chỉnh trang, thiết kế, công viên Bạch Đằng sẽ kéo dài từ cầu Khánh Hội đến đường Đồng Khởi với nhiều mảng xanh, bến tàu. Còn công viên Mê Linh được cải tạo, thay đổi màu sắc phần chân của tượng đài Trần Hưng Đạo. Trong phối cảnh mới, có hình ảnh chiếc lư hương được đặt phía trước tượng đài.
Những ngày đầu tháng 3, các công nhân thi công tại khu vực công viên Mê Linh đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp ngày khánh thành. Những công trình phụ trợ, bức phù điêu dưới chân tượng đã cơ bản được hoàn thiện. Tuy nhiên, người dân thành phố khi đó vẫn chưa biết rõ, chiếc lư hương đã được di dời có xuất hiện tại vị trí cũ một lần nữa hay không.
Lư hương tại tượng đài Đức thánh Trần có từ bao giờ?
Theo một số tài liệu cũ, tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt ở công viên Mê Linh vào năm 1967. Tượng đài là tác phẩm của nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác trong một cuộc thi được tổ chức thời điểm ấy.
Tượng Hưng Đạo đại Vương được dựng lên bằng bê tông cốt thép, cao khoảng 4 m, được đặt trên đế 3 cạnh cao 12 m. Tượng theo nguyên mẫu thiết kế là vị Đại tướng trong y phục võ tướng, một tay tì lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống sông và nói: "Phen này nếu ta không phá xong giặc Nguyên, thề không bao giờ trở lại khúc sông này nữa".
Từ thời điểm năm 1967, nhiều bức ảnh tư liệu cũ cho thấy, chiếc lư hương đã được đặt dưới chân tượng vị tướng oai nghiêm. Người dân, du khách đến đây ngoài việc thưởng ngoạn vẻ đẹp sông Sài Gòn còn có thể chiêm bái, thắp nhang tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Trước khi thực hiện chỉnh trang, tu sửa, khu vực chân tượng đài bằng đá mài đã bị nứt, sụt lún, đèn chiếu tượng đài đã cũ, hư hỏng nhiều nơi và không đảm bảo cảnh quan. Hệ thống chiếu sáng Công viên Mê Linh, đèn trang trí và phun nước nghệ thuật cũng hư hỏng nhiều, lối đi công viên bằng gạch đã mất màu, xuống cấp, bó vỉa cũng bong tróc, nứt gãy.
Theo UBND quận 1, kinh phí khái toán cho việc chỉnh trang Công viên Mê Linh khoảng 29 tỷ đồng. Kinh phí cho việc sửa chữa, tu bổ tượng Trần Hưng Đạo ước khoảng 3,5 tỷ đồng.
Khi đi vào hoạt động, Công viên Mê Linh sẽ kết nối với cảnh quan Công viên Bến Bạch Đằng đến Cột cờ Thủ Ngữ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện dự án là trùng tu tượng Đức thánh Trần. Công tác trùng tu được nghiên cứu, tham vấn kỹ lưỡng bởi Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa cùng các chuyên gia đầu ngành.
Thứ năm, 17/03/2022 - 09:32